Chương I: Thời thơ ấu

Có lẽ, như các em bé sơ sinh khi bắt đầu bước vào „cõi tạm“, mẹ cũng khóc oe oé quấy rầy mấy cô y tá, nữ hộ sinh, tại nhà bảo sanh Đức Chính, nằm trên đường Cao Thắng, số 15 bis (hồi đó, số nhà được đánh dấu theo hệ thống đánh dấu số nhà của Pháp, tức là nếu trên một con đường có hai căn nhà cùng mang một số giống nhau thì nhà thứ 2 sẽ thòng thêm chữ „bis“), đối diện rạp chiếu phim Đại Đồng. Sau này, các em của mẹ – các cô, cậu của con, 2 trai, 3 gái – đều „giáng thế“ tại nhà bảo sanh này. Trong giấy khai sanh ghi mẹ chào đời vào ngày 13 tháng Tư năm 1963, nhằm ngày 20 tháng Ba năm Quý Mão, lúc 17 giờ 25 phút.


Vài hình ảnh của mẹ, chụp lúc mẹ được khoảng 3 tháng rưỡi. Hồi bé, trông con cũng giống mẹ đấy chứ nhỉ?


Không phải chỉ con đầu lòng (là mẹ) mà tất cả các cô, cậu của con, ai cũng được thương yêu đồng đều như nhau, đều có một cuốn sổ tay ghi chép quá trình chăm sóc sức khỏe. Không có những chi tiết này thì mẹ sẽ không thể nhớ là cánh tay phải của mình hơi bị cong do lần té nặng vào ngày 27.05.1973.


Bố của mẹ, ông ngoại của con, Bùi Hồng Hưng, sinh ngày 12.01.1934 tại Thanh Hóa. Ông cố ngoại, bố của ông ngoại, Bùi Khắc Dụng, là địa chủ ở Thanh Hóa, vượt ngục trại tù Lý Bá Sơ, một trại tù ở ngoài Bắc trước kia, chỉ có vào mà không có ra, có lẽ ông cố là người trốn trại thành công duy nhất. Hai cha con vào Nam năm 1955, nghĩa là đến Sài Gòn năm 1956 chứ không được di cư chính thức bằng tàu há mồm. Ông ngoại bắt đầu cuộc sống nơi xứ lạ quê người với hai bàn tay trắng. Ông ngoại tự học, vừa làm, vừa học. Đậu Tú Tài I, Tú Tài II. Lấy vợ, bà ngoại của con, là nhà giáo. Hai vợ chồng đều vừa đi làm, vừa học.

Không biết Ông noi gương Bà, hay Bà noi gương Ông, mà bà ngoại đi dạy 8 năm sau mới thi đậu Tú Tài I (trước năm 1966), hạng Bình Thứ, ban C, gồm các môn chính là văn chương, triết học, sinh ngữ. Và thật đáng nể là 6 năm sau, khi bà ngoại đã 4 con, vẫn đi dạy mà thi nốt Tú Tài II, ban C, kèm theo bằng Proficency của Hội-Việt-Mỹ. Bà ngoại học ban Bổ túc trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn, niên khóa 1955- 1958. Sau khi tốt nghiệp, ngoại dạy tại trường Trung Học Bùi Thị Xuân Đà Lạt hai năm. Nay các học sinh cũ đã lớn, khi đi thi Tú Tài II, ngoại phải nhìn trước nhìn sau, chỉ sợ lỡ gặp phải học sinh của mình, người thì chấm thi, người thì làm giám thị, hoặc cũng đi thi tú tài, thì quê quá!

Còn ông ngoại vẫn vừa học, vừa làm, có năm con mới tốt nghiệp Cử nhân Luật và tiếp tục thực tập Luật sư. Đến năm 1975, ông ngoại chính thức được hành nghề và chuẩn bị khai trương văn phòng Luật sư ở đường Gia Long, ngay trung tâm Sài Gòn, với phần phụ tá dịch thuật Anh ngữ của phu nhân Vũ Thị Đan Thanh, bà ngoại của con, thì biến cố 1975 xảy ra.


Hình ảnh cuối cùng của ông ngoại trong trí nhớ đứa con nít 12 tuổi ngày ấy là một người đàn ông với khuôn mặt đăm chiêu, khi nằm nghỉ thì tay vắt lên trán trông càng ưu tư hơn. Những ngày cận 30.04.1975 cả gia đình qua ở hết bên nhà ông bà cố (ba mẹ của bà ngoại). Năm chị em mỗi đứa giữ một cái cặp mà trong đó có ít lương khô, tiền đô-la (mẹ không nhớ rõ là bao nhiêu, chắc khoảng $20), một tờ giấy ghi tên tuổi, ngày sanh của tất cả các thành viên trong gia đình:

Cha: Bùi Hồng Hưng, 12.01.1934
Mẹ: Vũ Thị Đan Thanh, 16.10.1937
Các con:
– Bùi Thị Tố Hồng, nữ, 13.04.1963
– Bùi Hồng Đức, nam (tên ở nhà là Công), 04.11.1964
– Bùi Hồng Hạnh, nữ, 08.03.1966
– Bùi Hồng Phúc, nữ, (tên ở nhà là Cẩm Tú), 22.05.1968
– Bùi Thị Diễm Quỳnh, nữ, 22.05.1970
cùng với địa chỉ nhà là 372/64 đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn.

