Chương II: Vượt cạn

Công việc vững chắc, kinh tế ổn định, mẹ bắt đầu nghĩ đến chuyện duy trì hệ thống bảo hiểm xã hội của Đức, tăng nhân lực thi hành nghĩa vụ công dân cao cả, đi làm đóng thuế, đóng hưu trí chứ!

Lúc mang bầu, mẹ luôn ước mong đứa bé sanh ra sẽ là „thánh Gióng“, ăn xong vươn vai đứng lên cưỡi ngựa, cầm roi đi đánh giặc – không quên đóng thuế đầy đủ trước khi lên đường hành quân – khác với Mỵ châu, thường bị chê bai là nhân vật nữ lộ thông tin quân sự cho chồng, làm hủy hoại cơ nghiệp nước Âu Lạc. Nhiều người than phiền:

– Thế kỷ hai mươi rồi mà còn trọng nam khinh nữ sao? Cổ lỗ sĩ quá, chị Hai ơi!

Thật ra, bên nội con đã dư thừa đít tôm, đít vịt hết rồi, mẹ không có áp lực phải kiếm thêm sò ốc nữa. Nhưng mẹ muốn có con trai vì chỉ mỗi việc đi „tiểu“ đã „tiện“ hơn con gái rồi, chưa kể đến những đặc ân ông trời ban cho như không phải „mang nặng đẻ đau“, hàng tháng không mất vài ngày „long thể bất an“.

Mỗi lần mẹ đi khám định kỳ, bác sĩ phụ khoa luôn nói xác suất sanh con gái rất lớn, lúc siêu âm ở vùng bào thai, bà ta không thấy có „cái gì lúc lắc“ cả. Cho đến phút chót, mẹ vẫn hi vọng nặn ra được một „thánh Gióng“ với truyền thuyết: Mẹ Gióng thổi cơm nhưng Gióng ăn không đủ. Cả làng cùng thổi cơm để Gióng ăn, cứ thổi hết bao nhiêu Gióng cũng ăn hết từng đó. Sau khi ăn xong bỗng Gióng đứng dậy vươn vai và biến thành một chàng thanh niên cao to vạm vỡ, khỏe mạnh. Gióng đội nón sắt, mặc áo giáp sắt, cầm gậy sắt, nhảy lên ngựa sắt phun ra lửa, phi ra trận. Gậy sắt quất xuống đầu bọn giặc, ngựa sắt phun lửa thiêu tàn quân xâm lăng. Dẹp giặc xong, Gióng cưỡi ngựa sắt ngang qua làng Phù Đổng, lên núi Sóc Sơn, rồi bay thẳng về trời.

Người Đức sẽ không tin việc chỉ ăn vài nồi cơm là đủ sức làm nghĩa vụ công dân cao cả, đóng thuế đầy đủ, nên „thánh Gióng“ ở phương Tây sẽ mang tên là Kevin Khoa, Kevin từ phim „Kevin – Allein zu Hause“, „thánh Gióng“ đuổi giặc, Kevin đuổi trộm, còn Khoa là tên một thằng bạn của mẹ, mang vần „Khờ“ cho đồng điệu bộ nữ trang gồm bông tai, dây chuyền, giống như … Cindy Chi.

Mẹ không hảo ngọt, nhưng khi mang bầu lại ăn bánh kẹo trừ cơm, có lẽ là „điềm“ sau này không phải thổi mấy nồi cơm cho „thánh Gióng“. Đường dễ làm lên ký. Tính từ lúc có bầu cho đến lúc sanh, mẹ tăng gần 20 kg. Những tuần cuối kỳ thai nghén mẹ phải đeo đai đỡ cái bụng, bởi nó quá to, trông mẹ như lực sĩ Sumo đô vật của Nhật Bản. Theo biểu đồ này thì vào ngày 18.06.1998 – tuần lễ bầu bì thứ 8 – mẹ cân nặng 41,7 kg, ngày 25.01.1999, tuần lễ thứ 38, tròn trĩnh … 59 kg.


Khi thai được 6 tháng, buổi sáng mẹ lái xe ra ga Aachen West, rồi đi xe lửa đến sở (LTU) ở Düsseldorf. Ngồi trên tàu hỏa, mẹ giết thời gian bằng cách tẩn mẩn đan những chiếc vớ, nón, găng tay sơ sinh, tất cả đều màu xanh dương, dành cho „thánh Gióng“, không có cái nào màu hồng cho Mỵ Châu để tránh việc rải … len vụn, dẫn đường cho chồng là Trọng Thủy dẫn quân xâm lược nước Âu Lạc. Buổi chiều, mẹ siêng năng ghi tên tham gia các khóa dành cho bà bầu như phương pháp ăn uống lành mạnh, nhiều chất bổ dưỡng cho thai nhi, cách hít thở lúc chuyển bụng, hướng dẫn tắm rửa, thay quần áo em bé. Mẹ mua đủ loại sách nghiên cứu tâm lý bà bầu, việc sanh đẻ, việc nuôi dạy con, các sách tử vi Đông phương, Tây phương v.v. Mẹ chỉ không thổi lửa nấu mấy nồi cơm to chuẩn bị sức lực cho „thánh Gióng“ để vươn vai đi đóng thuế, vì bên Đức họ ăn bánh mì là chính con ạ! Trưa ngày 25.01.1999, mẹ vào bệnh viện Marienhospital, với niềm „hi vọng chết cuối cùng“ – Hoffnung stirbt zuletzt – là sẽ có một „thánh Gióng“, dù có phải nấu bao nhiêu nồi cơm cũng không tiếc.

