Ai là tác giả bài „Tiền và lá“?

Trong bài Blog „Dậy sao?“ tôi có trích thơ „Tiền và lá“, đề tác giả là Kiên Giang, dù nhiều giả thuyết cho rằng Nguyễn Bính mới là chủ nhân thật sự.
Tôi có tìm thấy một bài trên mạng mà trong đó nhà thơ Kiên Giang xác nhận bài này là của ông, Nguyễn Bính chỉ sửa vài chỗ thôi. Tôi không những „phen“ (fan) Kiên Giang với „Hoa trắng thôi cài lên áo tím“, mà tôi cũng phen „Tiền và lá“, tiền thì khỏi giải thích rồi, lá thì năm nào thu đến tôi đều ca cẩm:
Thu ơi thu đến làm chi?
Lá rơi, gió cuốn thổi đi phương nào ?

Nhiếp ảnh gia: Nicholas Đặng

Vì vậy tôi chong đèn đọc đi đọc lại
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra

để xem „dáng thơ“ ra sao, xem tiền của ai, xem lá của ai?
À, để độc giả có thể so sánh tôi xin đăng lại bài thơ với hai ghi chú khác nhau về tác giả nhé!

Kiên Giang Nguyễn Bính
Ngày thơ, hớt tóc „miểng vùa“
Ngày thơ, mẹ bắt đeo „bùa cầu ông“.
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
Đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào.
Đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời.
Anh moi đất nắn „tượng người“,
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem „người đất“ đổi tiền „lá rơi“.
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời!!!
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ lòng họp một mình tôi vui gì!
Tuổi thơ tóc để gáo dừa,
Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cần ong.
Hai ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay nhau giữa cánh đồng cỏ xanh,
Hai nhà chung một mái gianh,
Chia vui từng trái ngọt lành có nhau,
Đêm nằm ngắm ánh giăng cao,
Ra bên giếng ngọc đếm sao trên giời,
Em moi đất nặn hình người,
Anh thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Em mang ra bán lấy tiền lá rơi.




Tiền là giấy bạc em ơi!
Tiền là giấy bạc do đời làm ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ mỗi buổi chiều lên,
Tôi gom lá đốt, khói lên ngút giời …
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ đời ngồi họp, mình tôi mua gì?

Ngày xưa cô giáo dạy phân tích phải có đầu có ngọn, nên tôi tạm dẹp kiểu viết văn kể chuyện … trên trời
… có đám mây xanh,
ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
mà đánh số thứ tự như làm liệt kê dân số ấy.

Thứ 1
Ngày thơ, hớt tóc „miểng vùa“

Trích tự điển Khai Trí Tiến Đức

Theo tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, còn được gọi là hội AFIMA (viết tắt tên tiếng Pháp của l’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites), một hiệp hội tư lập với mục đích trao đổi văn hóa giữa trào lưu Tây học và truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 (1919-1945) thì „vùa“ là đồ dùng nhìn như cái bát, cái lư. Mô-đen „miểng vùa“ tức là tóc cắt nham nhở như một phần của cái vùa – „miểng“ là tiếng miền Nam, ám chỉ một phần nhỏ của thủy tinh hay đồ sứ bị vỡ, người Bắc gọi là „mảnh“.
Nếu cho là

Tuổi thơ tóc để gáo dừa

thì cũng không đúng hẳn „Bắc-Kỳ“.
Trong „Hồi ký về thời thơ ấu và quãng đời học sinh của tôi cho đến lúc ra đời kiếm sống“ của ông ngoại, chào đời tại làng Yên-Nhân, huyện Yên-Lãng nay là huyện Mê-Linh thuộc ngoại thành Hà-Nội, thì để đi „hỏi vợ“ theo phong tục tảo hôn thời ấy, năm 13 tuổi ông cố bắt ngoại đi „hớt“ tóc theo kiểu người lớn chứ không theo kiểu „móng lừa“ như trước. Vậy đúng ra nếu là của Nguyễn Bính bài thơ phải bắt đầu
Tuổi thơ tóc để „móng lừa“

Thứ 2
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.

Văn bản của Kiên Giang đọc nghe tròn vẹn hơn từ ý đến lời, tả cảnh hai đứa bé dắt tay nhau đi học, băng qua những cánh đồng lúa miền Nam cò bay thẳng cánh.
Hơn nữa những câu thơ như
Ra bên giếng ngọc đếm sao trên giời
không đúng bằng hình ảnh
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời
ý muốn tả con nít chơi „ngu“ leo lên miệng giếng, ngồi đếm những ngôi sao được phản ánh xuống nước, chứ không phải „ra bên giếng“ rồi đứng ngó lên trời đếm sao.
Nguyễn Bính là thi sĩ với những bài thơ tình tuyệt tác, mỗi bài thơ tả đúng tâm trạng nhân vật, như „phải lòng“ cô giáo thì
Ước gì tôi được quen cô giáo
Để đến theo cô học vỡ lòng
Chỉ sợ trò đông bàn ghế chật
Tuổi nhiều cô có nhận cho không?
Nếu cô đồng ý nhận cho tôi
Tôi sẽ theo cô đến suốt đời
Suốt đời tôi chỉ theo một lớp
Suốt đời tôi học lớp cô thôi!

Nên hai câu
Đêm nằm ngắm ánh giăng cao,
Ra bên giếng ngọc đếm sao trên giời

khiến bài thơ tả tình yêu dại khờ tuổi tóc „miểng vùa“ đâm ra chân thấp chân cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng (ca dao)
vì chỉ có người lớn mới thơ mộng kiểu thức khuya nằm dưới đất nhìn lên trời mơ mơ mộng mộng, chứ con nít quê ở miền Nam tối trăng lên là chui vô mùng trốn muỗi hết rồi, ngồi trong nhà nhìn ra thì đúng là thấy
Đêm vàng soi bóng trăng cao
thật vì trong nhà để đèn dầu tối u u, vàng leo loét, sẽ thấy đêm vàng do ánh đèn và ánh trăng pha vào nhau tạo nên hình ảnh đó.

Thứ 3
Anh đem „người đất“ đổi tiền „lá rơi“

Vùng Nam-Kỳ lục tỉnh vốn ít nhiều chịu ảnh hưởng của tôn giáo xứ Chân-Lạp như đạo Bà-La-Môn, có phong tục đúc những tượng thần bằng đất để thờ. Người Bắc nếu nói về nắn tượng thì chỉ có trò chơi nặn tò-he mà thôi, còn thì họ đúc những tượng lớn để trong đền, chùa.
Cũng như người nặn tượng trong bài thơ phải là nam giới và người mua là nữ thì mới hợp lý hợp tình với câu
Người mua đã bị mua rồi
ở đoạn kết.

Thứ 4
Chợ đời ngồi họp, mình tôi mua gì?

Câu trên không đủ xuất sắc để làm câu „đến đây là chấm hết chương trình của ban Tùng-Lâm“ bằng

Chợ lòng họp một mình tôi vui gì!

Chợ lòng có hai nghĩa
1/ Chợ „trong lòng“, ý nhắc lại kỷ niệm xưa với cô bé chơi trò nhặt lá mua tượng vẫn còn để lại trong ký ức.
2/ Chợ lòng = chợ nhà lồng, loại chợ tiêu biểu ở miền Nam – giống kiểu chợ Bến-Thành tại Sàigòn – mà hầu như các tỉnh Nam-Kỳ đều có, như chợ lồng Hàn-Dương (Cần-Thơ), chợ lồng Trà-Ôn (Long-Xuyên), chợ lồng Rạch Giá, quê của thi sĩ Kiên Giang. „Chợ nhà lồng“ mang ý nghĩa tượng hình giống như cái lồng, có giới hạn phạm vi nhưng không bị che kín, có mái che nhưng kiến trúc và tổ chức không gian của chợ vẫn thoáng mát, mang đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long, vì chợ Nam bộ thường nằm sát bến sông hoặc gần các ngã đường lớn.
Người Nam phát âm „lồng“ và „lòng“ na ná nhau nên có lẽ Kiên Giang đã „chơi chữ“, dùng „chợ lòng“ theo kiểu phát âm của người Nam để vừa đưa lên hình ảnh chợ quê ở Nam-Kỳ, vừa diễn tả nỗi lòng u hoài nhớ về một trò chơi trẻ con mà nay
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (Hàn Mạc Tử)

Chợ nhà lồng Rạch Giá

Thứ … Chủ nhật

Càng đọc càng thấy văn bản của Kiên Giang mang âm hưởng của một người miền Nam hiền hòa, không
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa (Nguyễn Bính)
mà chỉ tự an ủi
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.

Ông mất vì đột quỵ khi đem tiền lương hưu của mình từ Long Xuyên lên Sàigòn giúp gia đình một đứa trẻ ở An-Giang bị xe tông văng khỏi bụng mẹ.
Khoảng 40 năm trước, ông có ước hẹn với soạn giả Hoa Phượng (người An-Giang) khi nào có điều kiện sẽ về quê hương tổ chức hát cải lương miễn phí cho bà con ở quê xem. Gia đình đứa bé trên ở cùng làng, cùng quê với Hoa Phượng khiến Kiên Giang động lòng quyết đi thăm. Trong khi ông đang ngồi viết một lá thư kể về ý định vì sao mình muốn giúp gia đình này, có dính dáng đến soạn giả Hoa Phượng ra sao thì ông đột quỵ và mất.
Ông là thi sĩ, ký giả, soạn giả người Nam „rặt“, nên nếu có ai nói bài „Tiền và lá“ là của Nguyễn Bính thì chắc ông sẽ vui vẻ trả lời:
„Dậy sao?“

Werbung

Dậy sao?

Tặng những người bạn “bắt cá gô bỏ gổ kêu gột gột” của tôi.

Nhiều người hỏi bộ tôi sinh ra tại vùng Đất Mũi hay sao mà ghi „Đến từ Cà-Mau“ ?
Thật ra tôi chào đời ở nhà bảo sanh Đức-Chính, nằm trên đường Cao-Thắng, Sài-Gòn. Nhưng Facebook không có địa danh Sài-Gòn nên tôi chọn Cà-Mau, nơi đã gắn liền một thời tuổi mộng mơ tôi của với những ao cá đầy sình, những gốc chuối đầy vắt và những tấm mùng đầy muỗi của những buổi chiều tối om om, ngồi thu lu trên giường mà nhớ trường, nhớ bạn da diết.

