Mận, Xoài, Cóc, Ổi

Năm 2014, trong bài Lạm bàn về ý nghĩa lời bài „Sarborough Fair” và “Scarborough Fair/Canticle“ thằng bạn tôi phân tích tận tường ý nghĩa của bài cổ ca này.
Năm 2016, nó lại lần nữa nhắc đến bài này khi nói về phiên bản „Giàn thiên lý đã xa“ của Phạm Duy.
Năm nay, 2018, một độc giả đi lang thang lại gặp bài nó viết năm 2014 và hỏi ý kiến nó nghĩ sao về phiên bản của Nox Arcana.
Đã trót thì phải trét. Tôi mạn phép đăng tiếp lời bình của nó về bài cổ ca bất hủ này.

***

Có rất nhiều phiên bản Scarborough Fair, và cũng có nhiều bài mang tên hơi khác 1 chút như Southhampton Fair, Nottingham Fair … nhưng tất cả các bài đều có 1 điểm giống nhau, là điệp ngữ Parsley, Sage, Rosemary and Thyme, ngay cả phiên bản của Paul Simon & Garfunkel scarborough Fair-Canticle cũng không dám bỏ điệp ngữ này. Tại sao ?

1/ Tất cả các bài đều giống nhau ở chỗ nhắn nhủ người bạn chiến binh trở về quê hương, còn mình thì ở lại chiến trường (tử trận). Bốn thứ thực vật này là biểu tượng của quê hương của họ. hình ảnh 4 thứ cây cỏ này chính là hình ảnh quê hương trong trí nhớ của người lính tử trận.

2/ Bốn thứ cây này như giống đã viết trong bài Scarborough Fair thứ nhất, là 4 thứ thực vật gắn liền với đời sống, văn hóa, và tín ngưỡng tâm linh của dân Anh cổ xưa, tức là Britons (England, Ireland, Scotland, Wales, Britany), từ lúc sinh ra cho đến lúc vĩnh biệt cõi đời, dùng làm thực phẩm, gia vị, làm thuốc, làm bùa ngãi, bùa hộ thân, trang điểm trên đầu trong các lễ quan trọng như Rước Lễ Lần Đầu (First Communion), Lễ Thêm Sức (Confirmation), Lễ Hỏi (Engagement), Lễ Cưới (Wedding) Lễ tẩy uế nhà cửa (Cleansing) và ướp theo xác chết để linh hồn được sự thánh thiện che chở (Funeral). Nói vắn tắt 4 thứ cây cỏ này đi theo họ suốt cuộc đời.3/ Bốn thứ cây này có nguồn gốc từ Ý (parsley), Địa Trung Hải (sage), Iberia, Trung Á (rosemary) và Cổ Ai Cập-Hy Lạp (thyme). Bốn thứ này còn được coi là linh thảo (sacred herb) đối với tín ngưỡng Egypt, Romans và Greek. Từ những nơi khác nhau nhưng đều được trồng ở quê hương mới, quê hương của dân Britons. Mà dân Britons thì cũng có gốc gác khác nhau di dân đến, như Anglo-Saxon đến từ Đức, Scandinavian đến từ Na Uy, Afros- Romans đến từ dân Roman da đen , Sub-Saharan African (dân Trung Phi) họ đến khu đảo quốc này từ sau công nguyên khoảng 200-300 năm. Bốn thứ cây này ám chỉ sự khác biệt chủng tộc nhưng đều là đồng loại, tại sao lại gây chiến tranh với nhau ?

4/ Scarborough Fair là một lễ hội thanh bình, một phiên chợ quốc gia nơi người ta tụ về trao đổi hàng hóa, vui chơi, gặp gỡ và hẹn hò. Trong bài hát ngoài 4 thứ hương thảo được bày bán trong lễ hội, còn có hình ảnh quê mùa mộc mạc như cái giếng, áo Cambric, bụi gai, lưỡi liềm hái, hạt tiêu, bờ tường, mảnh đất canh tác, bãi cát, đại dương, những hình ảnh nói lên một cuộc sống đơn giản, thanh bình mà người dân quê cũng chỉ ước mơ có ngần ấy. Cái sâu sắc độc đáo của bài này là nói về chiến tranh nhưng không hề nhắc tới súng đạn hay cảnh đổ máu, mà chỉ ẩn dụ mơ ước thanh bình qua các hình ảnh bình dị trong cuộc sống hằng ngày của họ.

5/ Ở Scarborough Fair, người ta thấy bài cổ ca, hay nói đúng hơn, thiên tình ca thời loạn, chuyện tình của một đôi trai gái có kết thúc buồn nhẹ nhàng, lời bài hát ẩn dụ kín đáo, trong khi ở Scarbough Fair-Canticle của Paul Simon-Garfunkel, hình ảnh chiến tranh giữa các xứ được mô tả khốc liệt và bi tráng hơn. Hai ông không thể dẹp bỏ lời bài gốc củng với 4 thứ hương thảo, vì chúng chính là quê hương của hai ông.
Và rồi để chấm dứt bài hát, hai ông thêm vào hoa heather (thạch thảo) hoa thanh bình cũng là hoa vĩnh biệt trên mộ người lính.

Lương Châu Từ, bài thơ của Vương Hàn cũng là một tuyệt tác văn chương về chiến tranh, nhưng nếu đem so sánh với Scarborough-Canticle của Simon and Garfunkel, bài Scarborough Fair-Canticle hay hơn gấp bội.

Tóm lại, một bài Scarborough Fair mà không hề nhắc tới 4 thứ cây cỏ này thì không thể nào gọi nó là bài Scarborough Fair. Nhiều người đặt lời khác trên nền nhạc bài cổ ca này, nhưng họ không nắm vững vấn đề then chốt ở 4 cây hương thảo.
Thiếu điệp ngữ Parsley, Sage, Rosemary and Thyme thì bài hát đâu còn giá trị gì nữa. Sau khi cắt nghĩa bài Scarborough Fair từng lời từng chữ mang ý nghĩa sâu sắc như thế nào, Canticle mang ý nghĩa như thế nào, sẽ thấy trên thế giới chẳng có bài nào sánh ngang bằng bài Scarborough Fair-Canticle.
Lê Anh Dũng – Tháng Hai 2018

***

Nếu ai có hỏi 4 thứ thực vật đi theo suốt cuộc đời, mang hình ảnh quê hương trong trí nhớ của tôi là gì, thì tôi xin trả lời: Mận, Xoài, Cóc, Ổi.

Werbung

Mùa xuân … lá khô

Năm nay tôi được nhờ soạn và dịch lời giới thiệu cho chương trình văn nghệ Tết Mậu Tuất. Khá dài, đa số là nhạc Xuân vui tươi hay nhạc quê hương ngọt ngào, không có màn ca cải lương nào vì cô ca sĩ „gạo“ mới sanh em bé, bận bịu, nên khước từ. Bù lại được một màn vũ „Hành trình trên đất phù sa“, nghe là thấy có thể xen vào vài câu giới thiệu với quan khách Đức chút ít về đồng bằng sông Cửu Long, về „khúc ruột miền Nam của tôi“ từ khi bác tôi lấy cô vợ người Long Xuyên và chọn Cà Mau làm quê hương thứ hai.

