Bà cố Cả – Trần thị Phức

Bài thơ và câu đối trong gia phả họ Vũ
(Diễn Châu- Hà Tĩnh)

Trong Võ Thị Tông Phả do Vũ Ngọc Côn ở Sài-Gòn, cháu đời thứ 14 và Võ Gia Thế Phổ do Võ Ngọc Uẩn ở Xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ Tĩnh, cháu đời thứ 15 phụng soạn, thì họ Võ này có xuất xứ từ Xã Mộ Trạch, Huyện Đường Am, Tỉnh Hải Dương.
Một trong các tác giả văn học họ Võ trong gia phả là nhân vật nữ thuộc họ Võ mà không mang họ Võ.
Nước ta vốn ít có những nhân vật nữ trong văn học. Nên thấy tên nhà văn nữ này, tôi ghi ra đây để mai sau có ai nghiên cứu về văn học thì có tài liệu tham khảo.
Tiểu sử nhà văn nữ tôi trích trong gia phả họ Võ ở Nghệ Tĩnh.
Nguyễn Hoài Cận, 2016
Photographer Đặng Đình Nghĩa

Thân thế và sự nghiệp của bà cố Cả, tức bà cố Tiết
Bà nhũ danh Trần thị Phức, quê thôn Bút Trận, tổng Thái Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (nay là chòm Bút Trận tức Tân Đức, Xã Diễn Thái, huyện Diễn châu, tỉnh Nghệ Tĩnh), chị của Cử nhân Trần Quang Diệm (đã cùng ông Nguyễn Xuân Ôn lãnh đạo phong trào Cần Vương vùng Nghệ Tĩnh).
Trước khi xuất giá bà có được theo đòi bút nghiên. Bà kết duyên với ông Vũ Ngọc Chân, trưởng đời thứ 12 cùa họ Võ Nghệ Tĩnh. Sau ba tháng thành hôn thì chồng chết. Bà không sinh hạ được người con nào. Bà ở góa, thờ chồng, mở trường dạy học. Chủ yếu là dạy cho các con cháu bên nhà chồng học hành. Một số đã thành đạt, trong đó có Võ Trí tức Võ Thành Nhân đậu Thủ khoa Khoa Cử nhân năm Mậu Tý (1888) trường Nghệ dưới triều Tự Đức, có chỉ vời bà vào kinh dạy các cung nữ, nhưng bà khước từ.
Bà được sắc phong 8 chữ:

TIẾT HẠNH KHẢ PHONG
THỨC TỰ ƯU TRƯỞNG

Không rõ bà sinh năm nào, mất năm nào. Chỉ biết bà thọ 72 tuổi.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỳ 20, bà vẫn còn sống. Vì khi nhà chí sĩ Phan đình Phùng tạ thế tại chiến khu Núi Quế ngày 13-11, năm Ất Mão (28-12-1895), bà có nhân danh cho nhóm sĩ phu yêu nước làm đôi câu khóc họ Phan (xem phần tác phẩm của bà).
Sinh thời bà có tiếng là một bậc nữ lưu hay chữ trong miền. Các vị khoa bảng và các sĩ phu vùng Thanh Nghệ Tĩnh thường qua lại thăm hỏi và cùng bà đàm đạo văn thơ hoặc luận bàn về chánh tình lúc ấy.
Theo Võ Tuân, một cháu đời thứ 14 được sống nhiều năm bên bà vừa để học hành, vừa để phục dịch mỗi khi có khách, kể lại, thì một hôm có một vị đại khoa cùng đi với hai thanh niên đến hỏi thăm bà. Sau khi khách ra về bà cho Võ Tuân hay ba vị khách quý ấy là cụ Phó Bảng Sắc cùng hai con của cụ là Cả Canh và em là Sinh Cung.
Về cái mà người xưa gọi là Tứ Đức bà hội đủ. Bếp núc, vá may, thêu thùa, quay tơ, dệt vải bà đều thành thạo. Bà coi những công việc ấy như những trò giải trí của người trí thức. Đức hạnh của bà đã khiến cho nhân dân xóm làng mến phục. Bà hay thương các người nghèo khổ và sẵn sàng giúp đỡ họ. Một lần vào 29 Tết, một bà hàng xóm tên là Cởn không có gì ăn Tết sang than với bà. Bà liền tháo chiếc khăn nhiễu đang đội trên đầu đưa ngay cho, biểu đem đi cầm để lấy tiền đong gạo ăn Tết. Ban đêm bà ngồi dệt cửi, bà con xóm giềng thường đến quây quần bên bà. Đàn bà con gái thì ngồi kết sợi giúp bà. Mọi người đều nghe bà kể chuyện xưa, hoặc giảng giải những câu kinh sách, rất lấy làm thích thú.
Hễ ai có sự vui buồn bà thường đến mừng, thăm hay an ủi. Có chị phụ nữ nào lăng loàn chửi chồng mắng con bà thường tìm gặp, đưa bàn tay lên bịt miệng người ấy và khuyên không nên thốt ra những lời như vậy.
Bà thân ái với tất cả mọi người. Mỗi khi về thăm quê, bà têm rất nhiều miếng trầu mang theo. Rồi trên đường đi, gặp ai bà cũng mời xơi một miếng để làm quen.
Ấy cũng vì kính mến và thương tiếc bà nên ngày tang lễ bà, giữa mùa đông tháng giá, nhân dân thôn Hậu Luật hợp cùng tang quyến tổ chức đám tang hết sức trọng thể. Có thể nói là trong miền xưa nay chưa từng thấy. Từ nhà đến huyệt chưa đầy nửa cây số mà rước linh của bà từ giờ Tý đến giờ Ngọ, 12 tiếng đồng hồ.
Các chức sắc, thân hào nhân sĩ trong miền, các môn sinh cùng tất cả mọi người trong thôn, ngoài xã đều nghiêm túc đưa đám bà. Thẩy đều tự ý đi chân đất, đầu không đội nón che dù để tỏ lòng tôn kính bà. Hằng năm cứ đến ngày giỗ bà thì các môn sinh và bà con xóm làng đều đến cúng kiến bà tại từ đường họ.
Trong các văn thơ khẩu truyền lại cho con cháu, bà có rất nhiều bài được giới khoa bảng đương thời đánh giá cao. Con cháu sao chép truyền cho nhau đọc.
Nhưng qua các biến cố lịch sử hồi cuối thế kỷ 19 (Cần Vương Văn Thân, rồi tiếp đó …) nền Hán học suy tàn, con cháu có chút Nho học mất dần. Các tư liệu giữ được trong nội tộc cũng mất theo. Chỉ còn nhớ được một vài bài như sau:

