Ai là tác giả bài „Tiền và lá“?

Trong bài Blog „Dậy sao?“ tôi có trích thơ „Tiền và lá“, đề tác giả là Kiên Giang, dù nhiều giả thuyết cho rằng Nguyễn Bính mới là chủ nhân thật sự.
Tôi có tìm thấy một bài trên mạng mà trong đó nhà thơ Kiên Giang xác nhận bài này là của ông, Nguyễn Bính chỉ sửa vài chỗ thôi. Tôi không những „phen“ (fan) Kiên Giang với „Hoa trắng thôi cài lên áo tím“, mà tôi cũng phen „Tiền và lá“, tiền thì khỏi giải thích rồi, lá thì năm nào thu đến tôi đều ca cẩm:
Thu ơi thu đến làm chi?
Lá rơi, gió cuốn thổi đi phương nào ?

Nhiếp ảnh gia: Nicholas Đặng

Vì vậy tôi chong đèn đọc đi đọc lại
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra

để xem „dáng thơ“ ra sao, xem tiền của ai, xem lá của ai?
À, để độc giả có thể so sánh tôi xin đăng lại bài thơ với hai ghi chú khác nhau về tác giả nhé!

Kiên Giang Nguyễn Bính
Ngày thơ, hớt tóc „miểng vùa“
Ngày thơ, mẹ bắt đeo „bùa cầu ông“.
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
Đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào.
Đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời.
Anh moi đất nắn „tượng người“,
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem „người đất“ đổi tiền „lá rơi“.
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời!!!
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ lòng họp một mình tôi vui gì!
Tuổi thơ tóc để gáo dừa,
Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cần ong.
Hai ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay nhau giữa cánh đồng cỏ xanh,
Hai nhà chung một mái gianh,
Chia vui từng trái ngọt lành có nhau,
Đêm nằm ngắm ánh giăng cao,
Ra bên giếng ngọc đếm sao trên giời,
Em moi đất nặn hình người,
Anh thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Em mang ra bán lấy tiền lá rơi.




Tiền là giấy bạc em ơi!
Tiền là giấy bạc do đời làm ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ mỗi buổi chiều lên,
Tôi gom lá đốt, khói lên ngút giời …
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ đời ngồi họp, mình tôi mua gì?

Ngày xưa cô giáo dạy phân tích phải có đầu có ngọn, nên tôi tạm dẹp kiểu viết văn kể chuyện … trên trời
… có đám mây xanh,
ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
mà đánh số thứ tự như làm liệt kê dân số ấy.

Thứ 1
Ngày thơ, hớt tóc „miểng vùa“

Trích tự điển Khai Trí Tiến Đức

Theo tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, còn được gọi là hội AFIMA (viết tắt tên tiếng Pháp của l’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites), một hiệp hội tư lập với mục đích trao đổi văn hóa giữa trào lưu Tây học và truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 (1919-1945) thì „vùa“ là đồ dùng nhìn như cái bát, cái lư. Mô-đen „miểng vùa“ tức là tóc cắt nham nhở như một phần của cái vùa – „miểng“ là tiếng miền Nam, ám chỉ một phần nhỏ của thủy tinh hay đồ sứ bị vỡ, người Bắc gọi là „mảnh“.
Nếu cho là

Tuổi thơ tóc để gáo dừa

thì cũng không đúng hẳn „Bắc-Kỳ“.
Trong „Hồi ký về thời thơ ấu và quãng đời học sinh của tôi cho đến lúc ra đời kiếm sống“ của ông ngoại, chào đời tại làng Yên-Nhân, huyện Yên-Lãng nay là huyện Mê-Linh thuộc ngoại thành Hà-Nội, thì để đi „hỏi vợ“ theo phong tục tảo hôn thời ấy, năm 13 tuổi ông cố bắt ngoại đi „hớt“ tóc theo kiểu người lớn chứ không theo kiểu „móng lừa“ như trước. Vậy đúng ra nếu là của Nguyễn Bính bài thơ phải bắt đầu
Tuổi thơ tóc để „móng lừa“

Thứ 2
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.

Văn bản của Kiên Giang đọc nghe tròn vẹn hơn từ ý đến lời, tả cảnh hai đứa bé dắt tay nhau đi học, băng qua những cánh đồng lúa miền Nam cò bay thẳng cánh.
Hơn nữa những câu thơ như
Ra bên giếng ngọc đếm sao trên giời
không đúng bằng hình ảnh
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời
ý muốn tả con nít chơi „ngu“ leo lên miệng giếng, ngồi đếm những ngôi sao được phản ánh xuống nước, chứ không phải „ra bên giếng“ rồi đứng ngó lên trời đếm sao.
Nguyễn Bính là thi sĩ với những bài thơ tình tuyệt tác, mỗi bài thơ tả đúng tâm trạng nhân vật, như „phải lòng“ cô giáo thì
Ước gì tôi được quen cô giáo
Để đến theo cô học vỡ lòng
Chỉ sợ trò đông bàn ghế chật
Tuổi nhiều cô có nhận cho không?
Nếu cô đồng ý nhận cho tôi
Tôi sẽ theo cô đến suốt đời
Suốt đời tôi chỉ theo một lớp
Suốt đời tôi học lớp cô thôi!