Khó nhất là đoạn diễn văn khai mạc. Năm ngoái đã mượn bài thơ „Ông đồ“ của thi sĩ Vũ Đình Liên để nhập đề rồi, chả nhẽ năm nào cũng ông đồ ? Mà khổ nỗi Tết thì tiêu biểu là mai vàng, bánh chưng xanh, câu đối đỏ.

Lẩn quẩn mãi không ra ý tứ, tôi đành dùng hai câu ca dao xưa như trái đất

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Xin các bậc tiền bối tha thứ nếu tôi đơn giản hóa mấy hình ảnh này trong tiếng Đức bởi nếu dịch sát nghĩa thì „tượng hình“ được, nhưng không thể „tượng thanh“ vì thơ tiếng Đức khác luật bằng trắc. Xuất giá tòng phu, xuất ngoại tòng … quyền. Gặp cảnh biến phải theo đạo „quyền“, không thể giữ nguyên đạo „kinh“ như lúc bình thường được, nên tôi „vẽ“ tạm cái Tết Việt Nam cho người Đức thưởng ngoạn như sau

Speck, Kohl, rotes Duilian
Kuchen, Böller, Neujahrspfahl

Nghe cũng … vần chán !!!
Tối hôm sau, anh phụ trách chương trình văn nghệ gọi phone nhắn nhủ:
– À, anh còn quên bài „Mùa Xuân lá khô“, em biết bài này chứ ?
Tôi:
– Dạ … không!
Anh:
– Ca vầy nè, Tôi trở lại vùng hành quân, vùng xa xôi đá sỏi biết buồn …
Tôi: Một phút suy tư.
– Dạ để em kiếm trên Internet, thể nào cũng có.

Cúp máy điện thoại. Mở máy vi tính. Bấm tìm „Mùa Xuân lá khô“. Kết quả:
Mùa Xuân Lá Khô – Trần Thiện Thanh – Ca sĩ thể hiện: Trường Vũ, Duy Khánh, Tuấn Vũ, Mạnh Quỳnh.

Trời đất, thôi rồi, lại là „nhạc Sến“ nữa rồi !
(Chú thích: không phải tôi có hàm ý chê bai, mà „nhạc Sến“ là tên một dòng nhạc được khá nhiều người yêu chuộng, đa số theo điệu Bolero réo rắt, luyến láy).

Vì không biết bài này nên tôi mù tịt, Ai-Nô-Ai-Đia (I no idea), không thể xuất ngoại, xuất tòng gì sất. Tôi đành tra kiếm tiếp trên mạng lời của nguyên bản nhạc, kèm theo nghe tới nghe lui bài hát để có thể cảm nhận được ý của tác giả, dựa theo đó mà soạn lời giới thiệu cho Em-Xi (MC). Hết nghe Trường Vũ, Tuấn Vũ lại đến Duy Khánh, Chế Linh, Mạnh Quỳnh. Nghe xuôi nghe ngược mãi chán, tôi chuyển sang giọng ca nữ Thanh Tuyền, Mỹ Huyền. Bài này càng nghe càng thấy thấm, thấy thương cho thân phận người lính:

Ở đây không có hoa Mai, không có hoa Đào trang điểm trần ai …

Chợt nhớ lời con bạn: Lúc còn bé, mình hay tập theo mấy cousin, cousine, chỉ nghe nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, nhạc trẻ Phượng Hoàng … mà lãng quên những bản nhạc nói về đời lính gian khổ, xa nhà, xa mẹ, xa người yêu, triền miên khói lửa. Sau này nghe lại tao thật sự thấy xúc động và thương cảm họ thật nhiều, nếu không có đổi đời, đôi lúc tao nghĩ có thể mình sẽ là người yêu của lính …“

Tôi không biết tôi thì có trở thành „người yêu của lính“ giống nó không, nhưng dù không phải „phen“ nhạc Sến, tôi rất thích bài „Ai nói với em“ (Minh Kỳ – Huy Cường):

Ai nói với em nếu anh là lính
Không biết nói yêu mỗi khi gần em
Ai nói với em tình mình dang dở
Vì đời lính nhiều gian khổ
Yêu chỉ cho lòng mong chờ

Ai nói với em lính không sầu nhớ
Không có trái tim đắm say mộng mơ
Ai nói với em tình người lính trẻ
Nồng nàn nhưng nhiều dâu bể
Không như cung đàn lời thơ

Ba-lô thay người tình yêu dấu
Đêm đêm riêng mình nằm gối đầu
Anh thấy nhớ em, anh thấy mến em
Ước mơ anh là trời cao

Rót trăng nhuộm vàng làn tóc thương yêu

Khi lính đã yêu bướm ghen tình thắm
Muôn kiếp vẫn yêu nói chi ngàn năm
Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở,
Tình còn vững bền muôn thuở
Bao la như lòng đại dương.

Phải chi hôm Tết có ai hát bài này nhỉ ?
Tôi sẽ có rất nhiều ý tưởng để soạn lời giới thiệu cho nó.

Rừng lá thấp

Photographer: Nicholas N. Dang

Wherever you are, it is your friends who make your world (William James).

Câu này thật là chí lý trong thời đại Facebook. Thế giới của tôi sẽ bé tí như miệng giếng nếu không có đám bạn học cũ giờ lưu lạc tứ xứ. Sáng dậy vừa nhấp ly cà phê vừa „Chếch-Meo, Chếch-Bút“ (check mail, check facebook) để thấy đứa này đăng hình cây khổ qua nhà nó mới … chết vì thời tiết đột nhiên trở lạnh, hay đứa kia „xe“ (share) công thức làm bánh da lợn màu … hoa sim, tím chiều hoang lìm lịm. Tiếng Tây, tiếng Mẽo, tiếng Đại hàn „Chơi-Xong-Dông“ (Choi Sung Yong), tiếng Hán „Mai-Cởi-Quần“ (Michael Quan), tiếng Việt „thuần tục“:

Em là con gái Bắc Ninh
Em nghiêng cái nón cái … đình nghiêng theo
Em là con gái Vân Đồn
Em nghiêng cái nón … tâm hồn nghiêng theo

Sáng nay, uống ly cà phê đen không đường không sữa – bắt chước thói quen làm biếng của dân Đức ngồi bàn giấy để khỏi phải rửa ly mỗi ngày vì sữa đường là „nhà“ (host) của vi khuẩn, chưa bàn đến việc dễ gây … béo phì – chợt thấy thằng bạn đăng youtube video bài hát „Rừng lá thấp“ của Trần Thiện Thanh, remixed theo loại nhạc Rap, tức là phối hợp nhạc và đọc kèm vào đó tràng giang đại hải những câu vần điệu, đọc nhanh, giựt giựt đứt đoạn như đang giựt kinh phong nhảy Hip-Hop, xen những khúc ồ ồ, dé dé (oh oh, yeah yeah). 

