Cuối tuần đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi ghé về thăm nhà. Tôi hỏi nó :
– Con có cần tiền tiêu không ?
Không dám hỏi nó có „thiếu tiền“ không, vì „cần“ là nhu cầu tạm thời để đổ xăng cho đầy bình, còn „thiếu“ là tình trạng bình xăng có lỗ thủng, chớ dại mà nộp mỡ miệng mèo.
Nó trả lời:
– Dạo này con nhận dịch giấy tờ từ tiếng Anh sang tiếng Đức nên cũng có tiền rủng rỉnh mẹ ạ !
Tôi e ngại:
– Rồi còn thì giờ học hành không hả con ?
Nó khoát tay:
– Con hỏi cụ Gồ ! Đức sang Việt thì cụ ấm ớ hội tề lắm, còn Anh sang Đức cụ dịch như gió, có điều sau đó con phải chỉnh lại, thêm Tí-Phần-Hồn vào mới ăn tiền người ta được.
„Tí-Phần-Hồn“ là do tôi dịch từ tiếng Đức „etwas Menschliches dazu tun“, tức là soạn sửa lại cho đúng như cách hành văn của loài người từ gốc khỉ đột thoát xác với Bàn-Tay-Năm-Ngón-Em-Vẫn-Kiêu-Sa, chứ không phải máy tính cụ Gồ phun ra thế nào là nhất nhất sao y bản chánh như vậy.
Vượn hú, chó sủa, gà gáy. Nhưng Bàn-Tay-Năm-Ngón-Em-Vẫn-Kiêu-Sa thì biết nói. Nhiều ngôn ngữ dù có thể cùng một nguồn gốc như xuất xứ từ tiếng Phạn, tiếng La-Tin, tiếng Hán v.v. trải qua bao nhiêu thế hệ đã trở thành ngôn ngữ đặc thù của một dân tộc. Cho nên khi dịch từ tiếng nước này sang tiếng nước khác không đơn giản chỉ dịch từng chữ ghép lại vì sẽ giống như kiểu … Denglish: „My english is not the yellow from the egg, but it goes“ được dịch từng chữ một từ câu „Mein Englisch ist nicht das gelbe vom Ei, aber es geht“ (tiếng Anh của tôi không khá lắm, nhưng cũng tàm tạm). Hay buồn cười hơn nữa là nếu muốn nói với người Anh, người Mỹ câu „Ich glaube, ich spinne“ (chắc tôi đến hóa rồ mất thôi) mà phang ngon ơ là „I think, I spider“ thì họ sẽ ngẩn ra khi chả thấy nhện đâu cả.
Tiếng Việt cũng vậy. Rất nhiều hội đoàn ở hải ngoại dùng chữ „ban chấp hành“ để gọi nhóm những người được bầu lên thay mặt hội viên điều hành công việc của hội. Trong một quốc gia, „ban điều hành“ là bộ phận do công dân tin tưởng bỏ phiếu bầu lên, giao trách nhiệm điều khiển guồng máy chính phủ, có tên gọi riêng rất văn chương là „Nội Các“, gồm các tổng bộ trưởng. Trong một công ty, một hãng xưởng, „ban điều hành“ là bộ phận do cổ đông tin tưởng bỏ phiếu bầu lên, giao trách nhiệm điều khiển vấn đề kinh doanh, với mục đích tìm cách giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nâng giá trị cổ phiếu. Trong một hội đoàn „ban điều hành“ là bộ phận do hội viên tin tưởng bỏ phiếu bầu lên, giao trách nhiệm lo toan công việc của hội.
Chữ „điều“ là động từ – khác với „điều“ là danh từ có nhiều nghĩa như màu đỏ, lời nói, cớ sự, đoạn, khoản – không bao giờ đi một mình mà bao giờ cũng xuất hiện dưới dạng từ ghép như điều hành, điều khiển, điều trị v.v. Theo tự điển Khai trí Tiến Đức „điều“ có nghĩa là „sắp đặt, làm cho vừa vặn“.
Còn „chấp“ có nghĩa là „cầm, giữ, nhận“ như „chấp chính“ là cầm giữ quyền chính trong nước. Là động từ, nên „chấp“ phải đi với danh từ như chấp đơn, chấp lễ, chấp lệnh v.v.
Vậy thời là „chấp“ hay „điều“ ?
Là „xoay“ hay „chỉnh“, là „chịu“ hay „tuân“ ?