Nên hai câu
Đêm nằm ngắm ánh giăng cao,
Ra bên giếng ngọc đếm sao trên giời

khiến bài thơ tả tình yêu dại khờ tuổi tóc „miểng vùa“ đâm ra chân thấp chân cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng (ca dao)
vì chỉ có người lớn mới thơ mộng kiểu thức khuya nằm dưới đất nhìn lên trời mơ mơ mộng mộng, chứ con nít quê ở miền Nam tối trăng lên là chui vô mùng trốn muỗi hết rồi, ngồi trong nhà nhìn ra thì đúng là thấy
Đêm vàng soi bóng trăng cao
thật vì trong nhà để đèn dầu tối u u, vàng leo loét, sẽ thấy đêm vàng do ánh đèn và ánh trăng pha vào nhau tạo nên hình ảnh đó.

Thứ 3
Anh đem „người đất“ đổi tiền „lá rơi“

Vùng Nam-Kỳ lục tỉnh vốn ít nhiều chịu ảnh hưởng của tôn giáo xứ Chân-Lạp như đạo Bà-La-Môn, có phong tục đúc những tượng thần bằng đất để thờ. Người Bắc nếu nói về nắn tượng thì chỉ có trò chơi nặn tò-he mà thôi, còn thì họ đúc những tượng lớn để trong đền, chùa.
Cũng như người nặn tượng trong bài thơ phải là nam giới và người mua là nữ thì mới hợp lý hợp tình với câu
Người mua đã bị mua rồi
ở đoạn kết.

Thứ 4
Chợ đời ngồi họp, mình tôi mua gì?

Câu trên không đủ xuất sắc để làm câu „đến đây là chấm hết chương trình của ban Tùng-Lâm“ bằng

Chợ lòng họp một mình tôi vui gì!

Chợ lòng có hai nghĩa
1/ Chợ „trong lòng“, ý nhắc lại kỷ niệm xưa với cô bé chơi trò nhặt lá mua tượng vẫn còn để lại trong ký ức.
2/ Chợ lòng = chợ nhà lồng, loại chợ tiêu biểu ở miền Nam – giống kiểu chợ Bến-Thành tại Sàigòn – mà hầu như các tỉnh Nam-Kỳ đều có, như chợ lồng Hàn-Dương (Cần-Thơ), chợ lồng Trà-Ôn (Long-Xuyên), chợ lồng Rạch Giá, quê của thi sĩ Kiên Giang. „Chợ nhà lồng“ mang ý nghĩa tượng hình giống như cái lồng, có giới hạn phạm vi nhưng không bị che kín, có mái che nhưng kiến trúc và tổ chức không gian của chợ vẫn thoáng mát, mang đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long, vì chợ Nam bộ thường nằm sát bến sông hoặc gần các ngã đường lớn.
Người Nam phát âm „lồng“ và „lòng“ na ná nhau nên có lẽ Kiên Giang đã „chơi chữ“, dùng „chợ lòng“ theo kiểu phát âm của người Nam để vừa đưa lên hình ảnh chợ quê ở Nam-Kỳ, vừa diễn tả nỗi lòng u hoài nhớ về một trò chơi trẻ con mà nay
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (Hàn Mạc Tử)

Chợ nhà lồng Rạch Giá

Thứ … Chủ nhật

Càng đọc càng thấy văn bản của Kiên Giang mang âm hưởng của một người miền Nam hiền hòa, không
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa (Nguyễn Bính)
mà chỉ tự an ủi
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.

Ông mất vì đột quỵ khi đem tiền lương hưu của mình từ Long Xuyên lên Sàigòn giúp gia đình một đứa trẻ ở An-Giang bị xe tông văng khỏi bụng mẹ.
Khoảng 40 năm trước, ông có ước hẹn với soạn giả Hoa Phượng (người An-Giang) khi nào có điều kiện sẽ về quê hương tổ chức hát cải lương miễn phí cho bà con ở quê xem. Gia đình đứa bé trên ở cùng làng, cùng quê với Hoa Phượng khiến Kiên Giang động lòng quyết đi thăm. Trong khi ông đang ngồi viết một lá thư kể về ý định vì sao mình muốn giúp gia đình này, có dính dáng đến soạn giả Hoa Phượng ra sao thì ông đột quỵ và mất.
Ông là thi sĩ, ký giả, soạn giả người Nam „rặt“, nên nếu có ai nói bài „Tiền và lá“ là của Nguyễn Bính thì chắc ông sẽ vui vẻ trả lời:
„Dậy sao?“

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s