Thường khi viết Blog tôi không „tràng giang đại hải“ vì nghĩ gì viết nấy („nghĩ bậy“ thì chỉ cười „mỉm chi beo“ một mình chứ không dám viết xuống sợ ăn đòn to), nhưng bài hát này tôi phải đăng trọn vẹn bởi từng câu, từng chữ của nó đầy ý nghĩa, nói theo giọng „bắc kỳ rốn“ của thằng bạn tôi là „hay đếch chịu được“:

Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người đi chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu.


Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca:
„Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà“
Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao
Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu ?


Sao không hát cho người giết giặc trên cầu
khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh ?
Trong khói súng xây thành,
mắt quầng thâm mất ngủ,
tàn đêm khói lửa,
giờ chỉ cần hai tiếng „mến anh“.
Sao không hát cho những người còn mải mê,
lá rừng che kín đường về phồn hoa ?
Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa ?
Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua ?


Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh
Đời lính quen yêu gian khổ quân hành
Nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên
Đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên


Lời hát xin gây rung động thật lâu
Đừng hát như chim trên vùng lá sầu
Xin thật lòng trong câu hát đầu môi
Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi.

„Rừng lá thấp“ hồi đó đối với tôi là loại nhạc „ma-ri sến“, dân trường tây chỉ thưởng thức lá … chết, „Les feuilles mortes“, lời nhạc của Jacques Prévert (Déjeuner du matin là bài tôi ưng ý nhất, tôi có dịch ra tiếng Việt ở đây), thời thập niên 60,70 do nữ ca sĩ người Pháp Françoise Hardy trình bày với giọng hát êm như nhung, mái tóc xõa ngang vai rất nữ sinh, khuôn mặt khả ái đẹp dịu dàng … thua Ngọc Lan chút xíu.

francoise_hardy_1969
Françoise Hardy

Hai câu cuối gói ghém trọn vẹn tâm tình người lính trẻ không trông đợi những gì cao sang, hão huyền. Đừng hát như chim trên vùng lá sầu, hứa hẹn đầu môi „trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà“, khi anh đang ôm súng giữa rừng già thâm sâu bí hiểm, chỉ thấy toàn … lá là lá, dù có vô vàn những cây cổ thụ thật đẹp, rễ cuộn vào nhau, mà vì nó Angelina Jolie phải lặn lội qua tận Cam-Bốt để quay vài phút phim, làm bây giờ hướng dẫn viên du lịch không giới thiệu „đền Ta Prohm“ nữa mà gọi là đền … Lara Croft có chết không chứ lị !!!
„Người đi chinh chiến dài lâu“ cũng không ước vọng làm Tarzan hú „ồ ố ô, I’m Tarzan“, chỉ „yêu lá thấp mà thôi“. Thấp là „kém bề cao“ – giống tôi – nghĩa bóng ám chỉ những gì hèn kém như „thấp mưu“, „thấp nước cờ“, như Thúc Sinh trong truyện Kiều than thở:

„Thấp cơ“ thua trí đàn bà
Trông vào đau ruột, nói ra ngại lời
.

Hôm nọ – lại cũng trên Facebook – một thằng bạn khác đăng tấm hình nó vẽ, được treo trong văn phòng hiệu trưởng trường Thống Nhất với những lời tự tình mà tôi xin trích ra làm phần kết luận cho bài „Rừng lá thấp“ dù chưa xin phép nó, „blog“ nguyên văn, kèm theo tấm hình nó vẽ cô gái đã đi thẩm mỹ viện ghép lông mi dài, cong vun vút:

Riêng tôi, thời đó còn nhỏ lắm, không góp được công sức gì để ghi ơn người lính Việt-Nam-Cộng-Hòa, tôi chỉ biết vẽ một tấm tranh nhỏ, mô tả một thiếu nữ choàng vòng hoa chiến thắng lên cổ một người lính Việt-Nam-Cộng-Hòa, một nghĩa cử biết ơn của người dân miền Nam đối với tập thể quân–cán-chính phụng sự tổ quốc Việt-Nam-Cộng-Hòa. Trường tiểu học Thống Nhất treo bức tranh này ở văn phòng của bà hiệu trưởng Trần thị Lài suốt thời gian tôi học ở đó. Trên góc phải vẫn còn bút tích của chữ Cung Chúc Tân Xuân.

donle
Hình do Lê Anh Dũng vẽ

Chú thích:
Ngày xưa Đài Tiếng Nói Quân Đội của Cục Tâm Lý Chiến có chương trình Nhạc Thời Chiến Hay Nhất, ngay sau chương trình „Binh Méo Cai Tròn“ của Khả Năng – Phi Thoàn, giới thiệu các bài hát về chiến tranh như „Trên Đầu súng“, „Cờ Bay“, „Trên 4 vùng chiến thuật“ … đa số do nhạc sĩ đang tại ngũ sáng tác như Song Ngọc Hoài Linh, Trúc Phương, Mai châu, Hàn Châu, Trường Sa, Nguyễn văn Đông … Ngoài ra còn mốt số lớn nhạc sĩ dân sự nhưng lại rất yêu bộ quân phục Việt-Nam-Cộng-Hòa như Chế Linh, Duy Khánh, Phạm Thế Mỹ, Trầm Tử Thiêng, Trịnh Lâm Ngân, Khánh Băng, Hoàng Thi Thơ, Phạm Đình Chương, Phạm Duy … Người yêu màu áo lính nhiều nhất phải nói là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Vì là thời chiến tranh nên 80% nhạc Việt đều ít nhiều dính dáng đến lính và chiến tranh. Đài Tiếng Nói Quân Đội có làm một cuộc bình chọn bài hát thích nghe nhất, gởi phiếu hay thư bình chọn về KBC (Khu Bưu Chính) của đài. Kết quả „Rừng Lá thấp“ là bài được bình chọn là bài hát thích nghe nhất, được yêu cầu phát thanh nhiều nhất.

Zumba® – Nhảy cào cào hay khiêu vũ đơn bốc lửa ?