Sau hơn 17 tiếng đồng hồ theo dõi, thử đủ mọi kiểu để thúc thai nhi ra mà không được, bà bác sĩ lấy tấm drap trắng, cuộn lại như hình sợi dây thừng, cột vào thành giường rồi vắt cái thừng vải ấy ngang bụng mẹ và dùng hết sức để ép thai nhi tuột ra ngoài. Bà mụ đứng ở phía cuối giường động viên:

– Rờ thấy tóc rồi, cố lên!

Nhưng con vẫn an nhiên hưởng thụ cái ấm áp trong bụng mẹ, nhất định không chịu di dịch thêm tí nào nữa. Bà bác sĩ cuối cùng bỏ cuộc, chạy ra ngoài, rồi quay trở vào với một xấp giấy tờ trong tay:

– Phải mổ để lấy em bé ra không thôi nó chết ngạt mất! Thai nhi quá to mà xương chậu bà lại hẹp, bà làm ơn ký tên chỗ này, chỗ nọ, chỗ kia nữa …

Hình ảnh cuối cùng mẹ còn nhớ là cái thang máy có đèn sáng choang khi mấy cô y tá đẩy mẹ vào phòng mổ. Không biết đau đẻ, không được cắt rốn, mở mắt ra đã thấy bên cạnh mình là một đứa bé sơ sinh, được quấn gọn gàng trong chiếc khăn lông của nhà thương. Bà bác sĩ cùng bà mụ đứng ở cạnh giường, vui vẻ chúc mừng:

– Mẹ tròn con vuông rồi, con gái bà rất ngoan, ít khóc lắm!


Tuy mong „thánh Gióng“ nhưng mẹ vẫn dự phòng chọn tên cho Mỵ Châu, một tên thỏa mãn những điều kiện như không có dấu để người Đức có thể phát âm đúng, không bắt đầu bằng vần „L“ hoặc „N“, do có một số vùng người Việt mình hay nhầm lẫn giữa hai vần này.

Cha mẹ thường mất ngủ bao đêm dài để … tra tự điển, tham khảo ý nghĩa sâu sắc, chọn cho con mình một cái tên hoa mỹ mà đa số là khi bắt đầu biết đánh vần „i nặng … ị, tờ i ti sắc … bén“ chúng đều muốn đổi sang tên khác, hợp ý chúng nó hơn, nên mẹ rút kinh nghiệm, khỏi lật tự điển chi cho hoài công vô ích, và do con trai sẽ mang tên một người bạn của mẹ nên con gái thì mang tên … em gái nó: Y Chi. Người Đức hay người Tây phương thì đơn giản rồi, con trai Alex, con gái Alexa. Da trắng mũi lõ nghe danh Mỵ Châu thích rắc lông ngỗng mà chưa có cơ hội diện kiến để dụ dỗ mua gối lông ngỗng (Daunenkissen), chăn lông ngỗng (Daunendecke), áo khoác lông ngỗng (Daunenjacke) là ú ớ ngay, cần thêm thông tin để phân biệt nam, nữ, thành ra „Cindy“ – từ Cinderella – được chọn làm tên lót.

Mẹ rất ít khi nào gặp may mắn, mọi thành đạt trong cuộc đời mình, mẹ đều phải phấn đấu rất nhiều để có. „Vượt cạn“ cũng không ngoại lệ. Nhưng con thì may mắn hơn. Do sanh qua phẫu thuật, mẹ bị giữ lại bệnh viện khoảng gần hai tuần, sanh bình thường chỉ vài ngày là phải xuất viện rồi. Bị moi thẳng từ trong bụng ra nên đầu con tròn vo, được các cô y tá chăm sóc kỹ lưỡng, tắm rửa sạch sẽ nên tóc không bị bám „cứt trâu“, thay tã thường xuyên nên mông không bị „hăm“, ăn no ngủ kỹ, thành thử lúc về nhà, con theo đà đó rất bụ bẩm, dễ nuôi, chẳng ốm đau gì sất.

Xem quá nhiều sách dạy nuôi trẻ sơ sinh, để thực hành theo, mẹ không dùng Pampers mà bọc tã vải, dơ thì thảy vào máy giặt là xong. Mẹ đan vài cái quần với loại len thủy thủ không thấm nước cho con mặc giữ tã không bung ra. Sách cũng dạy nấu thức ăn em bé với rau củ, trái cây, đủ loại thịt, cá, nhiều dinh dưỡng, dặn dò không uống trà pha từ bột vì có chất đường, liệt kê các bài hát ru em (tuy con chưa nghe được hai câu đã ngủ khoèo), vân vân và vân vân, đại khái là Mỵ Châu cũng được chăm sóc như công chúa con vua An Dương Vương.


Thành ngữ Việt nam có câu „nước mắt chảy xuôi“, ý nói tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, để khuyên ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp nào từ „thánh Gióng“ hoặc Mỵ Châu. Điều này không hoàn toàn đúng lắm. Khi nhận một món quà sinh nhật, ta đã phải nhớ ngày khóc oe oe của người tặng để „hòn chì ném lại“ vào ngày sinh nhật họ, chứ không thể „tình cho không biếu không“ được. Trong đoạn hồi ký mang tựa đề Tôi nuôi con tôi, tôi đếm từng ngày, mẹ liệt kê đầy đủ quà tặng Mỵ Châu từ lúc giải phẫu sinh tử đến ngày con về nhà hớn hở khoe:

– Mẹ ơi, con có điểm Tú Tài rồi nè mẹ!

Con nhớ đọc đoạn hồi ký đấy nhé, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ!

Trích trong hồi ký „Chuyến bay đời mẹ“, nhà xuất bản lulu.

Hinterlasse einen Kommentar