Khoảng năm 1978-1980 tôi thường túc trực ở Cà-Mau tìm đường vượt biên. Những hôm không phải trông „anh, chị“ – tuy là vai trên vế trước nhưng lại nhỏ tuổi hơn nên tôi thành … vú em – tôi hay la cà với đám con nít cùng trang lứa, lội ao, bắt ếch, hay tập tành gánh nước. Nhưng có lẽ người „thành phố“ như tôi không quen cửu vạn cho nên tôi không tài nào làm theo được, nước cứ sóng sánh cả ra ngoài, gánh về đến lu nhà thì vơi đi chỉ còn nửa thùng.
Thời gian ở Cà-Mau tôi vỡ dạ nhiều thứ.
Thứ nhất: Không được bơi kiểu „yết-kiêu“ như ở hồ An-Phú – tức là bơi đúng như vận động viên, đầu hụp lên hụp xuống, hít thở nhịp nhàng – mà phải bơi … chó, giữ đầu luôn ở trên mặt nước, vì nếu không một hồi sình sẽ bám đầy lỗ tai, lỗ mũi.
Thứ hai: Người Cà-Mau không đi „một mình“, người Cà-Mau đi „ên“.
Người Cà-Mau nói riêng, và người Nam nói chung, có khẩu âm khác với người Bắc tuy cùng nói một ngôn ngữ giống nhau, cùng hưởng một nền văn hóa giống nhau, cùng … chưởi thề giống nhau. Thí dụ ở Sàigòn tôi nghe tụi con nít ở ngõ tôi í ới:
– Đ.M. mày con bà Ba bán xôi!
thì ở Cà Mau tôi hầu như ngày nào cũng vừa một tay giữ „thằng anh họ“ đang sợ hãi ôm chân tôi, tay kia giơ đấm ra dọa mấy đứa con nít đứng trước cửa nhà hét đổng vào:
– Đ.M. mày con bác sĩ Nhã!
vì „thằng anh họ“ của tôi suốt ngày đàn đúm đánh nhau với đám trẻ con trong xóm.
Hồi đó tôi không hề thắc mắc dở „ẹt“ hay „ẹc“, „cụt“ hat „cục“, „cát“ hay „các“, tôi chỉ thấy ở Cà-Mau có nhiều cái tôi phải học, phải nhớ để không bị lạc lõng ở cái xứ mà muỗi, vắt sinh sôi nẩy nở theo một tỷ lệ tôi không thể nào giải nổi phương trình dù chỉ có một „con ẩn số“ này.

Hôm nọ, vô tình có đứa bạn hỏi „dở ẹt hay dở ẹc nhỉ ?“ làm tôi chợt nhớ về cái thuở „tập làm người Cà-Mau“ của tôi. Người Cà-Mau phát âm chữ „mình ên“ không giống như „đi lên“, cũng không như „đi lơn“, mà là một âm ở giữa hai âm „ơn“ và „ên“. Phải học được cách bơi để tai không bị dính sình thì mới phân biệt được sự khác nhau này, nhất là nếu bạn là „Bắc kỳ ăn cá rô phi, ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc kỳ“ như tôi.
Người Nam hiền hòa, dễ tính, nên chẳng hay kèo nèo, phải trái hơn thua, nếu bạn cho là đúng thì họ cười xòa thân thiện trả lời „Vậy sao?“, dù bạn dùng tiếng thổ ngữ của họ vì
– người Nam dùng „chén“ thay cho „bát“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „bát“ và „bác“
– người Nam dùng „bén“ thay cho „sắc“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „sắt“ và „sắc“
– người Nam dùng „bận“ thay cho „mặc,“ bởi họ không phân biệt được 2 âm „mặt“ và „mặc“
– người Nam dùng „xắt“ thay cho „cắt“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „cắc“ và „cắt“
– người Nam dùng „tiên“ thay cho „bụt“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „bụt“ và „bục“
– người Nam dùng „vớ“ thay cho „tất“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „tất“ và „tấc“
Và người Nam nói dở … ẹt.
Đó là mới nói về cái khó khi phải phân biệt giữa „t“ và „c“, chưa kể đến những chữ như „bông“ thay cho „hoa“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „hoa“ và „qua“, hay người Nam có tiếng „dạ“ ngọt ngào bởi họ không phân biệt được 2 âm „vâng“ và „dâng“, vân vân và „dân dân“.

Tiếng miền Nam phong phú, văn thơ miền Nam gần gũi:

Ngày thơ, hớt tóc „miểng vùa“
Ngày thơ, mẹ bắt đeo „bùa cầu ông“.
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
Đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào.
Đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời.
Anh moi đất nắn „tượng người“,
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem „người đất“ đổi tiền „lá rơi“.

Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.

Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời!!!
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ lòng họp một mình tôi vui gì!

Tiền và lá – Kiên Giang

Nhiếp ảnh gia: Nicholas Đặng

Ngày còn bé tôi thường dùng tiếng Bắc, có lẽ vì ông bà, cha mẹ, cô chú bác đều cố giữ những gì gợi nhớ về một miền bắc xa lắc xa lơ không tưởng tượng ra nổi, dù trong trường đa số bạn bè người Nam, cô giáo người Nam. Một thằng bạn „bắc kỳ ăn cá rô phi“ của tôi mãi cho đến bây giờ đầu hai thứ tóc vẫn nhớ cái hôm giờ toán lớp Năm, học về đo lường, cô sai nó xuống văn phòng mượn cái „quặng“. Thằng con chẳng biết cái „quặng“ là cái gì, cũng chẳng dám hỏi lại cô giáo, chỉ ráng nhớ sao phát âm cho đúng chữ „quặng“, chứ mà về tay không thì chết đòn với cô.
Sau này, từ khi „tập làm người Cà-Mau“, tôi chuyển sang giọng Nam, dù cái tiếng Nam của tôi nó cứ lợ lợ như nước sông Cửu-Long, mà người Nam còn gọi là „nửa mùa Lệ-Thủy“.
Chỉ có cái tôi chưa học được của người Cà-Mau là tánh dễ dãi, xuề xòa, chưa biết trả lời:

– Dậy sao?

Con chim quý phải ở Pentagon

Chuyến nghỉ thu năm nay tôi chọn Virginia, tiểu bang có cái tên lấy từ „The Virgin Queen“, Elizabeth Đệ Nhất, còn được gọi là „Nữ hoàng đồng trinh“ vì bà không chồng, không con cái nối dõi, sống độc thân trọn đời, được cả thần dân xứ sở sương mù tôn sùng như một vị thánh vì tất cả những gì bà đã làm cho nước Anh.
Khi George Washington – tổng thống Mỹ đầu tiên – lập thủ đô Hoa Kỳ thì Maryland và Virginia đã nhường một phần đất để xây dựng Washington D.C.
Bạn hỏi Virginia có gì đáng tham quan ?
Tôi chưa đến Virginia nên cũng không thể trả lời được, nhưng tôi biết có Ngũ Giác Đài – Pentagon – nằm cạnh sông Potomac ở Virginia, kế Nghĩa trang Quốc gia Arlington, giáp biên giới Washington D.C. Đi Virginia mà không ghé „Lầu năm góc“ thì chẳng là phí tiền vé máy bay lắm ư ? (chú thích: Tôi hỏi cụ Gồ „Ngũ Giác Đài“ cụ có biết không, thì cụ mắng „Làm quái gì có, chỉ có trang Wiki tiếng Việt „Lầu năm góc“, dài đúng … 5 câu, có đọc không thì bảo ?“)
Thế là tôi hăng hái vào trang website https://pentagontours.osd.mil/Tours/ định đặt ngày đi tham quan.
Không đơn giản như tôi nghĩ.
Trước hết phải đọc qua thông tin về an ninh khi vào trong đó, đại khái là ngoài những thứ nguy hiểm như súng đạn, dao găm thì tất cả những vật dụng khác như ví von, ba lô, túi xách, máy chụp hình, điện thoại di động, đồ ăn thức uống v.v. đều thuộc hàng … cấm cả. Duy nhất giấy tờ nhận dạng như thẻ căn cước, passport, bằng lái xe có hình là ô kê tuýt suỵt.
Nhưng đấy không phải là trở ngại chính phải vượt qua mà bạn phải ghi danh, tên họ, Email đầy đủ, mới đạt tiêu chuẩn để đặt một cái hẹn, sớm nhất là 90 và trễ nhất là 14 ngày trước ngày bạn dự tính ghé ngang ngắm nghía trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.
Vượt qua được tường lửa này không có nghĩa là „Đời như ý“ (ý viết thường, không viết hoa). Cứ mỗi lần điền xong trang này, bấm bước kế tiếp „Submit“ là y như rằng lại hiện ra con số Năm-Không-Không.

Lập lại lần hai thì sẽ qua được một cửa ải, được sang trang kế tiếp.
Có lúc may mắn thì sang được 2 trang liên tiếp rồi mới quay lại trang nhà (Home).
Y hệt chơi game. Đang hăng say bắn đùng đùng bỗng bị sa bẫy rớt trở ngược lại level một, đỏ mặt tía tai văng Bún-Thịt (bullshit) lung tung cả lên.
Ca cẩm: Lời Đắng Cho Cuộc Tình – Nhật Ngân.
Cuối cùng rồi mình vẫn thế
Có sao đâu khóc chi em
Cho phai mà hồng, được gì ?
Em ơi, em ơi, anh đã biết rằng
Con chim quý phải ở lầu son
Pentagon nên khó chui vào …
Buồn đời tôi viết i-meo than thở với con bạn ở Việt Nam.
Sau khoảng 5,6 lần Meo-Meo-Như-Mèo-Muốn-Mửa nó trả lời:
– Tao phải đổi subject của mail, dùng chữ Pentagon hoài không tốt.
Totally agreed!

Đời không như ý

Hôm nay có việc cần ra bưu điện bỏ thư, định khoảng 3,4 giờ mới ra khỏi sở, sớm hơn thường lệ để còn kịp trong giờ làm việc của Post, nhưng đùng cái xếp lên giờ họp trễ nên tôi xin xếp cho chạy đi bỏ thư chút về liền. Xếp ok. Chạy ra bưu điện ở gần đây nhất thì thấy bà con làu bàu từ trong bưu điện đi ra. Tôi vô thì thấy dán bảng … hôm nay bưu điện nghỉ … „đột xuất“. Lại thêm 1 người làu bàu đi ra nữa.
Tôi phải lái xe vô tận trung tâm, bưu điện chính.
Xếp hàng.
Tới phiên.
Cô nhân viên nhát gừng: Bảo đảm hay không bảo đảm ?
Tôi (thấy teo): Chắc là gởi thường thôi cô ạ ! T
rả lời rất lễ phép vì biết cô ấy đang khó ở trong người, có lẽ do không có hứng làm việc trong một ngày nắng đẹp.
Cô nhân viên dán mẩu giấy nhỏ lên cái phong bì xinh xinh „par avion“.
Tôi rụt rè: Vậy bảo đảm thì bao nhiêu tiền hở cô ?
Cô nhân viên không nhìn lên, chuẩn bị dán tem lên cái phong bì xinh xinh: 6,20 Euro.
Tôi vội vàng: Vậy cho tôi gởi bảo đảm đi !
Cô nhân viên ngước lên chỉ thấy tròng trắng – bỏ thư lên cân: 6,20 Euro.
Trên đường lái xe về lại sở, đạp hết ga để gỡ gạc lại thời gian đứng xếp hàng ngoài bưu điện, tôi tự an ủi mình: Đời không như ý!

