Đa số người Việt sống lưu vong ở nước ngoài như … tôi thường ôm ấp hoài bão „bảo tồn văn hóa“ dù chẳng biết thế hệ con, cháu nội ngoại, chắt chút chít chũm chĩm với những cái tên lạ lẫm như Otto, Friedrich, Jutta, Anja v.v. chúng nó còn nói tiếng Việt, biết phong tục tập quán Việt Nam hay không nữa? Ôm mà không ấp thì không ra trứng, ra trứng rồi mà không biết cách „marketing“ thì trứng sẽ thối, bị đáp vào thùng rác không thương tiếc.
Hôm nọ sang thăm thằng bạn học cũ, tá túc trong phòng làm việc của nó với một tủ sách to đùng, tối ngủ chỉ sợ đổ ập đè vào người. Lạ giường, tẩn mẩn bên kệ sách thấy có quyển „Tôi tập viết tiếng Việt“ của ông Nguyễn Hiến Lê. Tôi gọi „ông“ có nghĩa là gọi theo vai vế chứ không phải „ông“ là đại danh từ nhân xưng ngôi thứ ba vì ông là bạn của ông ngoại, cùng học trường Bưởi, thường đến nhà chơi mạt chược với ngoại. Tôi nhớ ông có dáng gầy gầy, da ngăm, lưng hơi khom và có khuôn mặt xương xương giống ngoại. Hình như mấy ông bạn của ngoại ai nhìn cũng mài mại giống ngoại, có lẽ do cùng xuất thân từ miền quê hương đất bắc mà trong trí óc non nớt của tôi ngày ấy nó xa lắc xa lơ tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi. Trong quyển này ông phân tích những sai lầm khi hành văn tiếng Việt mà ngay cả nhiều nhà văn nổi tiếng cũng mắc phải. Ông viết rất dễ hiểu, không sáo ngữ, khiêm tốn mà thuyết phục, thật không hổ danh (trích Wiki) „là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,…“
Ông Nguyễn Hiến Lê sinh năm 1912, tức là thế hệ … 1x, 2x. Thế hệ 5x, 6x như chúng tôi coi như … lỡ một mùa xuân rồi vì đã thành „ba rọi“, tiếng Tây tiếng U thì vừa đủ để kiếm cơm, tiếng Việt thì vừa đủ để … mắng con. Nhưng may quá còn thế hệ 3x, 4x ở giữa như mẹ tôi, lâu lâu xổ một câu ngạn ngữ để dạy cháu ngoại, mặc nó có hiểu hay không hoặc sau đó nghe nó kết luận một câu xanh lè, trống không: „Bên Đức khác mà bà !!!“.
Thế hệ „giữa“ còn có cậu Mười của thằng bạn tôi, cậu Tiền Vĩnh Lạc. Cậu không dáng gầy gầy, không lưng khom, không da ngăm, cũng không đến từ miền quê hương đất bắc mà trong trí óc non nớt của tôi ngày ấy nó xa lắc xa lơ tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi. Cậu biên soạn cuốn Tìm hiểu tiếng Việt, chữ Việt của chúng ta, con cháu ráp lại đánh máy và hiệu đính, gần 2 năm nay bây giờ đã hoàn tất. Thằng bạn kể:
„… Xưa tính là làm 2 cuốn Thượng và Hạ mỏng, hoặc 1 cuốn thiệt dày như tài liệu sách giáo khoa giảng dạy tiếng Việt. Nhưng mấy chị em bàn kỹ với nhau, cắt xén rất nhiều và rút gọn lại thành 1 cuốn, 290 trang, thay vì 2 cuốn mỗi cuốn 200 trang, cho đỡ tiền in. Sau này nếu có dư tiền thì sẽ ra cuốn thứ hai. Cuốn này chủ yếu dạy tất cả văn phạm, cách dùng từ chính xác, cách phân biệt các loại từ để không bao giờ viết sai chính tả, một ít văn vần thôi, tóm lại tất cả những gì về giảng dạy văn phạm tiếng và chữ quốc ngữ đều nằm trong này. Ấn loát ở Việt Nam thì rẻ, nhưng sẽ bị tự ý sửa nội dung không hỏi ý kiến tác giả, mà sách giáo khoa cho thế hệ mai sau nếu in sai một ly là đi một dặm, cho nên chỉ in ở Úc và Mỹ với số lượng cũng rất khiêm tốn …“
Sách tặng, không bán. Hình bìa do thằng bạn Don „Ăng-Lê“ thiết kế. Dự tính ngày lên khuôn là khoảng đầu tháng 6, trong 2 tuần sẽ in xong. Không biết sẽ có tái bản hay không. Nếu đủ thời gian thì năm sau cũng vào tháng 6 sẽ ra thêm 1 cuốn giáo dục nữa. Từ bây giờ tới đầu tháng 6 nhờ các bạn hỏi dùm, nếu có ai muốn đặt làm của hồi môn cho con gái, quà sinh nhật cho con trai, gối đầu giường cho cháu nội ngoại, hay thực tiễn hơn nữa là làm tài liệu giảng dạy tiếng Việt cho các lớp Việt ngữ thì vui lòng liên lạc với Hồng, aka (as known as) Aza Lee, nếu đặt kha khá thì giá thành của mỗi cuốn có thể xuống, rẻ hơn một bữa ăn tối với thịt bò áp chảo tại tiệm Steakhouse Á-Căn-Đình Maredo.
Cám ơn các bạn trước.
************************************************************************************************************
Bài blog này đề ngày 11.05.2017 mà không hiểu sao nó bị chìm đâu mất, hôm nay vô tình lục lọi tìm một đề tài cũ mới thấy bài vẫn đang nằm chờ được nở hoa.
Thôi thì xin tạ lỗi cùng các bạn.
Sách dưới dạng pdf hiện được đăng ở đây.