Khô Sử

Hằng năm, cứ vào chủ nhật của tuần lễ thứ hai trong tháng 9, nước Đức có ngày „Tag des offenen Denkmals“ (Open Monument Day). Trong ngày này mọi người có thể xem nhiều di tích mà bình thường không mở cửa cho du khách vì lý do sợ hư hại hoặc thuộc về tư nhân, cũng như có những chương trình giới thiệu di tích ít được biết đến.
Di tích thuộc về lịch sử. Lịch sử là môn học không mấy ai ưa thích vì nó khô không khốc. Nhưng tại sao lại có nhiều người hảo nhâm nhi khô bò, khô mực, khô nai, khô cá thiều ? Đơn giản vì nó cô đọng tất cả các vị ngon ngọt, cộng thêm gia vị mắm muối, lại được thưởng thức khi rảnh rỗi ngồi xem ti-vi bên cạnh một chai bia lạnh, sủi bọt trắng xóa.
Và một lần trong năm, vào chủ nhật của tuần lễ thứ hai trong tháng 9, với một chai nước khoáng sủi bọt trong suốt, tôi thưởng thức „khô Sử“, đón tuyến xe buýt „G“ – G chắc là „Geschichte“, có nghĩa là „Sử“ – khởi hành lúc 10 giờ tại bến xe ở trung tâm Aachen. Mỗi năm tuyến đường quanh thành phố Aachen và khu lận cận của 2 nước láng giềng Bỉ, Hòa Lan có thay đổi chút ít tùy theo chủ đề của năm, chẳng hạn năm nay là „Gemeinsam Denkmale erhalten“ (Cùng nhau giữ gìn di tích) nên xe chạy ngang qua những di tích liên quan đến vùng „Ngã ba biên giới“ (Dreiländereck, les trois frontières).
Ở trung học, thầy cô có dạy tôi về chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng không kể tôi nghe nhà ga Ronheider Bahnhof trước kia là đoạn đường sắt lưu thông chính, nối liền Paris-Brüssel-Köln, do độ dốc khá cao của khu rừng Aachen (26,5%) nên phải làm thêm hệ thống dây cáp kéo để câu đầu tàu vượt dốc. Nay không còn dấu tích gì ngoài quán ăn trang nhã mang tên Ronheider Stuben mà ta cũng có thể ngồi ngoài sân nhâm nhi ly cà phê trong một ngày nắng đẹp.
Hay Moresnet. Nhỏ nhất châu Âu. Năm 1823, Phổ (Preußen) và Hòa Lan không thỏa thuận được về tranh chấp khai thác mỏ kẽm (Zink) nên đàm phán biến Moresnet thành quốc gia trung lập (Neutral-Moresnet). Khu Ngã ba biên giới ngày nay – mà hầu như ai có bạn bè từ xa đến thăm đều phải chở lên đó chụp tấm hình kỹ nghệ „Nhất-Dương-Chỉ-Tam-Quốc-Chí“ (một chỉ tay ếm trấn ba nước, tức là để ngón tay lên đỉnh cột mốc đánh dấu nơi biên giới 3 nước Bỉ, Hòa-Lan, Đức giao nhau) – thời đó mang tên Ngã … tư biên giới (Vierländereck) và cũng là điểm cao nhất … „Vùng đất thấp“ (Pays-Bas), với 327,50 mét trên mức mặt nước biển. Năm 1914, Moresnet trung lập rơi vào tay Đức. Với hòa-ước Versailles năm 1919, sau thất bại của Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất, vùng đất này được trả lại vương quốc Bỉ.

3laender
Cột mốc biên giới 3 nước Bỉ, Hòa-Lan, Đức

Hoặc lâu đài Vaalsbroek, nơi có lăng mộ vợ chồng Johann Arnold Clermont. Clermont là người Đức, sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Aachen nổi tiếng về ngành dệt. Do theo đạo Tin-Lành, Clermont không được ưu đãi mở mang cơ ngơi gia tộc vì Aachen theo Cơ-Đốc giáo. Clermont di cư qua Vaals, thành phố nước láng giềng Hòa-Lan, mua lại tòa lâu đài cũ kỹ điêu tàn Vaalsbroek, tự thiết kế thành nơi cư ngụ, làm việc và xưởng dệt vải. Con đường đi vào trung tâm thành phố Vaals ngày nay mang tên „Von Clermontplein“ (Quảng trường Clermont).

Tượng Clermont ở Vaals
Tượng Clermont ở Vaals

Khô sử rẻ hơn khô bò, khô mực, khô nai, khô cá thiều. Chỉ có … 2 Euro cho một chuyến đi vòng quanh Aachen và các thành phố làng giềng Bỉ, Hòa Lan. Xe du lịch nệm êm như nhung, có máy điều hòa mát mẻ, hướng dẫn viên thuyết minh liên tục 1 tiếng rưỡi đồng hồ, tài xế thiện nghệ lèo lách những con đường hẹp, ngoằn ngoèo nhưng thật thơ mộng của vương quốc Bỉ. Một trùng hợp nữa là chỉ có đồng 2 Euro mới có loại để sưu tập (2-Euro-Gedenkmünze), trên mặt có đúc hình di tích hay sự kiện lịch sử.

roemische_vertraege_belgien_2007
Đồng 2 Euro kỷ niệm 50 năm hiệp ước Rom

Trong Số-Học (Numérologie) Tây phương, số 2 tượng trưng cho mặt trăng. Người có mạng „Số Hai“ tính tình hòa đồng, thích nghi, ân cần, hợp tác. Theo Số-Học Đông phương, số 2 là số Xã hội, thể hiện đặc tính của Âm–Dương (Yin Yang) tượng trưng cho sự nhạy bén, tiến thoái phù hợp, uyển chuyển với thế giới khách quan. Người mạng „Số Hai“ có „Tương” tính: Tương cầu (tìm nhau), Tương giao (gặp nhau), Tương ứng (hợp nhau), Tương thành (giúp nhau), Tương thế (thay nhau), Tương ma (cọ nhau), Tương thôi (xô nhau chứ không phải là thôi nhau đâu ạ!).

Để biết mạng mình thuộc số mấy trong Số-Học dùng bảng dưới để đối chiếu :

1 2 3 4 5 6 7 8 9
a b c d e f g h i
j k l m n o p q r
s t u v w x y z
 ö ä ü

Ví dụ:
Họ Bùi: 2+3+9 = 14 = 1+4 = 5
Tên Tố Hồng: 2+6+8+6+5+7 = 34 = 3+4 = 7
Sinh ngày: 13.4 = 1+3+4 = 8
5+7+8 = 20 = 2+0 = 2

thuộc mạng „Số Hai“.
Nhưng mà tôi thích mình là … „Số Một“ cơ !!!

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s