An Tiêm giạt bến sông Rhein

Tôi có thói quen nghe radio mỗi sáng trên đường lái xe đến sở làm. Thứ nhất để biết chó cán xe hay xe cán chó, và thứ hai – quan trọng hơn – là sau tin tức có thông tin về những chỗ hôm đó được đặt máy di động, chụp hình xe lái quá vận tốc cho phép trong thành phố là 50km/h, thậm chí có khúc chỉ 30km/h, lỡ nhấp chân ga hơi mạnh tí là „ăn đòn“ ngay. Một tấm hình đen trắng mờ tịt – nhưng bảng số xe thì rõ mồn một – rẻ nhất cũng 20 Euro, cộng thêm tiền cước chuyển vào trương mục của thành phố và lời phân trần với người chồng đáng yêu nhất trên đời này của tôi: „Lỡ“.
Sáng nay đài radio địa phương „HITRADIO 100’5“ loan tin:
Wassermelonen wachsen am Rheinufer!
Dịch nôm na tiếng Việt là „An Tiêm giạt bến sông Rhein“.

Quelle: kinder.wdr.de

Theo phân tích của các toán học gia và sử học gia Đức thì có lẽ do thiên hạ sầu đời rủ nhau ra bờ sông „picnic“, thay vì „ăn khế trả vàng“ thì … „ăn dưa nhả hột“. Hột dưa theo luồng nước sông trôi giạt, vướng vào ghềnh đá. Mùa hè năm nay Đức bị hạn hán, nước rút làm cạn bờ, nắng gắt liên tiếp hằng tháng trời, dưa đâm chồi nẩy lộc.
Người Đức có thói quen giải thích những sự việc xảy ra trong thiên nhiên một cách khoa học, đơn giản, dễ hiểu. Còn muốn thi vị hóa, thần thoại hóa nó thì mua vé vào rạp xi-nê xem phim „Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem“. Phim „Hạt dưa của Goethe“ chưa chiếu.
Người Việt giải thích nguồn gốc dưa hấu lưu lạc từ châu Phi sang Việt Nam qua hình ảnh „Mai An Tiêm là một nhân vật truyền thuyết thời Hùng Vương. Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm vốn là con nuôi của Hùng Vương thứ XVII, được vua quý mến gả công chúa cho. Sau vì làm phật ý vua, An Tiêm bị đày ra đảo hoang, tương truyền nay là vùng Nga Sơn, Thanh Hóa. Tại đây, An Tiêm cùng vợ chăm chỉ làm ăn, gây được giống dưa hấu quý, nhiều người tìm đến trao đổi, tiếng đồn khắp xa gần. Vua xuống chiếu gọi về cho phục chức cũ. An Tiêm được coi là ông tổ của nghề trồng dưa hấu ở Việt Nam“ (trích Wikipedia).
Tôi thích truyền thuyết An Tiêm hơn xem phim „Hạt dưa của Goethe“ (chú thích: đến hôm nay vẫn chưa chiếu) không phải vì tôi mũi tẹt da vàng mà có lẽ vì nó cho tôi niềm tin vào hình ảnh ngày lập quốc của người Do Thái sau 2668 năm mang số phận một dân tộc lưu vong.
Tôi trôi giạt đến nước Đức vào mùa đông 1980.
Hạt dưa An Tiêm giạt bến sông Rhein và kết trái vào mùa hè 2018.
Tuyên ngôn lập quốc Do Thái được đọc vào mùa hè 1948.
Tôi tin rằng giấc mộng Đông Du sẽ thành sự thật trong một năm có số 8.

Giang hồ

Lời mở đầu
Tôi có thằng bạn ngày đi cày, tối về chong đèn ngồi ghi lại những gì nó biết, nó nhớ, ôm hoài bão gìn giữ một ngôn ngữ mà nó từng học đánh vần „a bờ a ba, a sắc á mờ á má“.
Tôi rất thích đọc những gì nó viết để để cùng nhau mơ về ngày lập quốc của người Do Thái dù chẳng biết mình có „phiêu bạc giang hồ“ đến cuối đời hay không?

‘Giang hồ’ là gì?
Trong chúng ta ai cũng ít nhất một lần đọc qua truyện chưởng hay xem phim võ hiệp Hồng Kông và Đài Loan. Trong truyện hay trên màn ảnh hai từ ‘giang hồ’ cứ lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần. Đại khái chúng ta biết ‘giang hồ’ là nơi các võ phái bạch đạo và các bang hội hắc đạo thường gặp nhau, choảng nhau bể đầu sứt trán vì tranh giành một bí kíp võ công hay một món vũ khí lợi hại.
Ở ngoài đời, chúng ta thường nghe thiên hạ gọi những tên du đảng đâm thuê chém mướn, đầu trộm đuôi cướp là ‚dân giang hồ‘. Vậy thì từ đâu phát xuất ra hai từ ‚giang hồ‘?
Giang hồ theo tiếng Hán Việt có nghĩa như sau:
江 giang (bộ thuỷ): Sông lớn, sông cái.
湖 hồ (bộ thuỷ): cái hồ, vũng nước rộng lớn mà người ta có thể đi thuyền trên đó.
江湖 Giang hồ có nghĩa đen là sông hồ.
Theo Từ điển phổ thông:
1. giang hồ, sông và hồ
2. giới giang hồ, những người nay đây mai đó
Theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Giang hồ: sông to và ao lớn, chỉ cảnh thiên nhiên, chỉ cuộc sống ẩn dật nhàn hạ, ngao du đó đây. Thơ Nguyễn Khuyến có câu: … Dục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ
http://dir.vietnam.online.fr/home/vnHanVietdic.htm
Tình thật mà nói ‘giang hồ’ theo ngôn ngữ của Trung hoa, là bất cứ nơi nào dưới gầm trời này (Thiên hạ giang hồ, thiên = trời, hạ = dưới, thiên hạ = dưới gầm trời)
Nhưng nếu chỉ cắt nghĩa đơn giản như phía trên, thì chúng ta không nắm được cái ý nghĩa của nó về mặt lịch sử, địa dư, nhân văn và văn hóa của hai chữ ‘giang hồ’.

Xuất xứ của hai chữ ‘giang hồ’
Trung Hoa là một lục địa rộng lớn, có núi cao chớn chở xuyên tầng mây, có trùng điệp rừng xanh hoang dã, có mênh mông bát ngát thảo nguyên. Xuyên qua cảnh đẹp thiên nhiên là những con sông dài, những ao hồ lớn nhỏ kết nối hai con sông lớn nhất châu Á là Dương Tử và Hoàng Hà.
Từ ngàn xưa, người dân sống ở đại lục địa này đã xem trọng nước là nguồn sống, cho nên trong tư duy của họ sông và hồ là khái niệm đầu tiên cũng là tất yếu cho sự tăng trưởng và sinh tồn. Người Trung
Hoa cổ đại sống ở rải rác khắp nơi, nhưng thực chất vẫn là sống gần nguồn nước. Cho dù định cư ở trong sơn thôn thâm cốc, họ vẫn phải bám vào các nguồn suối và những ao hồ có suối nước ngầm. Họ phải đào giếng để lấy nước từ mạch nước ngầm mà sinh sống. ‘Giang hồ’ từ thời cổ đại ám chỉ nơi có nguồn nước, nơi có thể an cư lạc nghiệp (‘an cư lạc nghiệp tồn tại giang hồ’-muốn sinh sống an nhàn thì phải ở gần nguồn nước).

‘Giang hồ’ trong tư duy của người Trung Hoa
Trong hội họa: Đối với người Trung Hoa cổ đại cảm quan về cảnh đẹp phải có nước, cho nên tranh thủy mặc (thủy = nước, mặc = mực, dùng nước và mực đen mài ra, pha với nhau để vẽ tranh) đại đa số tranh sơn thủy (tranh cảnh núi và nước) là tranh vẽ cảnh núi non sông hồ. Nếu vẽ cảnh núi non, rừng tùng bách, bình nguyên hay sơn cốc mà không có chút xíu sông hồ thì cũng phải có ít nhất một dòng suối chảy uốn lượn đâu đó trong tranh, thiếu nước bức tranh sơn thủy sẽ không gọi là hoàn mỹ. Suối là một hình ảnh của ‘Trường Lưu Thủy’, mà ‘Trường Lưu Thủy’ lấy ‘giang hồ’, tức sông và hồ làm gốc.
Trong văn chương: Khi người Trung Hoa sáng tạo ra văn chương thi phú, sông và hồ được các thi sĩ tài nhân dùng để miêu tả một cảnh quan tú lệ, vừa nên thơ vừa tao nhã. Họ dùng hai chữ ‘giang hồ’ để làm đại biểu cho cảnh đẹp thiên nhiên trong các tác phẩm văn chương, cho dù thật sự phong cảnh mà họ muốn viết đến là núi non, sơn cốc, thảo nguyên hay một thôn xóm ven rừng.
Trong phong thủy học: Người Trung Hoa cổ đại xem trọng sự hài hòa, phối hợp của vạn vật trong vũ trụ, sự chuyển động không ngừng của các năng lượng mà hai năng lượng quan trọng nhất là sự chuyển động của không khí, gọi là gió và sự chuyển động của nước. Hai loại năng lượng này là tối cần thiết cho vạn vật sinh tồn. Và người Trung Hoa dựa vào gió và nước mà sáng tạo ra một môn khoa học cổ đại, gọi là ‘Phong Thủy Học’. Phong Thủy Học nghiên cứu sự dịch chuyển của các dòng năng lượng từ tốt biến thành xấu và ngược lại, mục đích để tránh sự ảnh hưởng không tốt của các dòng khí xấu và lợi dụng tích cực các dòng khí tốt làm lợi cho bản thân và xã hội. Họ dùng ‘Phong Thủy’ làm nền tảng cho việc xây dựng làng mạc, thành phố, không gian ở, cách trang trí, cách ăn mặc thậm chí cả trong binh pháp. Mà xây dựng làng mạc, thành phố, chỗ ở lâu dài phải dựa vào nơi có nước, tức là sông và hồ. Từ đó ‘giang hồ’ trong Phong Thủy Học được xem như khái niệm tất yếu để phát huy các năng lượng tích cực.

