Chương II: Hoài Hương

Hoài Hương là tên ban nhạc sinh viên và thanh niên học nghề ở Braunschweig. Mẹ không nhớ chính xác ban nhạc được thành lập năm nào, chắc khoảng năm 1987 vì khi mẹ bước chân vào ngưỡng cửa đại học 1986 thì ban nhạc chưa ra đời.

Tay đàn điện của ban nhạc là bác Hải, hai tay đàn thùng là bác Khoa, bác Hưng, đàn organ là bác Tuấn. Vì bác Khoa là người giỏi nhạc lý nhất nên được bầu làm trưởng nhóm, toàn quyền sinh sát, tức là chọn lựa những bài để tập, để trình diễn. Bác Tuấn lúc ấy không phải là sinh viên mà đã là dược sĩ nên ngoài cái đàn organ bác còn có bộ trống xập xình, trông rất oai phong, làm ban nhạc nhìn „bệ vệ“ hẳn hơn lên.

Bác Tuấn

Ca sĩ thì có bác Đức, cô Nga và mẹ. Cô Nga lúc ấy còn ở chung với ba má, ít khi được tự do đi tập hát, nên mẹ thành nữ ca sĩ độc nhất luôn có mặt trên từng cây số. Chẳng phải mẹ hát hay ho gì, mà nữ sinh viên thời đó chỉ có vài cô, ai cũng mọt sách, mẹ cũng mọt sách, nhưng do mẹ học về ngành khoa học, „ít chữ“ hơn, cũng không có những giờ phải thực tập trong phòng thí nghiệm nếu học về môn hóa, y, dược v.v. nên mẹ rảnh rỗi hơn, có thì giờ la cà tập đàn, tập hát vớ vẩn. Nói là vớ vẩn chứ thật ra lúc ấy ở Braunschweig tuy đông người Việt nhưng chỉ có duy nhất mỗi ban nhạc Hoài Hương. Lễ Tết gì cũng chỉ có duy nhất mỗi ban nhạc Hoài Hương tình tang biểu diễn mua vui. Hội họp vui chơi cộng đồng người tị nạn cũng chỉ có duy nhất mỗi ban nhạc Hoài Hương ò e đàn trống.

Cô Nga

Ngoài bác Tuấn là sinh viên du học, các thành viên còn lại của ban nhạc đều là người tị nạn mới đến Đức vài ba năm, ai cũng còn mang ít nhiều nỗi nhớ nhung người thân, bạn bè, láng giềng, hay nhớ người yêu bé nhỏ còn kẹt lại quê nhà, nên cái tên Hoài Hương, do bác Khoa đề nghị, được tán thành ngay lập tức. Ban nhạc thường tụ họp vào cuối tuần, đàn ca hát xướng không mục đích, những hôm tập dượt cho các chương trình Tết, hội hè v.v. thì có thêm vài ca sĩ „nghiệp dư“ khác.

Chọn tên ban nhạc

Để hát một bài, mẹ phải bỏ rất nhiều công sức. Trước hết là dùng máy đánh chữ để chép lại lời, sau đó dùng viết „vẽ“ thêm dấu tiếng Việt, bác Khoa giúp ghi lại chủ âm, hợp âm sao phù hợp với giọng ca của mẹ.

Khổ nỗi, trình độ và vốn liếng âm nhạc của mẹ đã khép lại từ thuở „Kìa con bướm vàng“ (con xem bài „cô Liễu“ thì sẽ hiểu tại sao), thành ra „ca sĩ mẹ“ ráng để dành tiền mua một chiếc đàn ghi-ta cũ về tự học, giá 50 Đức Mã, một số tiền khá lớn đối với sinh viên tị nạn mà một tháng, sau khi trừ hết tiền đóng bảo hiểm, tiền phòng trọ, tiền ăn v.v. may ra còn được 5, 10 đồng đút túi. Do không biết về nhạc lý nên mẹ phải dán giấy lên cần đàn, ghi chú nốt nào nằm ở đâu, rồi dần dần có thể tự đánh đệm theo như hợp âm bác Khoa đã soạn cho „ca sĩ mẹ“ và tập hát theo, một kiểu làm bài ở nhà trước khi cùng luyện chung với ban nhạc vào cuối tuần.

Chương trình văn nghệ Tết

Thời đó, làm gì có Karaoke mà khi hát sai ta có thể lập đi, lập lại nhiều lần tùy theo … sức – tập hát tốn rất nhiều năng lượng, nhất là khi hát những nốt cao, dài. Với ban nhạc, chỉ được phép hát „trật đường rầy“ vài ba bận là các bác ấy đã nhăn nhó, bắt đầu tự động „lên tông“, giọng không còn nhẹ nhàng à la … nghệ sĩ với cây đàn nữa. Sự kiên nhẫn của tay đàn, tay trống chỉ dành cho các cô vẫn đang „solo“, chuyện dễ hiểu thôi, vì trừ bác Tuấn đã có người yêu, bác Khoa, bác Hưng, bác Hải vẫn phòng không gối chiếc „khóc lẻ loi một mình“ (lời trong bài Nửa Hồn Thương Đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương). Đọc đến đây chắc đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ sẽ thắc mắc tại sao mẹ không được ưu đãi dù là nữ ca sĩ duy nhất của ban nhạc? Câu trả lời cũng rất đơn giản con à! „Ca sĩ mẹ“ là hoa đã có chủ, dù chủ quyền cũng rất mơ hồ, vì

Đàn ông năm bảy lá gan

Lá ở cùng vợ (ca sĩ mẹ), lá toan cùng người

Để tránh cảnh „Máu nhuộm bến Thượng Hải“ – Soundtrack trong bộ phim truyền hình cùng tên của điện ảnh Hồng Kông, dài 25 tập do TVB phát hành vào năm 1980 – các bác trong ban nhạc Hoài Hương chỉ xem mẹ như một thành viên, không hơn, không kém, hát sai sẽ bị „sửa lưng“ ngay tại chỗ, không nương tay. Chẳng những vậy các bác bắt mẹ phải học thuộc lòng lời bài hát, nhất là khi trình diễn trên sân khấu, chỉ được „đá lông nheo“ với khán thính giả, tuyệt đối không cho nhìn vào bài nhạc. Nhờ những sự khắt khe đó, tuy „ca sĩ mẹ“

Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở

(trích lời trong bài „Cô Hàng Xóm“của nhạc sĩ Lê Minh Bằng)

nhưng không đến nỗi trật nhịp, lạc tông, sai giọng, tuy không đủ ngọt ngào để trình bày những tác phẩm mang giai điệu quê hương, luyến láy, ngân nga, vẫn có thể đem lại chút gần gũi, ấm cúng cho những buổi văn nghệ bỏ túi của người Việt tị nạn tại Braunschweig bốn thập kỷ trước.

Bác Khoa

Sự nghiệp đàn ca hát xướng của mẹ kéo dài khoảng hơn ba năm. Năm cuối đại học, mẹ phải dành nhiều thời gian để viết luận án ra trường, gạo bài thi, học bằng lái xe và còn nhiều mối lo toan khác cho tương lai nên đành nói lời từ giã ban nhạc. Kỷ niệm mẹ còn giữ đến nay, dù trải qua nhiều lần dời đổi chỗ ở vẫn không bị thất lạc, là một bản nhạc do bác Khoa sáng tác, mang tựa đề là tên ban nhạc nghiệp dư của sinh viên Braunschweig vào thập niên 80: Hoài Hương.

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit Deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Twitter-Bild

Du kommentierst mit Deinem Twitter-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit Deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s