Bảo-cựu nghênh-tân

Chỉ còn vài ngày nữa là năm hết, Tết đến, nhìn đâu cũng thấy thiên hạ chuẩn bị đón mừng năm mới, “tống-cựu, nghênh-tân“, tiễn cái cũ đi, đón cái mới đến. Đám bạn mê truyện chưởng của tôi „ăn-tô-ny“ lên (từ này hay được dùng trước 1975 ở Sài-Gòn, có nghĩa là diện quần áo đẹp), áo ngắn, áo dài, chụp hình từng đôi, từng cặp, rồi tự chú thích đây là „Trương Vô Kỵ – Triệu Minh“, kia tựa „Dương Qua – Tiểu Long Nữ“, đó giống „Đoàn Dự – Vương Ngọc Yến“. Rồi tranh cãi „Qua hay Quá“, „Minh hay Mẫn“, „Yên hay Yến“ ?

Tôi vốn mê truyện chưởng của Kim-Dung từ thời xa xửa xa xưa, đọc quên ăn quên ngủ, quên cả học bài. Trong trí óc non trẻ của tôi ngày ấy, thế giới kiếm hiệp với những nhân vật võ công cao cường, phi thân vèo vèo, thi triển kiếm pháp trong rừng trúc thật là diệu kỳ mê hoặc.
Trước 1975, Hàn-Giang-Nhạn hầu như là người dịch truyện võ hiệp nhiều nhất và hay nhất vì ông thông thạo cả chữ Hán lẫn quốc ngữ. Các nhân vật trong truyện dịch của ông mang những tên Hán-Việt đặc sắc, không chỉ vương vấn chút khẩu âm Trung-Hoa mà còn được chuyển nghĩa sang tiếng Việt thật tài tình. Chẳng hạn như Vương-Ngọc-Yến, nhiều bản dịch sau này gọi cô là Vương-Ngữ-Yên 王語嫣 (Wángyǔyān). Thật ra „Ngữ-Yên“ hay „Ngọc-Yến“ nếu xét về tên thì dịch sao cũng được, như “Debbie” đến lúc ăn mắm ruốc thành Diệp, Điệp, Đẹp gì cũng ô-kê-tuýt-suỵt tất.
Còn nếu xét về nghĩa thì Ngữ (語) là từ, là nói, Yến (嫣) là đẹp (trong chữ „Yến“ có chữ „Nữ“ là người đàn bà), Hàn-Giang-Nhạn đã cố gắng dịch từ tên tiếng Hán ra tên tiếng Việt „Vương-Ngọc-Yến“ với khẩu âm na ná mà vẫn đủ súc tích để miêu tả người con gái thông minh, xinh đẹp, ăn nói thanh lịch, dịu dàng nhất trong Thiên long bát bộ.
Hay trong bộ võ hiệp kỳ tình Trung-Hoa „Tiếu ngạo giang hồ“ được Hàn-Giang-Nhạn dịch thuật từ Minh báo của Hồng-Kông. Ở phiên bản này, giáo phái do Đông-Phương Bất-Bại tiếm quyền giáo chủ mang tên „Triêu-Dương Thần Giáo“ (朝陽神教). Triêu dương có nghĩa là „mặt trời vào
buổi sáng sớm“. Từ sáng sớm đến lúc ăn sáng xong gọi là „chung triêu“ (終朝), một ngày gọi là „nhất triêu“ (一朝), „nhất triêu nhất tịch“ là „một sớm một chiều“, nghĩa bóng ám chỉ khoản thời gian ngắn ngủi.
Có giả thuyết cho là truyện chưởng Kim-Dung phản ảnh thời kỳ cách mạng văn hóa của Mao-Trạch-Đông với quyển „Hồng bảo thư“ là một thứ „Quỳ Hoa Bảo Điển“, bí kíp ai cũng muốn có được để trở thành cao thủ võ lâm. Ma giáo trong phiên bản đầu của bộ truyện này còn được gọi là „Triêu Dương Thần Giáo“, ám chỉ đảng cộng sản Trung-Hoa bởi quốc thiều của họ mang tên „Đông-Phương-Hồng“, ý nói hùng mạnh như ánh sáng ban mai lên từ phía đông. Giáo chủ Triêu-Dương Thần Giáo
Đông-Phương Bất-Bại không thuộc chính giáo vì dám „tự cung“ (tự thiến) để luyện được võ công thượng thừa với ý đồ làm bá chủ võ lâm. Nên hiểu rằng đối với người Trung-Hoa, con trai mà tuyệt tự là mắc tội to nhất đối với dòng họ tổ tiên, vì vậy hành động „tự cung“ biểu hiện một việc làm vô cùng thất đức, đi ngược lại với luân thường đạo lý con người, như một so sánh với hành vi bạo tàn của cách mạng văn hóa, thời kỳ lịch sử đen tối đầy thống khổ của người dân Trung-Quốc.

