Trong đoạn hồi ký này mẹ sẽ kể con nghe về mối tình đầu của mẹ. Viết „love story“ phải dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất mới thích hợp, con ạ!
Tôi ở Galang từ tháng 5 đến đầu tháng 11 năm 1980. Đó là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời tôi, vì ngoài một tương lai sáng ngời đang chờ tôi ở nước thứ ba, tại Galang, tôi bắt đầu học làm người lớn!
Như đã viết trong đoạn trước, hằng ngày, nhiệm vụ của tôi là của tôi là làm đầu bếp. Nói cho oai chứ thật ra chỉ việc nấu nồi cơm có hơi vất vả một tí, còn thức ăn thì cứ … đồ hộp khui ra, bỏ vào nồi, hâm nóng lên là xong, vì ở nhà, bà ngoại tôi nấu tất tần tật, mỗi chuyện rửa chén mà tôi khất lần khất lữa, cho đến khi ngoại giận lẫy đòi rửa vì sợ để qua đêm chuột sẽ mò ở dưới cống lên do đánh hơi ngửi thấy mùi đồ ăn, tôi mới đủng đỉnh đi làm phận sự. Xong việc cơm nước, tôi lên khu văn hóa và huấn nghệ học tiếng Anh. Sau này, có cô người Thụy Sĩ dạy tiếng Đức, tôi cũng ghi danh học lớp của cô ấy. Buổi tối, nếu không đi xem ti-vi ở khu công cộng thì tôi về barrack của mình ngủ khoèo, bởi trong barrack không có điện, phải đốt đèn cầy hay đèn dầu. Ban ngày, hôm nào hai ông anh tôi không bận đi thông dịch hay đi cua gái thì hai ổng lại la cà với nhóm bạn quen trên đảo, lúc đàn hát, lúc ra biển tắm, ông nào có bồ hay đang cua cô nào thì dẫn theo cô đó, đôi khi chỉ toàn đực rựa với nhau. Bạn hai ông ấy – anh Sơn, anh Ấn, anh Hùng, anh Cường, anh Tiến v.v. – ai cũng … già hơn tôi rất nhiều. Tôi là đứa bé con, làm tà lọt để mấy ổng sai vặt. Có lẽ vì vậy, không ai gọi tôi bằng tên cúng cơm mà kêu tôi là „bé con“.
Anh Ấn có người bạn cùng học Lasan Taberd là anh Toàn. Anh Toàn hay rủ rê mọi người, trong đó có anh Đức, anh họ tôi, đi ăn uống, ca hát, nhảy nhót. Anh cũng hay cho bạn bè mượn quần áo của mình để „ăng-tô-ny“ đi tán gái, vì so với người tị nạn đa số chỉ sở hữu một, hai bộ đồ thì anh Toàn thuộc loại „công tử“, quần là, áo lượt. Anh Toàn cho anh họ tôi mượn một cái áo sơ-mi vạt bầu, tôi giặt đem phơi, ướm vào thấy mình mặc chỉ bị dài một tí thôi nên lúc áo khô tôi lấy mặc luôn. Cũng nên nói thêm rằng ở đảo, ngoài lương thực được cấp không bị túng thiếu, cái gì cũng là vay mượn, hay được người đi định cư trước để lại cho người chưa đi, như quần áo, giầy dép, nồi niêu, soong chảo v.v. Không bị đòi tức là coi như đã sang nhượng quyền sở hữu.
Vào một buổi tối sáng trăng, tôi chưa ngủ khoèo vì … trăng sáng (ai ở đồng quê hay ở trại tị nạn Galang mới thấm thía câu „sáng trăng sáng cả vườn chè“), anh Toàn lù lù xuất hiện. Tôi chột dạ, vì giờ này là giờ „cảnh sát chìm hành sự“, hai ông anh tôi và đám bạn … già của hai ổng chắc chắn một là đang đi coi ca hát nhạc sống có nhảy đầm, hai là đang đi „thả dê“.
Tôi nghĩ anh đến đòi áo sơ-mi nên giả lả:
– Anh Đức đi với anh Hiệp qua barrack Disco rồi! (Disco là tên lóng gọi cô bồ nhí của ông anh tôi ở Galang)
– Ồ, anh không kiếm hai người đó! Kẹo anh cho bé con đâu rồi?
