Suốt thời gian học ở Lê Quí Đôn, tôi nhớ tôi chỉ học nhạc với cô Liễu mà thôi.
Cô Liễu trẻ đẹp nhất trong ban giảng huấn ở trường Lê Quí Đôn. Tóc cô dài và uốn thành những lọn lớn quăn quăn nên nhìn cô thật là tân thời. Cô có khuôn mặt trái soan, người dáng mảnh mai, trông cô cứ như là nữ sinh nếu cô mặc áo dài trắng. Hồi đó, đám học trò chúng tôi hay kháo với nhau rằng thầy Tam Nhiều … „khoái“ cô, có lẽ vì phía bên nam giáo sư, thầy là người cao ráo, bảnh trai nhất. Có Thúy Kiều thì phải có Kim Trọng thì ông Nguyễn Du mới có … hứng mà làm thơ để làm … khổ con cháu đời sau phải học và phân tích „Đoạn trường … thất thanh“ của ông chớ. Nhất là thầy lại dạy môn hội họa nữa. Bên âm nhạc, bên hội họa, thật là tương xứng. Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò … Lũ Quỉ Đói. Xin thầy và cô tha thứ cho chúng em tội hỗn láo này.
Tôi vốn dốt về âm nhạc vì, khác với các bạn cùng lớp, đa số được cha mẹ cho đi học một nhạc cụ Âu Tây như Tuấn Hồ học accordeon, Quỳnh Anh học dương cầm, với những nốt nhạc nghe thật cao sang Do Re Mi, thì tôi học … đàn tranh Hò Xự Xang Xê Cống. Tuy nhạc lý cũng từa tựa như nhau (đàn tranh chỉ có 5 nốt, không có nốt Fa và nốt Si) nhưng cách học thì khác nhau vì đàn tranh là một loại đàn cổ truyền. Tân thời như cô Liễu thì đàn tranh của tôi làm gì có chỗ đứng? Điểm môn âm nhạc của tôi cũng … nghèo nàn theo luôn.
Trong các buổi lễ của trường như ngày khai trường, ngày bãi trường, hay có phần văn nghệ. Với các bạn khác như Tuấn Hồ mà hầu như lúc nào cũng có mặt „trên từng cây số“ với cây đàn accordeon trên vai trong các buổi trình diễn này thì tôi không biết sao, chứ đối với tôi, được lên sân khấu trình diễn là một vinh dự lớn. Tôi nhớ năm lớp bảy, tôi và Bích Quyên tập một bài múa „Con bướm vàng“ với hi vọng một lần trong đời được lên sân khấu. Hai đứa, với đầy tâm huyết, chế các điệu múa nửa tây theo kiểu múa ba lê, nửa ta theo kiểu múa … tùm lum, hì hục tự may cắt cánh bướm bằng những vải voile mỏng, trông thật …. có một không hai (dịch qua tiếng anh gọi là … individual character). Cánh được gài vào hai tay áo bằng kim băng, khi vẫy hai cánh tay thì hai cái cánh bướm nó phất phơ bay lên bay xuống thật là giống … người dơi.
Các màn văn nghệ đều phải qua sự xét duyệt của cô Liễu. Hôm đó tôi và Bích Quyên trình diễn thật xuất sắc, đám bạn đi theo cổ vũ đứa nào cũng xuýt xoa khen tụi tôi múa lạ mắt (chắc vì bị hai cánh … dơi làm chúng nó chóng mặt). Thế mà màn „Con bướm vàng“ của hai đứa chúng tôi vẫn không lọt vào mắt xanh của cô.
Mộng ước trở thành nghệ sĩ của tôi tan vỡ từ dạo ấy. Tôi ngoan ngoãn học toán lý hoá, văn sử địa, và hài lòng với điểm môn âm nhạc lúc nào cũng dưới trung bình của tôi.
Sau này, khi con tôi đem phiếu điểm về nhà mà môn âm nhạc là môn điểm kém hơn tất cả các môn khác (rút kinh nghiệm của mình, tôi cho nó đi học dương cầm để … đề phòng), mẹ tôi tỏ vẻ bất bình, hỏi nó là:
– Sao cháu bà học dương cầm giỏi như vậy mà cô không cho điểm tốt à?
thì tôi chỉ mỉm cười nhớ lại những kỷ niệm của tôi về môn này thuở còn đi học.