Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường – Tôi đi học, Thanh Tịnh.
Hằng năm cứ vào đầu xuân, lá ngoài đường mọc nhiều và trên không xanh biếc chẳng có đám mây nào, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của dịp lễ Mẹ Hiền – phóng tác từ câu hỏi của thằng bạn tôi „Tại sao hoa Mẫu Đơn lại nở đúng dịp lễ Mẹ Hiền ở bên Mỹ ?“.
Mẫu Đơn là tiếng Mãn Châu (Mudan), có thể do hoa xuất xứ từ Mẫu Đơn Giang, tên một thị trấn ở Mãn Châu, nơi có dòng sông Mẫu Đơn chảy qua:
Lặng nghe tiếng ai ngân bài ca Mẫu Đơn Giang
Lòng tê tái nhưng âm điệu người sao êm ái
Gió chung vui đùa với chuông treo
Thôn nhỏ bên phía sông yên bình giấc nồng an lành
Who is singing ‚Peony River‘ outside the door
I listen carefully to the sorrowful rise and fall of your voice
The windchime sways and makes a clear sound
The small village beside the river sleeps a serene afternoon nap
Từ Hán-Ngữ „mǔ“ (牡) chỉ lấy âm „Mu“ của tiếng Mãn chứ không lấy nghĩa, vì theo Hán-Ngữ 牡 là „giống đực“ hoặc „chốt cửa“ hay còn có nghĩa là „lồi lên, gồ lên, gò đống“.
Người Hán lấy âm Hán để Hán-Ngữ hóa „Mudan“ thành 牡丹, phát âm từa tựa là „mǔdān“.
Người Việt lấy âm Việt để Việt-Ngữ hóa 牡丹 sang Hán-Việt, phát âm từa tựa là „Mẫu Đơn“.
Như vậy „Mẫu“ không có nghĩa là „mẹ“, và „Mẫu Đơn“ không có nghĩa là „Mẹ một mình“, là … „Mẹ-Ên“. Nhưng thằng bạn tôi nhận xét đúng, mùa hoa Mẫu Đơn thường rơi vào tháng 5, trùng vào ngày lễ Mẹ là chủ nhật thứ nhì của tháng này.

Ở Đức, ngày lễ Mẹ Hiền là ngày hoa bán chạy nhất. Năm ngoái doanh thu riêng cho ngày này lên đến hơn 60 triệu. Vì chủ nhật nhân viên bưu điện bị cấm hành nghề theo Điều §9, Luật giờ làm việc (ArbZG Arbeitszeitgesetz) của Đức, nên „Hằng năm cứ vào thứ Bảy trung tuần tháng năm, lá ngoài đường mọc nhiều và trên không xanh biếc chẳng có đám mây nào“ mẹ tôi lại nghe tiếng nhấn chuông đinh-đong của ông phát thư để mở cửa ký giấy nhận chậu hoa do thằng em tôi gởi đến. Tôi có đăng hình một trong những chậu hoa của nó ở bài Mẹ 8x.
Bạn cũng có thể tặng nước hoa, xà bông thơm, hộp kẹo, nữ trang, hay đơn giản chỉ một tấm thiệp tự làm, trông ngây ngô như tác phẩm thủ công của học trò lớp Nhất. Một món quà khá đặc biệt là „BỨC-VẼ-KÝ-TÊN-HAI-NGƯỜI“ của con bạn tôi, vẽ chung với mẹ nó.Một già, một trẻ, một con thuyền
Lững lơ dòng nước, bóng mẹ nghiêng
Lua khua mái chèo miên man vỗ
Mẹ đưa con về bến bình yên
Trở lại với „Mẹ-Ên“.
Hoa Mẫu Đơn trắng có tên Hán-Việt là Bạch Thược (hoa đỏ là Xích Thược) hay còn được biết dưới tên gọi „Bạch Thược Dược“ vì rễ của nó là một dược liệu trong Đông y. Tương truyền một buổi tối Hoa Đà đang ngồi đọc sách, bỗng nghe ngoài cửa sổ có tiếng con gái thút thít. Nhìn ra, ông thấy dưới ánh trăng mờ một người con gái rất đẹp mặc xiêm y bằng lụa trắng đang đứng khóc, dường như có điều gì ấm ức lắm. Hoa Đà quá bước ra xem thì chỉ thấy ở chỗ cô gái đứng khóc là cây Mẫu Đơn trắng. Vài hôm sau, vợ Hoa Đà bỗng nhiên bị đau bụng, băng huyết rất nhiều, uống đủ thứ thuốc không đỡ. Bà lén ra vườn đào rễ cây Bạch Thược đem sắc uống, nửa ngày sau, bụng hết đau, máu cũng không còn chảy nữa. Nghe vợ kể lại, Hoa Đà chợt hiểu Bạch-Y cô nương chính là đóa Mẫu Đơn trắng, do không được ông chú ý đến nên hiện thân thành người con gái khóc than thân phận bị bỏ quên.
Trong tiếng Việt „Thược Dược“ là tên gọi loài hoa Dahlia – được đặt theo tên nhà thực vật học Thụy Điển Andreas Dahl – nên dễ bị nhầm vì trong Hán-Việt hoa Mẫu Đơn trắng không gọi là „Bạch Mẫu Đơn“ mà gọi là „Bạch Thược“ (白芍 Bai Sháo).


Không rõ lắm tại sao qua tiếng Việt thì bị lẫn lộn tên như vậy, có lẽ do mình cũng phiên âm sang từ tiếng Hán, mà trong tiếng Hán thì có hoa Mẫu Đơn, Bạch Thược, Xích Thược và Thược Dược. Nhưng „Mẹ-Ên“ thì không nhầm lẫn vào đâu được vì trong tiếng Hán không có hoa „Mẹ-Ên“ bởi
Mẹ-Ên chỉ nở trong vườn nhà tôi