Survival kit

Hình: Đèn dynamo không cần pin

Mấy hôm nay nước Đức xôn xao về vấn đề chính phủ chuẩn bị công bố kế hoạch phòng vệ dân sự, kêu gọi dự trữ thực phẩm và nước đủ dùng trong ít nhất 10 ngày phòng trường hợp xảy ra khủng bố hoặc tai biến.
Phải nói thêm rằng từ khi kết thúc chiến tranh lạnh năm 1989, nước Đức giảm dần ngân sách quân đội. Trước kia, thời hạn quân dịch ở Đức là 12 tháng. Em trai tôi cũng phải thi hành quân dịch sau khi tốt nghiệp tú tài lúc 20 tuổi. Tại thời điểm đó, thời hạn quân dịch là 10 tháng. Vì ẻo lả trói gà không chặt nên nó xin đi làm dân sự 13 tháng rồi mới đi học đại học.
Hiện nay các cậu tú chỉ học 12 năm theo hệ G8, tức là sau tiểu học 4 năm chỉ phải học 8 năm trung học thay vì như tôi trước kia học đến lớp 13 mới thi tú tài. Cũng miễn quân dịch. Ai thích có thể xin đi làm việc thiện nguyện 1 năm, tiếng Đức gọi là „Soziales Jahr“. Đa số các cô tú cậu tú chọn đi đến các thành phố xa tít mù khơi như Johannesburg ở Nam Phi hay qua Ecuador, Peru hoặc Peking, Shanghai thay vì làm việc xã hội ở viện dưỡng lão hay trong bệnh viện sát cạnh nhà. Nói chung với việc bãi bỏ chính sánh quân dịch, giảm ngân sách quân đội, nước Đức là thiên đàng của tự do, no ấm và hòa bình vì chẳng phải lo đào tạo thanh niên tập bắn súng để có thể tự vệ phòng khi quốc gia bị xâm lăng.
Người Đức thế hệ thứ hai sau Đệ nhị thế chiến cũng dần quen sống trong tiện nghi như chỉ cần cuốc bộ vài bước hay lái xe vài phút là có thể vào siêu thị mua đồ ăn cho cả tháng, chất ngập ự tủ lạnh hay dưới hầm, rồi hoang phí vất vào thùng rác khi đồ ăn hết hạn. Vì vậy việc chính phủ rục rịch thông qua chiến lược phòng vệ dân sự không khỏi gây hoang mang, nhất là trong lúc nước Đức đang gặp khó khăn về làn sóng tị nạn cũng như tình hình an ninh bất ổn tại các nước láng giềng Pháp, Bỉ.
Tôi chợt nhớ cách đây hơn 40 năm, những ngày vào cuối tháng 04.1975, ba tôi cũng chuẩn bị cho mấy chị em tôi mỗi đứa một túi xách – đúng ra là một cặp táp vì lúc đó trường học đã đóng cửa, cặp táp trở nên vô dụng, bị vứt xó – trong đó có một mẩu giấy ghi tên tuổi mỗi đứa, tên ba má tôi và địa chỉ, cùng một ít lương khô loại đồ ăn của lính Mỹ cũng như khoảng 20 đô-la. Lúc đó tôi chưa ý thức được hiểm họa đang chuẩn bị ập xuống đầu mình, chưa ý thức được nỗi nguy cơ vong quốc, gia đình ly tán, chẳng phải vì tôi còn quá bé mà bởi chúng tôi sống ở thủ đô Sàigòn, chỉ „nghe“ tiếng súng của chiến tranh qua giọng hát Khánh Ly mà thôi:

Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dựng chổi đứng nghe

Qua Cali thăm bạn bè, có lần tôi hỏi thằng bạn đường ra BestBuy mua cái đèn pin dynamo, tức là chỉ dùng tay quay quay vài cái là đèn sáng choang, chả cần pin cục hay sạc ắc-quy gì ráo. Thế là nó lôi cái gọi là „survival backpack“ ra, ba-lô với những thứ cần thiết tốt thiểu để có thể sống còn trong khi chờ đợi được cứu hộ lỡ không may bị vùi khi xảy ra động đất vì Cali nằm trong khu vực núi lửa còn hoạt động.
„Ấn tượng“ vô cùng. Tôi chỉ biết vỏn vẹn Cặp-Táp-Tháng-Tư, lèo tèo vài món, làm gì có đèn pin dynamo, làm gì có thức ăn khô của phi hành gia hay một cái búa nhỏ để gõ gõ báo hiệu „SOS. Tôi đang ở đây nè!“. Ngược lại, không có tờ đô nào trong ba-lô cả, có lẽ ở Mỹ họ thích dùng thẻ tín dụng hơn chăng ?
Tôi hoàn toàn tán đồng chính sách phòng thủ, tích trữ lương thực nhu yếu phẩm của chính phủ Đức, mặc ai nói ra nói vào hay chê bai chỉ trích, vì khi ta lâm nguy người cứu ta là chính ta chứ không phải kẻ đã chê bai chỉ trích ta. Người Việt có câu „Có kiêng có lành“ để tránh những điều không tốt có thể xảy ra với họ. Một tư duy rất ư … Á châu, kiểu „tránh voi chẳng hổ mặt nào“. Người Đức hoàn toàn ngược lại. Họ không ngại đối mặt với thử thách, với khó khăn và luôn tìm được cách giải quyết trong bất cứ trường hợp nào. Ngạn ngữ Đức nói rằng „Du mußt den Brunnen graben, bevor du Durst hast“, tạm dịch là „Bạn phải đào giếng trước khi khát“. Thế giới có thể lăn ra cười dân Đức đổ xô đi mua nhu yếu phẩm khi mà siêu thị nhan nhản mỗi góc đường 2, 3 cái. Nhưng hãy tưởng tượng nếu ở Đức bị cúp điện hay cúp nước một tuần ? Trong danh sách người chết chắc chắn sẽ không có tên một người Đức nào. Sau 10 ngày cũng không nốt. Họ đã chuẩn bị „survival backpack“ theo như đề nghị của Bộ Nội Vụ, không phải vì họ là một dân tộc có kỷ luật mà vì họ đã “đào giếng trong vườn sau nhà trước khi chết khát” rồi.
Hiện thời chính phủ chưa thông báo cụ thể „survival backpack“ gồm có những gì nhưng tôi đã bắt đầu danh sách „đầu cơ tích trữ“ với bài toán như sau:

Gia đình 4 người x 2 lít nước một ngày x 10 ngày = 80 lít nước

Do dự trữ lâu không nên dùng loại chai nhựa tôi sẽ phải mua loại chai thủy tinh, một két 12 chai, mỗi chai 0,75 lít, 80 lít là 8,88 két, làm tròn số là 9 két. Nếu 9 két sẽ bị lẻ khi xếp chồng lên nhau, vì vậy làm tròn số lần hai thành 10 két.
Ngày mai sẽ có quyết định chính thức của Bộ Nội Vụ về vấn đề này. Hôm nay tôi phải tranh thủ đi mua nước vì nếu một gia đình cần 10 két thì với dân số tỉnh lẻ biên giới ngót nghét 40.000 người của tôi, tính ra cần … 400.000 két.
Tôi sẽ bị đè chết trong siêu thị trước khi bị chết vì khát !

flaschen

Hinterlasse einen Kommentar