NGẪU CẢM
CHỢT TÌM THẤY MỘT BÀI THƠ CŨ CỦA CHỒNG
Tam thập niên dư ức biệt ly
Kim chiêu nhất biến cố phu thi
Khẩu tụng cửu hồi tưởng dục đoạn
Nhãn khang song hạ lệ giao thùy
Lệ thùy bất giác tâm huyền bái
Tâm bái huyền giao lệ mãn y
Bất thức trùng tuyền tri dữ phú
Lang quân bội ước thiếp vô vi
TRẦN THỊ PHỨC

Lời dịch
Ba chục năm già ly biệt nhau
Thơ chàng chợt thấy sáng nay, sầu !
Miệng ngâm chín khúc tơi bời ruột
Mắt dọc hai hàng lã chã châu !
Lệ nhỏ, lòng buông cờ lất phất
Lòng nao, lệ thấm áo hoen nhầu
Suối vàng chàng có hay chăng chớ ?
Lỗi hẹn là chàng, thiếp lỗi đâu ?
(Đông Xuyên)

Câu đối của bà Cố Cả TRẦN THỊ PHỨC
Khóc chí sĩ PHAN ĐÌNH PHÙNG

Cổ kim thiên địa vô cùng
nhi lưu thủy, nhi cao sơn đồng thử đại trượng phu vũ trụ
Lam chi phong, Hồng chi tuyết tuế hàn mạc cảm bá tùng điêu
Vị hà tai, hộ quyết đồi ba, trung lưu để trụ, tinh di vật hoán, hà nhân bất tác thâm sơn oán
Huống thử nhật long vi vân tán, đồ ta nhân sự vô thường
Khả lân la, Việt giang sơn, bách niên văn hiến phiên cung mã.

Thành bại anh hùng nan luận
thử cô trung, thử đại nghĩa
thệ dữ tiên quân tử thủy chung
Châu chi anh, Mạc chi linh,
độc thư tối thị cương thường trọng
Sở hận giả thùy điên đại hạ, nhất mộc nan truy,
hà nhân bất khởi cố viên tình
Cập thử nhật, nhạn tán phong suy khâm thán khiên tâm mạc trợ
Độc cảm tùng mai khí tiết, nhất tử tinh thần quán đẩu ngưu.

(Học giả Đào trinh Nhất sưu tầm
Thập ngũ đại thế tôn hiệu đính)

Bản dịch

Trời đất xưa nay thế mãi
Đá dựng ngược, nước chảy xuôi, đó vẫn là non sông phường tuấn kiệt
Lam Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tùng úa rụng luống xông pha
Đau đớn thay, đê vỡ sóng tràn, giữa dòng trụ đứng, sao dời vật đổi, ngảnh đầu người cũ phải bồn chồn
Đương lúc này, rồng bay mây tan; than ôi ! sự tế khôn thường.
Chỉ thương La Việt giang sơn, trăm năm văn hiến vang cung ngựa

Thua được anh hùng xá kể,
đây lòng trung,
đây nghĩa cả,
thề cùng tiên quân tử thủy chung,
tinh anh son mực,
người đọc sách coi cương thường nghĩa trọng
Căm hận đấy ! nhà to gió chuyển, một cây khó chống,
phòng lạnh khói tan, tình cố viên, ai dè không đau
Há đương thời gió thổi nhạn tan, khá trách lòng trời chẳng giúp
Trạch cảm tùng mai khí tiết, tinh thần một thác rạng trăng sao.

Hinterlasse einen Kommentar