Hú em ai ?

Hè năm nay nhiều đứa bạn tôi dẫn gia đình đi du lịch khắp nơi, có lẽ do mấy đứa con tụi nó sàn sàn tuổi nhau, tức là ở tuổi từ giã mái trường, nên cha mẹ vớt vát chuyến du lịch chót với con trước khi chúng nó bắt đầu tập làm người lớn không còn

Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê …
(Đồng dao)

nữa rồi.

Trong đám du lịch „vớt vát“ này có một gia đình chọn Pháp, Ý với những viện bảo tàng nổi tiếng thế giới, riêng Florence mà còn có khoảng 60 cái viện bảo tàng lớn nhỏ rồi nói chi đến Paris, Rom. Đi đâu nó (bạn tôi, tạm gọi là „nó“ theo như đại danh từ nhân xưng ngôi thứ ba chỉ người … vắng mặt) cũng lần mò để tìm xem nước Văn-Lang ở mô tề.
Về nhà, chưa kịp hoàn hồn sau chuyến đi mòn đế giày, nó phải trả lời Email của tôi rằng „kiếm lõ con mắt mà chẳng thấy nước Văn-Lang đâu cả. Chẳng lẽ tất cả các nước trên thế giới hùa theo Trung-Quốc sửa sai lịch sử Việt-Nam, rồi cho vào viện bảo tàng của họ ? Xưa mình được dạy là nước Văn-Lang hồi 4000 trước lãnh thổ kéo dài lên đến tận phía nam sông Dương-Tử và phía nam Động-Đình-Hồ, đất đai ra đến tận biển Đông-Hải. Nhìn lại bản đồ trong các viện bảo tàng thì vào thời Xuân-Thu chỉ có 3 nước Sở, Ngô và Việt !!! Vua nước Văn-Lang là các vua họ Hùng. Nhìn trên bản đồ thấy mấy chục vua nước Sở đều là họ … Hùng. Một đằng là truyền thuyết mơ hồ vua Hùng và nước Văn-Lang mà mình cứ khư khư ôm giữ, một đằng là chứng tích các vua Hùng của nước Sở ở các viện bảo tàng và thư khố trên thế giới, bạn nghĩ cái nào đúng ?

Thảng thốt.
Vậy là sao ? Vậy là sao ? Nước của chúng ta thời khai thiên lập địa thật ra là ở mô tề ?

Nó điềm tĩnh viết Email tiếp:
Nước của chúng ta thời khai thiên lập địa là thời … Xuân-Thu xưa lắc xưa lơ, từ miền bắc của Việt-Nam ngày nay trải dài đến phía bắc Động-Đình-Hồ và sông Dương-Tử, có tên là … Sở, là nước lớn nhất, hùng mạnh nhất trong Xuân-Thu Chiến-Quốc Thất-Hùng (hay gọi tắt là Chiến-Quốc Thất-Hùng) gồm: Tần, Tề, Sở, Ngụy, Triệu, Yên và Hàn. Sở là một nước chư hầu có từ hồi Tây-Chu. Sau đó là thời Đông-Chu chia là 2 giai đoạn: Xuân -hu (Spring Autumn Period) gồm gần 100 nước chư hầu của Đông-Chu và kế tiếp là Chiến-Quốc (Warring State Period) gồm 7 nước được gọi là Chiến-Quốc Thất-Hùng. Cuối thời Chiến-Quốc Sở bị Tần diệt, rồi Tần bị Hán diệt. Xuân-Thu Chiến-Quốc chỉ thời đại Đông-Chu các nước lớn nhỏ đánh nhau để tranh ngôi bá. Bộ sử thi Đông-Chu Liệt-Quốc chính là nói về hai thời kỳ này.
Trước 1975 nhà tui có một cuốn sách cổ xưa mà tui nhớ tác giả là một học giả người Việt gốc Hoa, tên Vương Hồng Trực, không biết có họ hàng gì với Vương Hồng Sển không, viết về gốc gác của các tộc Việt, có cả một chương viết về nước Sở. Sách do đánh máy và quay ronéo nên giấy vàng khè, bìa chỉ là giấy màu hồng chữ đen đóng lại bằng chỉ cotton chứ chưa có đóng gáy như bây giờ. Sau 75 nhà tui đem đốt hết một số sách vì sợ bị bắt tội tàng trữ sách báo Mỹ Ngụy. Mà phải chờ tối mang sách lên ruộng nhà ở An-Nhơn đốt chung với lá, vừa đốt vừa tiếc. Có những cuốn sách cổ nói về các nước Sở-Ngô-Việt và vùng đất Quảng-Phúc-Chiết, tạp chí Nam-Phong, Thằng Bờm … Vài năm sau xuống chợ sách cũ ở đường Đặng thị Nhu gần ga xe lửa kiếm lại sách mình từng đốt thì kiếm không ra. Thời đó đọc cho biết nhưng không tin tổ tiên mình có nguồn gốc từ Sở-Ngô-Việt vì cứ đinh ninh nước của tổ tiên mình là Văn-Lang.

