Thời nay có cái Facebook cũng khá lợi hại đúng như nghĩa Lợi-Và-Hại.
Cái-Lợi
Một người bạn có giấy tờ quan trọng cần gởi gấp bản chính về Việt-Nam. Đường bưu điện nhanh cũng phải vài ngày, ngộ nhỡ thất lạc thì chết, lấy đâu ra mà trích lục khai sinh lần nữa đây ?
Lên Facebook ca cẩm „Ai ra xứ Huế ?“.
Chỉ trong vòng vài tiếng, thân nhân hớn hở gọi điện thoại sang „Họ bảo không cần tờ giấy này nữa rồi em ạ !“
Ở bên Đức ít ai đem cái dở, cái xấu ra phơi (không phải „phây“ mặc dù trên „phây“ cũng không thấy ai đem cái dở cái xấu ra phơi cả). Khen là chính. Không chê, chỉ … phê bình với tính cách xây dựng để có thể làm tốt hơn. Người „bị“ phê bình sẽ biết phải sửa sai ở đâu, khỏi mất công tối về đem hình thằng kia ra quẹt diêm lên đốt cho bõ ghét, lỡ cháy nhà nói sao xui.
Vì vậy tôi xin miễn gọi là „Cái-Hại“ mà mạn phép kêu là „Đa-Dạng“.
Cái-Đa-Dạng
Ậy, chả là tôi lên Facebook nhờ dịch dùm chữ „Dreamcatcher“ sang tiếng Việt.
Dreamcatcher là một loại bùa hộ mệnh của người da đỏ, có một cái lưới nhìn như mạng nhện được đan trong một cái vòng, bên ngoài treo lủng lẳng thêm vài sợi lông vũ và hạt cườm. Các bà mẹ thường treo ở đầu giường con mình để gạn lọc tất cả giấc mơ xấu, chỉ cho phép mộng đẹp chui lọt lưới đi vào giấc ngủ trẻ thơ.
Theo truyền thuyết
Xưa thật là xưa
Nhớ mấy cho vừa
Nhớ chuyện kể đêm mưa …
(Hoa trinh nữ – Trần Thiện Thanh)
… rằng nhiều nhiều mùa trăng trước, Spider Woman Asibikaashi đêm đêm ngồi thu lu ở đầu giường trẻ con để chúng biết thân biết phận, nằm yên mà ngủ, không hó hé đòi uống sữa hay phải hát ru
Ầu ơ, dí dầu cầu ván đóng đinh
Ván đi đàng ván …ầu ơ …
Con rớt ình xuống ao
Thế là giật mình cái thót thức dậy khóc oe óe không cho ai ngủ cả.
Khi nào Spider Woman hết hứng trông trẻ sẽ thổi mặt trời bay trở lại bầu trời, đốt cháy hết mọi giấc mơ kind dị như té xuống ao cá tra kia đi. Nhưng khi bộ tộc Ojibwe lan rộng đến tận cùng thế giới, bà bắt đầu cảm thấy khó khăn để thực hiện cuộc hành trình „Vươn-Tới-Thái-Dương“ đốt cầu cá tra cho tất cả người dân của mình. Bà bèn mở khóa huấn luyện cấp tốc, dạy các bà mẹ dệt lưới nhiệm mầu. Dụng cụ là những nhánh cây liễu kết thành vòng, vặt ngay trong rừng, khỏi mất công ra chợ chi cho xa xôi mất thì giờ. Vòng tròn là biểu tượng của mặt trời, chiếc lưới bên trong kết nối với vòng qua tám điểm tượng trưng cho tám chân dài thướt tha của Spider Woman, đồng thời chia diện tích vòng thành bảy vùng tượng trưng cho bảy lời tiên tri về số phận dân cư sống trên Quy-Đảo (Turtle Island, Mỹ châu ngày nay). Giữa vòng tròn gắn một chiếc lông vũ bay bay tượng trưng cho hơi thở của trẻ thơ. Quá thông minh.
Thành thử ra khi tôi kêu cứu bạn bè Facebook dịch dùm từ „Dreamcatcher“, bản dịch trở nên vô cùng „Đa-Dạng“. Để các bạn không bị rối tri, tôi xin mạn phép phân loại các dạng như sau:
Dạng Ngư-Phủ
– Lưới Giấc Mơ
– Lưới Bắt Mơ
– Lưới Dệt Mơ
– Lưới Giữ Giấc Mơ
– Lưới Mơ
– Châu Vũ La (lưới lông chim và châu ngọc)
Dạng Bùa-Ngãi
– Bùa Mơ
– Bùa Dệt Mộng
– Bùa Ngủ Ngon
– Miên Phù, La Miên Phù, Hảo Miên Phù (phù = bùa)
Dạng Thiên-Thư-Đưa-Em-Vào-Động-Hoa-Vàng
– Ru Em Vào Mộng
– Lưới Cản Ác Mộng
– Lưới Mộng
– Hảo Mộng La
– Cầm Mộng La (lưới giữ lấy giấc mộng đẹp)
– Trảo Mộng Phù (bùa nắm bắt giấc mộng)
– Miên Du (giấc mơ lang thang, xin chớ nhầm với Mộng Du là … tối ngủ đi nhầm phòng)
Dạng Nữ-Trang
– Vòng Mơ
– Vòng Mộng Mơ
– Vòng Tìm Giấc Mơ
– Cầm mộng quyến (vòng giữ mộng đẹp)
– Tầm mộng quyến (vòng tìm mộng đẹp)
– Vòng xoắn (đề xướng này từ tranh luận „Vòng nào cũng là vòng“ nên tôi tạm xếp vào khu vực kim loại quý)
Dạng Sơ-Ý-Là-Chỉ-Có-Chết
– Thùng Chụp Mơ
– Bẫy Mơ
– Bẫy Chiêm Bao
– Bẫy Gái (Girlcatcher, không hiểu sao lại sinh ra phân biệt chủng tộc, chia nhóm trai gái, nhưng vì đồng thanh „catcher“, đồng chủng là loài người, chỉ phân loại nam nữ nên vẫn thuộc nhóm Sơ-Ý-Là-Chỉ-Có-Chết)
Cuối cùng chỉ còn mỗi „Mộng Cầm“ là tôi phân vân mãi không biết xếp vào đâu ?