Bố tôi

Tục ngữ Việt nam có câu
Con không cha như nhà không nóc.

Năm tôi 12 tuổi thì nhà tôi „tróc nóc“. Tôi còn quá bé để được biết về cuộc đời của bố tôi, về sự nghiệp của bố tôi. Chỉ biết bố là Luật sư, ông nội Bùi Khắc Dụng là địa chủ ở Thanh Hóa, vượt ngục trại tù Lý Bá Sơ vào Nam chứ không được di cư chính thức bằng tàu há mồm. Thế thôi.
Mới đây tôi nhận được Email của một người bạn của mẹ tôi với nội dung như sau:
Riêng chuyển tới Hồng,
Tôi tính viết ít hàng tâm tình đầu năm gửi ông em ruột bên Texas nhân khi nhận được tấm hình của Luật sư Bùi Hồng Hưng. Thấy bài có nhắc tới một phần nhỏ tiểu sử Luật sư Bùi Hồng Hưng nên tôi chuyển để Hồng biết.
Về trại tù Lý Bá Sơ tức trại Đầm Đùn thì thật là khủng khiếp. Hình như có người đã mô tả trại tù này và được giải thưởng thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
——————————-
Nhiều khi nghĩ lại quá khứ, tôi cũng tự hào là người kiên trì, cần mẫn. Vì trong hoàn cảnh khó khăn mà cố và đã vượt qua để có một số thành quả nhất định.
Những ngày xa xưa ấy. Hồi còn trẻ và trung niên. Còn trẻ thì có một số khó khăn do hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh chiến tranh … tôi không có dịp tiếp xúc, nhìn xa, trông rộng. Khi trung niên thì dồn hết thời giờ, tâm trí vào công việc và học hành hầu tiến thân.
Bây giờ  81 tuổi, vừa bước vào cái tuổi Lão Hỉ, Lão Cố. Ngoái nhìn lại quãng đường đã qua thấy tôi làm như vậy là đúng, có lẽ một phần do phúc đức tiền nhân, một phần do tiền kiếp – nếu tin vào có tiền kiếp – đã đi vào tiềm thức, hướng dẫn mình sống như vậy. Ra trường, đơn thân được làm việc gần nhà. Một vị trí mà nhiều người có thế lực luôn muốn chiếm. Chỉ một sơ sót nhỏ trong công tác hoặc kém hiệu quả là bị thay thế ngay.
Vì vậy, tôi như con ếch ngồi dưới đáy giếng. Thật ít giao thiệp, thật ít tiếp xúc. Con ếch ngồi đáy giếng nhìn trời qua miệng giếng (nhỏ bằng vung) ra sao, thì tôi, một tráng niên nhìn đời qua môi trường công tác chuyên môn và học thêm như vậy. Tôi có một chút thành tựu nho nhỏ và thấy hài lòng. Thứ hài lòng của con ếch, thấy mình có một vị trí đáng nể trong bầu trời.
Thời thế thay đổi. Tôi đi tù. Rồi lang bạt Âu Mỹ. Tiếp xúc với mọi giới trong xã hội.
Như con ếch ra khỏi miệng giếng, tôi bừng tỉnh.
Thấy mình nhỏ bé quá. Từ sự hiểu biết, đến kiên trì, rồi thành tựu. Tất cả chẳng là cái thá gì so với thiên hạ. Nghĩ lại, cái thời con ếch nhìn bầu trời qua miệng giếng. Ái ngại quá.
Biết bao nhiêu lời kinh sám hối cho đủ đây !
Tôi nhìn gương của vị này: Luật sư Bùi Hồng Hưng. Ông sinh năm 1934, hơn tôi 3 tuổi. Hai cha con (cha „vượt ngục“ trại Lý Bá Sơ – một trại tù, trước 1975 chỉ có vào mà không có ra, có lẽ trước 1975 Cụ là người trốn trại thành công duy nhất) vượt biên vào Nam năm 1955. Nghĩa là vào năm 1956. Ông Bùi Hồng Hưng tay trắng.
Ông tự học. Vừa làm vừa học. Đậu Tú Tài I, Tú Tài II. Lấy vợ là nhà giáo. Hai vợ chồng đều vừa làm vừa học.
Không biết Ông noi gương Bà hay Bà noi gương Ông mà Bà đi dạy 8 năm sau mới thi (đậu) Tú Tài I, hạng Bình Thứ, ban C (văn chương, sinh ngữ) trước năm 1966. Và thật đáng nể là 6 năm sau, khi Bà đã 4 con, vẫn đi dạy mà thi nốt Tú Tài II, ban C, kèm theo bằng Proficency của Hội-Việt-Mỹ. Bà kể với tôi là Bà học ban Bổ túc trường Quốc gia Sư phạm Sài-Gòn, niên khóa 1955-1958. Tốt nghiệp, dạy tại trường Trung Học Bùi Thị Xuân Đà Lạt hai năm. Nay các học sinh cũ đã lớn. Đi thi Tú Tài II, bà phải nhìn trước nhìn sau, chỉ sợ lỡ gặp phải học sinh của mình, người thì chấm thi, người thì làm giám thị, hoặc người thì đi thi, thì quê quá đi thôi.
Còn Ông vẫn vừa học vừa làm. Ông đã có năm con mới tốt nghiệp Cử nhân Luật. Tiếp tục thực tập Luật sư. Tốt nghiệp Luật sư. Năm 1975 chuẩn bị khai trương Văn Phòng Luật sư Bùi Hồng Hưng với phần phụ tá dịch thuật Anh ngữ của phu nhân, bà Đan Thanh, … thì … biến cố xảy ra.
Với người vượt tuyến năm 1955 thì tháng 4-1975 là tháng khủng khiếp. Cho nên Ông đã cùng 4 con ra đi …
Xin thành kính nguyện cầu Ông và 4 cháu được an vui miền VĨNH HẰNG.

my_familie
Tôi hãnh diện có người bố hiếu thảo (ông nội bịnh liệt giường, bố tắm rửa, đút cơm cho ông nội ăn dù nhà tôi có người làm), nhân hậu (ai khó khăn nhờ vả, bố tôi đều giúp đỡ, thân chủ nghèo không trả nổi tiền thù lao luật sư, bố tôi cãi miễn phí) và kiên trì  – nay tôi mới rõ – nhất trên đời này.
Hãnh diện hơn nữa là tôi có người mẹ đã làm mái ngói che nắng mưa cho hai chị em tôi (em tôi chào đời khi nhà đã tróc nóc, tháng 10.1975) suốt 42 năm qua.

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s