Chuyện thằng Hòa Bao Tử

Thằng Hòa Bao Tử cỡ 13-14 tuổi.
Ở ngoài đời nó chuyên đi ăn cắp đồ phụ tùng xe gắn máy, nhiều nhất là bộ phận thông hơi của máy xe gắn máy bằng cao su màu đen có hình dạng giống như cái bao tử người, bởi vậy nên có biệt danh là Hòa Bao Tử. Một băng của nó hoạt động khoảng 7-8 thằng nhóc, băng này bị bắt vô trại giam, mấy tên Đại Bàng nhận tụi nó làm đệ tử, được gọi là Se Sẻ ăn theo đám Đại Bàng. Khi bị đưa lên nông trường thì bị những người đi cùng chuyến từ trại giam lên tố cáo. Luật của nông trường là ngày đầu tiên nhập nông trường, tất cả những người mới lên được cho ngồi ngoài sân đá banh chờ làm thủ tục hành chánh và bảo vệ khám xét hành trang cá nhân coi có dấu tiền hoặc đem theo xì ke. Cùng lúc đó thì những người là Đại Bàng hay Se Sẻ phải tự giác đứng ra nhận hành động của mình ở trại giam, sau đó sẽ bị phạt đánh bằng roi cá đuối (roi là đuôi của cá đuối, có gai nhỏ, quất vô là rách thịt, chảy máu liền) hoặc có khi bị những người đã từng bị ăn hiếp khi ở trại giam đánh trả thù theo lệnh của bảo vệ gọi là luật “Cá ăn kiến, kiến ăn cá“.  Sau khi bị phạt đòn thì đưa về ở đội kỷ luật bị quản lý chặt chẽ hơn thêm một thời gian rồi mới đưa về đội lao động bình thường.
Đám thằng Hòa bị đánh mỗi thằng 10 roi dưới sự chứng kiến của tất cả mọi người. Mấy đứa đồng bọn của nó khi mới bị một, hai roi đầu là đã than khóc, xin tha. Riêng thằng Hòa cắn răng chịu đựng, không nói một lời. Tôi chú ý ngay dến nó liền, mỗi một roi chân nó khụy xuống nhưng rồi nó cắn răng, mím môi đứng lên chứng tỏ bản lãnh gan lỳ của nó cho nên tôi „kết“ nó liền vì tính lỳ lợm đáng nể của nó. Sau khi bị đánh thì cả đám được đưa đi ra bờ sông tắm để rửa vết thương chảy máu. Nước sông ở Duyên Hải là nước lợ, có nhiều muối nên chạm vào rất xót, nhưng vì thế nên mau lành. Khi thủ tục hành chánh đã xong thì số người mới lên được chia đều cho các đội. Tôi muốn nhận thằng Hoà làm đệ tử nhưng muốn hù nó thêm, coi bản lãnh nó cỡ nào nên đang đêm cỡ 1 – 2 giờ sáng, tôi sai người qua đội thằng Hòa đang ở, kêu:
– Thằng Hòa Bao Tử đâu ? Qua bên Bảo Vệ làm việc.
Ai đã từng ở trên những trại lao động nông trường đều biết khi mình được nghe lệnh này là „đời tàn trong ngõ hẹp“ rồi. Nó có một cái gì đó khủng khiếp, kinh hoàng, và là nổi ám ảnh của tù nhân lao động. Bạn cứ tưởng tượng trong đêm khuya thanh vắng, dưới ngọn đèn dầu leo lét, bạn phải đối diện với công an hoặc giám đốc và trưởng hay phó Ban Bảo Vệ để trả lời những câu hỏi về một vấn đề gì đó bị nghi ngờ, chung quanh là 4-5 tay bảo vệ mặt mũi bặm trợn, cô hồn, sẵn sàng đánh những đòn không thương tiếc cho tới khi đạt được mục đích. Bởi vậy thằng Hoà có nghe tù cũ ở đây nói về vụ đi qua „Căn Nhà Màu Tím“ (vì vô đó thế nào cũng bị đánh thâm tím mặt mày) làm việc nên nó sợ xanh mặt, líu ríu đi theo tên bảo vệ.
Tôi kêu nó ngồi đối diện với tôi, chung quanh 4 góc là 4 tên bảo vệ mặt mũi bặm trợn đứng khoanh tay chờ lệnh. Tôi hỏi nó về gia cảnh và lý do vì sao bị bắt.
Nó kể là nhà 6 anh em, nó lớn nhất, ba nó bỏ má nó và tụi nó. Nhà quá nghèo, má nó mượn vốn người ta đi bán vé số, nó ở nhà giữ em, có hôm bị giựt mất hết vé số, cụt vốn, thêm nợ nần, xoay sở kiếm sống nuôi 6 đứa con rất là chật vật. Là anh lớn nó muốn giúp mẹ nó nhưng xin đi làm không ai muớn vì nhỏ quá, đói ăn vụng, túng làm liều, nó đành đi ăn cắp đồ phụ tùng xe gắn máy để bán lấy tiền nuôi em phụ má nó.

