Chương I: Cuộc sống tị nạn ở đảo

Nhóm người vượt biển do tàu Cap Anamur, chuyến thứ 7, vớt vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1980, được đưa đến tạm trú tại đảo Galang, Nam Dương, trong khi chờ hoàn tất thủ tục đi định cư ở Đức, hay một nước thứ ba nào đó như Mỹ, Úc, Canada v.v. nếu họ có người nhận bảo lãnh.

Ở đảo, hàng tuần ba anh em được Liên hiệp quốc phát gạo và đồ hộp đủ loại. Gạo thì khỏi nói rồi, đó là một loại gạo Mỹ trắng phau, thơm phưng phức. Từ lâu, mẹ đã quen với những bữa cơm pha lẫn khoai lang hay bắp, hoặc tệ hơn nữa là bo bo, vừa ăn vừa nắn lại hàm cho khỏi bị trẹo. Đồ hộp cũng đa dạng lắm, lúc thì thịt bò, thịt heo, lúc có cả cá, rau đóng hộp. Mẹ đảm nhiệm việc nấu cơm hai bữa, bác Hiệp thỉnh thoảng lên văn phòng Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc giúp thông dịch tiếng Anh khi có các phái đoàn phỏng vấn ghé trại, bác Đức đi lông bông tán gái, la cà chỗ này, chỗ kia, do bác Đức nói chuyện có duyên nên dễ làm quen.

Thời gian đầu ở đảo, ba anh em sống rất cực khổ vì „ma mới“, không biết xoay sở ra sao, không xu teng dính túi. Cao ủy tị nạn chỉ phát lương thực và nước uống, không có các nhu yếu phẩm khác như kem đánh răng, băng vệ sinh phụ nữ v.v. Mẹ không nhớ đánh răng kiểu gì, chắc là súc miệng bằng nước muối. Ở đảo, gia đình nào đông người sẽ dư lương thực vì khẩu phần được phát theo đầu người, em bé chưa mọc răng cũng lãnh số lượng gạo như bà già chỉ còn trơ lợi sún. Họ ăn không hết, đem ra bán cho thổ dân Nam Dương từ các đảo lân cận mỗi ngày chèo thuyền đến Galang họp chợ, lấy tiền Rupiah mua lại nhu yếu phẩm, quần áo, thuốc lá v.v. của các thổ dân này mang đến bán.

Các quầy bán hàng của người tị nạn ở đảo dựng lên để trao đổi, buôn bán


Ba anh em đang tuổi ăn, tuổi lớn, làm gì có gạo dư mà đem đổi chác? May sau đó gặp lại bác Cường, chồng của bạn bác Kim Anh – chị của hai bác Hiệp, Đức. Bác Cường là barrack trưởng, người đảm nhiệm việc phân phát lương thực, nước uống cho đồng hương. Cao ủy tị nạn chỉ lo vấn đề hành chánh, thủ tục phỏng vấn, đi định cư, các công việc thuộc về cơ sở hạ tầng, đời sống sinh hoạt do nhân viên người Nam Dương đảm đương, và vì họ không biết tiếng Việt nên cần những người trung gian như bác Cường để có thể giao tiếp bằng Anh ngữ. Lúc đó, ở barrack của bác Cường vừa có một đoàn người rời đảo đi định cư. Thông thường, nhân viên Nam Dương phụ trách việc phân phối lương thực phải báo lên Cao ủy tị nạn số khẩu phần của những người đó để ngưng, thôi không phát nữa, nhưng họ sẽ kéo dài việc này, báo cáo trễ nãi hơn một tí, và lấy số lương thực không người nhận đó chia cho barrack trưởng một ít, phần còn lại đem về đất liền bán cho dân bản xứ.