Từ lúc „đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi“ xuất hiện trên thế gian thì cũng là lúc Zumba® bắt đầu lan tràn sang Mỹ, tức là vào năm 1999. Ông „tổ“ Zumba là Alberto „Beto“ Perez, huấn luyện viên người Columbia, da ngăm, nhỏ người nhưng đẹp trai, nhảy Salsa, Merengue, Rumba như … rắn, tức là dẻo quẹo. Một hôm đẹp trời, Beto quên béng mang theo nhạc cho buổi tập thể dục nhịp điệu Aerobic, thế là quơ đại băng cassette nghe trong xe hơi, toàn mấy điệu ChaChaCha, Tango, Samba, đủng đỉnh đeo ba-lô vào phòng tập như không có chuyện gì xảy ra. Và vì phải kết hợp các động tác thể thao tăng cường cơ bắp tim mạch với nhạc Latin lúc nhịp 4/4 (ChaChaCha, Rumba), lúc 2/4 (Tango, Merengue) loạn xị xà ngầu, Beto đã sáng tạo ra thương hiệu Zumba, lý do tại sao Zumba luôn ngoằng thêm dấu ® (registered trademark) ở bên cạnh.
Chẳng phải chỉ phụ nữ người Việt ở Đức mà ngay cả đàn bà người Đức ở … Đức cũng gặp trường hợp không tìm được bạn nhảy cặp đôi, do đàn ông ít có ai da ngăm đẹp trai, chân dẻo quẹo như Beto. Vì vậy Zumba chính là cứu cánh cuộc đời của những ai yêu âm nhạc, chuộng khiêu vũ, thích thể thao mà không chịu khuất phục dù
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi qu(s)ay với ai ?
(Thơ Vũ Hoàng Chương)

Hơn thế nữa, ta chẳng cần lo lắng sẽ đạp lên chân ai cả vì đơn giản là ta chả ôm ai để có thể đạp lên chân họ được. Trật nhịp thì cười ruồi đứng dậm tại chỗ. Lỡ quên bước nhảy cũng chả sao, bước kế tiếp sẽ từa tựa giống vậy không mấy gì khác.
Ấy, đấy là tôi nói người „mới vô nghề“ thôi, chứ đã là dân kỳ cựu thì nhìn họ nhảy Zumba có mà lé lòi con ngươi luôn. Không tin chỉ cần lên mạng, vô youtube, gài chữ „Zumba Beto Perez“, sẽ hiện lên vô số Video Clip, nhìn không „há miệng“ không … phải Beto, mà là „Mết-Đờ-In-Đâu-Đó“, chẳng hạn như „Zum3“ lấy số 3 gắn vào chữ „Zum“ cho khỏi bị ăn đòn. Những điệu khiêu vũ cổ điển như ChaChaCha, Salsa v.v. tuy được chuyển sang dạng có tính cách „cơ bắp“ vẫn giữ sắc thái của vũ điệu nguyên thủy, eo mông vẫn lắc ngọt như mía lùi, chân cẳng vẫn xọ qua xọ lại chóng hết mặt mũi.
Một buổi tập Zumba thường kéo dài 60 phút, trung bình đốt khoảng 300 đến 600 calo tùy theo bắt cào cào châu chấu hay bắt sâu bắt chấy, tức là nhảy với tất cả đam mê hay quờ quờ mấy cái gọi là „em cũng có thể thao thể dục, bụng to là do bị trúng ngải thôi“ (dùng một quả trứng gà luộc chín, đem lăn trên bụng, sau một lúc, tách quả trứng ra quan sát, nếu lòng đỏ trứng chuyển thành màu đen, tức là đã bị nhiễm, nếu lòng đỏ trứng có màu đỏ tươi, tức là bị nhiễm rất nặng – thấy trên mạng chỉ dẫn như thế – còn lòng đỏ vẫn bình thường thì yên chí ăn trứng mà không sợ to bụng). Dân „Pro“ có thể chân tay non-stop bắt chuồn chuồn từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng, đốt trụi sạch sẽ calo, bụng mỏng như tờ giấy.
Cái làm tôi mê nhất là quần áo Zumba, màu sắc rực rỡ làm ta trẻ lại đến chục tuổi mà khỏi cần đi o bế ngoại hình, với điều kiện bụng ta cũng mỏng như tờ giấy vì áo thun Zumba tuy có tới số XXL, nhưng họ chỉ sản xuất duy nhất … 1 cái với mục đính cảnh cáo người hâm mộ Zumba nên tập luyện thường xuyên để đạt được số đo lý tưởng „XS“, có nghĩa là „Xuất Sắc“, cũng chỉ sản xuất duy nhất… 1 cái vì hễ nhấn vào để đặt số đo này bao giờ cũng hiện lên chữ „SO“ (sold out).
Zumba không chỉ kết hợp các vũ điệu Latin mà bao gồm tất tần tật các kiểu bắt sâu bọ, cào cào, châu chấu, chỉ không bắt bò cạp vì không có điệu Zumba nào mà tay chạm đất cả. Rock’n Roll, Hip-Hop, Flamenco, ngay cả động tác múa bụng cũng được Zumba-hóa nốt.
Nói chung Zumba là phong tục diệt sâu bọ của phương Tây, tương tự Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam. Theo truyền thuyết vào một ngày sau vụ mùa, sâu bọ kéo đến phá hoại thu hoạch, nông dân hai tay hai chân bắt cào cào cũng không sao diệt hết đám sâu bọ ác ôn này. Bỗng nhiên có một ông lão tự xưng là Đôi Truân (chú ý không phải „Đôi Chân“ như trong truyện Zumba phương Tây) hiện ra. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Chỉ một lúc sau, sâu bọ chết trụi. Lão ông còn bảo „sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, cứ theo những gì ta đã dặn mà làm thì sẽ trị được chúng“. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì trong lúc mọi người còn đang lo vận động thể dục ngoài sân ông lão đã trút hết bánh tro và trái cây vào bị và đi đâu mất tích. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày „Tết diệt sâu bọ“, còn gọi là „Tết Đoan Ngọ“, thường cúng vào giữa trưa, giờ Ngọ.
Tôi không diệt sâu bọ vào ngày 5 tháng 5 mỗi năm. Tôi diệt mỗi tuần.

Zumba class, Motto UEFA 2016
Zumba class, Motto UEFA 2016
With master Robin
With master Robin
Motto "Sumer feeling"
Motto „summer feeling“

