Bơi ngược

Hôm nọ, đang giương giương tự đắc được con bạn khen có trí nhớ gấp 1000 lần nó, thì một thằng bạn khác thản nhiên phán: „1000 lần của một con số 0 thì … cũng chỉ là số 0. Trong „Le zéro et l’infini“[1]  của Athur Koestler một người nói với cán bộ cộng sản: Các ông coi mạng người rẻ vì cho rằng 1 triệu người chỉ là 1 mạng người nhân lên 1 triệu lần. Nhưng các ông quên rằng nếu 1 mạng người đó từ chối làm con số 1 thì bài toán của các ông sẽ trật lất !“.

Cái tên rất ư là … Đức của Koestler làm tôi tò mò. Thăm cụ Ki, cụ Gồ[2] mới vỡ ra rằng Koestler sinh trưởng ở Budapest, gốc Đức Do Thái. Năm 1931 ông gia nhập Đảng Cộng sản Đức KPD[3], viết báo, làm phóng sự viên chiến tranh. Ghê tởm „Vụ án Mạc-Tư-Khoa“ cùng với chính sách thanh trừng của Stalin, ông ly khai cộng sản năm 1938. Hai năm sau ông xuất bản quyển „Darkness at noon“ (Nhật thực, Sonnenfinsternis), lên án guồng máy chính trị giết người. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết là đảng viên Nicolas Salmanowitsch Rubaschow, có một sự nghiệp thăng tiến như diều, vì tin tưởng vào đảng chính mình đã từng hãm hại đồng chí, bạn bè. Rubaschow đột ngột bị bắt bỏ tù, bị tra tấn, dụ dỗ viết bản tự kiểm điểm công nhận có tư tưởng, hành vi phản bội đảng cộng sản và cuối cùng vẫn bị kết án xử tử.

Tiểu thuyết này như một cái tát vào mặt chế độ cộng sản qua những lời tự sự của Rubaschow. „Định nghĩa cá nhân như sau: khối lượng của một triệu chia cho một triệu. Đảng cộng sản phủ nhận ý chí tự do của cá nhân, đồng thời hô hào mọi người tự nguyện hiến dâng tất cả. Cá nhân con người chỉ là một con ốc trong bộ máy khổng lồ. Đảng kêu gọi các con ốc quay ngược lại chiều kim đồng hồ, đi ngược lại dòng chảy của xã hội. Bài toán sai ở đâu đó, phương trình không giải được“. Theo Koestler chủ nghĩa cộng sản dẹp cá nhân con người sang một bên và hủy hoại họ, không kể bạn hay thù. Chủ nghĩa cộng sản giả tưởng hóa cái „Tôi“, biến con người thành công cụ của những hành vi tàn sát, vô cảm vì họ không còn nhận thức được giá trị cái „Tôi“ của chính mình nữa.

Với lý thuyết cộng sản – từ tiếng La-tin communis, có nghĩa là „chung“,  tự do bình đẳng cho mọi người dựa trên nguyên tắc tài sản cộng đồng và cùng nhau giải quyết mọi vấn đề – theo Koestler, giá trị cá nhân trong một phương trình xã hội là „số không“ (le zero), trong phương trình vũ trụ là „vô hạn“ (l’infini). Nguyên văn: In the social equation, the value of a single life is nil; in the cosmic equation, it is infinite.

Lâu lắm rồi không sờ đến toán, nay thằng bạn làm tôi phải „một phút suy tư, nhiều ngày suy nghĩ“.
Trong toán học 1/x với x tiến về 0 sẽ ra kết quả là -∞ hay  +∞.

Hyperbole_1_sur_x
Trong hệ thống máy tính điện tử, nếu lập trình (Programm) thiếu sót phần xử lý khi chia một số cho 0 sẽ dẫn đến việc … máy tắc tị (Absturz, crash), chết đứng như Từ Hải.

Tôi sinh ra ở Sàigòn và sang Đức khi vào tuổi trăng tròn, ý tôi muốn nói tôi chịu ảnh hưởng không nhỏ nền giáo dục Á châu, phải biết „kính trên nhường dưới“. Ngay từ bé tôi đã cảm nhận được nhiều điều tôi bắt buộc phải ngoan ngoãn vâng theo mặc dù „đối với tôi“ nó thật là vô lý. Tôi móc ngoặc kép chữ „đối với tôi“ nhằm mục đích ám chỉ Tư-Duy-Cá-Nhân-Bản-Thân phải khuất phục Tư-Duy-Được-Số-Đông-Cho-Là-Hợp-Lý. Ít khi nào tôi có cơ hội giải bày tại sao tôi lại nghĩ khác mọi người và cũng có thể tôi … đúng thì sao ?

Qua Đức, thái độ „phục tùng“ được rèn từ bé khiến tôi ít gặp xung đột với bạn bè hay thầy cô giáo. Do tiếng Đức lúc đó còn kém nên tuy tôi cũng làm đủ các bài kiểm tra như đám bạn cùng lớp, chỉ có môn toán được chấm điểm, còn các môn khác thầy cô ghi là „teilgenommen“ (có làm bài). Cho đến một ngày, không hiểu ăn trúng cái chi mà trong bài luận văn (đề tài gì thì tôi không còn nhớ) tôi hùng hồn biện minh, dẫn chứng, giải thích tràng giang đại hải 5,6 trang. Bài trả về đầy vết mực đỏ của cô giáo do sai lỗi chính tả bét bè be. Thế mà tôi được cô cho điểm 3, tức là trung bình, tức là … có điểm. Và nếu tôi không bị nhiều lỗi chính tả do tiếng Đức kém thì bài luận ít nhất phải được điểm 2 (khá) vì ở Đức tính chung cả điểm viết văn lẫn điểm văn phạm ngữ pháp.

Công tắc không bật mà đèn tự nhiên sáng !
Tôi chợt nhận thức ra rằng tôi cũng có quyền bày tỏ suy nghĩ cá nhân của mình. Nền giáo dục Đức rèn luyện phát huy đặc thù riêng biệt, chọn lọc cái hay, cái xuất sắc để biến nó thành cái hữu ích „chung“ cho xã hội. Nhưng cái „chung“ không có nghĩa là tuyệt đối, nếu có cái khác tốt hơn, cái „chung“ sẽ vui vẻ xin về hưu non nhường chỗ cho hậu sinh khả úy. Học trò cãi thầy như hát hay nhưng không có nghĩa là hỗn, là láo, vì vẫn phải tôn trọng cá nhân thầy cô, bạn bè tức là cãi phải kèm theo biện luận, có dẫn chứng đàng hoàng chứ không được „ăn tục nói phét“.

Nhiều người cho rằng xã hội Đức làm con người trở nên ích kỷ vì theo chủ nghĩa đặc thù (Individualismus), ngược với chủ nghĩa cộng sản (Kommunismus). Năm 2015, người Đức lạc quyên hơn 5 tỷ Euro (Spenden). Người Đức làm việc thiện nguyện có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Họ ích kỷ ư ? Tôi không nghĩ thế.

Hôm nọ lang thang ở London vô tình thấy tấm bưu thiếp (Postkarte) với dòng chữ „Why fit in when you were born to stand out“. Điều này rất đúng. Ở Đức.


whyfitin
[1] Số Không và Vô cực, Null und Unendlich
[2] Wiki, Google
[3] Kommunistische Partei Deutschlands

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s