Chương II: Hi sinh vô giá

Mẹ tốt nghiệp Tú tài vào năm 1986, với điểm trung bình là 1,8, và ghi tên vào Đại học Kỹ thuật Braunschweig, chọn ngành Informatik, môn phụ là Toán. Mẹ vay tiền học của chính phủ (BaföG), không phải trả tiền lời, 5 năm sau khi ra trường mới phải hoàn lại với mức tối thiểu là 200 Đức mã mỗi tháng.

Mẹ tốt nghiệp kỹ sư sau 9 Semester, điểm trung bình là 2. Mẹ thi vấn đáp 3 môn Database, Technical Computer Science, Robotic, thi viết môn mẹ ưa thích nhất  môn Toán. Tổng cộng tiền vay nợ là 39.692 DM Do mẹ ra trường sớm hơn thời hạn cho vay trung bình là 10 Semester, nên được bớt 5.000 DM. Mẹ đã cố gắng rất nhiều để lọt vào số 30% sinh viên tốt nghiệp với số điểm cao nhất, nhưng bị vướng mắc ở môn Robotic. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn nghĩ rằng một phần do vị giáo sư môn này nổi tiếng có thành kiến với phái nữ học ngành kỹ thuật, mà mẹ thì ngang bướng, nhất định quả quyết nếu mẹ đủ khả năng thì ông ta không thể phủ nhận điều đó được. Ngoài ra, mẹ muốn sau khi ra trường xin vào làm việc cho hãng xe hơi Volkswagen ở gần nhà, nên Robotic là môn cần thiết. Sinh viên trẻ, não non, sừng cứng, đâu thể đương đầu với giáo sư khi ông chỉ cần hỏi một câu mà thí sinh không trả lời được là đủ tiêu chuẩn để đánh rớt hoặc cho điểm thấp, người viết biên bản buổi thi không có trách nhiệm phải ghi lại chi tiết nội dung mà chỉ cần tóm tắt … „không trả lời được“, quyền sinh sát hoàn toàn nằm trong tay vị giáo sư. May mà ông ấy không chấm rớt mẹ, chỉ không cho điểm cao thôi, nên mẹ không được bớt tiền vay nợ thêm 5.000 DM nữa. Lúc bắt đầu đi làm có lương, mỗi tháng mẹ trích ra 1.000 DM để dành, đến khi BAföG gởi thơ đòi tiền, mẹ chọn phương án trả hết một lần thay vì trả dần mỗi tháng, nên được bớt hẳn một nửa số nợ, chỉ phải hoàn lại 20.641.74 DM (xem Phụ – BAföG).

Việc làm đầu tiên của mẹ là tại hãng sản xuất sắt thép Thyssen Stahl AG ở Duisburg, một trong những hãng lớn hàng đầu của Đức trong kỹ nghệ công nghiệp nặng. Mẹ chọn hãng này, một phần do họ trả lương hậu hĩnh, nhưng lý do chính là mẹ muốn rời xa thành phố gắn liền với cuộc tình kéo dài 7 năm của mẹ. Nó giống như một chiếc bình gốm cổ Trung Hoa, có màu sắc, hoa văn lạ mắt, nhưng ta chỉ có thể ngắm nghía nó trong chiếc lồng kính ở viện bảo tàng, muốn sở hữu nó, ta phải trả một giá rất đắt mà vẫn không chạm tay vào được, vì nó sẽ vỡ tan, bởi theo thời gian, chiếc bình gốm cổ đã mang nhiều vết rạn.

Lương tháng của mẹ là 5.453 DM, trừ thuế xong còn lại khoảng hơn 3.800 DM, tháng nào hết sạch tháng đó, có khi đến cuối tháng, trương mục còn bị số âm. Vì dọn đến Duisburg quá xa nhà, không quen biết ai, tan sở là mẹ ra phố đi lang thang đến khi tiệm đóng cửa, thích gì là mua ngay, không mảy may suy nghĩ. Cuối tuần, mẹ lái xe VW Golf – mua ở Wolfburg, nơi có „chợ trời“ bán những chiếc xe Volkswagen gần như mới tinh, do nhân viên làm tại hãng VW được mua với giá đặc biệt đem ra đây bán lại – đạp ga không thèm coi đồng hồ chỉ vận tốc, đi khắp mọi nơi.

Năm 1993, mẹ lấy bố của con. Do chỉ mẹ có lương đều đặn, hai vợ chồng rất cần kiệm.

Duisburg sống nhờ vào hãng sắt thép Thyssen Stahl, công nhân chiếm số đông dân số ở đây, nên khi bố của con vùng vẫy muốn mở quán ở thành phố lớn – vì đó là cách bố của con có thể kiếm tiền nhanh nhất – mẹ cuối tuần vào thư viện, đọc báo kiếm việc ở Düsseldorf, rồi photocopy lại các chỗ có đăng tìm nhân viên. Một bản sao thời đó chỉ 5 hay 10 Pfennig, trong khi một tờ báo có giá khoảng 1,5 DM, mẹ kể để con biết mẹ có thể thắt lưng buộc bụng nếu thấy cần thiết.

