Mùa xuân … lá khô

Năm nay tôi được nhờ soạn và dịch lời giới thiệu cho chương trình văn nghệ Tết Mậu Tuất. Khá dài, đa số là nhạc Xuân vui tươi hay nhạc quê hương ngọt ngào, không có màn ca cải lương nào vì cô ca sĩ „gạo“ mới sanh em bé, bận bịu, nên khước từ. Bù lại được một màn vũ „Hành trình trên đất phù sa“, nghe là thấy có thể xen vào vài câu giới thiệu với quan khách Đức chút ít về đồng bằng sông Cửu Long, về „khúc ruột miền Nam của tôi“ từ khi bác tôi lấy cô vợ người Long Xuyên và chọn Cà Mau làm quê hương thứ hai.

Khó nhất là đoạn diễn văn khai mạc. Năm ngoái đã mượn bài thơ „Ông đồ“ của thi sĩ Vũ Đình Liên để nhập đề rồi, chả nhẽ năm nào cũng ông đồ ? Mà khổ nỗi Tết thì tiêu biểu là mai vàng, bánh chưng xanh, câu đối đỏ.

Lẩn quẩn mãi không ra ý tứ, tôi đành dùng hai câu ca dao xưa như trái đất

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Xin các bậc tiền bối tha thứ nếu tôi đơn giản hóa mấy hình ảnh này trong tiếng Đức bởi nếu dịch sát nghĩa thì „tượng hình“ được, nhưng không thể „tượng thanh“ vì thơ tiếng Đức khác luật bằng trắc. Xuất giá tòng phu, xuất ngoại tòng … quyền. Gặp cảnh biến phải theo đạo „quyền“, không thể giữ nguyên đạo „kinh“ như lúc bình thường được, nên tôi „vẽ“ tạm cái Tết Việt Nam cho người Đức thưởng ngoạn như sau

Speck, Kohl, rotes Duilian
Kuchen, Böller, Neujahrspfahl

Nghe cũng … vần chán !!!
Tối hôm sau, anh phụ trách chương trình văn nghệ gọi phone nhắn nhủ:
– À, anh còn quên bài „Mùa Xuân lá khô“, em biết bài này chứ ?
Tôi:
– Dạ … không!
Anh:
– Ca vầy nè, Tôi trở lại vùng hành quân, vùng xa xôi đá sỏi biết buồn …
Tôi: Một phút suy tư.
– Dạ để em kiếm trên Internet, thể nào cũng có.

Cúp máy điện thoại. Mở máy vi tính. Bấm tìm „Mùa Xuân lá khô“. Kết quả:
Mùa Xuân Lá Khô – Trần Thiện Thanh – Ca sĩ thể hiện: Trường Vũ, Duy Khánh, Tuấn Vũ, Mạnh Quỳnh.

Trời đất, thôi rồi, lại là „nhạc Sến“ nữa rồi !
(Chú thích: không phải tôi có hàm ý chê bai, mà „nhạc Sến“ là tên một dòng nhạc được khá nhiều người yêu chuộng, đa số theo điệu Bolero réo rắt, luyến láy).

Vì không biết bài này nên tôi mù tịt, Ai-Nô-Ai-Đia (I no idea), không thể xuất ngoại, xuất tòng gì sất. Tôi đành tra kiếm tiếp trên mạng lời của nguyên bản nhạc, kèm theo nghe tới nghe lui bài hát để có thể cảm nhận được ý của tác giả, dựa theo đó mà soạn lời giới thiệu cho Em-Xi (MC). Hết nghe Trường Vũ, Tuấn Vũ lại đến Duy Khánh, Chế Linh, Mạnh Quỳnh. Nghe xuôi nghe ngược mãi chán, tôi chuyển sang giọng ca nữ Thanh Tuyền, Mỹ Huyền. Bài này càng nghe càng thấy thấm, thấy thương cho thân phận người lính:

Ở đây không có hoa Mai, không có hoa Đào trang điểm trần ai …

Chợt nhớ lời con bạn: Lúc còn bé, mình hay tập theo mấy cousin, cousine, chỉ nghe nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, nhạc trẻ Phượng Hoàng … mà lãng quên những bản nhạc nói về đời lính gian khổ, xa nhà, xa mẹ, xa người yêu, triền miên khói lửa. Sau này nghe lại tao thật sự thấy xúc động và thương cảm họ thật nhiều, nếu không có đổi đời, đôi lúc tao nghĩ có thể mình sẽ là người yêu của lính …“

Tôi không biết tôi thì có trở thành „người yêu của lính“ giống nó không, nhưng dù không phải „phen“ nhạc Sến, tôi rất thích bài „Ai nói với em“ (Minh Kỳ – Huy Cường):

Ai nói với em nếu anh là lính
Không biết nói yêu mỗi khi gần em
Ai nói với em tình mình dang dở
Vì đời lính nhiều gian khổ
Yêu chỉ cho lòng mong chờ

Ai nói với em lính không sầu nhớ
Không có trái tim đắm say mộng mơ
Ai nói với em tình người lính trẻ
Nồng nàn nhưng nhiều dâu bể
Không như cung đàn lời thơ

Ba-lô thay người tình yêu dấu
Đêm đêm riêng mình nằm gối đầu
Anh thấy nhớ em, anh thấy mến em
Ước mơ anh là trời cao

Rót trăng nhuộm vàng làn tóc thương yêu

Khi lính đã yêu bướm ghen tình thắm
Muôn kiếp vẫn yêu nói chi ngàn năm
Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở,
Tình còn vững bền muôn thuở
Bao la như lòng đại dương.

Phải chi hôm Tết có ai hát bài này nhỉ ?
Tôi sẽ có rất nhiều ý tưởng để soạn lời giới thiệu cho nó.

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s