Mận, Xoài, Cóc, Ổi

Năm 2014, trong bài Lạm bàn về ý nghĩa lời bài „Sarborough Fair” và “Scarborough Fair/Canticle“ thằng bạn tôi phân tích tận tường ý nghĩa của bài cổ ca này.
Năm 2016, nó lại lần nữa nhắc đến bài này khi nói về phiên bản „Giàn thiên lý đã xa“ của Phạm Duy.
Năm nay, 2018, một độc giả đi lang thang lại gặp bài nó viết năm 2014 và hỏi ý kiến nó nghĩ sao về phiên bản của Nox Arcana.
Đã trót thì phải trét. Tôi mạn phép đăng tiếp lời bình của nó về bài cổ ca bất hủ này.

***

Có rất nhiều phiên bản Scarborough Fair, và cũng có nhiều bài mang tên hơi khác 1 chút như Southhampton Fair, Nottingham Fair … nhưng tất cả các bài đều có 1 điểm giống nhau, là điệp ngữ Parsley, Sage, Rosemary and Thyme, ngay cả phiên bản của Paul Simon & Garfunkel scarborough Fair-Canticle cũng không dám bỏ điệp ngữ này. Tại sao ?

1/ Tất cả các bài đều giống nhau ở chỗ nhắn nhủ người bạn chiến binh trở về quê hương, còn mình thì ở lại chiến trường (tử trận). Bốn thứ thực vật này là biểu tượng của quê hương của họ. hình ảnh 4 thứ cây cỏ này chính là hình ảnh quê hương trong trí nhớ của người lính tử trận.

2/ Bốn thứ cây này như giống đã viết trong bài Scarborough Fair thứ nhất, là 4 thứ thực vật gắn liền với đời sống, văn hóa, và tín ngưỡng tâm linh của dân Anh cổ xưa, tức là Britons (England, Ireland, Scotland, Wales, Britany), từ lúc sinh ra cho đến lúc vĩnh biệt cõi đời, dùng làm thực phẩm, gia vị, làm thuốc, làm bùa ngãi, bùa hộ thân, trang điểm trên đầu trong các lễ quan trọng như Rước Lễ Lần Đầu (First Communion), Lễ Thêm Sức (Confirmation), Lễ Hỏi (Engagement), Lễ Cưới (Wedding) Lễ tẩy uế nhà cửa (Cleansing) và ướp theo xác chết để linh hồn được sự thánh thiện che chở (Funeral). Nói vắn tắt 4 thứ cây cỏ này đi theo họ suốt cuộc đời.3/ Bốn thứ cây này có nguồn gốc từ Ý (parsley), Địa Trung Hải (sage), Iberia, Trung Á (rosemary) và Cổ Ai Cập-Hy Lạp (thyme). Bốn thứ này còn được coi là linh thảo (sacred herb) đối với tín ngưỡng Egypt, Romans và Greek. Từ những nơi khác nhau nhưng đều được trồng ở quê hương mới, quê hương của dân Britons. Mà dân Britons thì cũng có gốc gác khác nhau di dân đến, như Anglo-Saxon đến từ Đức, Scandinavian đến từ Na Uy, Afros- Romans đến từ dân Roman da đen , Sub-Saharan African (dân Trung Phi) họ đến khu đảo quốc này từ sau công nguyên khoảng 200-300 năm. Bốn thứ cây này ám chỉ sự khác biệt chủng tộc nhưng đều là đồng loại, tại sao lại gây chiến tranh với nhau ?

4/ Scarborough Fair là một lễ hội thanh bình, một phiên chợ quốc gia nơi người ta tụ về trao đổi hàng hóa, vui chơi, gặp gỡ và hẹn hò. Trong bài hát ngoài 4 thứ hương thảo được bày bán trong lễ hội, còn có hình ảnh quê mùa mộc mạc như cái giếng, áo Cambric, bụi gai, lưỡi liềm hái, hạt tiêu, bờ tường, mảnh đất canh tác, bãi cát, đại dương, những hình ảnh nói lên một cuộc sống đơn giản, thanh bình mà người dân quê cũng chỉ ước mơ có ngần ấy. Cái sâu sắc độc đáo của bài này là nói về chiến tranh nhưng không hề nhắc tới súng đạn hay cảnh đổ máu, mà chỉ ẩn dụ mơ ước thanh bình qua các hình ảnh bình dị trong cuộc sống hằng ngày của họ.

5/ Ở Scarborough Fair, người ta thấy bài cổ ca, hay nói đúng hơn, thiên tình ca thời loạn, chuyện tình của một đôi trai gái có kết thúc buồn nhẹ nhàng, lời bài hát ẩn dụ kín đáo, trong khi ở Scarbough Fair-Canticle của Paul Simon-Garfunkel, hình ảnh chiến tranh giữa các xứ được mô tả khốc liệt và bi tráng hơn. Hai ông không thể dẹp bỏ lời bài gốc củng với 4 thứ hương thảo, vì chúng chính là quê hương của hai ông.
Và rồi để chấm dứt bài hát, hai ông thêm vào hoa heather (thạch thảo) hoa thanh bình cũng là hoa vĩnh biệt trên mộ người lính.

Lương Châu Từ, bài thơ của Vương Hàn cũng là một tuyệt tác văn chương về chiến tranh, nhưng nếu đem so sánh với Scarborough-Canticle của Simon and Garfunkel, bài Scarborough Fair-Canticle hay hơn gấp bội.

Tóm lại, một bài Scarborough Fair mà không hề nhắc tới 4 thứ cây cỏ này thì không thể nào gọi nó là bài Scarborough Fair. Nhiều người đặt lời khác trên nền nhạc bài cổ ca này, nhưng họ không nắm vững vấn đề then chốt ở 4 cây hương thảo.
Thiếu điệp ngữ Parsley, Sage, Rosemary and Thyme thì bài hát đâu còn giá trị gì nữa. Sau khi cắt nghĩa bài Scarborough Fair từng lời từng chữ mang ý nghĩa sâu sắc như thế nào, Canticle mang ý nghĩa như thế nào, sẽ thấy trên thế giới chẳng có bài nào sánh ngang bằng bài Scarborough Fair-Canticle.
Lê Anh Dũng – Tháng Hai 2018

***

Nếu ai có hỏi 4 thứ thực vật đi theo suốt cuộc đời, mang hình ảnh quê hương trong trí nhớ của tôi là gì, thì tôi xin trả lời: Mận, Xoài, Cóc, Ổi.

Hinterlasse einen Kommentar