Mới đây tôi được giao nhiệm vụ dịch bài diễn văn khai mạc Tết Đinh Dậu tại Mönchengladbach với hình ảnh ông đồ già của thi sĩ Vũ Đình Liên.
Ông đồ không làm tôi sụt ký tuy cũng nan giải như phương trình Diophantos von Alexandria f(x1;x2;x3;…;xn) = 0, bài số 10 trong danh sách 23 bài toán chưa tìm ra đáp số của nhà toán học người Đức David Hilbert.

Nhưng dịch lời giới thiệu các chính khách Đức được mời đến dự như ông Reiners, Oberbürgermeister của thành phố Mönchengladbach, đã làm tôi đầu bạc vì không còn thì giờ đi nhuộm tóc, miệng khô vì liếm nước miếng tra tự điển liền tay, ngón trỏ cứng đơ vì líu lo với cụ Gồ (google) như … chim hót bên bụi mận gai.
Vấn đề là hiện nay ở Việt Nam toàn gọi những người đứng đầu bộ phận hành chính ở các nước theo chế độ dân chủ là „thị trưởng“ dù chức vụ của họ là tỉnh trưởng, quận trưởng hay xã trưởng. Không phân biệt giai cấp, quyền hạn, lương lậu gì sất. Me nào cũng là me, „me dốt cũng như me ngào đường“, Maire de Paris, Maire d’Antony, Maire de … Sài-Gòn.
Thời pháp thuộc, Nam kỳ lục tỉnh là vùng đất người Pháp chiếm được và lập nền cai trị đầu tiên ở Đông Dương, với tổ chức hành chính chia làm 19 tỉnh và duy nhất một „thành phố“ hoa lệ „Ville de Saigon“. Ngày 8 tháng 1 năm 1877, Tổng thống Pháp Mac Mahon ra „Sắc lệnh về tổ chức của Sài-Gòn“, nâng cấp Sài-Gòn lên thành công xã (Décret concernant l’organissation municipale de la Ville de Saigon, la Ville de Saigon est érigée en commune), cho phép Sài-Gòn được hưởng quy chế như các thành phố lớn ở bên Pháp. „Maire de Sàigòn“ thời ấy là Đốc lý Charles Marie Louis Turc. Đến 1888 Pháp chiếm toàn bộ Bắc kỳ, lập thêm 2 „thành phố“ lớn là Hà-Nội (maire là Đốc lý Trần Văn Lai) và Hải-Phòng (maire là Đốc lý Vũ Trọng Khánh).
Ngày 27 tháng 4 năm 1931, tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất hai thành phố Sài-Gòn và Chợ-Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là khu Sài-Gòn – Chợ-Lớn (région Saigon – Cholon). Cho đến 1945, chức vụ đứng đầu đơn vị hành chính Sài-Gòn (administrateur de la région) đều do người Pháp nắm giữ, gọi là chánh tham biện hay khu trưởng Sài-Gòn – Chợ-Lớn. Ngày 26 tháng 9 năm 1947 chức danh người đứng đầu chính quyền khu Sài Gòn – Chợ Lớn đổi tên thành đô-trưởng. Giai đoạn này Hà-Nội vẫn là thủ đô, tức là từ „đô trưởng Sài-Gòn“ không dính dáng gì đến từ „thủ đô“ cả như nhiều người diễn giải.
Đi ngược dòng lịch sử để tìm đáp số cho phương trình Diophantos là: Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến lúc bị chặt ngang khúc ba sườn chỉ có 3 „đô-thị“. Theo tự điển Khai trí Tiến-Đức „thị“ là chợ, nơi đô-hội có người ở đông đúc (thành thị). Thị xã là nơi đô-hội có tổ chức thành một cơ quan như một xã. Hà-Nội, Sài-Gòn đều là thị xã trước khi được „văn minh hóa“ thành đô-thị, để Nguyễn Bính phải ôm sầu „cái yếm lụa sồi“
Hôm qua em đi „tỉnh“ về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi
Nào đâu cái áo tứ thân ?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ?
