Chèvrefeuille que tu es loin – Giàn thiên lý đã xa

    Vào thập niên 70, nhạc ngoại quốc du nhập vào Việt Nam qua trao đổi thương mãi và văn hóa với Pháp-Mỹ, đã dấy lên phong trào nghe nhạc ngoại quốc của người Việt. Các bản nhạc nổi tiếng của Pháp và Mỹ, được các nhạc sĩ Việt Nam như Phạm Duy, Vũ Xuân Hùng, Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Trường Kỳ, Tùng Giang… viết lời Việt rồi chuyển đến khán thính giả qua truyền thông, góp phần không nhỏ vào phong trào tân nhạc và nhạc trẻ miền Nam được khởi xướng từ thập niên 60.

    Vào thời đó, không ai không biết đến ‘Khi xưa ta bé’ (‘Bang Bang’, Sheila, Cher), ‘Em đẹp nhất đêm nay’ (‘La plus belle pour aller dancer’, Sylvie Vartan), ‘Mây lang thang’ (‘A cowboy’s work is never done’, Cher), ‘Đồng xanh’ (‘Green field’, Brothers Four), ‘Búp bê không tình yêu’ (‘Poupée de cire, poupée de son’, France Gall), ‘Hạ vàng biển xanh’ (‘Sealed with a kiss’, Bobby Vinton, Dernier baiser, C. Jerôme), ‘Một thời để yêu’ (‘Les amoureux qui passent’, Christophe), ‘Mùa tình yêu’ (‘Le temps de l’amour’, Francoise Hardy), ‘Dòng sông tuổi nhỏ’ (‘La Maritza’, Sylvie Vartan) …

    Rất nhiều bài nhạc Pháp được thế giới và người Việt Nam yêu thích do nhạc sĩ người Pháp Pierre Delanoë hoặc sáng tác hoặc viết lời Pháp từ các bài hát tiếng Anh. Trong số các bài hát của ông được thế giới yêu thích nhất phải kể đến bài hát ‘Chèvrefeuille que tu es loin’.

PIERRE DELANOË:

    Pierre Delanoë (1918-2006) là một thiên tài văn chương và âm nhạc của Pháp. Ông sáng tác cả mấy ngàn tác phẩm gồm thơ, văn kịch và nhất là các bài hát cho các ca sĩ nổi tiếng như Joe Dassin, Sylvie Vartan, Michel Fugain, Nicoletta, Nana Mouskouri, Michel Polnareff… Người Việt chúng ta từng nghe qua các bài nhạc Pháp nổi tiếng như ‘Et maintenant’ (1962, Gilbert Becaud), La Maritza (1968, Sylvie Vartan), Il est mort le soleil (1970, Nicoletta), Et si tu n’existais pas (1975, Joe Dassin), Les vieux mariés (1975, Michel Sardou)… và được nghe nhiều nhất, bài ‘Chevrèfeuille que tu es loin’ (1968, Nana Mouskouri) qua bài phóng tác lời Việt ‘Giàn thiên lý đã xa’ của nhạc sĩ Phạm Duy (1972, Thanh Lan).

    ‘Chèvrefeuille que tu es loin’ được Pierre Delanoë viết lời trên nền nhạc của bài ‘Scarborough Fair-Canticle’ (Lễ hội Scarborough-Kinh Cầu) của hai ca sĩ người Mỹ Paul Simon và Art Garfunkel.

delanoe     ‘Scarborough Fair’ nguyên thủy là cổ ca Ái Nhĩ Lan với âm hưởng Celtic nói về lời trối trăn của người lính trẻ, nhắn nhủ với người chiến hữu trở về quê hương (ví von lễ hội Scarborough, lễ hội của mùa thanh bình) là anh ta không thể trở về gặp lại người yêu của anh. Điệp ngữ ‘parsley, sage, rosemary and thyme’ là tên của bốn thứ hương thảo gắn bó với đời sống dân chúng từ lúc mới sinh cho đến khi lìa đời, các hương thảo tuy khác mùi nhưng đều là gia vị, cũng như dân các xứ England, Ireland, Britany, Wales, Scotland đều có tổ tiên gốc Anglo-Saxo (German/Allemagne) tại sao phải đánh nhau cho những nguyên nhân đã chìm vào quên lãng (… and to fight for a cause they have long ago forgotten…). Xin đọc các bài ‘Scarborough Fair’ 1, 2, 3 ‘Lạm bàn về bài Scarborough Fair’ để biết rõ hơn về bài cổ ca nổi tiếng nhất và cũng là bài hát ru trẻ (lullaby) hay nhất thế giới.