Nghe hoàn cảnh như vậy tôi không muốn hù nó như ban đầu dự dịnh nữa, tôi chỉ hỏi nó:
– Mày bị đánh đau như vậy mà không khóc như mấy đứa kia hả ?
Nó trả lời tỉnh bơ:
– Có sức chơi, có sức chịu, khóc cái gì.
Tôi hỏi nó:
– Mày muốn qua đây ở với tao không ?
Chỉ cần mày hứa là không được lợi dụng chuyện đi lại thoải mái rồi trốn trại. Mà tao cho mày biết, những người khác có trốn trại thì tao mặc kệ, nhưng nếu mà mày trốn trại thì tao hứa là chân trời góc bể nào tao cũng lôi đầu mày về đây lại vì mày dám lợi dụng sự chân thành của tao mà bội tín, mày hiểu chưa ? Nếu như mày ngoan ngoãn ở đây với tao, phụ giúp tao trong công việc, mà mày làm tốt thì sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, tao còn có thể ký giấy cho mày về phép thăm má với em mày nữa.
Nó trả lời:
– Nếu anh thương em cho em qua ở với anh, em xin hứa sẽ không phụ lòng tốt của anh, em xin thề !
Thế là sau hôm đó thằng Hòa bắt đầu qua ở với tôi mà một thời gian sau tôi cũng không ngờ là mình đánh giá nó quá thấp. Tôi chỉ tưởng là nó lỳ thôi, nhưng đầu óc của thằng nhóc 13-14 tuổi siêu việt hơn tôi nghĩ nhiều. Vì nó là đệ tử cưng của tôi nên từ đó nó là một „Ông Trời Con“, đám lính bảo vệ thằng nào cũng ngán đụng đến nó. Nó còn dám sai khiến một vài tên lính bảo vệ đi làm việc riêng cho nó nữa. Chuyện kế tiếp của thằng Hòa mà tôi sắp kể là những chuyện mà một thời gian sau cũng gần một năm tôi mới biết vì tôi ỷ y nó chỉ là thằng con nít 13-14 tuổi. Sau khi về ở với tôi thì thằng Hòa có nhiều tự do và điều kiện để bắt đầu làm ăn kiếm tiền, mà khi tôi biết ra, tôi và mọi người phải thán phục.
Đầu tiên nó có nhiều thì giờ rảnh vì không phải làm gì cả khi mọi người trên nông trường bị bắt buộc đi ra ngoài làm lao động. Nó rủ thêm một tên bảo vệ ra ngoài chu vi nông trường để bắt cá, tôm, cua và các loại hải sản khác. Đem về, nó đưa cho mấy chị bảo vệ, nhờ mấy chị chia ra và làm thành món mặn, một phần cho tôi và nó ăn cơm, một phần nhỏ khác cho chị bảo vệ nào làm dùm mấy chuyện này gọi là để trả công, còn phần lớn nhất nó nhờ người đó kho dùm hoặc làm món mặn như tôm rang, cá kho, thậm chí canh chua chẳng hạn, rồi nó đem đến chào hàng, bán cho những người ở đội lực lượng có tiền do người nhà gửi trên nông trường để những người đó có món ăn thêm trong bữa ăn hàng ngày.
Luật của nông trường là không một đội viên lực lượng nào được quyền giữ tiền. Tất cả mọi người, nếu có tiền, lúc mới nhập trại ngày đầu tiên đều phải khai báo và nộp cho thủ quỹ của nông trường. Chị này vừa là phó trại vừa là thủ quỹ. Khi nào muốn mua nhu yếu phẩm hay uống cà phê ở quán cà phê của nông trường thì nhờ tổ trưởng dẫn lên gặp chị để làm giấy tờ trừ tiền ra. Chị chưa có chồng con, gặp thằng Hòa khôn lỏi gọi bằng „Má“ nên mê tít, cưng nó, coi nó như con. Vì thế khi nó bán món ăn mặn của nó cho người nào thì nó dẫn người đó tới gặp chị, hoặc có khi chị theo nó xuống tận nơi giao thẳng tiền mặt cho nó rồi người mua ký giấy xác nhận. Thằng Hòa còn dám bán thiếu cho những khách hàng quen thuộc của nó, khi tới ngày thăm nuôi thì người nhà của người đó đem tiền lên trả cho thằng Hòa. Nó bán cho cả đội nam và đội nữ.
Lúc có chút vốn, nó bắt đầu đi ra chợ nổi của người dân địa phương tụ tập mua bán trên sông, cách nông trường không xa nhưng phải chèo ghe ra đi chợ. Nó bỏ tiền ra mướn một thằng bảo vệ biết chèo ghe để đưa nó đi. Trước khi đi, nó đến từng đội hỏi xem khách hàng của nó cần mua gì, nó ghi vô cuốn sổ, sau đó nó đi ra chợ mua, rồi về bán lại với giá gấp rưỡi hay gấp đôi tùy theo mặt hàng. Nhiều khi có nhiều nhưng nó nói hàng khan hiếm rồi nâng giá … chặt khách hàng. Ngoài ra nó còn mua gương, lược, kim chỉ và những đồ phụ tùng của bên nữ về để bán cho khách hàng nữ.

