Lời mở đầu
Tôi có thằng bạn ngày đi cày, tối về chong đèn ngồi ghi lại những gì nó biết, nó nhớ, ôm hoài bão gìn giữ một ngôn ngữ mà nó từng học đánh vần „a bờ a ba, a sắc á mờ á má“.
Tôi rất thích đọc những gì nó viết để để cùng nhau mơ về ngày lập quốc của người Do Thái dù chẳng biết mình có „phiêu bạc giang hồ“ đến cuối đời hay không?
‘Giang hồ’ là gì?
Trong chúng ta ai cũng ít nhất một lần đọc qua truyện chưởng hay xem phim võ hiệp Hồng Kông và Đài Loan. Trong truyện hay trên màn ảnh hai từ ‘giang hồ’ cứ lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần. Đại khái chúng ta biết ‘giang hồ’ là nơi các võ phái bạch đạo và các bang hội hắc đạo thường gặp nhau, choảng nhau bể đầu sứt trán vì tranh giành một bí kíp võ công hay một món vũ khí lợi hại.
Ở ngoài đời, chúng ta thường nghe thiên hạ gọi những tên du đảng đâm thuê chém mướn, đầu trộm đuôi cướp là ‚dân giang hồ‘. Vậy thì từ đâu phát xuất ra hai từ ‚giang hồ‘?
Giang hồ theo tiếng Hán Việt có nghĩa như sau:
江 giang (bộ thuỷ): Sông lớn, sông cái.
湖 hồ (bộ thuỷ): cái hồ, vũng nước rộng lớn mà người ta có thể đi thuyền trên đó.
江湖 Giang hồ có nghĩa đen là sông hồ.
Theo Từ điển phổ thông:
1. giang hồ, sông và hồ
2. giới giang hồ, những người nay đây mai đó
Theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Giang hồ: sông to và ao lớn, chỉ cảnh thiên nhiên, chỉ cuộc sống ẩn dật nhàn hạ, ngao du đó đây. Thơ Nguyễn Khuyến có câu: … Dục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ …
http://dir.vietnam.online.fr/home/vnHanVietdic.htm
Tình thật mà nói ‘giang hồ’ theo ngôn ngữ của Trung hoa, là bất cứ nơi nào dưới gầm trời này (Thiên hạ giang hồ, thiên = trời, hạ = dưới, thiên hạ = dưới gầm trời)
Nhưng nếu chỉ cắt nghĩa đơn giản như phía trên, thì chúng ta không nắm được cái ý nghĩa của nó về mặt lịch sử, địa dư, nhân văn và văn hóa của hai chữ ‘giang hồ’.
Xuất xứ của hai chữ ‘giang hồ’
Trung Hoa là một lục địa rộng lớn, có núi cao chớn chở xuyên tầng mây, có trùng điệp rừng xanh hoang dã, có mênh mông bát ngát thảo nguyên. Xuyên qua cảnh đẹp thiên nhiên là những con sông dài, những ao hồ lớn nhỏ kết nối hai con sông lớn nhất châu Á là Dương Tử và Hoàng Hà.
Từ ngàn xưa, người dân sống ở đại lục địa này đã xem trọng nước là nguồn sống, cho nên trong tư duy của họ sông và hồ là khái niệm đầu tiên cũng là tất yếu cho sự tăng trưởng và sinh tồn. Người Trung
Hoa cổ đại sống ở rải rác khắp nơi, nhưng thực chất vẫn là sống gần nguồn nước. Cho dù định cư ở trong sơn thôn thâm cốc, họ vẫn phải bám vào các nguồn suối và những ao hồ có suối nước ngầm. Họ phải đào giếng để lấy nước từ mạch nước ngầm mà sinh sống. ‘Giang hồ’ từ thời cổ đại ám chỉ nơi có nguồn nước, nơi có thể an cư lạc nghiệp (‘an cư lạc nghiệp tồn tại giang hồ’-muốn sinh sống an nhàn thì phải ở gần nguồn nước).
‘Giang hồ’ trong tư duy của người Trung Hoa
Trong hội họa: Đối với người Trung Hoa cổ đại cảm quan về cảnh đẹp phải có nước, cho nên tranh thủy mặc (thủy = nước, mặc = mực, dùng nước và mực đen mài ra, pha với nhau để vẽ tranh) đại đa số tranh sơn thủy (tranh cảnh núi và nước) là tranh vẽ cảnh núi non sông hồ. Nếu vẽ cảnh núi non, rừng tùng bách, bình nguyên hay sơn cốc mà không có chút xíu sông hồ thì cũng phải có ít nhất một dòng suối chảy uốn lượn đâu đó trong tranh, thiếu nước bức tranh sơn thủy sẽ không gọi là hoàn mỹ. Suối là một hình ảnh của ‘Trường Lưu Thủy’, mà ‘Trường Lưu Thủy’ lấy ‘giang hồ’, tức sông và hồ làm gốc.
Trong văn chương: Khi người Trung Hoa sáng tạo ra văn chương thi phú, sông và hồ được các thi sĩ tài nhân dùng để miêu tả một cảnh quan tú lệ, vừa nên thơ vừa tao nhã. Họ dùng hai chữ ‘giang hồ’ để làm đại biểu cho cảnh đẹp thiên nhiên trong các tác phẩm văn chương, cho dù thật sự phong cảnh mà họ muốn viết đến là núi non, sơn cốc, thảo nguyên hay một thôn xóm ven rừng.
