Đặt tên

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.

Câu này có lẽ không đúng trong trường hợp của tôi vì cái tính „hay cãi“ của tôi vốn được đúc kết từ một gia đình mà tư tưởng dân chủ đôi khi làm lu mờ triết học Khổng-Nho. À, „cãi“ ở đây không có nghĩa nôm na là … „hỗn“ mà là sự biểu hiện ý tưởng đối lập bằng cách đưa ra lý luận, dẫn chứng khác những gì mà người có vai vế cao hơn cho là đúng.

Một thí dụ đơn giản: đặt tên. Đương nhiên chúng ta không thể tự chọn cho mình một cái tên gọi theo ý thích được vì khi chào đời ta chỉ biết khóc oe oe, trình độ văn hóa chưa đủ để nghĩ ra một cái tên hoa mỹ cho chính mình. Nhưng ngoài cha mẹ, chế độ dân chủ cho phép ta có thể đặt tên cho …  người khác.

Số là, khi mẹ tôi mang bầu đứa thứ sáu, một ngày đẹp trời, cả gia đình tôi tham gia cuộc họp bình chọn tên cho hài nhi chuẩn bị khóc oe oe quấy phá giấc ngủ mọi người. Chế độ dân chủ cho phép mọi thành viên trong gia đình đều có quyền giơ tay ý kiến, ý cò, chỉ một điều kiện là phải biện luận trả lời câu hỏi: Tại sao?

– Con muốn em tên Giao.

– Tại sao?

Đứa thứ năm trong gia đình tôi tên Quỳnh, như vậy Giao sẽ là cái tên duy nhất hợp tình, hợp cảnh như đã trình bày trong bài Con bé con tôi, tuổi Dần.

Ở Việt Nam, thời ấy chưa có siêu âm, khó lòng đoán trước giới tính của vị tiên sắp bị Ngọc Hoàng giáng xuống hạ giới làm người phàm trần nên đề nghị Quỳnh Giao nhanh chóng được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị bàn tròn và, cũng nhanh chóng không kém, có ngay cách giải quyết vấn đề:

– Nếu em là trai thì mình đặt tên Xuân Giao.

Chế độ dân chủ không chỉ kết thúc ở cây quỳnh, cành giao:

– Nếu em là gái, mang tên Quỳnh Giao, thì tên của con đâu?

Đứa thứ tư giơ tay đòi hỏi quyền công dân trong một gia đình mà tư tưởng dân chủ đôi khi làm lu mờ triết học Khổng‑Nho và gây rối loạn trong các cuộc họp Nội các:

– Còn tên của con nữa!

Một cánh tay khác giơ lên, nhao nhao đòi hỏi quyền lợi dân chủ:

– Tên của con …

Lại thêm một cánh tay với ý kiến ngắn gọn, súc tích:

– Tên con …

Bộ trưởng bộ Tư pháp, ở nhà gọi nôm na là „bố tôi“, gật gù có vẻ đồng tình. Suy cho cùng, ông là người duy nhất chẳng phải tranh chấp, đòi hỏi quyền lợi gì vì họ của ông đã nghiễm nhiên chiếm chỗ đứng đầu tiên trong tên khai sinh của vị tiên sắp bị Ngọc Hoàng giáng xuống hạ giới làm người phàm trần.

MLCT

  Mai, Lan, Cúc, Trúc

Người Việt mình thường đặt tên cho con cái theo kiểu „một chùm“ cho dễ nhớ như „Tứ quân tử“ Mai, Lan, Cúc, Trúc nếu sanh bốn cô con gái, hoặc „Ngũ Thường“ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín nếu sanh năm thằng đực rựa, còn mà nhà đông con, lại cả nếp lẫn tẻ thì Trường, Giang, Sơn, Hải, Vạn, Lý, Sanh, Chi, Hoài, Thế … Bố mẹ tôi chắc bị „vỡ kế hoạch“ nên sau khi cho ra đời „Tứ Quí“ Hồng, Đức, Hạnh, Phúc lại thêm một Thị Mẹt, thành thử đứa thứ năm mang tên một loại hoa chỉ nở về đêm:

Ta mang cho em một đóa quỳnh

Quỳnh thơm hay môi em thơm

Em mang cho ta một chút tình

Miệng cười khúc khích trên lưng

Quỳnh Hương – Trịnh Công Sơn

Bộ trưởng bộ Nội vụ, ở nhà gọi nôm na là „mẹ tôi“, cũng không quên quyền lợi dân chủ của mình:

– Nhớ kèm họ ngoại vào nhé!

Đến đây thì cuộc cuộc họp Nội các chấm dứt vì các bộ trưởng phải đánh răng đi ngủ để sáng mai còn thức dậy nổi mà … đi học, với một cái tên được bỏ phiếu thuận Bảy‑Trên‑Bảy, tức là không có phiếu chống hoặc phiếu trắng: Bùi Vũ Hồng Đức Hạnh Phúc Quỳnh Giao nếu vị tiên sắp bị Ngọc Hoàng giáng xuống hạ giới làm người phàm trần là Quỳnh Hoa công chúa, còn mà là Thiên Bồng Nguyên Soái Trư Bát Giới sẽ thành Bùi Vũ Hồng Đức Hạnh Phúc Diễm Quỳnh Xuân Giao vì nếu thiếu chữ „Diễm“ thì nghe không xuôi tai cho lắm, hơn nữa, cho đúng luật bằng trắc trong ca dao:

Khi đi Trời dặn phân minh

Người phàm thì xướng Diễm Quỳnh, Xuân Giao

Hôm mẹ tôi sanh thằng Út, Sài Gòn ngập lụt trong một cơn mưa bão. Bác tôi là người đưa mẹ đến nhà bảo sanh vì bố  đã dẫn mấy đứa em tôi đi vượt biên bặt âm vô tín. Bác tôi không thuộc nghị sĩ của Nội các cho nên lúc làm giấy khai sinh ông ghi vắn tắt, vỏn vẹn:

– Giới tính: nam

– Họ tên: Bùi Vũ Hồng Thủy

vì có lẽ từ trước tới giờ, bác tôi chưa hề gặp trận mưa bão lũ lội nào như vậy ở Sài Gòn cả.

„Cựu“ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi „vượt cạn“ an toàn, đã xin làm lại giấy khai sinh cho Thiên Bồng Nguyên Soái Trư Bát Giới, thằng Út nhà tôi may mắn không phải mang tên Hồng Thủy đầy nữ tính, nhưng có lẽ vì chế độ dân chủ giờ đã xa tầm tay, cuộc bỏ phiếu hôm nao đã lùi vào dĩ vãng nên thằng Út nhà tôi cũng mất luôn cơ hội có một cái tên tổng cộng mười chữ, một cái tên dài nhất Việt Nam.

st-valentines-day-3149481

 

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s