Anh Toàn thỉnh thoảng hay cho tôi kẹo, chocolate, giống như kiểu người ta thưởng pourboire cho … tà lọt. Tôi không hảo ngọt lắm nên anh cho thì tôi nhận, rồi bỏ vào cái hộp ở đầu giường. Nghe anh hỏi, tôi mang hộp đưa anh. Mở hộp ra thì eo ơi, toàn kiến là kiến. Anh cười, tôi cười theo. Anh kéo tôi ngồi bệt xuống chỗ cái bệ cửa sổ, cả hai phùng mang thổi những con kiến vây quanh các viên kẹo. Rồi anh kể chuyện lung tung, hỏi tôi chuyện lung tung. Hồi đó, tôi có thói quen mút ngón tay cái, những lúc anh kể chuyện lung tung thì tôi ngồi mút tay. Anh nhẹ nhàng:
– Bé con ăn kẹo đi, mút tay giống con nít lắm!
Tôi chu mỏ bướng bỉnh cãi ngay:
– Ăn kẹo sâu răng!
Và càng mút chùn chụt để trêu tức anh.
Trong lúc tôi còn đang chơi cái trò trẻ con ấy không đề phòng thì anh giật tay tôi ra, mắt nhìn thẳng vào mắt tôi. Hôm đó, trăng sáng quá, sáng đến nỗi tôi nhận ra trong ánh mắt anh không phải là sự giận dữ mà một cái gì tôi chưa hề thấy bao giờ. Tim tôi tự nhiên đập loạn xạ, nhưng tôi cứ ngồi thừ ra đấy, không dám rút tay ra. Một hồi sau – có lẽ lúc đó tôi đã bị tê liệt dây thần kinh cảm nhận thời gian nên không còn nhớ „một hồi sau“ là một phút sau, năm phút sau, hay bao lâu sau đó – anh buông tay tôi ra:
– Thôi bé con đi ngủ đi, mai anh sẽ qua đánh thức bé.
Vì chả có phận sự, công việc gì, nên tôi ngủ rất kỹ, sáng „nướng“ rất lâu. Có lần, một thằng ở chung barrack lấy đèn cầy để ở gần gót bàn chân của tôi rồi đốt, hơi nóng của đèn cầy cũng không kéo được tôi ra khỏi giấc ngủ. Nếu không bị ai đánh thức, khi tôi vươn vai ngồi dậy thì mặt trời đã … me mé thái dương, gần sắp tới đỉnh đầu. Còn anh làm việc trên bệnh viện nên phải dậy sớm đúng giờ, làm gì thì tôi không rõ lắm. Đa số người Việt tị nạn ở đây, nếu có chút vốn liếng sinh ngữ – Anh, Pháp gì cũng được – có thể nhận các công việc như anh Thiệu trưởng trại, anh Tế trưởng ban Thông dịch, anh Cường trưởng barrack đảm nhiệm việc phân phát lương thực, nước uống cho đồng hương v.v. và được trả thù lao tượng trưng bằng tiền Rupiah, tương đương khoảng 2 đô-la một tuần. Nhờ anh đánh thức hàng ngày như vậy, tôi có nhiều thời gian „trống“ hơn, tôi chuyên cần học sinh ngữ hơn, có khi còn lên thư viện của trại mượn sách về nghiên cứu thêm văn phạm nữa. Tôi hết làm đứa con nít lêu lổng, lông bông, lang bang cho qua ngày trên đảo, mà nôn nóng chờ chiều xong việc anh về dẫn tôi ra biển. Đường ra biển là con đường mòn, cây cối rậm rạp, tôi dù gan có to như gan bò cũng chẳng dám đi một mình, ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra, biết kêu cứu ai đây? Anh bao giờ cũng đi đằng sau tôi, khác hai ông anh của tôi và đám bạn „già“ của hai ổng te te đi một mạch, chỉ kiểm điểm dân số khi ra đến bãi biển xem có mặt „tà lọt“ hay không. Do đi phía sau nên tôi lỡ trượt chân là anh nhanh tay đỡ được ngay, dép tôi sút ra, rơi xuống suối, anh xắn quần chạy theo vớt lên. Chiều ở biển, hôm nào gió trở lạnh, anh đi gom củi đốt sưởi ấm cho tôi. Hai ông „quyền huynh thế phụ“ của tôi chỉ đứng trên bờ, lâu lâu dõi mắt xem cái đầu của tôi còn nhấp nhô trên mặt nước không, chứ anh bơi rất cừ, tôi ra xa cỡ nào anh cũng theo sát, chỉ khi cảm thấy có thể bị kéo ra khơi do luồng sóng ngầm, anh mới ra dấu bắt tôi bơi ngược trở lại vào bờ. „Con nít hay mút ngón tay cái“ thích đi khám phá những chỗ có dựng bảng cấm „Attention, danger“, anh đi thám hiểm trước, nếu thấy không nguy hiểm lắm thì anh chìu ý hiếu kỳ của tôi. Nhờ anh, tôi biết được cả phía bên kia đảo, không thuộc vùng cư trú của người tị nạn, và vì Galang trước đó là hoang đảo nên những khu đó cũng không có thổ dân sinh sống. Nhờ anh, tôi được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên, đồi núi, hang động, suối thác của một trong những hòn đảo đẹp nhất Đông Nam Á.