Trong phong thủy học: Người Trung Hoa cổ đại xem trọng sự hài hòa, phối hợp của vạn vật trong vũ trụ, sự chuyển động không ngừng của các năng lượng mà hai năng lượng quan trọng nhất là sự chuyển động của không khí, gọi là gió và sự chuyển động của nước. Hai loại năng lượng này là tối cần thiết cho vạn vật sinh tồn. Và người Trung Hoa dựa vào gió và nước mà sáng tạo ra một môn khoa học cổ đại, gọi là ‘Phong Thủy Học’. Phong Thủy Học nghiên cứu sự dịch chuyển của các dòng năng lượng từ tốt biến thành xấu và ngược lại, mục đích để tránh sự ảnh hưởng không tốt của các dòng khí xấu và lợi dụng tích cực các dòng khí tốt làm lợi cho bản thân và xã hội. Họ dùng ‘Phong Thủy’ làm nền tảng cho việc xây dựng làng mạc, thành phố, không gian ở, cách trang trí, cách ăn mặc thậm chí cả trong binh pháp. Mà xây dựng làng mạc, thành phố, chỗ ở lâu dài phải dựa vào nơi có nước, tức là sông và hồ. Từ đó ‘giang hồ’ trong Phong Thủy Học được xem như khái niệm tất yếu để phát huy các năng lượng tích cực.
Hình thành giang hồ xã hội
Nước là nguồn sống của nhân loại. Khi con người bắt đầu hình thành xã hội quần cư, họ chọn nơi sinh sống gần vùng có nước như ven biển hay dọc theo sông hồ, tiện việc đi lại, chuyên chở, trồng trọt, làm ăn, buôn bán. Sông hồ nối kết những khu dân cư với nhau. Người ta kéo đến sinh sống dựa vào nhau để sinh tồn. Mỗi người làm một nghề mà trong phường thị hoặc thành thị thế nào cũng phải cần đến họ. Trà đình, tửu điếm, tiệm bán đồ gia dụng, tiệm tạp hoá, dược phòng, trường học, công quán, đền thờ, miếu mạo, chùa chiền…kế tiếp nhau mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu của quần chúng.
Ở Trung Hoa đại lục đất đai rộng lớn với số lượng sông ngòi và hồ chi chít kết nối với nhau, các bến cảng mọc lên cùng với các thành thị, người ta kiếm sống làm đủ loại nghề liên quan đến sông nước: chài lưới, lái thuyền, khuân vác, kéo xe, đóng tàu bè, may buồm, đan lưới, bện dây thừng, đúc dây xích, chế tạo vũ khí phòng thân, săn bắt thuỷ sản và các đồ gia dụng cho những ngư phủ sinh sống trên thuyền quanh năm. Khi hình thức phường thị từ xã hội sơ khai chuyển mình lớn dần thành xã hội thành thị hay đô thị, làng chài bên sông, gọi là ‚giang phường‘, bến đò (mã đầu, thuyền phụ) với dăm ba chiếc thuyền chở khách nho nhỏ phát triển thành bến tàu, hay ‚giang khẩu‘, nơi có nhiều tàu bè cỡ lớn chuyên chở hàng hoá từ nơi này hay những nơi khác cập bến trao đổi phẩm vật. Bến tàu phát triển đòi hỏi một lượng lớn nhân công lao động. Dân nghèo bỏ xứ sở đi kiếm ăn ở xứ khác (tha phương cầu thực) thường mò về các thành thị lớn lập nghiệp. Nếu họ biết nghề gì thì làm nghề đó, biết nghề thuốc thì mở ‚dược phòng‘, biết nghề gốm thì mở ’niêm thổ phường‘ (lò nung, nung gạch ngói, bình, chén, đôn ngồi …), biết nghề sắt thì mở ‚thiết phường‘, biết võ nghệ thì mở ‚võ đường‘, biết nấu ăn thì mở ‚xan thính‘ (xan=thức ăn, thính= tiệm, xan thính là tiệm ăn), biết pha chế rượu bán thì mở ‚tửu điếm‘, biết dệt vải thì mở ‚chức viện‘ (chức = đan dệt, viện = cơ sở, chức viện = cơ sở đan dệt), biết đóng và sửa chữa tàu bè thì mở ‚chu xưởng‘ (chu = tàu thuyền, xưởng = nhà máy, chu xưởng là xưởng đóng tàu, còn có tên gọi là ‚tạo thuyền xưởng‘) …
Song song với thị dân mở cửa tiệm buôn bán có một số lớn dân nghèo cháy túi đến thành thị kiếm sống. Nhóm dân quá nghèo này không có nghề chuyên môn thì đi làm tạp dịch ở các chợ thị trấn và trên tàu (cũng có thể là họ muốn ‘tìm đường cứu nước’ không chừng!), trở thành ngư phủ đánh cá, phu khuân vác trên bến tàu, phu xe, phu kiệu … họ không có nhà cửa, ngủ bờ ngủ bụi, lang thang khắp nơi để kiếm ăn qua ngày.
Thành phần lao động này chiếm một số lượng không nhỏ trong thành thị, và được dân chúng gọi chung là ‘dân giang hồ’, ‘giới giang hồ’. Vào thời cổ đại thì dân lao động hay dân ‘giang hồ’ có tâm tính hiền lành, chất phác, khác hẳn với dân ‘giang hồ’ ngày nay. Càng về các nguyên đại sau, con người trở nên thô lỗ, tâm tính dữ dằn hiểm độc, làm đủ thứ tội ác, ý nghĩa của ‘giang hồ’ chuyển từ thiện lương hiền hòa sang tàn nhẫn độc ác.