Hình thành giang hồ xã hội
Nước là nguồn sống của nhân loại. Khi con người bắt đầu hình thành xã hội quần cư, họ chọn nơi sinh sống gần vùng có nước như ven biển hay dọc theo sông hồ, tiện việc đi lại, chuyên chở, trồng trọt, làm ăn, buôn bán. Sông hồ nối kết những khu dân cư với nhau. Người ta kéo đến sinh sống dựa vào nhau để sinh tồn. Mỗi người làm một nghề mà trong phường thị hoặc thành thị thế nào cũng phải cần đến họ. Trà đình, tửu điếm, tiệm bán đồ gia dụng, tiệm tạp hoá, dược phòng, trường học, công quán, đền thờ, miếu mạo, chùa chiền…kế tiếp nhau mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu của quần chúng.
Ở Trung Hoa đại lục đất đai rộng lớn với số lượng sông ngòi và hồ chi chít kết nối với nhau, các bến cảng mọc lên cùng với các thành thị, người ta kiếm sống làm đủ loại nghề liên quan đến sông nước: chài lưới, lái thuyền, khuân vác, kéo xe, đóng tàu bè, may buồm, đan lưới, bện dây thừng, đúc dây xích, chế tạo vũ khí phòng thân, săn bắt thuỷ sản và các đồ gia dụng cho những ngư phủ sinh sống trên thuyền quanh năm. Khi hình thức phường thị từ xã hội sơ khai chuyển mình lớn dần thành xã hội thành thị hay đô thị, làng chài bên sông, gọi là ‚giang phường‘, bến đò (mã đầu, thuyền phụ) với dăm ba chiếc thuyền chở khách nho nhỏ phát triển thành bến tàu, hay ‚giang khẩu‘, nơi có nhiều tàu bè cỡ lớn chuyên chở hàng hoá từ nơi này hay những nơi khác cập bến trao đổi phẩm vật. Bến tàu phát triển đòi hỏi một lượng lớn nhân công lao động. Dân nghèo bỏ xứ sở đi kiếm ăn ở xứ khác (tha phương cầu thực) thường mò về các thành thị lớn lập nghiệp. Nếu họ biết nghề gì thì làm nghề đó, biết nghề thuốc thì mở ‚dược phòng‘, biết nghề gốm thì mở ’niêm thổ phường‘ (lò nung, nung gạch ngói, bình, chén, đôn ngồi …), biết nghề sắt thì mở ‚thiết phường‘, biết võ nghệ thì mở ‚võ đường‘, biết nấu ăn thì mở ‚xan thính‘ (xan=thức ăn, thính= tiệm, xan thính là tiệm ăn), biết pha chế rượu bán thì mở ‚tửu điếm‘, biết dệt vải thì mở ‚chức viện‘ (chức = đan dệt, viện = cơ sở, chức viện = cơ sở đan dệt), biết đóng và sửa chữa tàu bè thì mở ‚chu xưởng‘ (chu = tàu thuyền, xưởng = nhà máy, chu xưởng là xưởng đóng tàu, còn có tên gọi là ‚tạo thuyền xưởng‘) …
Song song với thị dân mở cửa tiệm buôn bán có một số lớn dân nghèo cháy túi đến thành thị kiếm sống. Nhóm dân quá nghèo này không có nghề chuyên môn thì đi làm tạp dịch ở các chợ thị trấn và trên tàu (cũng có thể là họ muốn ‘tìm đường cứu nước’ không chừng!), trở thành ngư phủ đánh cá, phu khuân vác trên bến tàu, phu xe, phu kiệu … họ không có nhà cửa, ngủ bờ ngủ bụi, lang thang khắp nơi để kiếm ăn qua ngày.
Thành phần lao động này chiếm một số lượng không nhỏ trong thành thị, và được dân chúng gọi chung là ‘dân giang hồ’, ‘giới giang hồ’. Vào thời cổ đại thì dân lao động hay dân ‘giang hồ’ có tâm tính hiền lành, chất phác, khác hẳn với dân ‘giang hồ’ ngày nay. Càng về các nguyên đại sau, con người trở nên thô lỗ, tâm tính dữ dằn hiểm độc, làm đủ thứ tội ác, ý nghĩa của ‘giang hồ’ chuyển từ thiện lương hiền hòa sang tàn nhẫn độc ác.

Sự hình thành võ phái và bang hội
Bến tàu càng ngày càng đông dân lao động sinh ra những mâu thuẫn hỗn tạp giữa các đám dân này, họ thường xuyên giải quyết mâu thuẫn bằng võ lực, tức là đập lộn. Họ tụ lại thành băng nhóm bầu một vị có bản lãnh đâm chém giỏi nhất làm thủ lĩnh. Những băng nhóm lâu ngày lớn dần lên biến thành bang hội, thường thanh toán lẫn nhau do tranh đoạt quyền lợi hay địa bàn làm ăn. Các bang hội này đi thâu thuế đen các cửa hàng thương mãi, tức là tiền bảo kê.
Trong phim ‚Bố già II‘ (Godfather Part 2), Vito Corleone ám sát Don Fanucci vì không muốn nộp tiền mồ hôi nước mắt cho tay anh chị này. Sau đó Vito Corleone trở thành đại ca của khu phố rồi thành ‚Bố Già‘ của New York, lại cũng lấy tiền bảo kê như Don Fanucci ngày xưa (Ngọc Thứ Lang dịch “Godfather’ thành ‘Bố Già’, tưởng không còn cách dịch nào hay hơn). Tình hình trong các bang hội ở Trung Hoa cũng vậy, đấu đá thanh toán ngay trong nội bộ, đàn em giỏi hơn đàn anh, giết đàn anh để nắm chức thủ lĩnh. Các bang hội kết nạp nhiều thành viên hơn, rồi hà hiếp dân lành nhiều hơn.
Để đối chọi lại với các bang hội ở bến tàu, ngư phủ và dân lành cũng đoàn kết thành từng nhóm lớn nhỏ, lập bang và liên minh để tự vệ trước đe doạ của các bang hội bến tàu. Muốn có đủ thực lực để tự vệ, cha mẹ hoặc là mời võ sư về dạy cho con cái, hoặc là cho chúng đi tầm sư học đạo, mong rằng sau khi tốt nghiệp trở về gia đình bảo vệ con em trong gia tộc. Thế là ngành dạy võ phát huy với các võ sư được chân truyền các công phu thượng thừa trong tộc, hay là các võ quan cáo lão về hưu thâu nhập đồ đệ. Một số võ sinh là đệ tử tục gia của chùa Thiếu Lâm, sau khi tốt nghiệp về quê hay đi xứ khác lập nghiệp, mở võ đường, làm bảo vệ, tiêu sư hay đầu quân vào chốn quan trường.

Hình thành thuật ngữ ‘Võ Lâm Giang Hồ’
Người ta nói võ thuật Trung hoa phát xuất từ chùa Thiếu Lâm, có đúng và có sai. Võ thuật Trung Hoa phát xuất từ sự tranh đấu giữa các bộ tộc thời vua Thuần Nghiêu (dân của các vùng đất Tào, Khâu, Mân, Việt …) mỗi bộ tộc tự sáng chế ra võ thuật và vũ khí tùy theo sở trường và sở đoản của tộc dân.
Đại lục Trung Hoa qua nhiều biến đổi lịch sử, từ thời Xuân Thu (Spring and Autumn Period) trên một chục nước đánh nhau, sang thời Đông Chu Liệt Quốc (Warring States) gần trăm nước nhỏ tranh cường thôn tính lẫn nhau, sang thời Tần, Hán, Tam Quốc … võ thuật không ngừng phát triển cho mục đích chiến tranh và tự bảo vệ. Vào lúc nhà Tùy và quân lực của Lý Uyên đánh nhau, các tăng nhân của chùa Thiếu Lâm từng ra tay giúp Lý Thế Dân đoạt thiên hạ (xin xem bộ phim Đại Vận Hà, tiếng Việt đặt tên khác là Hoàng Hà Đại Phong Vân, trình chiếu trên TV Hong Kong 1986). Võ thuật trong thiên hạ nhiều vô số kể cho đến khi chùa Thiếu Lâm gạn lọc lại và phân chia ra thành 18 ban võ nghệ và 72 tuyệt kỹ công phu. Các vị võ tướng sau khi cáo lão từ quan, vào chùa Thiếu Lâm đi tu, hoặc ghé chùa vãn cảnh và đàm đạo võ thuật với các cao tăng, đồng thời truyển thụ công phu của gia tộc cho chùa, trước là dạy tăng nhân tự rèn luyện thân thể cường tráng, sau là tự bảo vệ hay giúp kẻ yếu thế. Sau đó chùa Thiếu Lâm thâu nhận võ sinh thế tục, tạo ra một dòng Thiếu Lâm tục gia đệ tử. Các võ sinh sau khi mãn khóa trở về quê nhà sử dụng tài năng công phu của mình mà giúp gia đình, kiếm sống, đầu quân, mở võ đường hay hành hiệp giang hồ cứu khốn phò nguy như được mô tả trong các truyện kiếm hiệp. Có hàng trăm tuyệt kỹ nếu chỉ khư khư truyền thừa trong gia tộc thì thực lực sẽ bị yếu, lâu dần chân truyền công phu sẽ bị mai một. Các võ sư trong tộc lúc sau vì muốn khuếch trương thực lực và truyền bá tuyệt kỹ của gia tộc, đua nhau mở võ đường. Các võ đường thâu nhận học sinh ngày càng nhiều, trở thành võ phái với những công phu đặc thù của từng gia tộc. Các thành viên trong gia tộc hay võ đường đi lại trong giang hồ, không sớm thì muộn cũng sẽ có đụng chạm hiềm khích với thành viên của các gia tộc và võ đường khác. Tranh chấp xảy ra và họ không ngừng củng cố thực lực, tạo nên cuôc chạy đua võ lực, từ đó sinh ra thuật ngữ ‘võ lâm giang hồ’. Chủ đề của các truyện võ hiệp ngày nay chỉ là võ thuật, cho nên các tác giả dùng hai chữ ‘võ lâm’ để gọi tắt cho ‘võ lâm giang hồ’.

‘Giang hồ’ mang ý nghĩa xấu
Trong một phủ huyện thời xưa bao giờ cũng có cường hào ác bá, đám này xu nịnh giới quan quyền nhưng lại tác oai tác quái dân lành. Bọn này luôn luôn có bang hội chống lưng phía sau cho nên thẳng tay hà hiếp dân chúng. Các võ phái theo tinh thần triết lý của Đạo giáo hay Phật giáo, đứng ra can thiệp thậm chí thẳng tay trừng trị đám cường hào, gây ra hiềm khích giữa các bang hội và các võ phái. Rồi đến các va chạm giữa người của các đại gia tộc với nhau, giữa thành viên của bang hội hay là những nhóm người theo các giáo phái bí mật truyền vào Trung Hoa, dẫn đến những những mối thù truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta thấy truyện võ hiệp hầu hết đều có những mối thù truyền kiếp, thường là 18 năm sau mới trả thù, quá là thù dai, nhưng thực tế có những mối thù dai đăng đẳng như vậy.
Trong xã hội không thiếu gì người xấu chuyên làm chuyện ác, trong đó phải kể đến những tổ chức xã hội đen, bọn sát thủ, bắc cóc đòi tiền chuộc, buôn người, buôn lậu… họ tranh đấu thanh toán lẫn nhau chỉ vì tiền và tư lợi.
Thế thì ‚giang hồ‘ lúc đầu mang ý nghĩa đẹp đẽ, thời gian dài sau đó lại mang ý nghĩa là một xã hội hỗn tạp, đầy bạo lực, phát xuất từ giới dao búa khu bến tàu. Từ khi ‚giang khẩu‘ trở thành nơi các hảo hán từ tứ xứ đến kiếm ăn và xưng hùng tranh bá, cụm từ ‚dân giang hồ‘ chính là do dân chúng Trung Hoa đặt ra để ám chỉ thành phần côn đồ sinh sống ở ‚giang khẩu‘ tức là khu bến tàu, lâu dần dân du đảng côn đồ ở khắp thành thị đều bị gọi là ‘dân giang hồ’.