Từ 中央執行委員, đọc theo âm Pinyin từng chữ một và theo đúng kiểu Lý Tiểu Long xuất chưởng từ phải sang trái là „wěiyuán zhíxíng zhōngyāng“, ủy ban thi hành trung ương. Chữ 執 ở đây không có nghĩa là „chấp“ mà đi chung với 行 đọc là „zhíxíng“, chuyển âm Hán-Việt là „thi-hành“. Dịch „chấp hành“ thành ra đầu gà đít vịt, theo kiểu âm là „thi“ (zhí) nhưng chữ là „chấp“(執) thành ra một kiểu Trung-Việt (xin chớ đọc và bỏ dấu thành … Trứng Vịt), tương tự như Denglish „I think, I spider“. Tên gọi cũng nói lên suy nghĩ của người dùng, đầy sự phục tùng, nhận, chịu và „thi-hành“ theo đường lối „ủy ban trung ương“, không ý kiến ý cò gì ráo trọi.
Nhiều người cho rằng Hán-Việt là tiếng ngoại lai, cà răng căng tai, không ai ưa nói. Thật ra ngày xưa người Việt không có chữ viết, nhưng có thổ ngữ riêng, dần dần phát triển dùng chữ Hán để chuyển thành ngôn ngữ độc lập cho mình. Vì vậy, văn viết xưa vẫn là chữ Hán, dần chuyển sang chữ Nôm, rồi do người Việt ở hiền gặp lành nên được ông A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ (亞歷山德羅, Alexandre de Rhodes) chuyển thành:
Sách quốc ngữ
„Chữ“ nước ta,
Con cái nhà,
Đều phải học.
Hết phải bi bô
Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm
để „vẽ“ … mỗi một chữ „đức“ 德.
Ví dụ điển hình:
Tên „Hồng“ là tên do ông nội tôi đặt, nguyên thủy là „Hường“, nhưng nghe „nhà quê“ quá nên ba má tôi đổi thành „Hồng“ – con đội ơn ba má đã không vâng lời ông nội. Bác Tư, bà bạn người Hoa của ba má tôi, toàn kêu tôi „Hóng“ vì bác nghe ba má tôi réo:
– Hồng ơi, ra chào bác đi con.
Tôi chào xong xin phép bác:
– Dạ mai mốt bác Tư gọi con là … „Mai Khôi“ nghe bác, tại tên con hiểu theo nghĩa hột vịt lộn là hoa hồng, là 玫瑰 (méiguī), bác nghe ba má con kêu „Hồng“ rồi nhại lại „Hóng, Hóng“ theo tiếng Hán 红 là màu đỏ thì thà con tên … Thị-Hường cho xong bác ạ !
Samuel Johnson, học giả nổi tiếng người Anh vào thế kỷ 18 từng nói „Language is the dress of thought“, ngôn ngữ là trang phục của tư tưởng. Người đẹp vì lụa, tại sao lại làm nghèo tiếng Việt đi bằng cách dùng từ không chính xác ? Mình dùng chữ trật không sửa thì con mình cũng sẽ dùng chữ trật, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi sẽ không phân biệt được „cần tiền“, „thiếu tiền“ hay „hết tiền“ mà chỉ biết là đang … „không tiền“.
Mỗi ngày, mỗi ngày, như con kiến bé nhỏ cần cù, chúng ta cố gắng cất lên tiếng nói chân chính là xử dụng đúng ngôn từ của người Việt. Tới lúc „đầy tổ“ là lúc mọi người sẽ xử dụng đúng từ ngữ tiếng Việt có văn hóa, không phải thứ tiếng Việt „đánh đồng mọi thứ như hiện tại“. Tất cả đều là chủ tịch, từ chủ tịch nước đến chủ tịch thành phố, quận, hội đoàn. Đô trưởng, tỉnh trưởng, lý trưởng, xã trưởng gì cũng … cá mè một lứa, bán giá giống nhau, mua mau kẻo hết. Hoặc là những từ như „báo cáo“ được xử dụng trong mọi tình huống: „Dạ em báo cáo thủ trưởng, con xin báo cáo cho cả gia đinh bà con hai họ là chúng con dự định lấy nhau“, „i“ ngắn, „y“ dài lỏng chỏng lẫn lộn như kỹ-thuật – kỹ là khéo – thành „kĩ“ là … kỳ cục, là quái dị, là áo dài bị cắt ngang tà cái rẹt. Đây là thứ văn hóa làm nghèo đi tiếng Việt.
Bắc thang lên hỏi ông trời
„Điều“ thay cho „Chấp“ có đòi được chăng ?
Ông trời nổi giận mắng rằng
Muốn thời phải được, mần răng hỏi trời ?
Hãy cố lên các bạn !!!
Vì con, cháu, chắt, chút, chít của chúng ta.