Sự hình thành võ phái và bang hội
Bến tàu càng ngày càng đông dân lao động sinh ra những mâu thuẫn hỗn tạp giữa các đám dân này, họ thường xuyên giải quyết mâu thuẫn bằng võ lực, tức là đập lộn. Họ tụ lại thành băng nhóm bầu một vị có bản lãnh đâm chém giỏi nhất làm thủ lĩnh. Những băng nhóm lâu ngày lớn dần lên biến thành bang hội, thường thanh toán lẫn nhau do tranh đoạt quyền lợi hay địa bàn làm ăn. Các bang hội này đi thâu thuế đen các cửa hàng thương mãi, tức là tiền bảo kê.
Trong phim ‚Bố già II‘ (Godfather Part 2), Vito Corleone ám sát Don Fanucci vì không muốn nộp tiền mồ hôi nước mắt cho tay anh chị này. Sau đó Vito Corleone trở thành đại ca của khu phố rồi thành ‚Bố Già‘ của New York, lại cũng lấy tiền bảo kê như Don Fanucci ngày xưa (Ngọc Thứ Lang dịch “Godfather’ thành ‘Bố Già’, tưởng không còn cách dịch nào hay hơn). Tình hình trong các bang hội ở Trung Hoa cũng vậy, đấu đá thanh toán ngay trong nội bộ, đàn em giỏi hơn đàn anh, giết đàn anh để nắm chức thủ lĩnh. Các bang hội kết nạp nhiều thành viên hơn, rồi hà hiếp dân lành nhiều hơn.
Để đối chọi lại với các bang hội ở bến tàu, ngư phủ và dân lành cũng đoàn kết thành từng nhóm lớn nhỏ, lập bang và liên minh để tự vệ trước đe doạ của các bang hội bến tàu. Muốn có đủ thực lực để tự vệ, cha mẹ hoặc là mời võ sư về dạy cho con cái, hoặc là cho chúng đi tầm sư học đạo, mong rằng sau khi tốt nghiệp trở về gia đình bảo vệ con em trong gia tộc. Thế là ngành dạy võ phát huy với các võ sư được chân truyền các công phu thượng thừa trong tộc, hay là các võ quan cáo lão về hưu thâu nhập đồ đệ. Một số võ sinh là đệ tử tục gia của chùa Thiếu Lâm, sau khi tốt nghiệp về quê hay đi xứ khác lập nghiệp, mở võ đường, làm bảo vệ, tiêu sư hay đầu quân vào chốn quan trường.
Hình thành thuật ngữ ‘Võ Lâm Giang Hồ’
Người ta nói võ thuật Trung hoa phát xuất từ chùa Thiếu Lâm, có đúng và có sai. Võ thuật Trung Hoa phát xuất từ sự tranh đấu giữa các bộ tộc thời vua Thuần Nghiêu (dân của các vùng đất Tào, Khâu, Mân, Việt …) mỗi bộ tộc tự sáng chế ra võ thuật và vũ khí tùy theo sở trường và sở đoản của tộc dân.
Đại lục Trung Hoa qua nhiều biến đổi lịch sử, từ thời Xuân Thu (Spring and Autumn Period) trên một chục nước đánh nhau, sang thời Đông Chu Liệt Quốc (Warring States) gần trăm nước nhỏ tranh cường thôn tính lẫn nhau, sang thời Tần, Hán, Tam Quốc … võ thuật không ngừng phát triển cho mục đích chiến tranh và tự bảo vệ. Vào lúc nhà Tùy và quân lực của Lý Uyên đánh nhau, các tăng nhân của chùa Thiếu Lâm từng ra tay giúp Lý Thế Dân đoạt thiên hạ (xin xem bộ phim Đại Vận Hà, tiếng Việt đặt tên khác là Hoàng Hà Đại Phong Vân, trình chiếu trên TV Hong Kong 1986). Võ thuật trong thiên hạ nhiều vô số kể cho đến khi chùa Thiếu Lâm gạn lọc lại và phân chia ra thành 18 ban võ nghệ và 72 tuyệt kỹ công phu. Các vị võ tướng sau khi cáo lão từ quan, vào chùa Thiếu Lâm đi tu, hoặc ghé chùa vãn cảnh và đàm đạo võ thuật với các cao tăng, đồng thời truyển thụ công phu của gia tộc cho chùa, trước là dạy tăng nhân tự rèn luyện thân thể cường tráng, sau là tự bảo vệ hay giúp kẻ yếu thế. Sau đó chùa Thiếu Lâm thâu nhận võ sinh thế tục, tạo ra một dòng Thiếu Lâm tục gia đệ tử. Các võ sinh sau khi mãn khóa trở về quê nhà sử dụng tài năng công phu của mình mà giúp gia đình, kiếm sống, đầu quân, mở võ đường hay hành hiệp giang hồ cứu khốn phò nguy như được mô tả trong các truyện kiếm hiệp. Có hàng trăm tuyệt kỹ nếu chỉ khư khư truyền thừa trong gia tộc thì thực lực sẽ bị yếu, lâu dần chân truyền công phu sẽ bị mai một. Các võ sư trong tộc lúc sau vì muốn khuếch trương thực lực và truyền bá tuyệt kỹ của gia tộc, đua nhau mở võ đường. Các võ đường thâu nhận học sinh ngày càng nhiều, trở thành võ phái với những công phu đặc thù của từng gia tộc. Các thành viên trong gia tộc hay võ đường đi lại trong giang hồ, không sớm thì muộn cũng sẽ có đụng chạm hiềm khích với thành viên của các gia tộc và võ đường khác. Tranh chấp xảy ra và họ không ngừng củng cố thực lực, tạo nên cuôc chạy đua võ lực, từ đó sinh ra thuật ngữ ‘võ lâm giang hồ’. Chủ đề của các truyện võ hiệp ngày nay chỉ là võ thuật, cho nên các tác giả dùng hai chữ ‘võ lâm’ để gọi tắt cho ‘võ lâm giang hồ’.