‘Giang hồ’ trong văn chương và lịch sử Trung Hoa
Hai chữ ‘giang hồ’ có những ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào người dùng nó để diễn đạt ý tưởng của mình. Vào giữa thế kỷ 20, các văn hào Trung Hoa ồ ạt sáng tác truyện võ hiệp, và các truyện được các học giả Việt gốc Hoa dịch sang tiếng Việt. Bối cảnh của tất cả các bộ tiểu thuyết là ‘võ lâm giang hồ’, tức là một xã hội Trung Hoa chỉ dùng võ lực để giải quyết mâu thuẫn.
Trong các truyện võ hiệp, ‘võ lâm’ hay ‚giang hồ‘ bao gồm các võ phái thuộc bạch đạo, chính nhân quân tử, đệ tử bôn ba khắp nơi trừ gian diệt bạo, và các bang hội giáo phái thuộc hắc đạo, hành sự gian tà, các thành viên hắc đạo thường cướp bóc hà hiếp dân lành. Tuy rằng các văn hào viết truyện võ hiệp Trung Hoa như Kim Dung, Cổ Long, Lã Phi Khanh, Ngoạ Long Sinh … soạn cả mấy trăm bộ tiểu thuyết khác nhau, cho dù thêm mắm dậm muối để có những tình tiết khác nhau vẫn có những điểm tương đồng giữa các bộ tiểu thuyết: ngoại trừ giới vương quyền và quan lại, ‚giang hồ‘ bao gồm tất cả các thành phần trong xã hội như thương gia, địa chủ, giáo sĩ (tăng đạo), văn nhân, tiểu công, thứ dân và cùng đinh. Kế đó phải nói đến tranh đoạt: tranh đoạt bí kíp, vũ khí, kho tàng, tài, sắc, danh lợ i… rồi kể tới màn diệt sát kẻ thù và báo thù. Kèm theo những tình tiết tranh đoạt, phục thù rửa hận là những đại hội thi đấu tài năng ấn chứng võ nghệ để bầu ra minh chủ võ lâm. Tiểu thuyết võ hiệp phản ánh sự thật của xã hội bất cứ thời đại nào: bạo lực, chém giết, tham lam, tranh đoạt, mưu mô, hãm hại, thù hận, phản phé, tiêu diệt …
Hai chữ ‚giang hồ‘ có từ lâu lắm, truyện ‚Thuỷ Hử‘ của Thi Nại Am viết vào khoảng năm 1350 cũng đã có nhiều lần dùng hai chữ ‚giang hồ‘. ‘Giang hồ’ trong truyện Thủy Hử mang đậm tính chất một xã hội loạn lạc, cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua, đầy dẫy bất công và bạo lực.
Xưa hơn nữa, trong các thơ cổ phong và thất ngôn bát cú đời Đường (618-904 TL) có xuất hiện hai chữ ‘giang hồ’, nhưng ‘giang hồ’ trong thơ Đường mang tính chất lãng mạn, cảnh sông hồ nên thơ (của đất nước Trung Hoa), một xã hội thái bình như truyện thần tiên, thi sĩ mượn cảnh mà ai oán khoảnh khắc sinh ly tử biệt, nhìn sông hồ nhớ quê hương gia đình …
Thí dụ:
Bạc tùng tư giang đình (Đổ Phủ-Thịnh Đường)
Sa mạo tuỳ âu điểu,
Biển chu hệ thử đình.
Giang hồ thâm cánh bạch,
Tùng trúc viễn vi thanh

Dịch nghĩa:
Đầu đội mũ the đi theo chim âu,
Thuyền nhỏ buộc trước đình này.
Sông nước sâu nên sóng trắng xoá,
Tùng trúc xa xa thấy nhỏ bé và xanh xanh …

Thí dụ 2:
Tống Hình Quế Châu-tiễn ông họ Hình đi Quế Châu (Vương Duy-Thịnh Đường)
Nao xuy huyên Kinh Khẩu,
Phong ba há Động Đình.
Giả Kỳ tương xích ngạn,
Kích thái phục dương linh.
Nhật lạc giang hồ bạch,
Triều lai thiên địa thanh.
Minh châu quy Hợp Phố,
Ưng trục sứ thần tinh.

Bản dịch của Lâm Trung Phú:
Kinh Khẩu rền vang nao bạt,
Vượt phong ba xuống Động Đình.
Giả Kỳ bờ đất sẩm đỏ,
Thuyền nhỏ giục chèo tiến nhanh.
Nắng lặn sông hồ trắng xoá
Triều dâng trời đất hoá xanh.
Minh châu về lại Hợp Phố,
Sao tỏ đường quan rành rành !!

Ngược dòng lịch sử trở về thời Hán- Sở Tranh Hùng (206-202 TCN), sách sử ghi quân đội của hai bên thường tập trung ở giang khẩu (bến tàu), lên thuyền lớn sang sông vào đất địch. Giang hồ được binh pháp xem trọng như nguồn sống và khả năng vận tải đồng thời phòng vệ trong chiến tranh. Nếu đã có giang khẩu tức là có đô thị ở cạnh sông, thì dĩ nhiên phải có dân giang hồ sinh sống gần giang khẩu. Dân giang hồ, vào thời này mang ý nghĩa người sống rày đây mai đó, lưu lạc tứ xứ, dùng sức lao động của chính mình để sinh sống, chưa hẳn mang ý nghĩa xấu là dân dao búa đầu trộm đuôi cướp như bây giờ.
Trước khi đi đến kết luận của bài viết này, chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm một chút những thuật ngữ có ít nhiều liên quan đến ‘giang hồ’.

‘Võ lâm giang hồ’
武 vũ, võ: bộ Chi = sức mạnh, bạo lực
林 lâm: bộ Mộc, có nghĩa là rừng, đồng thời có nghĩa là chốn tụ họp đông đúc.
Thế thì võ lâm nghĩa bóng của nó là chốn tụ họp những người thích dùng sức mạnh, bạo lực.
‚võ lâm giang hồ‘ tức là xã hội hỗn tạp đầy bạo lực. Trong truyện võ hiệp thời đại ngày nay, ‘võ lâm giang hồ’ được viết tắt là ‘võ lâm’.
Có lẽ sang thời Tống các bang hội võ phái và gia tộc lớn mạnh hơn, thi nhau củng cố thực lực vì ‚lý lẽ nằm trong tay kẻ mạnh‘, dân chúng gia nhập những liên minh để được bảo vệ, xã hội mang màu sắc bạo động, các băng đảng phe phái hở một tí là choảng nhau, cụm từ ‚võ Lâm giang hồ‘ ra đời từ đó.
Truyện võ hiệp của Kim Dung, viết dựa theo bối cảnh lịch sử có thật: vào thời Tống (960-1279), Quách Tỉnh ‘Kim Đao Phò Mã’ lớn lên ở Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, Dương Khang là con nuôi của Đại Kim Hoàng Nhan Hồng Liệt, hai nước Mông Cổ và Đại Kim mưu toan thôn tính Đại Tống. Cuối đời Tống, thành Tương Dương thất thủ, Mông cổ tràn vào Trung Nguyên, lập ra nhà Nguyên, lùng bắt dân giang hồ tiêu diệt. Rồi Trương Vô Kỵ thống lĩnh Minh giáo khởi nghĩa chống nhà Nguyên, và Chu Nguyên Chương một võ tướng của Vô Kỵ lập ra nhà Đại Minh. Các truyện của Kim Dung được lồng trong bối cảnh lịch sử có thật của các triều Đại Tống, Mông Cổ, Đại Kim, Nguyên, Đại Minh và Đại Lý, các nhân vật võ lâm trong truyện của ông đánh nhau chí chóe, tuyệt kỹ võ thuật và y thuật được ông mô tả tường tận xuyên qua các võ phái và bang hội. ‘Võ lâm’ của Kim Dung qua các bộ truyện Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Thiên Long Bát bộ, và Lục Mạch Thần Kiếm là một xã hội có thật trong lịch sử Trung Hoa, cho nên được độc giả thưởng thức nhiều hơn so với các bộ truyện võ hiệp khác.

‘Giang hồ mã thượng’
Có nghĩa là cưỡi ngựa đi khắp sông hồ. Nghĩa bóng chỉ mấy tay hiệp lữ cưỡi ngựa đi lang thang khắp miền đất nước. Tình thật mà nói, các tay hiệp lữ như vầy trên thực tế hầu như không có vì từ xưa tới nay, làm chủ một con ngựa không phải dễ. Thường thì các tay hiệp sĩ ở Trung Hoa lang thang khắp nơi bằng ‘lô ca chân’ như các kiếm sĩ Samurai Nhật Bản. Nếu trên đời quả thực có những tay hảo hán cưỡi ngựa đi khắp giang hồ thì cuộc sống của họ chả khá hơn cuộc sống của kiếm sĩ cuốc bộ là bao nhiêu: bữa đói bữa no, đôi khi xui xẻo bị trộm mất con ngựa, hoặc gặp bọn hung ác giết người đoạt của thì tiêu đời. Những hảo hán nếu có sở hữu một con ngựa thường có nghề nghiệp vững vàng như bảo vệ, tiêu sư, vận lương, thám báo, săn bắt cướp (赏金猎人, Thưởng Kim Liệp Nhân). Những hảo hán này phải có nhiều bản lĩnh, thủ đoạn, võ nghệ cao cường để giữ mạng mình và giữ … ngựa.
‘Giang hồ mã thượng’ theo ngôn ngữ Trung Hoa còn dùng để ám chỉ các cậu ấm cô chiêu của các gia tộc quan lại có tiếng tăm trong nước, cưỡi tuấn mã đi vacation thường xuyên, giống như công tử con các đại gia thời nay lái Lamborghini cặp kè ‚chân dài‘ đi du hí khắp lục địa. ‚Giang hồ mã thượng‘ thực sự để ám chỉ hai loại người kể trên. Nhiều văn sĩ người Việt thường mô tả: “… hắn là một tay ‘giang hồ mã thượng’…hay ‘anh hùng mã thượng’ … ”họ dùng ‚giang hồ mã thượng‘ hay ‘anh hùng mã thượng’ để mô tả một tay anh chị có cung cách cư xử quân tử cao thượng, không đán lén, không chơi xấu, nhưng thực sự ‚giang hồ mã thượng’ không có nghĩa như vậy.