Nếu chỉ bao nhiêu đó thì anh chỉ có thể giành giải „quyền huynh thế phụ“ của hai ông anh tôi thôi, chứ không thể nào đoạt giải quán quân „người yêu lý tưởng“ được. Nét chấm phá của những bức tranh sơn thủy ở Galang là những nụ hôn ngọt ngào, những cái ôm nồng cháy. Nhưng hễ tay anh luồn vào trong lưng áo của tôi thì tôi lại giật thót mình, người tự động gồng cứng ngắc như lúc đang nằm trên ghế để nha sĩ khoan chỗ răng sâu mà không chích thuốc tê trước đó. Có lẽ anh thấy tôi hoảng sợ quá độ đâm ra tội nghiệp nên thở dài tiếc nuối rút tay ra, trả lại tôi cái hồn nhiên của đứa con nít còn mút ngón tay cái.
Rồi cũng đến ngày loa phóng thanh xướng tên những người sẽ rời đảo đến Jakarta để chờ lên máy bay đi định cư ở nước thứ ba vào mùng 04.11.1980, trong đó có ba anh em tôi. Tối hôm trước, anh rủ tôi đi uống cà phê ở quán nước mà chưa bao giờ anh dẫn tôi đến đó, anh bảo tôi con nít còn mút ngón tay cái không nên la cà những chỗ dành cho người lớn. Anh kêu cho tôi ly nước ngọt. Tôi bắt đầu tập tễnh uống cà phê khi bị thất tình lần đầu tiên, chẳng qua do cơ thể tôi không tiếp thụ được chất cồn, chỉ cần nhấp một tí là mặt đỏ gay, sáng chói như mặt trời, nên không thể uống rượu để „say cho quên sầu“ được. Đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi cũng bị di truyền cái dị ứng này. Có lần, tại một buổi trình diễn dương cầm, nó uống ly nước cam có pha champagne để mời khách trong khi chờ đợi khai mạc chương trình. Sân khấu vừa mở màn, tôi thấy ở phía trước nhốn nháo cả lên, tưởng là khủng bố gài bom, ai dè con mình bị chất cồn làm xây xẩm, người ta phải khiêng ra ngoài cấp cứu. Từ đó, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi thấy rượu bia là tránh xa. Bị dị ứng chất cồn cũng có lý đấy chứ nhỉ? Trở lại chuyện quán cà phê Galang. Hôm đó, tôi chỉ còn nhớ là quán mở ca khúc „I have a dream“ của Abba:
To help me cope, with anything …
Anh ngồi đó, ly cà phê đen đắng, đen như nỗi buồn người ly hương, đắng như cuộc tình sắp bay xa.
Hôm sau, anh tiễn tôi ra cầu tàu. Sau này, tôi mới biết mình là người tình duy nhất mà anh có mặt lúc nói lời từ giã. Người tình đầu của anh, một cô gái lai Tây, phải đột ngột theo cha về Pháp khi biến cố 1975 xảy ra. Người thứ hai là „cô láng giềng“ – mà sau này cũng là vợ của anh – hai gia đình đi vượt biên cùng vào khoảng thời gian năm 1977, anh bị bắt, cô nàng đi thoát, qua Mỹ, hai người mới tìm lại được nhau.
