Vào cuối đời, ông ngoại tôi có viết hồi ký về cuộc đời của Ngoại, và mẹ tôi đã đem nó theo trong hành trang đi đoàn tụ gia đình ở Đức vào ngày 23 tháng 11 năm 1983. Tôi có đọc qua một lần, rồi quên khuấy đi mất vì mãi lo chạy đua với cơm, áo, gạo, tiền. Nay, con cái đã trưởng thành, thêm vào đó, kỹ nghệ tân tiến giúp ta có thể tự xuất bản sách mà không phải lo ngay ngáy là chi phí in ấn ứng ra liệu có thu về hòa vốn hay không, tôi chợt nghĩ đến việc ghi chép, hiệu đính lại hồi ký của Ngoại, vì nó được đánh máy trên giấy pelure mỏng, đã vàng úa theo thời gian, không biết còn giữ được bao lâu nữa.
Công việc lúc đầu đơn giản chỉ là dùng bàn phím để gõ nội dung vào sách. Tôi làm cho xong, không cảm thấy hứng thú lắm. Càng ngày, do phải truy cứu thêm về địa danh, hình ảnh, phong tục, sự kiện lịch sử v.v. mà Ngoại đề cập đến trong hồi ký, tôi càng bị cuốn hút vào cái „miền bắc xa lắc xa lơ không tưởng tượng ra nổi“ của một trăm năm trước. Do chưa một lần đặt chân ra đất Bắc, nên với tôi, „Hà Nội ba sáu phố phường“ thật là cổ kính, mê hoặc qua những bức ảnh đã ố màu:
Rủ nhau chơi khắp Long thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giày,
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Than,
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Ngang, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
Quanh đi đến phố hàng Da,
Trải xem phường phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.
Từ hình ảnh ông đồ với cái tráp hoặc ruột tượng, trường Bưởi ở ven hồ Tây, trường nữ sinh ở phố Hàng Cót, tóc móng lừa, trà Ninh Thái …, tôi làm quen dần với đường Jules-Ferry, rue de Takou, rue du Riz, rue du Papier, le Vieux Théâtre (hí viện đầu tiên của Hà Nội), mỉm cười với bài thơ tứ tuyệt ngộ nghĩnh viết bằng Pháp ngữ của nam sinh „thứ ba học trò“ trường Bưởi:
Bonjour mademoiselle Brequel,
Permettez-moi de faire l’appel.
S’il manque quelqu’un, Lequel?
Bonjour mademoiselle Brequel.
Trong bản hiệu đính lại, tôi giữ cách dùng từ của Ngoại, chỉ viết thêm trong ngoặc nếu khó hiểu hoặc do phát âm của từng miền mà cách viết khác đi. Tôi cũng thêm phần Phụ Lục là những tiểu tiết bên lề có đôi chút liên quan đến những địa danh, phong tục v.v., được đề cập đến trong hồi ký của Ngoại.
Tôi thỉnh thoảng hay làm thơ, từ lục bát tả chị … hàng xóm:
Chị Hiền ở cạnh nhà tôi
Mắt đen lay láy, đôi môi luôn cười
Hàm răng trắng nõn thật tươi
Bàn tay xinh xắn như mười nàng tiên
đến thất ngôn tứ tuyệt mơ về một „người tình không chân dung“:
Ai gọi thu về xua nắng hạ
Cho phượng vỹ buồn khóc tuổi hoa
Con đường lá me không xanh nữa
Tình anh thôi cũng bớt mặn mà
Nhưng tôi chỉ làm được một bài duy nhất về Mẹ:
Mẹ là ánh sáng mặt trời
Soi đường con bước, dạy lời con thưa
Mẹ là hạt nước cơn mưa
Nuôi con khôn lớn sớm trưa chẳng hà
Mẹ là muôn vạn nụ hoa
Cho con hương thắm mặn mà tuổi xuân
Quyển sách này là món quà mà tôi muốn gởi tặng Mẹ, người đã dành cả tuổi xuân để nuôi nấng, dạy dỗ hai chị em tôi nên người.
Aza Lee
Sách xuất bản tại lulu.com:

PS: Trong hồi ký, Ngoại viết: „Tôi cũng muốn, nếu thể hiện được, sẽ tặng mấy bạn học cũ của tôi, trước hết là anh bạn nội trú nói trên mà tôi rất cảm phục tính cần cù và năng động trong lãnh vực văn học, mặc dù niên kỷ đã vượt quá xa cái mức „cổ lai hi“, sau là tặng bạn tiểu học cũ của tôi ở Phúc Yên cùng tôi còn sống đến ngày nay.“
Aza Lee mạn phép đăng tên những người Ngoại nhắc đến trong hồi ký. Nếu ai biết hậu duệ, con cháu của các vị này, xin vui lòng liên lạc với Aza Lee qua lee.aza44@yahoo.de để nhận sách tặng và giúp Aza Lee thực ước nguyện của Ngoại nói trên, dù Ngoại đã không còn nữa.
