Singapore – Niềm tin phong thủy

Tôi thường hay viết Blog về những nơi tôi đã đi qua, một phần như người ta dán hình kỷ niệm vào quyển sưu tập ảnh, phần khác để ghi lại vài chi tiết bổ ích không có trong những bài đánh giá liên quan đến du lịch trên các trang Web như TripAdvisor, Holidaycheck v.v.

Tôi đi Singapore vì đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi có nguyện vọng đến thăm lại nơi nó năm ngoái cùng vài bạn học thay mặt trường Maastricht University tham gia kỳ thi đua giữa các Đại Học Kinh Tế trên toàn thế giới, nhưng không đủ thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về đất nước được mệnh danh là „Con sư tử châu Á“ này.
Nếu bạn hỏi cụ Gồ về Singapore – theo Phạn-Ngữ „Singha“ có nghĩa là sư tử và „Pura“ có nghĩa là thành phố – thì có muôn ngàn bài viết tán dương đất nước với lịch sử lập quốc chỉ mới hơn 50 năm, từ một thành phố nhỏ nằm trong quần đảo Mã-Lai nay trở thành cường quốc với trung tâm kinh tế mang tầm vóc quốc tế.
À, nhân đây tôi xin mạn phép kể lại một chuyện bên lề trong chuyến đi chơi này. Vốn hướng dẫn viên du lịch có khi dùng chữ „người Hoa“ để nói về nhóm sắc tộc đông dân số nhất tại Singapore (hơn 76%), rồi lúc lại gọi là „người Trung“, „người Tàu“ v.v. nên đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi thắc mắc. Tôi đã được một thằng bạn „đả thông kinh mạch“ rồi nên dạy lại cho nó rằng người Tàu tự nhận mình là người „Hoa“, tức là đọc tắt của nước Hoa Hạ, theo truyền thuyết là nước phong kiến đầu tiên. Thực sự trước đó, họ là các bộ tộc sống trên đất Tào, đại tộc trưởng là vua Nghiêu, dân sống ở khu vực Tào, gọi là Tào mín (Tào dân). Phía nam của Ngũ Lĩnh, là đất Mân và đất Nam, gọi chung là vùng Mân-Nam chưa khai phá, các bộ tộc sống ở đất Mân gọi là Mần mín (Mân dân), các bộ tộc sống ở đất Nam gọi là Nàm mín (Nam dân), còn chủng là chủng Yue (Việt).
Người „ba Tàu“ đúng ra là từ chữ „bô đào dân“ (Pô Tào mín) mà ra. Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ 17, khoảng 1670, lúc đó bên Trung Hoa là triều Đại Thanh. Dân Trung Hoa không chấp nhận bị dân Mãn Châu đô hộ, mới có phong trào „Phản Thanh – Phục Minh“. Nhà Thanh đem quân đi càn quét những nhóm sĩ phu kháng chiến, nhất là các nhóm Tụ Nghĩa Đường, Thiên Địa Hội, Hắc Kỳ Quân (giặc cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc), Huỳnh Kỳ Quân (giặc cờ vàng của Hoàng Sùng Anh). Bị càn quét đuổi tận giết tuyệt, dân Tàu chống nhà Thanh và sĩ phu yêu nước phải bỏ chạy sang Lào theo ngã Vân Nam-Yun Nan, sang Việt Nam theo ngã Lai Châu, Tuyên Quang và Ải Nam Quan. Ngoài ra còn một số sang Việt Nam bằng thuyền, đến Hội An và Hải Phòng. Khi họ sang Việt Nam, không biết ý tứ của triều đình nhà Lê là thân nhà Thanh hay thân nhà Minh, cứ nói mình là „bô đào dân“, „pô tào mín“ là chắc ăn nhất. Người „ba Tàu“ từ đó mà ra.
Trở lại với „Con sư tử châu Á“.
Nói đến Singapore thì không thể không nhắc đến Lý Quang Diệu (Lee Kwan Yew), một chính khách với lòng yêu nước nồng nàn. Ông là người duy nhất trong lịch sử đã khóc khi tuyên bố quốc gia được độc lập, vì vào thời điểm đó bị tách rời khỏi liên bang Malaysia có nghĩa là Singapore phải đối mặt với nhiều khó khăn, nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai và không có tài nguyên thiên nhiên. Là người gốc Hoa (Hạ) ông đã khôn ngoan áp dụng niềm tin vào phong thủy của dân Singapore để đưa những dự án xây dựng đất nước đến thành công vượt bực, cũng như xưa kia danh tướng Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến đánh đuổi quân nhà Tống nói rằng ông được thần ban cho bốn câu thơ:
Nam-quốc sơn-hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm-phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Quân lính nghe đọc mấy câu thơ ấy, ai nấy đều nức lòng đánh giặc.

