Vị-Trân

Tôi vốn yêu … đủ thứ ngôn ngữ, không chỉ riêng tiếng Việt hỏi ngã lộn tùng phèo.
Với tôi, tiếng Việt là „bầu trời thơ ấu“ vì đến

Tuổi nào em bắt đầu yêu
Ngồi bên song cửa chiều chiều ngắm mây
Tuổi nào em hết thơ ngây
Đêm đêm cắn bút chau mày làm thơ

(Tác giả: L)

thì tôi toàn xài … tiếng Đức.

Tôi cũng yêu tiếng Hán-Việt, đơn giản vì nó là một phần của cái tiếng Hỏi-Ngã-Lộn-Tùng-Phèo, là „bầu trời thơ ấu“ của tôi.
Đi lòng vòng chẳng qua muốn nói về một từ Hán-Việt mà có lẽ ít ai còn nhớ: Vị-Trân.
Xin trích đoạn thằng bạn đăng trên „Phây-Bút“ của nó, chưa xin phép vì nó còn ngủ mà tôi thì … chuẩn bị đi ngủ, chờ nó ô-kê chắc tôi cũng không còn nhớ Vị-Trân là ai, em từ đâu tới, đã mấy xuân xanh ?
Dọn nhà là một việc làm rất mất thì giờ. Riêng đối với mình thì sẽ mất gấp đôi thì giờ, vì mỗi lần thấy lại một quyển sách cũ hay một tấm hình xưa là mình lại … thẫn thờ suy nghĩ. Dưới đây là hình hai quyển sách cũ tiêu biểu mà mình giữ được đến giờ.
Một quyển bài tập Toán, soạn bởi các giáo sư Toán Cù An Hưng và Phạm Hạnh Thái, trong thập niên 80, dân ban C gọi quyển sách này là sách … Vàng. Vi bìa nó màu vàng, và cũng đồng thời là một cách chơi chữ, gợi nhớ lại loài sách Vàng là sách phóng tác truyện bằng trang của Pháp cuối thập niên 70.

Hai là một quyển sách dạy nấu ăn. Bà cụ mình gửi qua cho con trai xa xứ, để tập nấu ăn. Quyển sách này được soạn vào những năm 30, 40 của thế kỷ trước, nên dùng từ rất xưa, mình đọc nhiều khi không hiểu gì hết. Ví dụ như bột ngọt, người ta gọi là bột Vị-Trân. Quyển sách này xưa ở nhà mình bên Việt Nam được cất trên đầu garde manger nên nó ám khói, ám mỡ nhìn rất giang hồ, dạn dày sương gió. Bây giờ thuộc loại sách cổ, mỗi lần lật ra đọc lại cứ sợ rách …
Bột „Vị-Trân“ là tiếng Hán-Việt, chuyển ngữ từ chữ 味精.
Theo Bính âm (Pinyin) là „wèijīng„. Lỗ tai „Giao-Chỉ“ của tôi nghe nó mài mại như … „mì chính“.

Vâng, đúng vậy, bột „Vị-Trân“ chính là bột ngọt mà sau 1975 trở thành bột „mì chính“.
Chữ 味 là mùi, là „vị“. Năm vị chua, đắng, ngọt, cay, mặn là năm mùi, là ngũ vị (五味). Nếu thơm thì thành … Ngũ-Vị-Hương (五味香). Không có mùi thơm nhưng lấy từ phương pháp tách chiết rong biển của nhà hóa học Nhật bản Ikeda Kikunae thì cũng là loại trân quý rồi, nên trước kia nó mang một cái tên Hán-Việt rất có ý nghĩa là … „Vị-Trân“, thay vì chỉ đơn giản dịch trơn tuồn tuột theo khẩu âm là … „mì chính“, khi mà chữ „mì“ trong tiếng Việt thật ra là một loại thức ăn làm từ bột, có hình dài dài như sợi dây.

Từ khi nào „Vị-Trân“ thành „bột ngọt“ thì không rõ. Có lẽ do năm 1954 nhiều người Bắc di cư vào Nam, họ phát âm vần „trờ“ như „chờ“, ít nhiều gây ngộ nhận, hiểu lầm, nên „bột ngọt“ ra đời, ám chỉ loại gia vị có màu trắng giống như bột gạo và có công dụng làm cho thức ăn có vị ngọt thịt.

Ai nói tiếng Việt trước 75 không „thuần Việt“ ?
Bột ngọt và mì chính, ai „thuần“ hơn ai ?

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s