Source: http://www.ignaziocorrao.it/vietnam-le-multinazionali-ce-ne-freghiamo-dei-diritti-umani/

Tôi thì bận rộn cả ngày, tối về sau khi họp hành xong tôi hay lang thang xuống các đội chơi với một số bạn bè hoặc tụ tập đàn hát nên ít có thì giờ để ý tới thằng Hòa. Còn nó thì ngoài những việc lặt vặt tôi giao cho nó làm hàng ngày, còn lại nó lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ cho tôi. Tôm cá, hải sản nó đi bắt về giao cho chị bảo vệ có nhiệm vụ nấu cơm cho tôi với nó. Đến giờ ăn thì nó bưng lên, dọn sẵn sàng, rồi đi mời tôi về ăn cơm. Giường chiếu, mền gối tôi nó xếp ngay ngắn và giữ sạch sẽ. Cứ thỉnh thoảng nó bỏ tiền mướn một chị bảo vệ ra bờ sông giặt, phơi chiếu. Còn gối, mền mùng của tôi thì giặt bằng nước ngọt và xà bông thơm của Mỹ nên lúc nào cũng thơm phức.
Đến một hôm, nó xin tôi được về thăm má nó vài ngày nhân dịp có một vài người bảo vệ được về phép cho nó đi cùng. Tôi đồng ý, ký giấy cho nó về phép để nó cầm trình lên địa phương. Nó nói cám ơn rồi về lục tục thu dọn đồ đạc. Tôi thấy nó lôi ra một bọc to tướng để chung với ít quần áo. Tôi hỏi:
Cái gì trong bọc vậy Hòa ?
Nó hớn hở trả lời
– Dạ, tiền em làm ăn ở đây kiếm được, giờ em đem về cho má nuôi mấy đứa em của em.
Tôi ngỡ ngàng hỏi nó:
Làm ăn ? Mà mày làm ăn cái gì trên nông trường này mà có nhiều tiền dữ vậy ?
Nó nói:
– Ủa anh hổng biết gì hết hả ?
– Biết cái gì ? Tao đâu biết cái gì, mà tiền ở đâu ra mày nói tao nghe coi .
Lúc đó nó mới kể cho tôi nghe nó bắt đầu làm ăn ra sao, làm tôi phải thán phục cái đầu óc kinh doanh của thằng nhóc 13-14 tuổi. Tôi hỏi nó
– Mày bán thiếu cho người ta rủi tụi nó quỵt mày rồi sao ?
Nó cười hề hề rồi nói:
– Lo gì chuyện đó, có anh, có Má Tâm, đố ông nội thằng nào, con nào dám giựt tiền của em. Thằng Hòa làm kinh doanh theo kiểu của nó ở đó cho tới khi được tha về vì còn nhỏ nên được mãn hạn sớm. Tôi không biết là nó kiếm được bao nhiêu, nhưng nó nói tháng nào nó cũng nhờ người đem tiền về cho má nó. Sau khi về, thỉnh thoảng nó theo ghe nông trường chở người đi thăm nuôi lên thăm tôi và những người trong đội bảo vệ. Một thời gian sau không thấy nó lên nữa. Tôi đoán là nó lại bị bắt ở đâu đó. Nhưng khi tôi được tha về, tìm đến địa chỉ mà nó đưa cho tôi thì nghe hàng xóm nói má nó vì đời sống quá khó khăn và phần cũng không muốn nó trở thành kẻ hư hỏng để bị bắt nữa nên dẫn anh em nó về quê ở Sóc Trăng.
Từ đó tôi không còn gặp lại nó nữa. Về sau tôi cũng có gặp một số thằng trong băng cũ của nó, làm ăn quanh khu vực Lăng Cha Cả và chợ Tân Bình, nhưng hỏi tụi nó cũng không biết tin tức gì của thằng Hòa. Tôi không biết bây giờ nó làm gì, có còn sống không, nếu cứ tiếp tục cuộc sống giang hồ.
Tôi nhớ hồi đó tôi dạy cho nó hát bài „Em sẽ là mùa Xuân của Mẹ“ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nó còn con nít nên giọng trong và cao như con gái. Sau này hễ tình cờ nghe lại bài này tôi đều nhớ tới nó.
Nicholas Đặng – Tháng 12 / 2017