‘Giang hồ’ mang ý nghĩa xấu
Trong một phủ huyện thời xưa bao giờ cũng có cường hào ác bá, đám này xu nịnh giới quan quyền nhưng lại tác oai tác quái dân lành. Bọn này luôn luôn có bang hội chống lưng phía sau cho nên thẳng tay hà hiếp dân chúng. Các võ phái theo tinh thần triết lý của Đạo giáo hay Phật giáo, đứng ra can thiệp thậm chí thẳng tay trừng trị đám cường hào, gây ra hiềm khích giữa các bang hội và các võ phái. Rồi đến các va chạm giữa người của các đại gia tộc với nhau, giữa thành viên của bang hội hay là những nhóm người theo các giáo phái bí mật truyền vào Trung Hoa, dẫn đến những những mối thù truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta thấy truyện võ hiệp hầu hết đều có những mối thù truyền kiếp, thường là 18 năm sau mới trả thù, quá là thù dai, nhưng thực tế có những mối thù dai đăng đẳng như vậy.
Trong xã hội không thiếu gì người xấu chuyên làm chuyện ác, trong đó phải kể đến những tổ chức xã hội đen, bọn sát thủ, bắc cóc đòi tiền chuộc, buôn người, buôn lậu… họ tranh đấu thanh toán lẫn nhau chỉ vì tiền và tư lợi.
Thế thì ‚giang hồ‘ lúc đầu mang ý nghĩa đẹp đẽ, thời gian dài sau đó lại mang ý nghĩa là một xã hội hỗn tạp, đầy bạo lực, phát xuất từ giới dao búa khu bến tàu. Từ khi ‚giang khẩu‘ trở thành nơi các hảo hán từ tứ xứ đến kiếm ăn và xưng hùng tranh bá, cụm từ ‚dân giang hồ‘ chính là do dân chúng Trung Hoa đặt ra để ám chỉ thành phần côn đồ sinh sống ở ‚giang khẩu‘ tức là khu bến tàu, lâu dần dân du đảng côn đồ ở khắp thành thị đều bị gọi là ‘dân giang hồ’.
‘Giang hồ’ trong văn chương và lịch sử Trung Hoa
Hai chữ ‘giang hồ’ có những ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào người dùng nó để diễn đạt ý tưởng của mình. Vào giữa thế kỷ 20, các văn hào Trung Hoa ồ ạt sáng tác truyện võ hiệp, và các truyện được các học giả Việt gốc Hoa dịch sang tiếng Việt. Bối cảnh của tất cả các bộ tiểu thuyết là ‘võ lâm giang hồ’, tức là một xã hội Trung Hoa chỉ dùng võ lực để giải quyết mâu thuẫn.
Trong các truyện võ hiệp, ‘võ lâm’ hay ‚giang hồ‘ bao gồm các võ phái thuộc bạch đạo, chính nhân quân tử, đệ tử bôn ba khắp nơi trừ gian diệt bạo, và các bang hội giáo phái thuộc hắc đạo, hành sự gian tà, các thành viên hắc đạo thường cướp bóc hà hiếp dân lành. Tuy rằng các văn hào viết truyện võ hiệp Trung Hoa như Kim Dung, Cổ Long, Lã Phi Khanh, Ngoạ Long Sinh … soạn cả mấy trăm bộ tiểu thuyết khác nhau, cho dù thêm mắm dậm muối để có những tình tiết khác nhau vẫn có những điểm tương đồng giữa các bộ tiểu thuyết: ngoại trừ giới vương quyền và quan lại, ‚giang hồ‘ bao gồm tất cả các thành phần trong xã hội như thương gia, địa chủ, giáo sĩ (tăng đạo), văn nhân, tiểu công, thứ dân và cùng đinh. Kế đó phải nói đến tranh đoạt: tranh đoạt bí kíp, vũ khí, kho tàng, tài, sắc, danh lợ i… rồi kể tới màn diệt sát kẻ thù và báo thù. Kèm theo những tình tiết tranh đoạt, phục thù rửa hận là những đại hội thi đấu tài năng ấn chứng võ nghệ để bầu ra minh chủ võ lâm. Tiểu thuyết võ hiệp phản ánh sự thật của xã hội bất cứ thời đại nào: bạo lực, chém giết, tham lam, tranh đoạt, mưu mô, hãm hại, thù hận, phản phé, tiêu diệt …
Hai chữ ‚giang hồ‘ có từ lâu lắm, truyện ‚Thuỷ Hử‘ của Thi Nại Am viết vào khoảng năm 1350 cũng đã có nhiều lần dùng hai chữ ‚giang hồ‘. ‘Giang hồ’ trong truyện Thủy Hử mang đậm tính chất một xã hội loạn lạc, cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua, đầy dẫy bất công và bạo lực.
Xưa hơn nữa, trong các thơ cổ phong và thất ngôn bát cú đời Đường (618-904 TL) có xuất hiện hai chữ ‘giang hồ’, nhưng ‘giang hồ’ trong thơ Đường mang tính chất lãng mạn, cảnh sông hồ nên thơ (của đất nước Trung Hoa), một xã hội thái bình như truyện thần tiên, thi sĩ mượn cảnh mà ai oán khoảnh khắc sinh ly tử biệt, nhìn sông hồ nhớ quê hương gia đình …
Thí dụ:
Bạc tùng tư giang đình (Đổ Phủ-Thịnh Đường)
Sa mạo tuỳ âu điểu,
Biển chu hệ thử đình.