Bác Cường rủ ba anh em về ở chung barrack. Tiền Rupiah có được từ việc bán lương thực của „người ma“ giúp cuộc sống bác Cường và ba anh em phần nào đỡ bi thảm hơn. Nước ngọt được phát cứ đầy ắp mấy thùng phi. Bác Hiệp, bác Đức cũng tỏ ra rất là „ga-lăng“, „galant“ là tiếng tiếng Pháp, ám chỉ tính cách đàn ông, con trai biết lịch sự, ân cần, quan tâm và khéo chìu phụ nữ từ những thứ nhỏ nhất như … cho xài nước ngọt thả ga để tắm, vì ở đảo chỉ có tắm biển, đúng như nghĩa „tắm“ của nó, tức là để gột rửa các chất dơ bám trên người, còn muốn tắm nước ngọt thì … a-lê-hấp (cũng từ tiếng Pháp „allez“ là „đi“), ra suối. Các gia đình có đàn ông lực lưỡng thì mấy ông chồng còng lưng đi xách nước suối về trại đổ vào thùng phi to cho các cô, các bà tắm, vừa không sợ bị muỗi đốt – vì ở suối muỗi bâu đen kín, nếu tắm ngay tại suối phải tắm thật nhanh, một tay cầm cái ca để dội nước, tay kia thì … đuổi muỗi, chân tay khoa loạn xị trông cứ như là sơn đông múa võ vậy – vừa không bị „lộ thiên“ vì có phòng tắm là bốn miếng tôn quây lại, tránh được ánh mắt … dê xồm của những ông chỉ muốn „em đi về, cầu mưa ướt áo“. Vì vậy, mẹ đa số chỉ tắm biển, vừa khỏi bị muỗi cắn, vừa „trấn nước“ mấy con chí trên đầu, do hai bác Hiệp, Đức, hay đi ngủ bờ, ngủ bụi, rồi tha về lây cho em gái.

„Phòng tắm“, được quây lại cho kín đáo


Rồi bác Cường cũng đi định cư. Đào đâu ra tiền mua kem đánh răng, băng vệ sinh phụ nữ đây? Lười chảy thây, nhưng rất siêng thể hiện khả năng „quyền huynh thế phụ“, bác Hiệp bèn tìm cách xoay sở, lên Cao ủy tị nạn xin làm thông dịch, vì tiếng Anh của bác không đến nỗi tệ lắm. Hay không bằng hên. Làm không lâu thì tới phiên người đảm nhiệm việc phân phối lương thực cho „toàn trại“ – mẹ nhấn mạnh chữ „toàn trại“ vì có thể so sánh như làm bộ trưởng Kinh tế và Tài chánh của một quốc gia, ở đây là quốc gia nhỏ bé của người tị nạn trên đảo Galang – cũng đi định cư, bác Thiệu trưởng trại hỏi bác Hiệp có muốn làm „bộ trưởng“ không? Khỏi giải thích nhiều, con cũng hiểu là dưới chế độ nào, độc tài, cộng sản, dân chủ, quân chủ … guồng máy chính trị thường rập khuôn như nhau, luôn có việc lập phe phái để củng cố quyền lực. Và bác Hiệp dọn luôn lên ở khu ban Đại diện trại, nơi lúc nào cũng có điện, buổi tối không phải đốt đèn cầy như ở trong barrack.

Khu vực ban Đại diện Galang

Bằng tưởng thưởng Bộ trưởng bộ Kinh tế và Tài Chánh Galang


Không biết „thu nhập“ của bác Hiệp ra sao, chỉ biết tiền thù lao tượng trưng lãnh được nếu làm việc cho Cao ủy bác đưa hết cho mẹ „tùy nghi xử dụng“. Lâu lâu, bác Hiệp cũng về barrack ăn cơm chung, hoặc ngủ lại, „dằn mặt“ thanh niên ở quanh đấy là mẹ tuy ở một mình – bác Đức cũng dọn qua barrack cô Hạnh ở rồi – nhưng luôn có „cấp trên“ theo dõi bảo vệ an ninh, chớ có mà đem „dê“ thả lung tung, bộ trưởng Kinh tế và Tài chánh sẽ cắt lương thực là chết đói nhăn răng. Nghe kể thì tưởng là cuộc sống huy hoàng, nhưng chỉ là không bi thảm so với lúc còn làm „ma mới“ thôi, không thể xa hoa như những người lúc đi vượt biên đem theo được vàng hay đô-la và may mắn không gặp cướp biển Thái Lan. Ví dụ như mẹ, chỉ có hai cái quần lót để thay đổi, may mà Nam Dương thuộc vùng nhiệt đới, quần áo phơi một lúc sau là khô ran. Vì vậy, ba anh em vẫn siêng năng viết thư „ca cải lương“ xin tiền, gởi đến những địa chỉ họ hàng, bạn bè, người thân của gia đình hiện đang ở Mỹ, mà trước lúc đi vượt biên đã ghi chép cẩn thận hoặc học thuộc lòng.