Chiều ngày 30.04.1975, ông ngoại dẫn Công (em trai kế mẹ, con gọi là cậu, giống như cậu Giao), Hạnh, Tú, Quỳnh (3 em gái mẹ, con gọi là „cô“ theo lối xưng hô của người Bắc chứ không gọi là „dì“ như người Nam) về nhà ở đường Phan Thanh Giản, mẹ và bà ngoại (lúc ấy đang mang bầu cậu Giao) ở lại bên nhà ông bà cố. Hôm sau, không thấy ông ngoại quay trở về, mẹ cùng bà ngoại về nhà ở đường Phan Thanh Giản thì chỉ thấy một mảnh giấy ông ngoại để lại trên bàn với vài dòng chữ nhắn nhủ đừng lo lắng, sẽ có tin tức sau. Từ đó đến nay, cái tin tức mà ông ngoại hứa hẹn không hề xuất hiện. Mỗi đêm, trước khi ngủ, mẹ luôn lâm râm cầu nguyện ông trời phù hộ cho bố và các em của mẹ. Mẹ không còn nhớ đến khi nào thì mẹ thôi không làm việc ấy nữa. Sau này, mẹ cũng viết thư gởi đi các cơ quan quốc tế như hội Hồng Thập Tự, Caritas v.v. Bất kỳ hội đoàn nào có chương trình tìm người thân mất tích, mẹ đều gởi thư nhắn hỏi.

Vào thập niên 90, kỹ nghệ thông tin (Informationstechnologie) dần dần phát triển, bắt đầu có Email, World Wide Web v.v. mẹ mở rộng „phạm vi tìm kiếm“ bằng cách truy lùng những người có họ Bùi và gởi Email hoặc thư qua đường bưu điện. Có lần, khi mẹ du lịch qua Mỹ, một người bạn ngao ngán nhìn mẹ gởi một đống thư trị giá tổng cộng khoảng 200 đô-la, khi mà cước phí thư nội địa ở Mỹ lúc ấy vỏn vẹn 29 cents. Cũng nên nói thêm rằng số người Việt sống ở Hoa kỳ chiếm trên một nửa dân số Việt kiều trên thế giới, tức là mẹ hi vọng xác suất thành công cũng sẽ cao hơn.

Cho đến một ngày, mẹ nhận được thư trả lời của một người cũng mang họ Bùi (rất tiếc là mẹ đã để lạc mất lá thư này sau nhiều lần dọn nhà). Mẹ còn nhớ mãi câu đầu trong thư của ông ấy: „Tôi thành thật thán phục sự kiên trì của cô đã đi tìm người thân hơn một phần tư thế kỷ …“ Câu này làm mẹ suy nghĩ rất nhiều và đi đến quyết định … „giã từ vũ khí“, thôi không tìm kiếm tin tức bố và các em nữa. Ngạn ngữ Đức có câu „Die Zeit heilt alle Wunden“, thời gian chữa lành mọi vết thương. Nhưng nếu ta tiếp tục chạm vào vết thương, nó không lành hẳn được. Ví dụ khi ta bị một vết dao cắt chảy máu, ta sẽ dùng miếng băng dán phủ lên vết thương. Bằng cách này, chúng ta chấp nhận nó, chăm sóc nó. Lớp băng giúp vết cắt được che chở không bị chạm vào và bị nhiễm bẩn. Dần dần cái đau giảm đi và chúng ta quên nó. Vùng mặt trên của da sau đó được chữa lành.

Tại sao chúng ta không thể làm điều đó một cách dễ dàng với những vết thương tình cảm?

Để vượt qua nỗi đau này ta cũng cần làm như khi bị vết thương dao cắt, tức là chúng ta phải biết chấp nhận, và biết tìm cách chữa lành nó. Liều thuốc chữa lành vết thương lòng chính là khả năng quyết định và ý niệm riêng của mỗi người về việc buông bỏ. Mẹ đã tháo được miếng băng dán phủ trên vết dao cắt, chỉ còn lại nơi đó là vết thẹo nhắc mẹ đã có một người bố hiếu thảo (ông cố ngoại bịnh nằm liệt giường, ông ngoại tắm rửa, đút cơm ăn, dù nhà mình có mướn người giúp việc), nhân hậu (ai khó khăn nhờ vả, ông ngoại đều giúp đỡ, thân chủ nghèo không trả nổi tiền thù lao luật sư, ông ngoại cãi miễn phí) và kiên trì nhất trên đời này, cũng như nhắc mẹ đã có 4 người em đáng nhớ nhất trên đời này.

Chụp ngày 16.02.1975

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit Deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Twitter-Bild

Du kommentierst mit Deinem Twitter-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit Deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s