Giang hồ thâm cánh bạch,
Tùng trúc viễn vi thanh …
Dịch nghĩa:
Đầu đội mũ the đi theo chim âu,
Thuyền nhỏ buộc trước đình này.
Sông nước sâu nên sóng trắng xoá,
Tùng trúc xa xa thấy nhỏ bé và xanh xanh …
Thí dụ 2:
Tống Hình Quế Châu-tiễn ông họ Hình đi Quế Châu (Vương Duy-Thịnh Đường)
Nao xuy huyên Kinh Khẩu,
Phong ba há Động Đình.
Giả Kỳ tương xích ngạn,
Kích thái phục dương linh.
Nhật lạc giang hồ bạch,
Triều lai thiên địa thanh.
Minh châu quy Hợp Phố,
Ưng trục sứ thần tinh.
Bản dịch của Lâm Trung Phú:
Kinh Khẩu rền vang nao bạt,
Vượt phong ba xuống Động Đình.
Giả Kỳ bờ đất sẩm đỏ,
Thuyền nhỏ giục chèo tiến nhanh.
Nắng lặn sông hồ trắng xoá
Triều dâng trời đất hoá xanh.
Minh châu về lại Hợp Phố,
Sao tỏ đường quan rành rành !!
Ngược dòng lịch sử trở về thời Hán- Sở Tranh Hùng (206-202 TCN), sách sử ghi quân đội của hai bên thường tập trung ở giang khẩu (bến tàu), lên thuyền lớn sang sông vào đất địch. Giang hồ được binh pháp xem trọng như nguồn sống và khả năng vận tải đồng thời phòng vệ trong chiến tranh. Nếu đã có giang khẩu tức là có đô thị ở cạnh sông, thì dĩ nhiên phải có dân giang hồ sinh sống gần giang khẩu. Dân giang hồ, vào thời này mang ý nghĩa người sống rày đây mai đó, lưu lạc tứ xứ, dùng sức lao động của chính mình để sinh sống, chưa hẳn mang ý nghĩa xấu là dân dao búa đầu trộm đuôi cướp như bây giờ.
Trước khi đi đến kết luận của bài viết này, chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm một chút những thuật ngữ có ít nhiều liên quan đến ‘giang hồ’.
‘Võ lâm giang hồ’
武 vũ, võ: bộ Chi = sức mạnh, bạo lực
林 lâm: bộ Mộc, có nghĩa là rừng, đồng thời có nghĩa là chốn tụ họp đông đúc.
Thế thì võ lâm nghĩa bóng của nó là chốn tụ họp những người thích dùng sức mạnh, bạo lực.
‚võ lâm giang hồ‘ tức là xã hội hỗn tạp đầy bạo lực. Trong truyện võ hiệp thời đại ngày nay, ‘võ lâm giang hồ’ được viết tắt là ‘võ lâm’.
Có lẽ sang thời Tống các bang hội võ phái và gia tộc lớn mạnh hơn, thi nhau củng cố thực lực vì ‚lý lẽ nằm trong tay kẻ mạnh‘, dân chúng gia nhập những liên minh để được bảo vệ, xã hội mang màu sắc bạo động, các băng đảng phe phái hở một tí là choảng nhau, cụm từ ‚võ Lâm giang hồ‘ ra đời từ đó.
Truyện võ hiệp của Kim Dung, viết dựa theo bối cảnh lịch sử có thật: vào thời Tống (960-1279), Quách Tỉnh ‘Kim Đao Phò Mã’ lớn lên ở Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, Dương Khang là con nuôi của Đại Kim Hoàng Nhan Hồng Liệt, hai nước Mông Cổ và Đại Kim mưu toan thôn tính Đại Tống. Cuối đời Tống, thành Tương Dương thất thủ, Mông cổ tràn vào Trung Nguyên, lập ra nhà Nguyên, lùng bắt dân giang hồ tiêu diệt. Rồi Trương Vô Kỵ thống lĩnh Minh giáo khởi nghĩa chống nhà Nguyên, và Chu Nguyên Chương một võ tướng của Vô Kỵ lập ra nhà Đại Minh. Các truyện của Kim Dung được lồng trong bối cảnh lịch sử có thật của các triều Đại Tống, Mông Cổ, Đại Kim, Nguyên, Đại Minh và Đại Lý, các nhân vật võ lâm trong truyện của ông đánh nhau chí chóe, tuyệt kỹ võ thuật và y thuật được ông mô tả tường tận xuyên qua các võ phái và bang hội. ‘Võ lâm’ của Kim Dung qua các bộ truyện Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Thiên Long Bát bộ, và Lục Mạch Thần Kiếm là một xã hội có thật trong lịch sử Trung Hoa, cho nên được độc giả thưởng thức nhiều hơn so với các bộ truyện võ hiệp khác.
