Tặng những người bạn “bắt cá gô bỏ gổ kêu gột gột” của tôi.
Nhiều người hỏi bộ tôi sinh ra tại vùng Đất Mũi hay sao mà ghi „Đến từ Cà-Mau“ ?
Thật ra tôi chào đời ở nhà bảo sanh Đức-Chính, nằm trên đường Cao-Thắng, Sài-Gòn. Nhưng Facebook không có địa danh Sài-Gòn nên tôi chọn Cà-Mau, nơi đã gắn liền một thời tuổi mộng mơ tôi của với những ao cá đầy sình, những gốc chuối đầy vắt và những tấm mùng đầy muỗi của những buổi chiều tối om om, ngồi thu lu trên giường mà nhớ trường, nhớ bạn da diết.
Khoảng năm 1978-1980 tôi thường túc trực ở Cà-Mau tìm đường vượt biên. Những hôm không phải trông „anh, chị“ – tuy là vai trên vế trước nhưng lại nhỏ tuổi hơn nên tôi thành … vú em – tôi hay la cà với đám con nít cùng trang lứa, lội ao, bắt ếch, hay tập tành gánh nước. Nhưng có lẽ người „thành phố“ như tôi không quen cửu vạn cho nên tôi không tài nào làm theo được, nước cứ sóng sánh cả ra ngoài, gánh về đến lu nhà thì vơi đi chỉ còn nửa thùng.
Thời gian ở Cà-Mau tôi vỡ dạ nhiều thứ.
Thứ nhất: Không được bơi kiểu „yết-kiêu“ như ở hồ An-Phú – tức là bơi đúng như vận động viên, đầu hụp lên hụp xuống, hít thở nhịp nhàng – mà phải bơi … chó, giữ đầu luôn ở trên mặt nước, vì nếu không một hồi sình sẽ bám đầy lỗ tai, lỗ mũi.
Thứ hai: Người Cà-Mau không đi „một mình“, người Cà-Mau đi „ên“.
Người Cà-Mau nói riêng, và người Nam nói chung, có khẩu âm khác với người Bắc tuy cùng nói một ngôn ngữ giống nhau, cùng hưởng một nền văn hóa giống nhau, cùng … chưởi thề giống nhau. Thí dụ ở Sàigòn tôi nghe tụi con nít ở ngõ tôi í ới:
– Đ.M. mày con bà Ba bán xôi!
thì ở Cà Mau tôi hầu như ngày nào cũng vừa một tay giữ „thằng anh họ“ đang sợ hãi ôm chân tôi, tay kia giơ đấm ra dọa mấy đứa con nít đứng trước cửa nhà hét đổng vào:
– Đ.M. mày con bác sĩ Nhã!
vì „thằng anh họ“ của tôi suốt ngày đàn đúm đánh nhau với đám trẻ con trong xóm.
Hồi đó tôi không hề thắc mắc dở „ẹt“ hay „ẹc“, „cụt“ hat „cục“, „cát“ hay „các“, tôi chỉ thấy ở Cà-Mau có nhiều cái tôi phải học, phải nhớ để không bị lạc lõng ở cái xứ mà muỗi, vắt sinh sôi nẩy nở theo một tỷ lệ tôi không thể nào giải nổi phương trình dù chỉ có một „con ẩn số“ này.
Hôm nọ, vô tình có đứa bạn hỏi „dở ẹt hay dở ẹc nhỉ ?“ làm tôi chợt nhớ về cái thuở „tập làm người Cà-Mau“ của tôi. Người Cà-Mau phát âm chữ „mình ên“ không giống như „đi lên“, cũng không như „đi lơn“, mà là một âm ở giữa hai âm „ơn“ và „ên“. Phải học được cách bơi để tai không bị dính sình thì mới phân biệt được sự khác nhau này, nhất là nếu bạn là „Bắc kỳ ăn cá rô phi, ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc kỳ“ như tôi.
Người Nam hiền hòa, dễ tính, nên chẳng hay kèo nèo, phải trái hơn thua, nếu bạn cho là đúng thì họ cười xòa thân thiện trả lời „Vậy sao?“, dù bạn dùng tiếng thổ ngữ của họ vì
– người Nam dùng „chén“ thay cho „bát“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „bát“ và „bác“
– người Nam dùng „bén“ thay cho „sắc“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „sắt“ và „sắc“
– người Nam dùng „bận“ thay cho „mặc,“ bởi họ không phân biệt được 2 âm „mặt“ và „mặc“
– người Nam dùng „xắt“ thay cho „cắt“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „cắc“ và „cắt“
– người Nam dùng „tiên“ thay cho „bụt“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „bụt“ và „bục“
– người Nam dùng „vớ“ thay cho „tất“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „tất“ và „tấc“
Và người Nam nói dở … ẹt.
Đó là mới nói về cái khó khi phải phân biệt giữa „t“ và „c“, chưa kể đến những chữ như „bông“ thay cho „hoa“, bởi họ không phân biệt được 2 âm „hoa“ và „qua“, hay người Nam có tiếng „dạ“ ngọt ngào bởi họ không phân biệt được 2 âm „vâng“ và „dâng“, vân vân và „dân dân“.
Tiếng miền Nam phong phú, văn thơ miền Nam gần gũi:
Ngày thơ, hớt tóc „miểng vùa“
Ngày thơ, mẹ bắt đeo „bùa cầu ông“.
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
Đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào.
Đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời.
Anh moi đất nắn „tượng người“,
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem „người đất“ đổi tiền „lá rơi“.
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời!!!
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ lòng họp một mình tôi vui gì!
Tiền và lá – Kiên Giang

Ngày còn bé tôi thường dùng tiếng Bắc, có lẽ vì ông bà, cha mẹ, cô chú bác đều cố giữ những gì gợi nhớ về một miền bắc xa lắc xa lơ không tưởng tượng ra nổi, dù trong trường đa số bạn bè người Nam, cô giáo người Nam. Một thằng bạn „bắc kỳ ăn cá rô phi“ của tôi mãi cho đến bây giờ đầu hai thứ tóc vẫn nhớ cái hôm giờ toán lớp Năm, học về đo lường, cô sai nó xuống văn phòng mượn cái „quặng“. Thằng con chẳng biết cái „quặng“ là cái gì, cũng chẳng dám hỏi lại cô giáo, chỉ ráng nhớ sao phát âm cho đúng chữ „quặng“, chứ mà về tay không thì chết đòn với cô.
Sau này, từ khi „tập làm người Cà-Mau“, tôi chuyển sang giọng Nam, dù cái tiếng Nam của tôi nó cứ lợ lợ như nước sông Cửu-Long, mà người Nam còn gọi là „nửa mùa Lệ-Thủy“.
Chỉ có cái tôi chưa học được của người Cà-Mau là tánh dễ dãi, xuề xòa, chưa biết trả lời:
– Dậy sao?