Tôi tuy thực tập làm người lớn chưa thành, nhưng kể từ hôm đó, tôi đã hiểu tại sao ở Galang người ta hay dùng chữ „mối tình cầu tàu“.
Mười hai năm sau, mẹ vẫn còn „solo“, đang khóc người tình thứ tư lập gia đình, bỏ cuộc chơi, thì Tata Chi kêu mẹ qua Cali làm phù dâu, thay đổi không khí, quên „cuộc tình tàn“. Và mẹ tìm lại được „cố nhân“.
Khi gặp nhau, tay bác ấy không đeo nhẫn cưới, vì vậy mẹ ngỡ anh ta chưa lập gia đình. Do mẹ không hỏi nên bác ấy cũng chẳng khai là „em ơi, ván đã đóng thuyền“ rồi. Về Đức, mẹ gọi điện thoại sang thì một người phụ nữ nhấc máy. Mẹ hỏi cô ta là chị hay em của bác Toàn thì cô ấy trả lời là vợ. Mẹ chưng hửng, chỉ biết tự giới thiệu mình là em của bác Hiệp bạn của bác Toàn ở bên đảo, nhờ cô ấy nhắn lại dùm là bác Hiệp sẽ liên lạc khi đi công tác về.
Ít lâu sau, mẹ nhận được thư bác Toàn, kèm một đĩa CD Album nhạc của ca sĩ Ngọc Lan, „Người tình trăm năm“. Mẹ vừa nghe nhạc, vừa đọc lá thư trần tình của bác Toàn, nước mắt cứ lã chã tuôn.
Trong chuyện tình cảm, đoạn tuyệt không có nghĩa là phủ nhận tất cả những khoảng thời gian tuyệt vời ta đã trải qua. Nếu ước mơ chỉ khiến ta khổ sở, thì có lẽ đã đến lúc ta nên buông bỏ nó. Trong vũ trụ bao la này, một cuộc đời chỉ là chớp mắt – quá ngắn để có thể hàn gắn những vết thương lòng. Nếu ta được cho biết ta chỉ còn một năm để sống, ta có còn theo đuổi một mối tình vô vọng hay không?
It hurts to much to hold on to dreams that never come true
mẹ không gặp lại bác Toàn từ lần chia tay thứ hai tại phi trường LAX.Còn đây là bài thơ „Tiễn em đi“ của mẹ, thay cho lời chia tay cuộc tình đầu. Bài này trong quyển thơ „Tình như cổ tích“ của mẹ, đa số gồm những bài thơ viết cho những cuộc tình đã mất. Còn cuốn „Tình không như cổ tích“ cũng là tập thơ tình, nhưng thuộc thể thơ khôi hài, là phiên bản „đối lập“ của „Tình như cổ tích“.
Tiễn em đi
Tiễn em đi mưa thu buồn ngơ ngác
Nắng thôi cười, mây tháng bảy thôi bay
Tình Ngưu Lang đành dang dở từ đây
Anh ở lại nghe tim ngầm tan vỡ
Tình chẳng trọn cho lòng mang thương nhớ
Duyên không tròn để nức nở hồn anh
Em vô tình hay hạnh phúc mong manh?
Khói thuốc cay đốt lời thề ân ái
Em đi rồi có nhớ người ở lại
Tương Giang đầu anh ngơ ngẩn trông theo
Chữ trăm năm em trả lại bọt bèo
Câu ước hẹn lỡ rồi em có tiếc?
Khóc đi em thay cho lời tiễn biệt
Chuyện chúng mình âu chỉ bấy nhiêu thôi
Giọt lệ sầu nhỏ xuống lúc chia phôi
Vỡ khối tình chàng Trương Chi phận bạc
Con có nhận ra tấm hình Acryl mẹ vẽ và treo trong phòng của con ngày xưa không? Bây giờ, chắc đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ đã hiểu tại sao mẹ chọn câu „Love means never having to say you’re sorry“ (Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói lời hối tiếc), có nghĩa là nếu hai người thật sự yêu nhau, thì dù có chuyện gì xảy ra, ngay cả phải đoạn tuyệt, chia tay, họ không phải nói với nhau lời xin lỗi, vì họ đã đến với nhau bằng tình yêu đích thực.