‘Giang hồ mã thượng’
Có nghĩa là cưỡi ngựa đi khắp sông hồ. Nghĩa bóng chỉ mấy tay hiệp lữ cưỡi ngựa đi lang thang khắp miền đất nước. Tình thật mà nói, các tay hiệp lữ như vầy trên thực tế hầu như không có vì từ xưa tới nay, làm chủ một con ngựa không phải dễ. Thường thì các tay hiệp sĩ ở Trung Hoa lang thang khắp nơi bằng ‘lô ca chân’ như các kiếm sĩ Samurai Nhật Bản. Nếu trên đời quả thực có những tay hảo hán cưỡi ngựa đi khắp giang hồ thì cuộc sống của họ chả khá hơn cuộc sống của kiếm sĩ cuốc bộ là bao nhiêu: bữa đói bữa no, đôi khi xui xẻo bị trộm mất con ngựa, hoặc gặp bọn hung ác giết người đoạt của thì tiêu đời. Những hảo hán nếu có sở hữu một con ngựa thường có nghề nghiệp vững vàng như bảo vệ, tiêu sư, vận lương, thám báo, săn bắt cướp (赏金猎人, Thưởng Kim Liệp Nhân). Những hảo hán này phải có nhiều bản lĩnh, thủ đoạn, võ nghệ cao cường để giữ mạng mình và giữ … ngựa.
‘Giang hồ mã thượng’ theo ngôn ngữ Trung Hoa còn dùng để ám chỉ các cậu ấm cô chiêu của các gia tộc quan lại có tiếng tăm trong nước, cưỡi tuấn mã đi vacation thường xuyên, giống như công tử con các đại gia thời nay lái Lamborghini cặp kè ‚chân dài‘ đi du hí khắp lục địa. ‚Giang hồ mã thượng‘ thực sự để ám chỉ hai loại người kể trên. Nhiều văn sĩ người Việt thường mô tả: “… hắn là một tay ‘giang hồ mã thượng’…hay ‘anh hùng mã thượng’ … ”họ dùng ‚giang hồ mã thượng‘ hay ‘anh hùng mã thượng’ để mô tả một tay anh chị có cung cách cư xử quân tử cao thượng, không đán lén, không chơi xấu, nhưng thực sự ‚giang hồ mã thượng’ không có nghĩa như vậy.
‘Giang hồ độc hành’, ‘giang hồ độc bộ’
Một mình lang thang khắp nơi (giang hồ thiên hạ), có thể cưỡi ngựa (rất hiếm) hay đi bằng … ’lô ca chân’ (99%). Ám chỉ người cô đơn không có bà con thân quyến. Tiếng Việt nôm na là đi … bụi đời.
‘Giang hồ đại đạo’
Có nghĩa là dân ăn cướp. Cướp trên cạn gọi là ‚đại đạo‘, cướp trên sông gọi là ‚thuỷ khấu‘, cướp biển gọi là ‚hải tặc‘. Cướp có luật lệ bảo vệ, trái lại được gọi là ‚đầy tớ của dân‘.‚Lục lâm giang hồ‘, ‚lục lâm thảo khấu‘:
Lục lâm=rừng xanh. Thảo Khấu=giặc cỏ
Lục lâm thảo khấu: giặc cỏ, băng cướp ô hợp trốn trong rừng sâu, thường kéo vào thôn làng hay chận đoàn thương buôn giở trò cướp bóc.
Có sách viết chữ “lục” 陸 lục, bộ Phụ, có nghĩa là đường bộ, đường cạn, người Việt theo đó dịch ‘Lục lâm thảo khấu’ là cướp cạn (tức là cướp trên cạn, cướp giữa đường, để phân biệt với cướp biển)
‚Giang hồ tứ chiến‘
Ý chỉ dân bụi đời gan lì và lão luyện, đi đến đâu là có đánh đấm đến đó, không thắng thì thua nhưng ít nhất giữ được cái mạng.
‘Giang hồ hiệp nghĩa’, ‘giang hồ trượng nghĩa’
Là hành động cứu khốn phò nguy làm việc thiện của các đệ tử thuộc phe chính đạo (bạch đạo).
Ngũ Mai sư thái, Nghiêm Vịnh Xuân (tổ sư sáng lập Vịnh Xuân Phái và Vịnh Xuân Quyền), Hoàng Phi Hùng , Phương Thế Ngọc, Tô Khất Di, Hoắc Nguyên Giáp, Diệp Vấn … là những ví dụ cho thuật ngữ ‘giang hồ hiệp nghĩa’.
‘Giang hồ lãnh huyết’
Lãnh huyết = máu lạnh. ‘Giang hồ lãnh huyết’ ám chỉ dân dao búa giết người không gớm tay, sinh sống bằng nghề đâm thuê giết mướn, các truyện võ hiệp gọi họ là ‘sát thủ’. Những người này có võ nghệ cao cường, chuyên ẩn núp trong bóng tối hành sự bất ngờ cho nên nạn nhân không chạy thoát được.
‘Giang hồ Hắc Man’, ‘Giang Hồ Tẩu Tư’
‘Hắc man’ là xã hội đen, chuyên làm điều gian trá phi pháp như bắt cóc đòi tiền chuộc, trộm cắp phẩm vật, giết người phi tang … Lấy thí dụ: Bánh Trung Thu làm bằng nhân lạp xưởng, nhưng có loại bánh Trung Thu làm bằng nhân thịt người, gọi là “dành dục duyệt pỉnh” hay nhân nhục nguyệt bỉnh (nhân = người, nhục = thịt, Nguyệt = Trăng-Trung Thu, bỉnh = bánh, tức là bánh Trung Thu nhân thịt người) cũng như “dành dục páo” tức là bánh bao nhân thịt người trong truyện Thủy Hử – Võ Tòng Đả Hổ.
‘Tẩu tư’ là buôn lậu. Buôn người, buôn cổ vật, buôn đá quý, buôn ngựa quý, thú hiếm quý…
Triều đình chả ưa đám võ lâm giang hồ, lại càng ghét bọn ‘hắc man’ và ‘tẩu tư’ vì bọn này là bọn sống ngoài vòng luật pháp, cho nên luôn luôn phái ‘triều thám’ (FBI ngày nay) đi khắp phủ huyện lùng bắt và tiêu diệt đám này.