Scarborough Fair – Giàn thiên lý đã xa

Scarborough Fair“ là một bài cổ ca (Ballad) của xứ Ireland xuất hiện vào khoảng năm 1670-1680, không ai biết tác giả, đã lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế kỷ, và vào thế kỷ thứ 20 bài cổ ca này vượt ra khỏi phạm vi các đảo quốc của United Kingdoms để đi đến tận cùng thế giới, trở thành một trong 10 bài cổ ca đuợc ưa chuộng nhất. Bài hát nói về cuộc chiến mà người lính không hề biết nguyên do. Tuy xuất hiện rất lâu nhưng mãi đến năm 1966 cặp song ca Paul Simon và Garfunkel mới thật sự gây tiếng vang trên thế giới khi trình diễn bài cổ ca này. Và dân Việt Nam cũng biết đến nó kể từ năm ấy. Bài „Scarborough Fair“ được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển sang phiên âm tiếng Việt là bài „Giàn thiên lý đã xa„.
Thực sự nếu nói nhạc sĩ Phạm Duy dịch sai từ lời Anh thì không đúng. Đầu dây mối nhợ là bài hát tiếng Pháp „Chèvrefeuilles que tu es loin“ do cô ca sĩ Hy Lạp Nana Mouskouri hát. Nhạc sĩ Phạm Duy dựa theo tựa tiếng Pháp mà đặt tựa Việt là „Giàn thiên lý đã xa„, thiết tưởng không có cách nào dịch chính xác và nên thơ hơn cái tựa này của Phạm Duy (chúng ta cũng nên nhớ khi ông cư ngụ ở Midway City, California, ông thi vị hóa tên thành phố ông ở bằng „Thị Trấn Giữa Đàng“. Khi ông dạy trong Quốc Gia Âm Nhạc, ông dạy môn Ngữ Nhạc, tức là cách đặt lời cho bài hát cho hay, mà muốn dạy môn này, người thầy phải có kiến thức ngữ vựng rất phong phú, và cả trường chỉ có một ông thầy dạy Ngữ Nhạc!). Khi nhạc sĩ Phạm Duy dịch lời bài „Chèvrefeuilles que tu es loin“ sang tiếng Việt, ông cũng cố gắng theo sát lời Pháp, đôi khi dịch phải theo ý của câu, và đôi lúc câu trước và câu sau bên phần Pháp ngữ thay đổi vị trí khi được chuyển sang Việt ngữ. Cho nên nếu bảo nhạc sĩ Phạm duy dịch sai lời Anh „Scarborough Fair“ thì tội nghiệp cho ông quá, vì ông dịch từ lời Pháp.
 Dưới dây là sự so sánh giữa lời Pháp của bài „Chèvrefeuilles que tu es loin“ và lời Việt của bài „Giàn thiên lý đã xa„, các phần 1,2, 3 và 4 ông phải bó buộc gò theo nền nhạc mà dịch đuợc lời và ý chính xác như vậy là quá hay rồi.
Chèvrefeuille que tu es loin
Nana Mouskouri
1/ Pauvre garçon qui pense au pays
Chèvrefeuille que tu es loin
Pauvre garçon que l’amour oublie
Un peu plus à chaque matin
 
2/ Veux-tu ma belle tailler pour moi
Chèvrefeuille que tu es loin
Une chemise dans les draps
Où naguère nous dormions si bien
 
3/ Veux-tu me trouver un arpent de terre
Chèvrefeuille que tu es loin
Tout près de l’église au bord de la mer
Pour chanter mon dernier refrain
 
4/ Maintenant je sais que c’est la fin du soleil
Chèvrefeuille que tu es loin
Et je voudrais que ce soit toi ma belle
Qui m’enterre de tes propres mains
 
Giàn thiên lý đã xa 
Phạm Duy dịch lời Việt – Thanh Lan hát
1/ Tội nghiệρ thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ уêu, đã lỡ уêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi

2/ Nàу nàng hỡi! nhớ maу áo cho người
Giàn thiên lý đã xa tít mù khơi
Tấm áo cắt ngaу, đã cắt trên khăn mượt mà
Là chiếc chăn đắρ chung những ngàу qua3/ Tìm một miếng đất cho gã si tình
Giàn thiên lý đã xa mãi nghìn xanh
Miếng đất cát hoang, miếng đất ngaу bên giáo đường
Biển sẽ ru tiếng hát êm trùng dương

4/ Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời
Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi!
Lấp đất, hố tôi, lấp νới đôi tay cô nàng
Thì hãу chôn, trái tim non buồn thương
 
Công việc thực sự của Phạm Duy là viết lời Việt trên nền nhạc Pháp hay Anh, phóng tác nhạc thôi chứ không phải dịch. Tác giả viết lời Pháp „Chèvrefeuilles que tu es loin“ cũng đâu có viết chính xác theo lời gốc Anh „Scarborough fair„, hay „Comme d’habitude“ cũng đâu có chính xác với „My Way„. Lê Hựu Hà viết „Đồng Xanh“ cũng đâu có chính xác với „Greenfield„, Trường Kỳ viết lời Việt „Hạ vàng biển xanh“ hoàn toàn khác nghĩa với „Sealed with the kiss“ của Bobby Vinton và còn nhiều lắm.  Phạm Duy,
Trường Kỳ, Nam Lộc, Lê Hựu Hà … là những nhân vật đã làm sứ mệnh lịch sử lúc đó là đưa nhạc Anh, Pháp vào Việt Nam. Thực sự dân mình đâu có phải ai cũng có kiến thức về tiếng Anh, Pháp siêu đẳng cho nên viết lời Việt cho để họ nghe cho dễ, giải trí là chính. 
Bài „Tình ca du mục“ thực sự là cổ ca của Nga, có nghĩa là „By the long road“ dịch sang tiếng Anh là „Those were the days“ với lời hoàn toàn khác nghĩa gốc, rồi khi sang tiếng Việt là „Tình ca du mục“ thì lại giống với lời gốc Nga.  Giống thì tốt, không giống cũng không sao, miễn là bất cứ nguời Việt nào, ở trình độ kiến thức nào đều có thể hát được dễ dàng. Tiếng Việt mình bị năm dấu „sắc huyền hỏi ngã nặng“ nên viết lời Việt cho một bản nhạc nhất là từ một phiên bản ngoại quốc thì khó hơn tiếng Anh và Pháp rất nhiều.
 Lời bài „Les enfants du Piree“ của Dalida đâu có giống „Never on Sunday“ của Petula Clark.
Lời bài „Comme d’habitude“ của Claude Francois khác với „My way“ của Paul Anka.
Lời bài „Those were the days“ (Tình ca du mục) của Mary Hopkin hoàn toàn khác với lời „Dorogoy dlinnoyu“ (By the long road) của dân ca Nga.
Lời tiếng Pháp của bài „Chariot“ của Petula Clark đâu có giống lời Anh „I will follow him„.
Lời Pháp „Bang bang“ của Sheila đâu có giống lời Anh „Bang bang“ của Cher.
Và gần đây nhất là lời bài „Une Femme Amoureuse“ của Mireille Mathieu đâu có giống „Woman in Love“ của Barbara Streisand.
Không có ai phê phán họ là đặt lời sai bét, cũng như Phạm Duy, Lê Hựu Hà, Trường Kỳ, Nam Lộc, Jo Marcel … chỉ lấy nhạc Pháp, nhạc Anh đặt lời Việt. Họ không có nói là họ dịch, họ chỉ đặt lời Việt, nếu có trúng ý nghĩa một vài câu bên nhạc Anh, nhạc Pháp thì đó là điểm tài hoa của họ.
 