Tui nhớ cuốn sách đó nhắc đến hơn trăm tộc Việt, mà mình thường gọi chung là nhóm Bách-Việt. Bây giờ ở Việt-Nam xác nhận là có 54 tộc Việt mà mình gọi là đồng bào thiểu số, tức là 50 tộc đã biến mất, hay vẫn còn ở bên 3 tỉnh Quảng-Phúc-Chiết và bị buộc phải dùng ngôn ngữ thống nhất là tiếng Quan-Thoại, tức là tiếng Mãn-Châu, Mandarin (關 = quan = cửa ải = bên kia biên giới, 話 = Thoại = ngôn ngữ, Quan-Thoại = ngôn ngữ phía bên kia biên giới, vì Mãn-Châu lúc xưa là Đại-Kim, rồi Đại-Thanh, phía bên kia biên giới của nhà Minh). Còn bên Tàu xác nhận họ có 50 tộc thiểu số không phải tộc Hán, trong đó đa số là các tộc Yue (Việt).
Nếu cộng 50 tộc bên Tàu và 54 tộc Việt ở bên Việt-Nam thì vừa vặn trùng hợp với con số mà cụ Vương Hồng Trực ước tính. Đồng bào sắc tộc ở Việt-Nam nhiều lắm: Thái, Mèo, Mường, H’Mông, Mông, Lô-Lô, Nùng, Ê-Đê, Xơ-Đan, Cơ-Tu, Gia-Rai, Hà-Nhì, Ba-Na, Chơ-Ro … gồm hai chủng nguyên thủy là Thái và Việt. Mình gọi dân mình là người Kinh để phân biệt với người Thượng là đồng bào Việt thiểu số ở cao nguyên. Chủng Thái có nhiều tiểu chủng Thái, đa số là các chủng đẹp, một số nhỏ có bề ngoài không đẹp. Chủng Việt cũng có nhiều tiểu chủng, và ngược lại với chủng Thái, đa số có hình dạng không bắt mắt nhưng thiểu số thì đẹp.
Người Kinh, theo ý kiến của cụ Vương Hồng Trực, là sự kết hợp giữa các tiểu chủng đẹp của Thái và Việt. Đại khái những ý kiến có vẻ như trái ngược những gì mình học trong trường, và có lẽ cũng chính vì vậy mà chả có nhà xuất bản nào nhận đăng, cho nên cụ Vương Hồng Trực phải tự đánh máy quay ronéo, tự đóng bìa phát hành (cái này cũng do mấy ông bạn của ba tui đoán chứ thực tế như thế nào thì mình cũng không biết được). Tuy nhiên trải qua mấy ngàn năm các chủng Việt ở trên cao nguyên bây giờ cũng đẹp dần ra, giống như đám con nít thế hệ sau của mình đẹp mê hồn, nếu đem so với ông bà mình chừng hơn 100 năm trước khác nhau một trời một vực.
Bây giờ ra nước ngoài có dịp tìm hiểu và đi viếng các viện bảo tàng nổi tiếng thì tìm hoài chẳng thấy nước Văn-Lang mà chỉ thấy Sở-Ngô-Việt. Mà nói thiệt, nếu thật sự tổ tiên mình là Sở-Ngô-Việt thì cũng chả có gì xấu cả.“

An ủi. Tổ tiên mà xấu thì làm sao có được hậu duệ đẹp như mình ?