‘Sơn Đông Hảo Hán’
Tỉnh Sơn Đông bên Trung Hoa là một tỉnh nghèo, thời Xuân Thu là địa phận của 2 nước Tề và Lỗ. Cái nôi đạo giáo Lão-Khổng-Mạnh phát xuất từ khu vực này. Dân chúng trong tỉnh yêu chuộng võ thuật, lại thấm nhuần triết lý và giáo dục Khổng-Mạnh, từ đó phát sinh ra tinh thần thượng võ, thích hành hiệp trượng nghĩa. Vì đất đai không màu mỡ, nông nghiệp èo uột không đủ ăn cho nên dân trong tỉnh đi tứ xứ kiếm ăn. Với vốn liếng võ thuật ở quê nhà, họ hành nghề võ sư, bảo tiêu, cận vệ, đi lính, là những nghề có lương bổng hẳn hoi. Một số trở thành hiệp lữ (như hiệp sĩ Lucky Luke) hay triều thám (thám tử của triều đình, bây giờ là FBI), hoặc chuyên đi bắt ăn cướp mang về phủ huyện lãnh giải thưởng, gọi là ‘Thưởng Kim Liệp Nhân’ vừa cứu dân lành vừa có tiền xài. Những người này trở nên nổi tiếng, được dân chúng kính nể hay tán thưởng, gọi họ là ‘Sơn Đông Hảo Hán’.
‘Sơn Đông Mãi Võ’
Một số dân chúng trong tỉnh Sơn Đông kéo cả gia đình đi xứ khác kiếm ăn (tha phương cầu thực), do không có may mắn kiếm được nghề tốt, họ hành nghề biểu diễn võ thuật và bán thuốc dạo kiếm sống.
Họ đi lang thang hết huyện này đến châu phủ nọ, kiếm nơi chợ búa biểu diễn công phu xin tiền thưởng, bán các thứ thuốc gia truyền, thậm chí còn chẩn mạch bốc thuốc giúp dân nghèo. Nhóm dân Sơn Đông này kiếm rất ít thù lao nhưng họ chọn cuộc sống thanh bạch lương thiện, suốt đời đi bán dạo. Từ đó tiếng Trung hoa có thêm thuật ngữ ‘Sơn Đông Mãi Võ’.
‘Sơn Đông Hướng Mã’
Là một điệu hát của tỉnh Sơn Đông mà hay chúng ta nghe trong cải lương cùng với các bài Khổng Minh Tọa Lầu, Tẩu mã, Mẫu Tầm Tử, Khốc Hoàng Thiên, Bình Sa Lạc Nhạn… là những bài cổ nhạc được các soạn giả ưa dùng để đặt lời cho các tuồng cải lương. Tuy nhiên, ‘Sơn Đông Hướng Mã’ còn là một thuật ngữ mang ý nghĩa khác mà ít người biết tới.
Một số nhỏ dân tỉnh Sơn Đông tha phương cầu thực nhưng không gặp may mắn, kiếm không được nghề đói quá làm càn, tụ tập thành băng đảng mà đi cướp các đoàn thương buôn, các cổ xe chở khách hay phẩm vật. Chữ ‘Mã’ có nghĩa là ngựa, nhưng cũng có nghĩa là đoàn quân, đoàn xe thương buôn. ‘Hướng Mã’ có nghĩa là ‚chặn đầu đoàn xe‘. Để làm chi? để cướp vòng vàng tiền bạc, phẩm vật. Tuy nhiên các nhóm cướp có gốc Sơn Đông thường có đạo đức hơn các nhóm gốc tỉnh khác, thông thường họ chỉ đòi tiền mãi lộ, không cướp hàng hoá, không bắt đàn bà con gái mang về làm áp trại phu nhân. Các tiêu cục, thương cục tức là các công ty chuyên chở thường mướn dân giỏi võ nghệ làm nghề tiêu sư (bảo vệ xe chở hàng), hộ tống các chuyến hàng đi khắp đất nước. Các tiêu cục, thương cục này ưa chuộng mướn võ sĩ có gốc từ tỉnh Sơn Đông, gan lì, trung thành, nghĩa khí, nếu lỡ có gặp trúng đám cướp cùng quê Sơn Đông thì cũng dễ thương lượng, tránh động thủ tay chân. Tóm lại, ‘Sơn Đông Hướng Mã’ vừa là tên bài cổ nhạc vừa là thuật ngữ ám chỉ giặc cướp có gốc từ tỉnh Sơn Đông. Tuy họ làm giặc cướp nhưng vẫn giữ đạo đức Khổng–Mạnh (Khổng Tử sinh ở nước Lỗ thời Xuân Thu, nay là khu vực của tỉnh Sơn Đông). Khi triều đình cần quân chống giặc, họ bỏ nghề cướp bóc đi nhập ngũ, người ta lại tán thưởng gọi họ là ‘Sơn Đông Ái Quốc’, ‘Sơn Đông Nghĩa Sĩ’ hay ‘Sơn Đông Anh Hùng’.
‘Giang hồ tại Giang Nam’
Ám chỉ cảnh đẹp trong thiên hạ đều nằm ở Giang Nam.
