Theo chương trình Đại-Học Maastricht, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi phải trải qua một lục cá nguyệt tại một trường ở ngoại quốc nhằm mục đích trao đổi kiến thức, văn hóa, khẩu vị ăn uống v.v.
Nó chọn Đại-Hàn, trường Yonsei University.
Bắt đầu từ hôm được chính thức xác nhận có chỗ học lẫn chỗ ở cũng như ký kết nếu dẫn người khác phái vào ký túc xá là xách va-li ra ngủ ngoài sân ga xe điện ngầm Sinchon ngay lập tức, cho đến lúc tiễn nó lên máy bay tôi luôn miệng dặn dò:
– Con đừng đi Bắc-Hàn nghe con, lỡ ông Ủn buồn tình ổng đóng cửa biên giới là tiêu đời đấy con ạ !Vì vậy khi thấy hình nó chụp ở khu phi võ trang của Hàn-Quốc (Korean Demilitarized Zone) tôi lo ngay ngáy chỉ sợ nó „lỡ bước sang ngang“ vượt quá mức quy định của vùng vĩ tuyến 38 thì đúng là „bỏ bu“ (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). May thay, cùng ngày hôm đó truyền hình tại khắp nơi trên thế giới tường thuật buổi gặp gỡ lịch sử giữa Kim-Chính-Ân (Kim Jong-un) và Văn-Tại-Dần (Moon Jae-in) với cảnh hai nhà lãnh đạo dung dăng dung dẻ nắm tay nhau bước qua lằn ranh biên giới.
Vậy là cả 3 chúng tôi – cha, mẹ và con – đều biết thế nào là chia đôi đất nước, thế nào là bức tường ô nhục, thế nào là vĩ tuyến 38 North. Mỗi người mang một tâm tư, một ấn tượng khác nhau về tổ quốc xé toạc làm hai.
Sau hai tháng sáng kim chi chiều bắp cải muối cay xè thì theo nhận xét của đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi hiến pháp Nam-Hàn cũng từa tựa hiến pháp Đức trước 1990 – Điều 23 và Điều 146:
(Nội dung Điều 23: Hiến pháp này trước mắt có giá trị cho các tiểu bang Baden, Bayern, Bremen, Groß-Berlin, Hamburg, Hessen, Niedersachsen, Nordrhein-Westfalen, Rheinland-Pfalz, Schleswig-Holstein, Württemberg-Baden und Württemberg-Hohenzollern. Hiến pháp này có hiệu lực với những vùng khác thuộc nước Đức sau khi những vùng này được sát nhập vào).
Tức là vẫn mở cửa hậu cho một quốc gia có thể thống nhất trong dân chủ và hòa bình.
Người Đức đã xóa chia cắt đất nước và xóa Điều 23 trong hiến pháp của họ, mở trang mới cho một quốc gia hùng mạnh, tự do, dân chủ.
Người Đại-Hàn đang vun xén cho hy vọng „chung một con xuồng“ theo mô hình dựa trên hiến pháp tương tự của người Đức.
Còn tôi ? Tôi có phải ca bài „Người em sầu mộng muôn đời“ của nhạc sĩ Y Vân không nhỉ ?