Nhưng đợi mỏi mòn không thấy con bồ câu nào quay trở lại cả. Khi qua trại chuyển tiếp ở Jakarta, bác Hiệp nhận được một lá thư dài nhiều trang của bác Thu – em họ của bác Hiệp, đang định cư ở Mỹ – trần tình là cuộc sống bên đó không phải thiên đường như mọi người tưởng tượng, phải chật vật kiếm cơm từng ngày. Có máy giặt rồi thì phải để dành tiền mua máy sấy, vì đến mùa đông, quần áo không thể phơi bên ngoài, trong nhà thì chỉ bật sưởi nhẹ, chẳng dám mở ấm sợ hao điện, nên quần áo cũng ẩm, không khô nổi. Cuối thư, bác Thu chúc ba anh em thượng lộ bình an. Mẹ không quan tâm lắm chuyện máy giặt, máy sấy bên Mỹ, mắt hau háu nhìn tờ 50 đô màu xanh, gởi kèm theo trong thư.

Một ngày đẹp trời, sau khi đổi ra tiền Rupiah, ba anh em hớn hở đón xe đi tham quan trung tâm thủ đô Jakarta. Sau hơn nửa năm sống như Tarzan trên đảo, chỉ thấy đại dương, rừng, núi, suối, thác, khỉ, vượn và người … tị nạn đen đủi, lem luốc, Jakarta hiện ra rực rỡ như … mẹ không có từ nào để diễn tả nổi. Cái cảm giác ấy mẹ không tìm lại được, dù sau này, mẹ đi du lịch tham quan nhiều thành phố hoa lệ, kể cả Singapore, nếu muốn đem các thành phố nổi tiếng ở Đông Nam Á để so sánh với nhau. Bác Hiệp dẫn mấy anh em đi ăn mì tàu, đi chơi game điện tử. Mẹ xin bác Hiệp tiền mua kẹo chewing gum, nhai nhóp nhép, thổi thành bong bóng rồi để nó nổ bụp bụp trên môi, thật là … bảnh choẹ.

Chiều về, vừa bước chân đến cổng trại thì gặp tên cảnh sát „buddy, buddy“, chơi thân với bác Hiệp, chận ngay lại, hớt ha, hớt hải:

– Tụi bay đi đâu vậy? Bà con ra hết phi trường rồi!

Tên này có lần cãi nhau gì đấy với bác Hiệp, mẹ bênh „quyền huynh thế phụ“, cũng nhào vô ẳng ẳng sủa, bao nhiêu vốn liếng tiếng Anh học ở đảo đem ra hết, „du rông, hi rai“ (you’re wrong, he’s right), thằng con không biết đường nào đỡ, chạy lên cầu cứu Cao ủy giải quyết. Sau này, nó lại trở nên thân thiết với bác Hiệp, „buddy, buddy“ loạn xị xằng.

Rồi hắn hấp tấp lấy xe jeep, đẩy ba anh em lên xe, lái một mạch ra phi trường, vừa kịp đoàn người tị nạn đang chuẩn bị bước lên máy bay. Tất cả hành trang ba anh em mang theo trên đường đi định cư là bộ quần áo trên người, đôi dép lê dưới chân và trong túi rủng rỉnh những đồng Rupiah chưa có dịp được xử dụng đến.

Hồi đại học, mẹ có chơi rất thân với hai đứa bạn cùng khóa, người Nam Dương, Ester và Malion, hai đứa cặp bồ với nhau, sau này về nước cũng nên duyên vợ chồng. Malion làm chung Studienarbeit (study work) với mẹ, nó giỏi programming, mẹ giỏi … tiếng Đức hơn … nó, nên chia nhau, đứa viết Program, đứa viết bài tổng kết. Tốt nghiệp, quay về nước, Ester làm cho Mercedes nên có qua Đức và ghé trường đại học, nhưng lúc đó mẹ đi du lịch nên không hẹn gặp nhau được. Mẹ dự định một ngày nào đó sẽ đi thăm lại Galang, sẵn dịp thăm hai đứa bạn người Nam Dương dễ mến, nhưng khi viết hồi ký này, mẹ tìm hình ảnh trên mạng thì thấy Galang bây giờ là đảo du lịch, trại tị nạn ngày xưa chỉ còn là khu bảo tàng, biết có còn gì „để nhớ để thương“ hay không?

Hãy nâng niu kỷ niệm, vì ta không thể làm chúng hồi sinh.
Take care of all your memories. For you cannot relive them.
– Bob Dylan –

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit Deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Twitter-Bild

Du kommentierst mit Deinem Twitter-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit Deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s