‘Giang hồ độc hành’, ‘giang hồ độc bộ’
Một mình lang thang khắp nơi (giang hồ thiên hạ), có thể cưỡi ngựa (rất hiếm) hay đi bằng … ’lô ca chân’ (99%). Ám chỉ người cô đơn không có bà con thân quyến. Tiếng Việt nôm na là đi … bụi đời.

‘Giang hồ đại đạo’
Có nghĩa là dân ăn cướp. Cướp trên cạn gọi là ‚đại đạo‘, cướp trên sông gọi là ‚thuỷ khấu‘, cướp biển gọi là ‚hải tặc‘. Cướp có luật lệ bảo vệ, trái lại được gọi là ‚đầy tớ của dân‘.
‚Lục lâm giang hồ‘, ‚lục lâm thảo khấu‘:
Lục lâm=rừng xanh. Thảo Khấu=giặc cỏ
Lục lâm thảo khấu: giặc cỏ, băng cướp ô hợp trốn trong rừng sâu, thường kéo vào thôn làng hay chận đoàn thương buôn giở trò cướp bóc.
Có sách viết chữ “lục” 陸 lục, bộ Phụ, có nghĩa là đường bộ, đường cạn, người Việt theo đó dịch ‘Lục lâm thảo khấu’ là cướp cạn (tức là cướp trên cạn, cướp giữa đường, để phân biệt với cướp biển)

‚Giang hồ tứ chiến‘
Ý chỉ dân bụi đời gan lì và lão luyện, đi đến đâu là có đánh đấm đến đó, không thắng thì thua nhưng ít nhất giữ được cái mạng.

‘Giang hồ hiệp nghĩa’, ‘giang hồ trượng nghĩa’
Là hành động cứu khốn phò nguy làm việc thiện của các đệ tử thuộc phe chính đạo (bạch đạo).
Ngũ Mai sư thái, Nghiêm Vịnh Xuân (tổ sư sáng lập Vịnh Xuân Phái và Vịnh Xuân Quyền), Hoàng Phi Hùng , Phương Thế Ngọc, Tô Khất Di, Hoắc Nguyên Giáp, Diệp Vấn … là những ví dụ cho thuật ngữ ‘giang hồ hiệp nghĩa’.

‘Giang hồ lãnh huyết’
Lãnh huyết = máu lạnh. ‘Giang hồ lãnh huyết’ ám chỉ dân dao búa giết người không gớm tay, sinh sống bằng nghề đâm thuê giết mướn, các truyện võ hiệp gọi họ là ‘sát thủ’. Những người này có võ nghệ cao cường, chuyên ẩn núp trong bóng tối hành sự bất ngờ cho nên nạn nhân không chạy thoát được.

‘Giang hồ Hắc Man’, ‘Giang Hồ Tẩu Tư’
‘Hắc man’ là xã hội đen, chuyên làm điều gian trá phi pháp như bắt cóc đòi tiền chuộc, trộm cắp phẩm vật, giết người phi tang … Lấy thí dụ: Bánh Trung Thu làm bằng nhân lạp xưởng, nhưng có loại bánh Trung Thu làm bằng nhân thịt người, gọi là “dành dục duyệt pỉnh” hay nhân nhục nguyệt bỉnh (nhân = người, nhục = thịt, Nguyệt = Trăng-Trung Thu, bỉnh = bánh, tức là bánh Trung Thu nhân thịt người) cũng như “dành dục páo” tức là bánh bao nhân thịt người trong truyện Thủy Hử – Võ Tòng Đả Hổ.
‘Tẩu tư’ là buôn lậu. Buôn người, buôn cổ vật, buôn đá quý, buôn ngựa quý, thú hiếm quý…
Triều đình chả ưa đám võ lâm giang hồ, lại càng ghét bọn ‘hắc man’ và ‘tẩu tư’ vì bọn này là bọn sống ngoài vòng luật pháp, cho nên luôn luôn phái ‘triều thám’ (FBI ngày nay) đi khắp phủ huyện lùng bắt và tiêu diệt đám này.

‘Sơn Đông Hảo Hán’
Tỉnh Sơn Đông bên Trung Hoa là một tỉnh nghèo, thời Xuân Thu là địa phận của 2 nước Tề và Lỗ. Cái nôi đạo giáo Lão-Khổng-Mạnh phát xuất từ khu vực này. Dân chúng trong tỉnh yêu chuộng võ thuật, lại thấm nhuần triết lý và giáo dục Khổng-Mạnh, từ đó phát sinh ra tinh thần thượng võ, thích hành hiệp trượng nghĩa. Vì đất đai không màu mỡ, nông nghiệp èo uột không đủ ăn cho nên dân trong tỉnh đi tứ xứ kiếm ăn. Với vốn liếng võ thuật ở quê nhà, họ hành nghề võ sư, bảo tiêu, cận vệ, đi lính, là những nghề có lương bổng hẳn hoi. Một số trở thành hiệp lữ (như hiệp sĩ Lucky Luke) hay triều thám (thám tử của triều đình, bây giờ là FBI), hoặc chuyên đi bắt ăn cướp mang về phủ huyện lãnh giải thưởng, gọi là ‘Thưởng Kim Liệp Nhân’ vừa cứu dân lành vừa có tiền xài. Những người này trở nên nổi tiếng, được dân chúng kính nể hay tán thưởng, gọi họ là ‘Sơn Đông Hảo Hán’.

‘Sơn Đông Mãi Võ’
Một số dân chúng trong tỉnh Sơn Đông kéo cả gia đình đi xứ khác kiếm ăn (tha phương cầu thực), do không có may mắn kiếm được nghề tốt, họ hành nghề biểu diễn võ thuật và bán thuốc dạo kiếm sống.
Họ đi lang thang hết huyện này đến châu phủ nọ, kiếm nơi chợ búa biểu diễn công phu xin tiền thưởng, bán các thứ thuốc gia truyền, thậm chí còn chẩn mạch bốc thuốc giúp dân nghèo. Nhóm dân Sơn Đông này kiếm rất ít thù lao nhưng họ chọn cuộc sống thanh bạch lương thiện, suốt đời đi bán dạo. Từ đó tiếng Trung hoa có thêm thuật ngữ ‘Sơn Đông Mãi Võ’.

‘Sơn Đông Hướng Mã’
Là một điệu hát của tỉnh Sơn Đông mà hay chúng ta nghe trong cải lương cùng với các bài Khổng Minh Tọa Lầu, Tẩu mã, Mẫu Tầm Tử, Khốc Hoàng Thiên, Bình Sa Lạc Nhạn… là những bài cổ nhạc được các soạn giả ưa dùng để đặt lời cho các tuồng cải lương. Tuy nhiên, ‘Sơn Đông Hướng Mã’ còn là một thuật ngữ mang ý nghĩa khác mà ít người biết tới.
Một số nhỏ dân tỉnh Sơn Đông tha phương cầu thực nhưng không gặp may mắn, kiếm không được nghề đói quá làm càn, tụ tập thành băng đảng mà đi cướp các đoàn thương buôn, các cổ xe chở khách hay phẩm vật. Chữ ‘Mã’ có nghĩa là ngựa, nhưng cũng có nghĩa là đoàn quân, đoàn xe thương buôn. ‘Hướng Mã’ có nghĩa là ‚chặn đầu đoàn xe‘. Để làm chi? để cướp vòng vàng tiền bạc, phẩm vật. Tuy nhiên các nhóm cướp có gốc Sơn Đông thường có đạo đức hơn các nhóm gốc tỉnh khác, thông thường họ chỉ đòi tiền mãi lộ, không cướp hàng hoá, không bắt đàn bà con gái mang về làm áp trại phu nhân. Các tiêu cục, thương cục tức là các công ty chuyên chở thường mướn dân giỏi võ nghệ làm nghề tiêu sư (bảo vệ xe chở hàng), hộ tống các chuyến hàng đi khắp đất nước. Các tiêu cục, thương cục này ưa chuộng mướn võ sĩ có gốc từ tỉnh Sơn Đông, gan lì, trung thành, nghĩa khí, nếu lỡ có gặp trúng đám cướp cùng quê Sơn Đông thì cũng dễ thương lượng, tránh động thủ tay chân. Tóm lại, ‘Sơn Đông Hướng Mã’ vừa là tên bài cổ nhạc vừa là thuật ngữ ám chỉ giặc cướp có gốc từ tỉnh Sơn Đông. Tuy họ làm giặc cướp nhưng vẫn giữ đạo đức Khổng–Mạnh (Khổng Tử sinh ở nước Lỗ thời Xuân Thu, nay là khu vực của tỉnh Sơn Đông). Khi triều đình cần quân chống giặc, họ bỏ nghề cướp bóc đi nhập ngũ, người ta lại tán thưởng gọi họ là ‘Sơn Đông Ái Quốc’, ‘Sơn Đông Nghĩa Sĩ’ hay ‘Sơn Đông Anh Hùng’.

‘Giang hồ tại Giang Nam’
Ám chỉ cảnh đẹp trong thiên hạ đều nằm ở Giang Nam.
Giang Nam là một vùng đất trù phú nằm ở phía Nam sông Dương Tử, xưa từng là địa bàn của ba nước Sở, Ngô và Việt, giờ là các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tây, Quý Châu và khu tự trị Quảng Tây. Dân Giang Nam nói tiếng Ngô, là ngôn ngữ lớn thứ hai ở trung Quốc sau tiếng Quan Thoại (nay gọi là tiếng Phổ Thông). Theo vài tài liệu khảo cổ, Tiếng Quảng Đông và tiếng Việt, được cho là có nguồn gốc từ tiếng Ngô, mà các bộ tộc Bách Việt nói tiếng Ngô và Mân. Và nếu đúng như vậy, dân tộc Việt xưa sinh sống ở đất Mân thời cổ đại, mà mình gọi là vùng Lĩnh Nam (vùng đất phía nam của dãy núi Ngũ Lĩnh). Từ thời Đường trở về sau vùng Lĩnh Nam được gọi là vùng Giang Nam (vùng đất phía nam của sông Dương Tử và sau cùng là bị phân chia thành các tỉnh như kể ở trên.
Các cảnh đẹp nổi tiếng ở Giang Nam kể đến cả mấy trăm, bao gồm các thành phố Trường Sa, Nam Xương, Nghi Xuân, Cửu Giang, Hạ môn, Phúc Châu, Tuyền Châu, Chương Châu, Hàng châu, Ninh Ba, Ôn Châu, Tô châu, Quảng Châu, Thượng Hải, Nam Kinh, Vô Tích, Thường Châu, Thiệu Hưng, Triều Châu, Phật Sơn… Động Đình Hồ và dãy núi Ngũ Lĩnh (người Trung Hoa gọi là Nam Lĩnh, là 5 dãy núi của vùng Mân Nam) được cho là hai trong số các thắng tích hàng đầu của Trung Quốc.
Giang Nam không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp mà còn nổi tiếng về món ăn ngon, văn hóa nghệ thuật (họa, thơ, ca, nhạc, kịch, thủ công nghệ …) và các thứ ăn chơi. Cho nên ‘giang hồ tại Giang Nam’ có nghĩa là những cái ‘Number One’s’ trong thiên hạ đều nằm ở Giang Nam.