Đông-Phương Bất-Bại

Tiếu ngạo giang hồ ra đời khoảng thập niên 60, lúc đầu bị cấm, sau Kim-Dung thay một số từ ngữ, chi tiết, nên được cho phép lưu hành trở lại, trong đó có đổi „Triêu-Dương“ thành „Nhật Nguyệt“. Thật ra tiếng Hán là ghép bộ thành từ, trong chữ „Triêu“ 朝 thì bên trái là hình tượng (pictograph) mặt trời mọc, nhìn từ phía trước của một thân cây, bên phải là hình tượng trăng khuyết (moon-shaped), ghép lại ý nói thời gian mà mặt trăng lặn, mặt trời mọc, tức là lúc bình minh.
„Nhật Nguyệt Thần Giáo“, suy cho cùng, nếu cho là ám chỉ Minh giáo 明教 thì cũng không hoàn toàn đúng (Kim-Dung không hề đề cập đến liên quan này khi đổi tên giáo phái Triêu-Dương), vì trong chữ „minh“ (明) thì mặt trời là „nhật“ (bên trái) nhỏ hơn „nguyệt“ là mặt trăng bên phải. Chữ „minh“ 明 có nghĩa là „sáng“ như „phát minh“, như „minh tinh“, chứ bản thân mặt trời là đã là một tinh cầu chói lọi nhất trong vũ trụ rồi, đâu cần phải dùng một hình tượng khác để diễn tả sự tỏa sáng siêu cường nữa.
Có lẽ Kim-Dung đã bỏ phần chiết tự bên phải của chữ „Triêu“ nên chỉ còn chữ „Nguyệt“ đứng lẻ loi một mình, rồi thêm chữ „Nhật“ thành „Nhật Nguyệt Thần Giáo“, trở về với nguồn gốc Ma giáo „Mâu-Ni“, một tôn giáo cổ xuất xứ từ Ba-Tư (Iran), do Mani sáng lập vào khoảng thế kỷ thứ 3, truyền bá tư tưởng „Nhị tông, tam tế“. „Nhị tông“ là hai thái cực sáng và tối (nhật, nguyệt), thiện và ác. „Tam tế” là sơ tế, trung tế và hậu tế, tương ứng với quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tiếu ngạo giang hồ, Hàn-Giang-Nhạn dịch thuật

Tôi vốn là người tương đối „cởi mở“, một phần do nghề nghiệp đòi hỏi lúc nào cũng phải trong tư thế „tống-cựu nghênh-tân“, chưa kịp quen với hệ điều hành (operation system) mới đã phải thông thạo hệ … mới hơn.
Nhưng …
Tôi xin trích „Lời nhắn nhủ“ của thầy Lynch, ông thầy dạy Anh văn của đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi gởi đến học trò trong ngày lễ tốt nghiệp:

Ai khi đọc thơ cũng phải suy nghĩ. Mỗi thời kỳ đều có thời trang riêng của nó, có những kiến thức „bất di bất dịch“ của nó, và để hiểu được những điều này chúng ta cần có một khoảng cách với nó. Thầy cho các em một thí dụ điển hình như vầy nhé: Trong cuộc sống nghề nhiệp sau này của các em, các em sẽ thường gặp những chữ „nghe rất kêu“ như „có năng lực“, „sự đánh giá“, „tối ưu hoá“ hay „ban quản lý“. Những từ ngữ này lại rất ít thấy xuất hiện trong làng thơ – Và đến một trăm năm sau, khi mà những từ ngữ ấy đã tìm được đúng chỗ đứng của nó trong sọt rác của lịch sử thì những từ ngữ đơn giản của Homer, Horaz, Shakespeare hay của Brecht sẽ mãi mãi vẫn được những người muốn hiểu về thế giới và lịch sử loài người tiếp tục đọc.
Chúng ta không thể thu thập hay để dành một bài thơ cũng như tất cả những gì có giá trị trong cuộc đời này. Chúng ta chỉ có thể hưởng thụ nó và chia sẻ nó với người khác. Đặc biệt là: Nếu ai đọc một bài thơ họ sẽ tự tìm cho mình được thời gian, tìm được yên tĩnh trong tâm hồn và thoát được sức ép của cuộc sống ngày càng xoay cuốn họ đi – Có thể nói là họ đã làm được một cuộc cách mạng.
Các em không nhất thiết lúc nào cũng phải đọc thơ cả – Nhưng các em hãy ráng dành thì giờ cho chính mình, hãy biết suy nghĩ, và hưởng thụ cuộc sống !

Lưu-Diệc-Phi, nữ minh tinh thủ vai cổ trang Vương-Ngọc-Yến

Năm hết, Tết đến, tôi xin chúc độc giả mê cũng như không mê Kim-Dung một năm mới

Khí công vô biên
Võ thuật thiên biến
Phương tư Ngọc-Yến[1]
Giai lão bách niên.

[1] dáng dấp xinh đẹp như Vương-Ngọc-Yến
Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s