Đa số người Việt sống lưu vong ở nước ngoài như … tôi thường ôm ấp hoài bão „bảo tồn văn hóa“ dù chẳng biết thế hệ con, cháu nội ngoại, chắt chút chít chũm chĩm với những cái tên lạ lẫm như Otto, Friedrich, Jutta, Anja v.v. chúng nó còn nói tiếng Việt, biết phong tục tập quán Việt-Nam hay không nữa ?
Hôm nọ sang thăm thằng bạn học cũ, tá túc trong phòng làm việc của nó với một tủ sách to đùng, tối ngủ chỉ sợ đổ ập đè vào người. Lạ giường, tẩn mẩn bên kệ sách thấy có quyển „Tôi tập viết tiếng Việt“ của ông Nguyễn Hiến Lê. Tôi gọi „ông“ có nghĩa là gọi theo vai vế chứ không phải „ông“ là đại danh từ nhân xưng ngôi thứ ba kiểu „lịch sự“, vì ông là bạn của ông ngoại, cùng học trường Bưởi, thường đến nhà chơi mạt chược với ngoại. Tôi nhớ ông có dáng gầy gầy, da ngăm, lưng hơi khom và có khuôn mặt xương xương giống ngoại. Hình như mấy ông bạn của ngoại ai nhìn cũng mài mại giống ngoại hết chơn hết chọi, có lẽ do cùng xuất thân từ miền quê hương đất bắc mà trong trí óc non nớt của tôi ngày ấy nó xa lắc xa lơ tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi.
Trong quyển này ông phân tích những sai lầm khi hành văn tiếng Việt mà ngay cả nhiều nhà văn nổi tiếng cũng mắc phải. Ông viết rất dễ hiểu, không sáo ngữ, khiêm tốn mà thuyết phục, thật không hổ danh (trích Wiki) „là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế …“.
Ông Nguyễn Hiến Lê sinh năm 1912, tức là thế hệ … 1x, 2x, tuy học chương trình tây nhưng cũng rất giỏi quốc ngữ. Thế hệ 3x, 4x như mẹ tôi thì học tiếng Việt là quốc văn, còn tiếng Tây, tiếng Hán chuyển sang môn sinh ngữ. Thơ văn kim cổ mẹ tôi phải thuộc nằm lòng nên lâu lâu dạy cháu ngoại lại xổ một câu ngạn ngữ à la „Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý“, mặc nó có hiểu hay không, hoặc sau đó nghe nó kết luận một câu xanh lè, trống không: „Bên Đức khác mà bà !!!“.
Thế hệ 5x, 6x như tôi coi như … lỡ một mùa xuân rồi vì đã thành „ba rọi“. Tiếng tây tiếng u thì vừa đủ để kiếm cơm, tiếng Việt thì vừa đủ để … mắng con. Phát âm tiếng Đức thì con nó cười sặc sụa „Con kêu thằng Dô-Dép (Josef) bỏ dép trước khi dô nhà đi con“. Nói tiếng Việt kêu con nó „bắc nồi cơm“ thì nó hỏi ngược lại „nồi cơm bị tội gì mà bắt hả mẹ“. Chỉ biết đau khổ cười ruồi.
Ông Nguyễn Hiến Lê cũng kể lại trong quyển „Tôi tập viết tiếng Việt“ một câu chuyện phát âm nam bắc không rõ ràng:
Sắc thuốc cho bay trắng cả đầu
từ câu
Sắc thuốc „tro“ bay trắng cả đầu
đang mang một ý tượng hình tượng cảnh tro bay bạc đầu chứ tóc vẫn còn „xanh“ lắm ai dè đâm ra thành câu ta thán phải chăm lo thuốc thang cho tụi bay mệt quá hè !!!
Tôi rất thích những lối đùa cợt dùng chữ, nói lên sự pha trộn giữa hai ngôn ngữ như tiếng Anh và tiếng Đức đẻ ra Denglisch, tức là người Đức cứ dịch huỵch toẹt từng chữ theo kiểu „Nghĩ-Răng-Mần-Rứa“, ai hiểu mặc bay:
No one can reach me the water = Niemand kann mir das Wasser reichen
Câu tiếng Đức có nghĩa là „Nhìn xuống không ai bằng ta mà nhìn lên thì thấy … ta với mình bơ vơ“. Thông cảm, người Đức họ được huấn luyện từ bé phải có lòng tự tin tuyệt đối thì đỡ được khoản phải học môn Khổng-Nho kính lão đắc thọ, kính cận đắc … ý.
Hôm nọ qua Mẽo học thêm được tiếng … Vienglish. Đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi – với bằng cấp Việt-Ngữ được bà ngoại xếp hạng „nhân bất học“ – mà còn phải phì cười:
– You think you delicious ? (Mày nghĩ mày ngon hả ?)
Hổng lẽ kêu nó trả lời:
– Sugar me me go, sugar you you go …
thì các bác lại cho là cháu nó láo quá !!!