Lê Anh Dũng 
Don Le

Học đại học Âm nhạc tại Köln

Đa số phụ huynh người Việt ở Đức hay ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới (trừ nước Tuvalu thuộc quần đảo san hô Polynesia vì người Việt không thích hợp với phong tục quấn xà rông lá dừa) thường khuyến khích con mình học đàn.
Đa số phụ huynh người Việt chọn nhạc cụ cho con mình là dương cầm hay vĩ cầm hay đàn ghi-ta.
Đa số các em bắt đầu học đàn ở tuổi còn … sún răng.
Đa số các em khi răng mọc đầy đủ thì … đàn đi đường đàn, em đi đường em.
Và chỉ một ít thiểu số chọn theo đuổi âm nhạc như một Đam-Mê. Mà ở Đức Đam-Mê cũng phải học. Không chỉ người Việt ở Đức mà người Việt ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng được phép Đam-Mê (trừ Tuvalu vì ở quần đảo san hô này không có người Việt).
Duy nhất trường ở Mainz có tiếng Anh, tất cả các đại học khác đều giảng dạy bằng tiếng Đức.
Phụ huynh nào có con em thuộc về „dân tộc thiểu số“ như kể ở trên và muốn xin một chân Đam-Mê tại đại học Âm nhạc Köln có thể nghiên cứu điều kiện thi tuyển ở đây.

Quy định thi tuyển Cử nhân Âm nhạc, khoa Dương cầm, Đại học Âm nhạc Köln

V. Quy định thi tuyển Cử nhân Âm nhạc, khoa Dương cầm (Bachelor of Music Piano) Độc tấu (Solo) / Nhạc thính phòng và Sư phạm nhạc cụ tại Đại học Âm nhạc và Múa Köln (04.06.2014)
Theo Điều §§ 2 Mục 4, 41 Mục 5 và 56 Luật Đại học Nghệ thuật tại Nordrhein-Westfalen (KunstHG) ngày 13 tháng 3 năm 2008 (GV. NRW. P.195), sửa đổi lần cuối theo Luật ngày 18.12.2012 (GV.NRW S.669), Đại học Âm nhạc và Múa Köln đã thông qua thủ tục kiểm tra năng khiếu như sau:
Tóm tắt nội dung
I. Phần phổ thông
§ 1 Mục đích thi kiểm tra năng khiếu
§ 2 Nhận học và điều kiện tuyển sinh tại Đại học Âm nhạc và Múa Köln
§ 3 Đơn xin học
§ 4 Chứng minh về trình độ tiếng Đức
II Thi tuyển
§ 5 Nội dung và thể thức thi kiểm tra năng khiếu
§ 6 Ban thi tuyển
§ 7 Ban giám khảo tuyển sinh
§ 8 Đánh giá kết quả thi
§ 9 Tính điểm các tài năng khác
§ 10 Thi lại
§ 11 Phân bổ chỗ học
§ 12 Rút lại không thi nữa, bị loại khỏi kỳ thi, thu hồi giấy nhận học giấy báo kết quả thi
§ 13 Thời gian giới hạn của giấy nhận học và thủ tục nhập học
III. Quy định cuối cùng
§ 14 Hiệu lực
I. Phần phổ thông
§ 1 Mục đích thi kiểm tra năng khiếu
(1) Cuộc thi kiểm tra năng khiếu nhằm mục đích xem xét tuyển sinh có đủ kỹ năng cần thiết để theo học Cử nhân Âm nhạc Dương cầm Đơn tấu (Solo) / Nhạc thính phòng và Sư phạm Nhạc cụ tại Đại học Âm nhạc và Múa Köln.
(2) Học viên được nhận theo tiêu chuẩn khách dự thính (Gasthörer) hoặc sinh viên giao lưu không phải thi kiểm tra.
§ 2 Nhận học và điều kiện tuyển sinh tại Đại học Âm nhạc và Múa Köln
Đại học Âm nhạc và Múa Köln chỉ nhận học viên cho khóa mùa đông (Wintersemester) với điều kiện:
a. Nộp đơn đúng hạn, bao gồm các hồ sơ cần thiết (xem Điều §3 và §4 của quy định này)
b. Chứng minh thỏa mãn các yêu cầu của phân khoa (§41 và §42 Luật Đại học Nghệ thuật)
c. Đậu kỳ thi kiểm tra năng khiếu đặc biệt (§41, Mục 5, Luật Đại học Nghệ thuật).
§ 3 Đơn xin học
(1) Cuộc thi kiểm tra năng khiếu được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ mùa hè cho khóa bắt đầu vào học kỳ mùa đông sau đó. Đại học Âm nhạc và Múa Köln sẽ xác định và thông báo thời hạn nộp đơn.
Đơn xin dự thi kiểm tra năng khiếu phải gởi đúng thời hạn (trước ngày khóa sổ nhận đơn) đến Đại học Âm nhạc và Múa Köln (theo dấu mộc bưu điện).
Đơn nộp trễ sẽ bị từ chối.
Tùy từng trường hợp cá biệt, hiệu trưởng có thể quyết định cùng với sự đồng ý của trưởng khoa hoặc ban giám hiệu. Những trường hợp này không có nghĩa là đương nhiên hội đủ điều kiện để được quyền tham gia thi tuyển.
(2) Đơn xin học phải đính kèm:
a. Đơn xin học, điền đầy đủ và ký tên
b. Sơ yếu lý lịch với chi tiết về quá trình học tập trước đây cũng như những hoạt động nghệ thuật (có thể đính kèm hình thẻ căn cước)
c. Một bản sao bằng chứng nhận đủ điều kiện học đại học (bằng tú tài), hoặc trình độ tương đương nếu là nước ngoài (có bản dịch tiếng Đức, xem Mục 5 ở trên), hoặc giấy quyết định cho phép dự thi tuyển sinh; không có chứng minh tương ứng sẽ thi tuyển kiểm tra năng khiếu theo Điều §41, Mục 8 Luật KunstHG, kết hợp với Điều §8, Mục 1 của quy định này
d. Thông tin về việc người nộp đơn tại thời điểm xin học đã có đăng ký tại trường đại học nào khác ở Đức không
e. Chứng minh trình độ Đức ngữ Đức theo Điều §4 của quy định này
e. Với tuyển sinh dưới tuổi vị thành niên có giấy đồng ý của người giám hộ (cha mẹ)
g. Chứng minh đã thanh toán lệ phí theo Điều §4 của quy định về lệ phí Đại học Âm nhạc và Múa Köln.
(3) Nếu người xin học có tài năng nghệ thuật đặc biệt phù hợp với Điều §41, Mục 8, Luật KunstHG, và chứng minh thỏa mãn các yêu cầu của trường đại học về giáo dục phổ thông thì có thể giảm hoặc miễn những đòi hỏi theo Điều §41, Mục 1 -3, Mục 5, Câu 2 và Mục 6 và 7 của Luật KunstHG.
(4) Người xin học trước đây đã từng theo học tại các trường đại học khác phải đính kèm giấy tờ chứng minh thời gian học, văn bằng cũng như điểm, chứng chỉ đạt được.
(5) Nếu hồ sơ không viết tiếng Đức phải có bản dịch được công chứng.
§ 4 Chứng minh trình độ Đức ngữ
(1) Người xin học không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông Đức phải chứng minh đủ trình độ Đức ngữ trước khi theo học Đại học Âm nhạc và Múa Köln để lấy bằng Cử nhân, như bằng TestDaF TDN 3, hoặc giấy chứng nhận đậu chứng chỉ B2 hoặc tương đương như trong Mục 2.
Việc được nhận và được đăng ký học sau khi đậu kiểm tra năng khiếu nghệ thuật chỉ có giá trị với điều kiện trong năm học đầu phải có chứng chỉ này, nếu không sẽ không được tiếp tục theo học.
(2) Được miễn TestDaF TDN 3 nếu có chứng chỉ tốt nghiệp khóa Đức ngữ trung cấp (das Kleine deutsche Sprachdiplom) hoặc cao cấp(das Große deutsche Sprachdiplom) cũng như chứng chỉ trung học (Zentralen Oberstufenprüfung ZOP) của Học viện Goethe, hoặc thi tiếng Đức theo quy định DSH-2. Người nước ngoài tốt nghiệp tú tài Đức không cần chứng minh trình độ Đức ngữ.
II Thi tuyển
§ 5 Nội dung và thể thức thi kiểm tra năng khiếu
(1) (1) Quá trình thi diễn ra trong nội bộ (chỉ có thí sinh và ban giám khảo).
(2) Thi kiểm tra năng khiếu gồm những phần sau:
a. Thi thực hành môn chính
b. Thi nhạc lý
Tuyển sinh phải đáp ứng các yêu cầu sau
a. Thi thực hành môn chính
  • Dương cầm:

– Bốn tác phẩm của các thời kỳ khác nhau, trong đó có một bản Sonata cổ điển
– Đánh theo bản nốt nhạc
Thời gian kiểm tra: 15 phút
Ban giám khảo có quyền chọn thi bài nào. Ban giám khảo không bắt buộc phải nghe tất cả các bài cũng như nghe trọn bài. Nếu quá thời gian thi, ban giám khảo có thể bắt ngưng trình diễn.

b. Thi nhạc lý
  • Kiến thức căn bản:
Thi viết: Xác định cao độ của các nốt nhạc (Tonhöhe), quãng (Intervall) và cung (Tonart), âm giai(Tonleiter), hợp âm (Mehrklänge), hợp âm đảo (Umkehrung), Hòa âm căn bản đơn giản .
  • Ký xướng âm:
Thi viết (chính tả): 2 và 3 âm (Zwei- und Dreitonfolgen), âm giai (Skalen), giai điệu (Melodien),
2 bè (Zweiklängen), nhiều bè (Mehrklänge), hợp âm đảo (Umkehrung), nhịp điệu (Rhythmen).
 
Tổng thời gian: 90 phút
 
(3) Có biên bản tường trình lại cuộc thi tuyển được với chữ ký trưởng ban giám khảo và các thành viên cùng những thông tin sau:
a. Ngày và địa điểm thi tuyển
b. Tên các thành viên ban giám khảo
c. Tên thí sinh cũng như phân khoa chọn theo học để lấy bằng cử nhân
d. Nội dung và thời gian thi tuyển
e. Điểm kết quả thi
f. Những sự kiện đặc biệt như bị gián đoạn, gian lận v.v
g. Việc chuyển giao sang một giáo viên chuyên khoa hoặc địa điểm, nếu có.
§ 6 Ban tuyển sinh
(1) Để đáp ứng những quy định trong văn bản này Đại học Âm nhạc và Múa Köln thành lập một ban tuyển sinh.
(2) Gồm có hiệu trưởng giữ vai trò trưởng ban. Ngoài ra có hiệu phó giữ trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến thi cử, trưởng khoa bộ môn, ban giám đốc học viện và một thành viên trong ban quản trị sinh viên (studentischer Senat).
(3) Thành viên ban quản trị sinh viên không tham gia vào các quyết định thuộc phạm vi nghệ thuật, sư phạm và khoa học, đặc biệt là khi chấm điểm, công nhận hoặc đồng ý cộng thêm điểm kết quả các kỳ thi và bài thi.
(4) Ban tuyển sinh đảm bảo các quy định và quá trình thi được thực hiện đúng. Ban tuyển sinh quyết định việc đồng ý được tham gia các kỳ kiểm tra năng khiếu, ghi nhận kết quả thi, hợp tác với ban hành chính trường đại học để cấp giấy chứng nhận kết quả thi cũng như giấy chấp nhận được theo học Đại học Âm nhạc. Ban ttuyển sinh chịu trách nhiệm về quyết định công nhận các kỳ thi hoặc một phần các kỳ đã thi rồi. Ban tuyển sinh cũng chịu trách nhiệm cho những quyết định về khiếu nại trong quá trình thi tuyển. Ban tuyển sinh chỉ hiệu lực nếu có ít nhất ba thành viên được quyền biểu quyết. Các cuộc họp của ban tuyển sinh là họp kín.
§ 7 Ban giám khảo
(1) Giữ trách nhiệm về các cuộc thi, ban tuyển sinh bổ nhiệm thành viên ban giám khảo cũng như chỉ định trưởng ban giám khảo cho mỗi kỳ thi. Ban tuyển sinh có thể giao quyền lựa chọn thành viên, trưởng ban hay phó ban hoặc trưởng khoa trong ban giám khảo cho giám đốc nhà trường . Ban giám khảo phải có ít nhất ba thành viên, trong các kỳ thi khả năng nghệ thuật và sư phạm có ít nhất hai đại diện phân khoa hoặc phó phân khoa. Giáo sư chính thức và giáo sư làm việc bán thời gian, giảng viên tại Đại học Âm nhạc Köln cũng như nhân viên về nghệ thuật, khoa học được quyền làm giám khảo.
(2) Một thành viên của ban giám khảo giữ trách nhiệm lập biên bản cuộc thi. Ban giám khảo cần có ít nhất ba người cho các kỳ thi cũng như ít nhất hai thành viên trong các phần thi sư phạm nghệ thuật.
§ 8 Chấm điểm thi
(1) Đậu kỳ thi tuyển Cử nhân Âm nhạc, khoa Dương cầm (Bachelor of Music Piano) Độc tấu (Solo) / Nhạc thính phòng và Sư phạm nhạc cụ nếu đạt ít nhất 18 điểm thi thực hành môn chính và đậu môn nhạc lý. Khuyến khích tài năng nghệ thuật đặc biệt theo Điều § 41, Mục 8, Luật KunstHG, nếu đạt ít nhất 21 điểm thi thực hành môn chính và và đậu môn nhạc lý.
(2) Thi thực hành môn chính được chấm điểm như sau:
25-18 điểm = đáp ứng yêu cầu,
17-0 điểm = không đáp ứng yêu cầu.
(3) Mỗi bài thi được mỗi thành viên ban giám khảo cho điểm ngay sau khi thi. Việc xếp hạng được tính qua điểm trung bình của các bài thi với một chỉ số sau dấu thập phân. Với các bài thi có nhiều hơn sáu người chấm thì sẽ không tính điểm cao nhất và điểm thấp nhất khi cộng điểm trung bình. Thi hai vòng thì vòng đầu sẽ được đánh giá „có“ (Ja) hoặc „không“ (Nein).
(4) Thi nhạc lý âm nhạc (kiến thức căn bản và ký xướng âm) được chấm điểm như sau:
60 – 100 điểm = đậu
59 – 25 điểm = rớt
Thí sinh đã trúng tuyển thi thực hành môn chính có thể được nhận học với điều kiện phải theo học phụ đạo và sau một năm thi lại lý thuyết về kiến thức căn bản và ký xướng âm. Nếu rớt xem như không đậu kỳ thi tuyển và phải thôi học.
24-10 điểm = rớt