CÁC BẠN ĐÀN ANH
1- Ái (con cụ Hàng Phở)
2- Đạm (con cụ Án Nguyễn Doãn Thạc)
3- Phạm Tất Đắc (con cụ Đồ Chưng), Saigon
4- Cao Doãn Dịch (con cụ Phán Nhẫn), chết
5- Chu Xuân Giản (con cụ Thủ Nam), chết
6- Đặng Văn Minh (con cụ Đồ Túc)
7- Minh (Lưu Văn Minh?), cháu cụ Lang Hồ
8- Vũ Huân (con cụ Phán Nguyên), chết
9- Hiếu (con cụ Hội Sửu)
10- Vũ Thấp Hy (con cụ Cử An Bài), Saigon
11- Đỗ Như Ngọc (em ông Giám đốc nhà xuất bản Mai Lĩnh)
12- Bùi Thế Quang (em cụ Khoa, lục sự tòa án Đ.N.C Phúc Yên), chú thích: Đ.N.C. là viết tắt của Đệ Nhị Cấp
13- Phạm Vũ Sinh, chết
14- Tuyên (quê xã Nhuế Khúc)
15- Thụy, Vĩnh Yên
16- Vinh (con cụ Ký Đen)
CÁC BẠN CÙNG LỨA TUỔI
1- Ái (trọ phố Dinh)
2- Trần Gia Am (con cụ Hội viên Tường), chết
3- Bằng (con cụ Đồ Dực)
4- Bập (con cụ Cai bẻ ghi tàu), chết
5- Cơ (con cụ Bếp Toàn)
6- Bủng (con bà bán hàng xén)
7- Chu Xuân Chạc (con cụ Thủ Nam), chết
8- Chắn (con cụ Kèn Ngữ)
9- Vũ Tá Chiểu (con cụ Hải Nam)
10- Trần Q. Đình (con cụ Phán Trần Huệ Viễn), chết
11- Dương (con cụ Phó Tiện)
12- Giai (con Bà Văn Tháp Miếu)
13- Vũ Tá Hân (con cụ Hải Nam)
14- Trịnh Hiện (con cụ Nghĩa Lợi), chết
15- Học (con cụ Ký Ban)
16- Cao Nhật Hoàn (con cụ phán Nhẫn), chết
17- Nguyễn Thị Hồng (con cụ Phán Giới), Saigon
18- Vương Văn Hợi (con cụ Cai Ai), chết
19- Ích (con cụ Tư Hồ)
20- Bùi Như Ý (cháu Bà Giám binh VINCENTI)
21- Kính (cháu cụ chủ Bưu điện Ngoạn)
22- Kháng (con cụ Nghị Truyền Sáp Mai)
23- Lăng (con cụ Hậu Bỗ Mậu Lâm)
24- Liên (con cụ Cả Bò), chết
25- Mầu (cháu ông Thú y đương thời tỉnh Phúc Yên)
26- Minh (cháu cụ Trợ Khoan)
27- Nghĩa (con cụ Tỵ hàng cơm)
28- Phán (con cụ Cai Ba Nhàn)
29- Phưởng(cháu cụ giáo Chinh)
30- Quảng (con cụ Đề Nhung)
31- Quý (con quan huyện đương thời ở Kim Anh)
32- Trịnh Như San (con cụ Ba Khoát), chết
33- Võ Hoàng San (con Bà Xếp Cát), chết
34- Vũ Minh Tâm (cháu Bà Ba Điếc), chết
35- Tĩnh, tức Paul Menu (con bà Cẩm Béo)
36- Cao Thiện (quê huyện Văn Lâm, Hưng Yên), Saigon
37- Phạm Chí Thọ (con cụ Quản Trạch ở Nội Đông, Phúc Yên)
38- Thực (con ông Phó Tiện)
39- Trị (con cụ Nghị Truyền)
40- Đặng Đình Vân (con cụ đội Lâm nhà Đoan, quê Hải Dương)
41- Vũ Nam Việt (con cụ Phán Nguyên), Canada
Tính ra tôi đã nhớ được 57 bạn.
(trích từ trang 57-60)