Các điểm tham quan du lịch của Singapore đều mang dấu ấn phong thủy như biểu tượng Singapore là con cá có đầu sư tử (còn gọi là Merlion) phun nước vào đất liền không ngừng nghỉ nhờ hệ thống bơm hiện đại, lỡ một máy bị trục trặc thì máy kia sẽ thay thế để tránh tình trạng „tiền ngưng chạy vào túi“.Hoặc trung tâm thương mại „Suntec City“ gồm 5 cao ốc, nhìn từ trên cao trông như bàn tay trái với chiếc nhẫn vàng nằm trong lòng bàn tay là „Đài phun nước Thịnh Vượng“ (The Fountain of Wealth) làm bằng đồng với niềm tin của sự kết hợp Kim – Thủy, biểu tượng cho thắng lợi, thành công. Điều đặc biệt là thay vì phun lên cao,  nước lại được phun xuống dưới và tụ vào trong với ý nghĩa của cải sẽ tụ hội về nơi này.

Khách du lịch đến Singapore hẳn ai cũng được nghe kể về huyền thoại đồng Đô-La-May-Mắn. Tương truyền, do việc kiến thiết đường tàu điện ngầm MRT (Mass Rapid Transit) gặp rất nhiều trục trặc, thủ tướng Lý Quang Diệu đã hỏi ý một thầy phong thủy và được ông ta bấm quẻ cho biết khu vực có địa chất phức tạp gây trở ngại trong việc xây dựng chính là lưng của một con rồng lớn. Mũi khoan đụng vào là nó cựa mình nên mọi thứ đều đổ bể. Để trấn yểm rồng ngủ yên, toàn dân Singapore ra đường đều phải đeo một hình bát quái trên người. Nhưng ở Singapore khá nhiều người theo Ấn độ giáo và sẽ không đời nào chấp nhận phong tục đậm màu Phật giáo này. Sau một thời gian bàn luận với nội các, Lý Quang Diệu đã cho đúc một loại tiền xu 1 Đô-La có hình bát quái, như vậy người dân từ giàu tới nghèo ai cũng mang trong mình lá bùa yểm rồng.
Tôi được khuyên nếu đến Singapore du lịch và sở hữu một đồng xu bát quái hãy giữ nó như bảo vật vì nó sẽ mang lại may mắn cho mình.
Thật tình mà nói, tôi luôn tìm cách giải thích một cách khoa học, hợp lý những lời truyền miệng của người xưa, chẳng hạn như câu „có kiêng, có lành“ nếu giải thích theo toán học về thống kê và xác xuất (Statistik, Stochastik) thì khi tránh làm việc gì, xác xuất hậu quả xấu mà việc đó có thể gây ra đương nhiên cũng sẽ thấp hơn. Phong thủy đối với tôi không phải là sự mê tín mà là cách kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và địa lý để tạo dựng một kiến trúc vừa đẹp về thẩm mỹ, vừa có lợi cho sự sinh hoạt, phát triển của con người.

Lý Quang Diệu là một thiên tài chính trị gia với một tấm lòng yêu nước tha thiết. Ông đã dùng niềm tin phong thủy để khích lệ người dân Singapore chung tay góp sức xây dựng tân quốc gia nhỏ bé, không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn nước, không có khả năng quốc phòng, vươn mình trở thành một cường quốc tại Đông-Nam-Á.
Có niềm tin, con người có thể vượt qua đau khổ, bệnh tật, mất mát.
Có niềm tin, con người có thể đưa đất nước từ nghèo khó, nhược tiểu, đến giàu mạnh, hùng cường, một „Con sư tử châu Á“.
Vì vậy tôi chọn tựa đề cho bài Blog này là „Singapore – Niềm tin phong thủy“.

À quên, trong chuyến đi vừa qua tôi vô tình nhận được một đồng Đô-La Singapore mới toanh và một đồng Đô-La cũ hình bát quái.

Tôi sẽ luôn mang nó trong ví của mình, với hy vọng có ngày niềm tin phong thủy cũng sẽ đem thịnh vượng đến cho quê hương tôi.

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s