https://ychicindy.wordpress.com/wp-admin/media-upload.php?post_id=366&type=image&TB_iframe=1

Thí sinh đạt 24 hoặc 25 điểm thi thực hành môn chính có thể được nhận học với điều kiện phải theo học phụ đạo và sau một năm thi lại lý thuyết về kiến thức căn bản và ký xướng âm. Nếu rớt xem như không đậu kỳ thi tuyển và phải thôi học.
Điều tương tự cũng áp dụng cho thí sinh đã trúng tuyển thi thực hành môn chính nhưng chỉ đậu một môn trong phần thi lý thuyết và rớt môn kia vì chỉ đạt 24-10 điểm.
9-0 điểm = rớt
(5) Thành viên ban giám khảo chấm điểm độc lập.
§ 9 Tính điểm các tài năng khác
(1) Phải thi tất cả các phần quy định tại Điều § 5, Mục 2.
(2) Đậu các môn thi khác hoặc các kỳ thi khác không được công nhận cho kỳ thi môn nêu trên. Tốt nghiệp các phân khoa khác cũng không được cứu xét.
§ 10 Thi lại
(1) Thi rớt có thể thi lại. Sớm nhất là kỳ thi kế tiếp. Các quy định trong văn bản này được áp dụng tương ứng.
(2) Phải thi lại tất cả các môn.
§ 11 Phân bổ chỗ học
(1) Sẽ phải phân bổ chỗ học nếu số chỗ học ít hơn số thí sinh trúng tuyển
(2) Việc phân bổ dựa theo số điểm thi đạt được theo Điều § 8, Mục 1. Bằng số điểm sẽ bắt thăm.
(3) Việc phân bổ do hiệu trưởng quyết định phù hợp với các điều lệ trong quy định này.
Việc phân bổ môn chính do trưởng khoa quyết định, tham khảo ý kiến với hiệu trưởng. Không cứu xét việc yêu cầu được học với một giáo sư nhất định.
(4) Thí sinh trúng tuyển, nhưng không nhận được chỗ học do số điểm thấp sẽ vào danh sách dự bị và được phân bổ theo thứ tự điểm khi có chỗ. Mục 2, Câu 2 được áp dụng tương ứng.
(5) Kết quả kỳ thi chỉ có hiệu lực cho khóa học bắt đầu sau kỳ thi tuyển.
§ 12 Rút lại không thi nữa, bị loại khỏi kỳ thi, thu hồi giấy nhận học giấy báo kết quả thi
(1) Chỉ có thể rút đơn xin thi mà không có lý do cho đến một ngày trước khi thi. Phải gởi thư hoặc Email đúng hạn đến ban thi tuyển Đại học Âm nhạc và Múa Köln. Thí sinh không hiện diện vào ngày thi và không có lý do chính đánh sẽ bị xem là không trúng tuyển. Trong trường hợp nhuốm bệnh phải có giấy chứng nhận của bác sĩ.
(2) Thí sinh vì lý do không thuộc trách nhiệm do mình gây ra mà không thể kết thúc kỳ thi phải thông báo ngay cho ban thi tuyển biết. Nếu việc rút khỏi kỳ thi được ban thi tuyển phê duyệt thì kỳ thi được xem là chưa thực hiện. Nếu việc hồi lại không thi được trưởng ban giám khảo phê duyệt, kỳ thi cũng được xem là chưa thực hiện. Chỉ phê duyệt nếu có lý do quan trọng, nhất là do nhuốm bệnh không thể tham gia kỳ thi. Trưởng ban giám khảo được phép đòi hỏi trình giấy chứng nhận của bác sĩ.
(3) Trưởng ban thi tuyển quyết định khi nào thí sinh sẽ phải thi phần chưa thi xong. Có thể thi trong một cuộc thi đặc biệt.
(4) Nếu trưởng ban thi tuyển cho rằng thí sinh chịu trách nhiệm việc kỳ thi bị gián đoạn hoặc thí sinh bỏ thi không có sự chấp thuận của trưởng ban thi tuyển, xem như thí sinh đã không đậu kỳ thi tuyển.
(5) Thí sinh bị loại nếu có hành vi lừa dối, đe dọa hoặc sử dụng những phương tiện trái phép trong kỳ thi. Việc loại trừ được xem tương tự như thi rớt.
(6) Nếu biết lý do loại trừ sau khi đã kết thúc kỳ thi, trưởng ban thi tuyển sẽ quyết định các biện pháp dựa theo Mục 4. Biết lý do loại trừ sau khi công bố kết quả thi, trưởng ban thi tuyển sẽ quyết định về việc thu hồi cho phép tham gia thi tuyển kỳ và có thể hủy quyết định nhận học trong vòng sáu tháng sau khi biết được lý do.
§ 13 Thời gian giới hạn của giấy nhận học và thủ tục nhập học
(1) Quyết định nhận học chỉ áp dụng cho lục cá nguyệt nêu trong văn bản. Quyết định nhận học sẽ mất hiệu lực nếu thí sinh không đăng ký học.
(2) Đăng ký cho học kỳ mùa đông theo Quy định Ghi danh tại Đại học Âm nhạc Köln.
III. Quy định cuối cùng
§ 14 Hiệu lực
Quy định thi tuyển này có giá trị cho thủ tục tuyển sinh năm học 2014/15.
Hiệu lực sau khi được công bố chính thức tại Đại học Âm nhạc và Múa Köln.
Ban hành dựa trên cơ sở quyết định của Hiệu trưởng ngày 04.06.2014 Köln.
 
Köln, ngày 04.06.2014
Hiệu trưởng Đại học Âm nhạc và Múa Köln
Giáo sư Tiến sĩ Heinz Geuen