***

Đây là một phần hồi ký của thằng bạn tôi, kể lại thời nó bôn ba đi vượt biên không thoát, bị bỏ tù chung với dân du đãng, bụi đời, nghiện xì ke, rồi bị bắt đi lao động ở nông trường Duyên Hải, Cần Giờ.
Chuyện của nó chính xác với thực tế hơn các truyện của Duyên Anh như „Trần Thị Diễm Châu“, „Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang“, vì là hồi ký viết lại chuyện thật, còn Duyên Anh ngày xưa dựa vào chuyện thật rồi tiểu thuyết hóa cho lâm li bi đát.
Khi đọc đến khúc thằng Hòa Bao Tử vì nghèo túng làm liều „đi ăn cắp đồ phụ tùng xe gắn máy để bán lấy tiền nuôi em phụ má nó“, tôi chợt nghe có chút gì đó xót xa cho thân phận một đứa bé thông minh, tháo vát, có trách nhiệm, đầy tình cảm, chỉ vì hoàn cảnh khốn khó đưa đẩy nó ra khỏi cuộc đời được làm người lương thiện.

Warren Buffet xuất thân sang giàu. Cha ông, Howard Buffet, là nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ và là người thành lập công ty đầu tư chứng khoán Buffet-Falk & Company. Warren Buffet tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế. Ông được xếp hạng người giàu thứ 3 trên thế giới với gia sản hơn 80 tỷ đô-la, chỉ thua Jeff Bezos (hạng 2) – người sáng lập Amazon – và tỷ phú Bill Gates.
Buffett tặng 85% tài sản của mình cho các quỹ từ thiện, phần lớn là quỹ „Bill & Melinda Gates“.
Tháng 6 năm 2010, cùng với Bill Gates, ông phát động chiến dịch „The Giving Pledge“ (Lời hứa ban tặng), kêu gọi người giàu nên tặng tiền cho hoạt động từ thiện. Vào tháng 8 năm 2010, 40 nhà tỷ phú đã tham gia chiến dịch này.

Source: Mark Hirschey – Work of Mark Hirschey, CC BY-SA 2.0

Nếu thằng Hòa Bao Tử có cơ hội được học hành đến nơi đến chốn, tôi không biết nó có trở thành Warren Buffet phiên bản Việt hay không, nhưng một điều tôi chắc chắn rằng bí danh „Hòa Bao Tử“ của nó sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Hinterlasse einen Kommentar