Nó đánh máy tiếp:
Đúng đó. Tui nhớ trong cuốn của cụ Vương Hồng Trực có đề cập đến người trung nguyên như Tề, Ngụy, Yên Hàn … thích mặc y phục màu trắng, giống Tiểu Long Nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp (chú thích: bộ truyện chưởng mà „tôi“, không phải „nó“, khoái nhất trong số các truyện của Kim Dung). Tần ở tuốt trong Ba-Thục thích mặc nâu. Sở và Triệu thích mặc vải đen. Riêng dân Sở lại thích dệt vải thổ cẩm sặc sỡ, rồi may lên y phục các miếng thổ cẩm đó như là fashion design, United Colors of … Benetton thời nay, cho nên mới bị người Tề ở trung nguyên chê là mặc „bách kết y“ (ráp nhiều miếng vô) hay „tạp y“ (nhà quê, ăn mặc không thanh tao, xin xem bài Ba Tàu và Câu-Tiễn-Kiếm). Người trung nguyên thích mặc màu trắng, có thể là vì mặc áo dệt từ tơ tằm mà tơ màu trắng rất khó nhuộm màu, và vào thời đó kỹ thuật nhuộm tơ còn phôi thai, cho nên không thích mặc màu trắng cũng phải mặc vì … Tiểu Long Nữ chưa xuống núi học nghề nhuộm.
Người Thái và Việt mặc vải xúc, dệt từ sợi cây gạo và các cây nhiệt đới rồi nhuộm chàm (nhuộm chàm màu đen để tăng độ bền cho vải), các màu nhuộm là khoáng tố trong lòng đất (khi họ rèn đồng thau) và cây cỏ. Rồi họ xăm mình, nhuộm răng đen, móng tay móng chân cũng nhuộm, nhuộm tứ lung tung. Thổ cẩm là những tấm vải dệt đủ hình hoa văn, đủ màu sắc, dệt rất công phu.  Họ đem thổ cẩm may đắp lên viền ống tay, viền váy, bâu áo, xà cạ …. để hình thành những bộ trang phục rực rỡ, cầu kỳ thiết kế theo tín ngưỡng văn hoá dòng tộc của họ. Cho nên hình thành một bộ trang phục mắc tiền chứ không phải rẻ. Vào thời đó, Sở là nước có cương thổ rộng lớn nhất trong Thất-Hùng, dân giàu có, còn Tần thì nghèo kinh khủng, cho nên mới có câu: Làm quan nước Tần còn thua làm dân nước Sở (Tần Quan Khả Bì Sở Dân). Giờ nhìn lại y phục của đồng bào thiểu số mới thấy quần áo của họ nền đen là chính, còn thổ cẩm viền ống tay ống chân là may vào thêm cho sặc sỡ. Sở dĩ các sắc tộc đó còn giữ được trang phục truyền thống vì có tín ngưỡng văn hóa trên trang phục. Khăn, nón, áo, váy, quần và các hoa văn trang trí trên thổ cẩm đều mang những ý nghĩa tín ngưỡng trong văn hóa dân tộc.  Trong số này dân tộc Mông, H’Mông, Lô Lô và Hà Nhì ăn mặc lòe loẹt nhất. Có lẽ các tộc này là đại diện cho dân Sở ngày xưa.

Trẻ em người H’Mông

Tối nằm vắt tay lên trán trăn trở với câu hỏi „Hú em ai ?“. Tôi là em của ai ? Hậu duệ của ai ? Gốc gác từ đâu ra ?
Who am I ? Who am I ? Who am I ?
Trong giấc mơ thấy giấy khai sinh của tôi với tên „Sở Dục Hùng“ được trưng trong tủ kiếng tại viện bảo tàng Louvre, bên cạnh Mona Lisa.

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s