Giang Nam là một vùng đất trù phú nằm ở phía Nam sông Dương Tử, xưa từng là địa bàn của ba nước Sở, Ngô và Việt, giờ là các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tây, Quý Châu và khu tự trị Quảng Tây. Dân Giang Nam nói tiếng Ngô, là ngôn ngữ lớn thứ hai ở trung Quốc sau tiếng Quan Thoại (nay gọi là tiếng Phổ Thông). Theo vài tài liệu khảo cổ, Tiếng Quảng Đông và tiếng Việt, được cho là có nguồn gốc từ tiếng Ngô, mà các bộ tộc Bách Việt nói tiếng Ngô và Mân. Và nếu đúng như vậy, dân tộc Việt xưa sinh sống ở đất Mân thời cổ đại, mà mình gọi là vùng Lĩnh Nam (vùng đất phía nam của dãy núi Ngũ Lĩnh). Từ thời Đường trở về sau vùng Lĩnh Nam được gọi là vùng Giang Nam (vùng đất phía nam của sông Dương Tử và sau cùng là bị phân chia thành các tỉnh như kể ở trên.
Các cảnh đẹp nổi tiếng ở Giang Nam kể đến cả mấy trăm, bao gồm các thành phố Trường Sa, Nam Xương, Nghi Xuân, Cửu Giang, Hạ môn, Phúc Châu, Tuyền Châu, Chương Châu, Hàng châu, Ninh Ba, Ôn Châu, Tô châu, Quảng Châu, Thượng Hải, Nam Kinh, Vô Tích, Thường Châu, Thiệu Hưng, Triều Châu, Phật Sơn… Động Đình Hồ và dãy núi Ngũ Lĩnh (người Trung Hoa gọi là Nam Lĩnh, là 5 dãy núi của vùng Mân Nam) được cho là hai trong số các thắng tích hàng đầu của Trung Quốc.
Giang Nam không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp mà còn nổi tiếng về món ăn ngon, văn hóa nghệ thuật (họa, thơ, ca, nhạc, kịch, thủ công nghệ …) và các thứ ăn chơi. Cho nên ‘giang hồ tại Giang Nam’ có nghĩa là những cái ‘Number One’s’ trong thiên hạ đều nằm ở Giang Nam.
‘Lang Bạc Kỳ Hồ’
Theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn:
狼跋其胡 lang bạt kì hồ:
Con chó sói giẫm lên cái phần da cổ của nó, lúng túng không biết làm sao. Nghĩa bóng: Sự lúng túng, khó xử, tiến thoái lưỡng nan. (Xem: Thi Kinh 詩經, Quốc phong 國風, Bân 豳, Lang bạt 狼跋). Một vài nhà văn Việt Nam khi mô tả một nhân vật đi bụi đời, đã viết như sau: “Hắn là một tay ‘lang bạt kỳ hồ’…”
Ý của tác giả muốn mô tả nhân vật là dân ‘lưu lạc giang hồ’, hay phiêu bạc giang hồ’, nhưng 2 thuật ngữ này dùng thường quá, cho nên tác giả dùng ‘lang bạt kỳ hồ’ nghe văn chương độc đáo hơn. Họ không biết rằng ‘lang bạt kỳ hồ’ không đồng nghĩa với ‘phiêu bac giang hồ’ tí nào cả. Một vài nhà văn viết là
‘…cả đời hắn lang bạt giang hồ’ hay ‘phiêu bạt giang hồ’ đều không đúng.
‘Phiêu bạc giang hồ’
Người lang thang khắp nơi không có nơi ở cố định
phiêu bạc giang hồ (không phải phiêu bạt giang hồ): bạc có chữ cuối là “c”, kh ông phải ”t”.
phiêu bạc 漂泊 trôi giạt, ngụ hết ở chỗ nọ đến chỗ kia.
Muốn mô tả một nhân vật lang thang bụi đời chỉ có viết ‘phiêu bạc giang hồ’ hay ‘lưu lạc giang hồ’ mà thôi. Còn viết ‘phiêu bạt giang hồ là không đúng. Có thể các nhà văn lẫn lộn chữ ‘bạt’ trong ‘cánh chim bạt gió’ mà viết thành ‘phiêu bạt giang hồ’ chăng?
‘Yểu dực bạt phong ba’
‘Cánh chim bạt gió’ (yểu = non yếu, dực = cánh chim, bạt = bay lượn, phong ba = bão tố), nghĩa đen là cánh chim non bay trong bão tố, nghĩa bóng mô tả những đứa trẻ mồ côi lang thang giữa chốn phong trần.
Cuối cùng để chấm dứt phần luận bàn, người viết xin tóm tắt ‘giang hồ’ có nhiều nghĩa. Nếu chỉ giải nghĩa đơn giản ‘giang hồ’ chỉ là sông và hồ thì không có bài viết này. ‘Giang hồ’ chính là ám chỉ bất cứ nơi nào trên đất nước Trung Hoa (thiên hạ giang hồ), cũng có thể nói bất cứ nơi nào trên trái đất này. ‘Giang hồ’ trong cổ văn là một cảnh đẹp, nhưng trong một số tiểu thuyết và phim ảnh lại là một xã hội bạo lực. ‘Giang hồ’ gợi lên một hình ảnh đẹp hay xấu tùy theo cách dùng từ của tác giả cũng như dùng nó ở chỗ nào trong tác phẩm của mình. Trong ngôn ngữ Hoa và Việt, ‘dân giang hồ’ dùng để ám chỉ những thành phần bất hảo trong một xã hội phức tạp, mà cái xã hội phức tạp đó, cũng thường được gọi là …’giang hồ’.
Viết xong ngày 31 tháng 8 năm 2018 tại Vaughan, Ontario, Canada.
Lê Anh Dũng