Riêng Sài-Gòn là thủ đô nước Việt-Nam-Cộng-Hòa nên còn được gọi là đô-thành (chỗ kinh thành nhà vua). Vì vậy nhiều khi bị nhầm lẫn cho rằng người giữ chức hành chính cao nhất Sài-Gòn được gọi là đô-trưởng vì Sài-Gòn là thủ đô. Thật ra đô trưởng là người đứng đầu hệ thống quản lý hành chính của một đô-thị. Nơi làm việc của chính quyền đô-thị gọi là tòa đô chánh (Rathaus, Hôtel de Ville, City Hall) nghe rất là văn chương, lịch sự, đầy vẻ uy nghi của một nước theo chính thể cộng hòa dân chủ.
Xã có nghĩa là đất, là sơn hà xã tắc, là chủ quyền nước non. Xã xưa là khu vực hành chính thuộc quyền lý trưởng (một xã ba thôn), nay đông dân lên thì thành thị xã (đất đã có chợ). Cần-Thơ, Cà-Mau, Vũng-Tàu với „Tour du lịch có xe ô-tô phục vụ theo chương trình, ca-nô cao tốc tham quan Đất Mũi, khách sạn tiêu chuẩn điều hòa máy nóng lạnh, Ti-Vi, thuyền đi chợ nổi Cái-Răng, khách sạn khu sinh thái biển“ thì không còn là 3 thôn với lý trưởng nữa mà phải „nâng cấp“ lên thành … Thị trưởng thị xã Cần-Thơ, Thị trưởng thị xã Cà-Mau, Thị trưởng thị xã Vũng-Tàu.
Còn Mönchengladbach với hơn 250.000 dân cư mà xướng „Kính chào Ông … Thị trưởng Reiners“ thì … buồn cho ổng quá !!! Hổng lẽ ổng phải về Cà-Mau, tối vỗ vỗ hai lòng bàn chân bạch bạch vào với nhau rồi chui vô mùng ngồi nghe muỗi vo ve sao ?
Nước Đức theo nền dân chủ lập hiến, có guồng máy hành chính chặt chẽ cho … 2060 tỉnh (Stadt), trong đó 79 là thành phố lớn (Großstadt) với trên 100.000 dân cư, 4 đại-đô-thị (Metropol) là Berlin, Hamburg, München, Köln với trên 1.000.000 dân cư. Dưới cấp tỉnh của Đức là 11.091 thị xã (Gemeinde), đảm nhiệm hành chính cho nhiều làng nhỏ. Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng ở Đức cũng có làng (Dorf), chẳng hạn bà cô giáo dạy Pháp văn của tôi thời trung học sống ở làng Meinsen, thuộc thị xã Hülsede, chỉ vỏn vẹn hơn 1.000 dân cư, „đi dăm bước đã về … nhà bả“.
Năm 2017 là năm tái bầu cử Quốc hội Liên bang Đức nên hôm Tết có rất nhiều chính khách cỡ bự như thứ trưởng Bộ Nội Vụ, nghị sĩ, dân biểu, đảng trưởng các đảng lớn CDU, SPD v.v. đến tham dự, trước lấy lòng cử tri (dù người Việt ở Đức chỉ là thiểu số nhưng vẫn được coi trọng như thường), sau để xem múa lân, chào cờ. Bạn đừng cho là nói phét nhé, chính mắt tôi thấy các chính khách cất tiếng hát theo quốc ca Đức một cách hùng hồn, trang trọng, làm tôi cũng phải … hát theo.

Ông Reiners, Oberbürgermeister của Mönchengladbach, đương nhiên cũng là khách danh dự nên không thể để ổng vỗ vỗ hai lòng bàn chân bạch bạch vào với nhau rồi chui vô mùng ngồi nghe muỗi vo ve được vì ổng là …. ĐÔ-TRƯỞNG.
Đến đây là chấm dứt lời giới thiệu khách danh dự. Xin quý vị cho tràng pháo tay. Xin thành thật cám ơn quý vị.
Ein Kommentar zu „Đô-trưởng“