‘Lang Bạc Kỳ Hồ’
Theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn:
狼跋其胡 lang bạt kì hồ:
Con chó sói giẫm lên cái phần da cổ của nó, lúng túng không biết làm sao. Nghĩa bóng: Sự lúng túng, khó xử, tiến thoái lưỡng nan. (Xem: Thi Kinh 詩經, Quốc phong 國風, Bân 豳, Lang bạt 狼跋). Một vài nhà văn Việt Nam khi mô tả một nhân vật đi bụi đời, đã viết như sau: “Hắn là một tay ‘lang bạt kỳ hồ’…”
Ý của tác giả muốn mô tả nhân vật là dân ‘lưu lạc giang hồ’, hay phiêu bạc giang hồ’, nhưng 2 thuật ngữ này dùng thường quá, cho nên tác giả dùng ‘lang bạt kỳ hồ’ nghe văn chương độc đáo hơn. Họ không biết rằng ‘lang bạt kỳ hồ’ không đồng nghĩa với ‘phiêu bac giang hồ’ tí nào cả. Một vài nhà văn viết là
‘…cả đời hắn lang bạt giang hồ’ hay ‘phiêu bạt giang hồ’ đều không đúng.

‘Phiêu bạc giang hồ’
Người lang thang khắp nơi không có nơi ở cố định
phiêu bạc giang hồ (không phải phiêu bạt giang hồ): bạc có chữ cuối là “c”, kh ông phải ”t”.
phiêu bạc 漂泊 trôi giạt, ngụ hết ở chỗ nọ đến chỗ kia.
Muốn mô tả một nhân vật lang thang bụi đời chỉ có viết ‘phiêu bạc giang hồ’ hay ‘lưu lạc giang hồ’ mà thôi. Còn viết ‘phiêu bạt giang hồ là không đúng. Có thể các nhà văn lẫn lộn chữ ‘bạt’ trong ‘cánh chim bạt gió’ mà viết thành ‘phiêu bạt giang hồ’ chăng?

‘Yểu dực bạt phong ba’
‘Cánh chim bạt gió’ (yểu = non yếu, dực = cánh chim, bạt = bay lượn, phong ba = bão tố), nghĩa đen là cánh chim non bay trong bão tố, nghĩa bóng mô tả những đứa trẻ mồ côi lang thang giữa chốn phong trần.
Cuối cùng để chấm dứt phần luận bàn, người viết xin tóm tắt ‘giang hồ’ có nhiều nghĩa. Nếu chỉ giải nghĩa đơn giản ‘giang hồ’ chỉ là sông và hồ thì không có bài viết này. ‘Giang hồ’ chính là ám chỉ bất cứ nơi nào trên đất nước Trung Hoa (thiên hạ giang hồ), cũng có thể nói bất cứ nơi nào trên trái đất này. ‘Giang hồ’ trong cổ văn là một cảnh đẹp, nhưng trong một số tiểu thuyết và phim ảnh lại là một xã hội bạo lực. ‘Giang hồ’ gợi lên một hình ảnh đẹp hay xấu tùy theo cách dùng từ của tác giả cũng như dùng nó ở chỗ nào trong tác phẩm của mình. Trong ngôn ngữ Hoa và Việt, ‘dân giang hồ’ dùng để ám chỉ những thành phần bất hảo trong một xã hội phức tạp, mà cái xã hội phức tạp đó, cũng thường được gọi là …’giang hồ’.

Viết xong ngày 31 tháng 8 năm 2018 tại Vaughan, Ontario, Canada.
Lê Anh Dũng

Singapore – Niềm tin phong thủy

Tôi thường hay viết Blog về những nơi tôi đã đi qua, một phần như người ta dán hình kỷ niệm vào quyển sưu tập ảnh, phần khác để ghi lại vài chi tiết bổ ích không có trong những bài đánh giá liên quan đến du lịch trên các trang Web như TripAdvisor, Holidaycheck v.v.

Tôi đi Singapore vì đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi có nguyện vọng đến thăm lại nơi nó năm ngoái cùng vài bạn học thay mặt trường Maastricht University tham gia kỳ thi đua giữa các Đại Học Kinh Tế trên toàn thế giới, nhưng không đủ thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về đất nước được mệnh danh là „Con sư tử châu Á“ này.
Nếu bạn hỏi cụ Gồ về Singapore – theo Phạn-Ngữ „Singha“ có nghĩa là sư tử và „Pura“ có nghĩa là thành phố – thì có muôn ngàn bài viết tán dương đất nước với lịch sử lập quốc chỉ mới hơn 50 năm, từ một thành phố nhỏ nằm trong quần đảo Mã-Lai nay trở thành cường quốc với trung tâm kinh tế mang tầm vóc quốc tế.
À, nhân đây tôi xin mạn phép kể lại một chuyện bên lề trong chuyến đi chơi này. Vốn hướng dẫn viên du lịch có khi dùng chữ „người Hoa“ để nói về nhóm sắc tộc đông dân số nhất tại Singapore (hơn 76%), rồi lúc lại gọi là „người Trung“, „người Tàu“ v.v. nên đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi thắc mắc. Tôi đã được một thằng bạn „đả thông kinh mạch“ rồi nên dạy lại cho nó rằng người Tàu tự nhận mình là người „Hoa“, tức là đọc tắt của nước Hoa Hạ, theo truyền thuyết là nước phong kiến đầu tiên. Thực sự trước đó, họ là các bộ tộc sống trên đất Tào, đại tộc trưởng là vua Nghiêu, dân sống ở khu vực Tào, gọi là Tào mín (Tào dân). Phía nam của Ngũ Lĩnh, là đất Mân và đất Nam, gọi chung là vùng Mân-Nam chưa khai phá, các bộ tộc sống ở đất Mân gọi là Mần mín (Mân dân), các bộ tộc sống ở đất Nam gọi là Nàm mín (Nam dân), còn chủng là chủng Yue (Việt).
Người „ba Tàu“ đúng ra là từ chữ „bô đào dân“ (Pô Tào mín) mà ra. Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ 17, khoảng 1670, lúc đó bên Trung Hoa là triều Đại Thanh. Dân Trung Hoa không chấp nhận bị dân Mãn Châu đô hộ, mới có phong trào „Phản Thanh – Phục Minh“. Nhà Thanh đem quân đi càn quét những nhóm sĩ phu kháng chiến, nhất là các nhóm Tụ Nghĩa Đường, Thiên Địa Hội, Hắc Kỳ Quân (giặc cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc), Huỳnh Kỳ Quân (giặc cờ vàng của Hoàng Sùng Anh). Bị càn quét đuổi tận giết tuyệt, dân Tàu chống nhà Thanh và sĩ phu yêu nước phải bỏ chạy sang Lào theo ngã Vân Nam-Yun Nan, sang Việt Nam theo ngã Lai Châu, Tuyên Quang và Ải Nam Quan. Ngoài ra còn một số sang Việt Nam bằng thuyền, đến Hội An và Hải Phòng. Khi họ sang Việt Nam, không biết ý tứ của triều đình nhà Lê là thân nhà Thanh hay thân nhà Minh, cứ nói mình là „bô đào dân“, „pô tào mín“ là chắc ăn nhất. Người „ba Tàu“ từ đó mà ra.
Trở lại với „Con sư tử châu Á“.
Nói đến Singapore thì không thể không nhắc đến Lý Quang Diệu (Lee Kwan Yew), một chính khách với lòng yêu nước nồng nàn. Ông là người duy nhất trong lịch sử đã khóc khi tuyên bố quốc gia được độc lập, vì vào thời điểm đó bị tách rời khỏi liên bang Malaysia có nghĩa là Singapore phải đối mặt với nhiều khó khăn, nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai và không có tài nguyên thiên nhiên. Là người gốc Hoa (Hạ) ông đã khôn ngoan áp dụng niềm tin vào phong thủy của dân Singapore để đưa những dự án xây dựng đất nước đến thành công vượt bực, cũng như xưa kia danh tướng Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến đánh đuổi quân nhà Tống nói rằng ông được thần ban cho bốn câu thơ:
Nam-quốc sơn-hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm-phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Quân lính nghe đọc mấy câu thơ ấy, ai nấy đều nức lòng đánh giặc.

Các điểm tham quan du lịch của Singapore đều mang dấu ấn phong thủy như biểu tượng Singapore là con cá có đầu sư tử (còn gọi là Merlion) phun nước vào đất liền không ngừng nghỉ nhờ hệ thống bơm hiện đại, lỡ một máy bị trục trặc thì máy kia sẽ thay thế để tránh tình trạng „tiền ngưng chạy vào túi“.Hoặc trung tâm thương mại „Suntec City“ gồm 5 cao ốc, nhìn từ trên cao trông như bàn tay trái với chiếc nhẫn vàng nằm trong lòng bàn tay là „Đài phun nước Thịnh Vượng“ (The Fountain of Wealth) làm bằng đồng với niềm tin của sự kết hợp Kim – Thủy, biểu tượng cho thắng lợi, thành công. Điều đặc biệt là thay vì phun lên cao,  nước lại được phun xuống dưới và tụ vào trong với ý nghĩa của cải sẽ tụ hội về nơi này.

Khách du lịch đến Singapore hẳn ai cũng được nghe kể về huyền thoại đồng Đô-La-May-Mắn. Tương truyền, do việc kiến thiết đường tàu điện ngầm MRT (Mass Rapid Transit) gặp rất nhiều trục trặc, thủ tướng Lý Quang Diệu đã hỏi ý một thầy phong thủy và được ông ta bấm quẻ cho biết khu vực có địa chất phức tạp gây trở ngại trong việc xây dựng chính là lưng của một con rồng lớn. Mũi khoan đụng vào là nó cựa mình nên mọi thứ đều đổ bể. Để trấn yểm rồng ngủ yên, toàn dân Singapore ra đường đều phải đeo một hình bát quái trên người. Nhưng ở Singapore khá nhiều người theo Ấn độ giáo và sẽ không đời nào chấp nhận phong tục đậm màu Phật giáo này. Sau một thời gian bàn luận với nội các, Lý Quang Diệu đã cho đúc một loại tiền xu 1 Đô-La có hình bát quái, như vậy người dân từ giàu tới nghèo ai cũng mang trong mình lá bùa yểm rồng.
Tôi được khuyên nếu đến Singapore du lịch và sở hữu một đồng xu bát quái hãy giữ nó như bảo vật vì nó sẽ mang lại may mắn cho mình.
Thật tình mà nói, tôi luôn tìm cách giải thích một cách khoa học, hợp lý những lời truyền miệng của người xưa, chẳng hạn như câu „có kiêng, có lành“ nếu giải thích theo toán học về thống kê và xác xuất (Statistik, Stochastik) thì khi tránh làm việc gì, xác xuất hậu quả xấu mà việc đó có thể gây ra đương nhiên cũng sẽ thấp hơn. Phong thủy đối với tôi không phải là sự mê tín mà là cách kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và địa lý để tạo dựng một kiến trúc vừa đẹp về thẩm mỹ, vừa có lợi cho sự sinh hoạt, phát triển của con người.