Hợp đồng tuyển dụng nhân viên, Thyssen Stahl, 1992


Năm 1994, mẹ được tuyển vào làm Project Manager của hãng hàng không LTU, mức lương khởi điểm là 6.950 DM, cùng 38 ngày nghỉ phép thường niên, bay LTU chỉ trả thuế vé, bay các hãng „bạn“ như Lufthansa trả 10% giá vé thôi, cùng nhiều ưu đãi khác.

Một trong những Project mà cho đến bây giờ mẹ vẫn bị dư hương của nó vây bủa là thời kỳ LTU dự định mua software Crew Management System (CMS) của Sabre, lúc đó đang được American Airline xử dụng. Chắc có một lần nào đó, nhân viên hàng không quên không ghi ngày mẹ rời khỏi nước Mỹ vào các dữ liệu thuộc về an ninh quốc gia cần lưu trữ để kiểm soát, nên những lần sau, mẹ luôn bị giữ lại ở phi trường từ một tiếng đồng hồ trở lên rồi mới được cho nhập cảnh sau khi trả lời đầy đủ các thắc mắc của nhân viên quan thuế. Do mỗi lần như vậy, đồng nghiệp đi cùng phải chờ đợi theo, đâm ra bực mình, họ đề nghị xếp cho mẹ hưởng chế độ ưu đãi: được mướn xe riêng khi qua Mỹ làm việc, xong thủ tục hải quan thì tự động một mình lái xe về khách sạn, khỏi làm phiền người khác. Nhân viên quan thuế thì khuyên mẹ nên xin visa nếu ra vô Mỹ kiểu đi chợ như vậy, nhưng vì cô thư ký xin visa loại C – C như … Chiêu đãi viên hàng không – thành ra mẹ lại bị ngoắc ra phỏng vấn ở phi trường, bởi mẹ đâu thuộc phi hành đoàn? Lại xin visa loại B, Business. Cũng bị chặn lại hỏi thăm sức khỏe tại sao có hai visa khác nhau? Nước Mỹ thật là khó tính!

Visa loại C, B

Hợp đồng tuyển dụng nhân viên, LTU, 1994


Kể từ đó, mỗi lần đi Mỹ giống như chơi xổ số, có lúc được đi qua, không ai thắc mắc gì, nhưng các bạn mẹ – nhất là Tata Chi, người đã từng thành hươu cao cổ vất vưởng ở phi trường LAX – không có gì ngạc nhiên nếu máy bay hạ cánh đúng lịch trình, còn mẹ, vài ba tiếng sau mới hiện diện.

Chỉ việc nhập cảnh có hơi bị „mất cảm tình“, chứ lúc làm việc ở LTU là khoảng thời gian huy hoàng nhất trong quá trình thăng tiến công danh sự nghiệp của mẹ. Do LTU là khách hàng „tiềm năng“ của Sabre, thành ra mẹ được bay hãng hàng không American Airline, First Class, ở khách sạn 5 sao, đi nhà hàng sang trọng, ăn thịt … cá sấu, kangaroo v.v. Mức lương cuối cùng của mẹ vào tháng 7 năm 2000 là 8.240,30 DM.

Bảng lương cuối cùng, LTU, tháng 7 năm 2000


Năm 1999, con ra đời, được 10 tháng thì mẹ đi làm trở lại. Bà ngoại đến ở chung để trông cháu. Tuy lúc đó con dần dần dùng sữa bột nhiều hơn, nhưng vẫn uống sữa mẹ bơm ra hằng ngày, để trong tủ lạnh. Có lẽ vì vậy, con rất ít đau ốm, không bị dị ứng, ăn ngon, ngủ khỏe, rất dễ nuôi. Nhưng mẹ đi làm ở Düsseldorf, cách Aachen gần 80 km, nhỡ có chuyện gì thì nhanh lắm là 45 phút mẹ mới về đến nhà, làm sao chăm sóc con cho trọn vẹn đây? Mẹ lại đi tìm việc khác để được ở gần con. Mức lương cao nhất mẹ có thể nhận ở Aachen là 6.000 DM, làm cho debis. Mẹ suy nghĩ rất nhiều vì đó là một bước lùi trong sự nghiệp của mẹ.

Hợp đồng tuyển dụng nhân viên, debis, 2000


Có những hi sinh tưởng chừng như là tất nhiên, cho đến khi ta đối diện với nó, mới thấy không dễ dàng tí nào!

Khi mẹ đọc tờ khai lý lịch của con viết để nộp đơn xin học bổng đại học, trong đó con giải bày „Em chọn một ngành nghề có tương lai để sự hi sinh của mẹ em không vô nghĩa“ , mẹ mới thấy cái cây mẹ gieo 15 năm trước là … vô giá, hỡi đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ!

Phụ lục – BAföG

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit Deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Twitter-Bild

Du kommentierst mit Deinem Twitter-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit Deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s