Lý Quang Diệu là một thiên tài chính trị gia với một tấm lòng yêu nước tha thiết. Ông đã dùng niềm tin phong thủy để khích lệ người dân Singapore chung tay góp sức xây dựng tân quốc gia nhỏ bé, không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn nước, không có khả năng quốc phòng, vươn mình trở thành một cường quốc tại Đông-Nam-Á.
Có niềm tin, con người có thể vượt qua đau khổ, bệnh tật, mất mát.
Có niềm tin, con người có thể đưa đất nước từ nghèo khó, nhược tiểu, đến giàu mạnh, hùng cường, một „Con sư tử châu Á“.
Vì vậy tôi chọn tựa đề cho bài Blog này là „Singapore – Niềm tin phong thủy“.

À quên, trong chuyến đi vừa qua tôi vô tình nhận được một đồng Đô-La Singapore mới toanh và một đồng Đô-La cũ hình bát quái.

Tôi sẽ luôn mang nó trong ví của mình, với hy vọng có ngày niềm tin phong thủy cũng sẽ đem thịnh vượng đến cho quê hương tôi.

Parla italiano ?

Mười hai năm trước, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Venezia, thành phố nổi trên nước với „những“ kiến trúc cổ kính, „những“ căn nhà xinh xinh nằm trên „những“ con kênh uốn lượn thật là trữ tình.
Do tiết kiệm chi phí, tôi nghỉ đêm tại một nhà trọ tập thể dành cho người trẻ tuổi hay gia đình có con nhỏ (tiếng Đức gọi là Jugendherberge, tiếng anh là hostel), tối nằm giường chồng ngay ngáy lo lăn đùng xuống đất; tiền bạc, thẻ căn cước phải lận lưng sợ lỡ ngủ say kẻ lạ ăn cắp mất thì cầu bơ cầu bất ở cái đất có nhiều „những“ này.
Nhà trọ nằm trên quần đảo Giudecca, đi đò qua quảng trường San Marco chỉ mất 3 phút. Chiều chiều ngồi trên bờ con kênh Canal Grande (kênh đào chính của Venezia) bạn sẽ thấy cả Venezia thơ mộng dần chìm trong ánh nắng hoàng hôn, đẹp như tranh vẽ.
Tôi có kỷ niệm không hay lắm trong chuyến du ngoạn đó là bị cuỗm ngon ơ cái đồng hồ đeo tay trong một ngõ hẹp và ngắn chưa tới 20 mét. Tuy vậy Venezia đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp, đặc sắc nhất là đi đâu cũng nghe tiếng Ý véo von lên xuống „ồ ố ô“ như vino (rượu), cappuccino (cà phê sữa), gelato (cà-rem), parla italiano (Cô biết nói tiếng Ý không)?

Mười hai năm sau, tôi lại lần nữa đặt chân đến Venezia, tá túc ở một căn buồng có nhiều phòng do con bạn tôi thuê qua Airbnb, đầy đủ tiện nghi, có cả máy lạnh nữa, khu San Polo, chỉ cách chiếc cầu một nhịp Rialto bắc ngang con kênh lớn vài phút đi bộ mà thôi.

Venezia vẫn thế !!! Vẫn „những“ kiến trúc cổ kính !!! Vẫn „những“ căn nhà xinh xinh nằm trên „những“ con kênh uốn lượn thật là trữ tình !!!

Nhưng …

Tôi không nghe véo von „ồ ố ô“ bên tai nữa.
Trong các tiệm bán hàng vắng bóng „những“ cô gái Ý nhỏ nhắn với đôi mắt to, sâu, đẹp não nùng.
Thay vào đó là „những“ chủ tiệm người Hoa tiếp khách bằng Anh ngữ lơ lớ.
Tôi ngỡ mình đang lưu lạc tại Hương Cảng, thành phố đảo ở Đông Á, còn được xem là „đặc khu hành chánh“ (Sonderverwaltungszone) của Trung Quốc.
Từ „đặc khu“ tôi mới được nghe lần đầu cách đây vài tuần, khi trên mạng rầm rộ tin tức biểu tình chống dự định biến 3 tỉnh Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thành „đặc khu kinh tế“ của Trung Quốc.
Chả nhẽ Venezia thơ mộng của tôi đã thành „đặc khu“ rồi sao ?
– Nị hảo ?
– Parla italiano ?

Mẹ-Ên

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường – Tôi đi học, Thanh Tịnh.
Hằng năm cứ vào đầu xuân, lá ngoài đường mọc nhiều và trên không xanh biếc chẳng có đám mây nào, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của dịp lễ Mẹ Hiền – phóng tác từ câu hỏi của thằng bạn tôi „Tại sao hoa Mẫu Đơn lại nở đúng dịp lễ Mẹ Hiền ở bên Mỹ ?“.

Mẫu Đơn là tiếng Mãn Châu (Mudan), có thể do hoa xuất xứ từ Mẫu Đơn Giang, tên một thị trấn ở Mãn Châu, nơi có dòng sông Mẫu Đơn chảy qua:
Lặng nghe tiếng ai ngân bài ca Mẫu Đơn Giang
Lòng tê tái nhưng âm điệu người sao êm ái
Gió chung vui đùa với chuông treo
Thôn nhỏ bên phía sông yên bình giấc nồng an lành

Who is singing ‚Peony River‘ outside the door
I listen carefully to the sorrowful rise and fall of your voice
The windchime sways and makes a clear sound
The small village beside the river sleeps a serene afternoon nap

Từ Hán-Ngữ „mǔ“ (牡) chỉ lấy âm „Mu“ của tiếng Mãn chứ không lấy nghĩa, vì theo Hán-Ngữ 牡 là „giống đực“ hoặc „chốt cửa“ hay còn có nghĩa là „lồi lên, gồ lên, gò đống“.
Người Hán lấy âm Hán để Hán-Ngữ hóa „Mudan“ thành 牡丹, phát âm từa tựa là „mǔdān“.
Người Việt lấy âm Việt để Việt-Ngữ hóa 牡丹 sang Hán-Việt, phát âm từa tựa là „Mẫu Đơn“.
Như vậy „Mẫu“ không có nghĩa là „mẹ“, và „Mẫu Đơn“ không có nghĩa là „Mẹ một mình“, là … „Mẹ-Ên“. Nhưng thằng bạn tôi nhận xét đúng, mùa hoa Mẫu Đơn thường rơi vào tháng 5, trùng vào ngày lễ Mẹ là chủ nhật thứ nhì của tháng này.

Mẫu Đơn

Ở Đức, ngày lễ Mẹ Hiền là ngày hoa bán chạy nhất. Năm ngoái doanh thu riêng cho ngày này lên đến hơn 60 triệu. Vì chủ nhật nhân viên bưu điện bị cấm hành nghề theo Điều §9, Luật giờ làm việc (ArbZG Arbeitszeitgesetz) của Đức, nên „Hằng năm cứ vào thứ Bảy trung tuần tháng năm, lá ngoài đường mọc nhiều và trên không xanh biếc chẳng có đám mây nào“ mẹ tôi lại nghe tiếng nhấn chuông đinh-đong của ông phát thư để mở cửa ký giấy nhận chậu hoa do thằng em tôi gởi đến. Tôi có đăng hình một trong những chậu hoa của nó ở bài Mẹ 8x.

Bạn cũng có thể tặng nước hoa, xà bông thơm, hộp kẹo, nữ trang, hay đơn giản chỉ một tấm thiệp tự làm, trông ngây ngô như tác phẩm thủ công của học trò lớp Nhất. Một món quà khá đặc biệt là „BỨC-VẼ-KÝ-TÊN-HAI-NGƯỜI“ của con bạn tôi, vẽ chung với mẹ nó.Một già, một trẻ, một con thuyền
Lững lơ dòng nước, bóng mẹ nghiêng
Lua khua mái chèo miên man vỗ
Mẹ đưa con về bến bình yên

Trở lại với „Mẹ-Ên“.
Hoa Mẫu Đơn trắng có tên Hán-Việt là Bạch Thược (hoa đỏ là Xích Thược) hay còn được biết dưới tên gọi „Bạch Thược Dược“ vì rễ của nó là một dược liệu trong Đông y. Tương truyền một buổi tối Hoa Đà đang ngồi đọc sách, bỗng nghe ngoài cửa sổ có tiếng con gái thút thít. Nhìn ra, ông thấy dưới ánh trăng mờ một người con gái rất đẹp mặc xiêm y bằng lụa trắng đang đứng khóc, dường như có điều gì ấm ức lắm. Hoa Đà quá bước ra xem thì chỉ thấy ở chỗ cô gái đứng khóc là cây Mẫu Đơn trắng. Vài hôm sau, vợ Hoa Đà bỗng nhiên bị đau bụng, băng huyết rất nhiều, uống đủ thứ thuốc không đỡ. Bà lén ra vườn đào rễ cây Bạch Thược đem sắc uống, nửa ngày sau, bụng hết đau, máu cũng không còn chảy nữa. Nghe vợ kể lại, Hoa Đà chợt hiểu Bạch-Y cô nương chính là đóa Mẫu Đơn trắng, do không được ông chú ý đến nên hiện thân thành người con gái khóc than thân phận bị bỏ quên.
Trong tiếng Việt „Thược Dược“ là tên gọi loài hoa Dahlia – được đặt theo tên nhà thực vật học Thụy Điển Andreas Dahl – nên dễ bị nhầm vì trong Hán-Việt hoa Mẫu Đơn trắng không gọi là „Bạch Mẫu Đơn“ mà gọi là „Bạch Thược“ (白芍 Bai Sháo).

Thược Dược trắng (white dahlia)
Mẫu Đơn trắng (white peony)

Không rõ lắm tại sao qua tiếng Việt thì bị lẫn lộn tên như vậy, có lẽ do mình cũng phiên âm sang từ tiếng Hán, mà trong tiếng Hán thì có hoa Mẫu Đơn, Bạch Thược, Xích Thược và Thược Dược. Nhưng „Mẹ-Ên“ thì không nhầm lẫn vào đâu được vì trong tiếng Hán không có hoa „Mẹ-Ên“ bởi

Mẹ-Ên chỉ nở trong vườn nhà tôi