    Pierre Delanoë nghiên cứu ý nghĩa của hai bài hát ‘Scarborough Fair’‘Scarborough Fair-Canticle’, ông cho rằng nước Pháp không có những cuộc chiến tranh gắt gao giữa các bộ tộc như dân các xứ nói tiếng Anh. Bốn thứ hương thảo ‘parsley, sage, rosemary and thyme’ cũng không phải là văn hóa của nước Pháp. Thay vào đó ông tìm một loại hoa phổ thông trong dân chúng, đặt biệt là dân ở vùng đồng quê. Ông khám phá ra dân quê nước Pháp rất thích cây leo chèvrefeuille, tiếng Anh là honeysuckle, tiếng Việt là cây kim ngân, kim ngân hoa, cây xác pháo, cây ngỗng trời, loa kèn…

chevrefeulle

    Khi Pierre Delanoë viết lại lời Pháp từ bài ‘Scarborough Fair’, ông vẫn giữ ngụ ý của bài hát mang tính cách là một bài hát về chiến tranh đồng thời có nét văn hóa dân gian Pháp. Ông đã khôn khéo kết nối cây kim ngân với chiến tranh và một đôi uyên ương có kết thúc buồn. Trong bản Việt ngữ ‘Giàn thiên lý đã xa’ nhạc sĩ Phạm Duy đã thâm thúy dùng ‘hoa thiên lý’ (telosma cordata, Tonkin jasmine, có nghĩa là hoa lài miền Bắc Việt Nam, vì xưa kia miền Bắc Việt Nam được gọi là Tonkin, miền Trung được gọi là Annam và miền Nam được gọi là Cochinchine) thay thế cho ‘hoa kim ngân’ vì trong văn hóa dân gian Việt Nam không có cây kim ngân, mà cây thiên lý lại gắn bó gần gũi với đời sống dân quê ở Việt Nam, giống như cây kim ngân gắn bó với đời sống dân quê ở Pháp và bốn thứ hương thảo mùi tây, xô, hồng hương và húng tây gắn bó với đời sống dân quê các xứ nói tiếng Anh thời trung cổ. Nhạc sĩ Phạm Duy hiểu được tại sao Piere Delanoë chọn cây kim ngân cho bài hát chiến tranh, và ông thật tài tình chọn cây thiên lý cho bài hát phóng tác lời Việt ‘Giàn thiên lý đã xa’. Nếu nói Pierre Delanoë đã có công Pháp hóa bài cổ ca tiếng Anh bằng hoa kim ngân thì nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã có công Việt hóa bài hát tiếng Pháp bằng hoa thiên lý, và cũng có công giới thiệu với người Việt bài cổ ca hay nhất thế giới. Đa số người Việt phê phán nhạc sĩ Phạm Duy dịch sai khi dịch ‘chèvrefeuille’ là hoa thiên lý. Nhưng nếu họ biết lý do tại sao Pierre Delanoë khi viết lời Pháp lại không chọn persil, sauge, romarin et thym (parsley, sage, rosemary and thyme) mà lại chọn loại cây leo dại chèvrefeuille thì cũng sẽ biết lý do tại sao nhạc sĩ Phạm Duy chọn hoa thiên lý (cũng là loại cây leo dại) khi phóng tác bài hát từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Nhạc sĩ Phạm Duy không dịch sai, ông chỉ Việt hóa bài hát.

parsley

‘CHÈVREFEUILE QUE TU ES LOIN’ VÀ LỜI VIỆT ‘GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA’

1/ Pauvre garçon qui pense au pays
Chèvrefeuille que tu es loin
Pauvre garçon que l’amour oublie
Un peu plus à chaque matin

2/ Veux-tu ma belle tailler pour moi
Chèvrefeuille que tu es loin
Une chemise dans les draps
Où naguère nous dormions si bien

3/ Veux-tu me trouver un arpent de terre
Chèvrefeuille que tu es loin
Tout près de l’église au bord de la mer
Pour chanter mon dernier refrain

4/ Maintenant je sais que c’est la fin du soleil
Chèvrefeuille que tu es loin
Et je voudrais que ce soit toi ma belle
Qui m’enterre de tes propres mains

5/ Pauvre garçon qui pense au pays
Chèvrefeuille que tu es loin
Pauvre garçon que l’amour oublie
Un peu plus à chaque matin

1/ Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi

2/ Này nàng hỡi! nhớ may áo cho người
Giàn thiên lý đã xa tít mù khơi
Tấm áo cắt ngay, đã cắt trên khăn mượt mà
Là chiếc chăn đắp chung những ngày qua

3/ Tìm một miếng đất cho gã si tình
Giàn thiên lý đã xa mãi nghìn xanh
Miếng đất cát hoang, miếng đất ngay bên giáo đường
Biển sẽ ru tiếng hát bên trùng dương

4/ Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời
Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi!
Lắp đất, hố tôi, lắp với đôi tay cô nàng
Thì hãy chôn, trái tim non buồn thương

5/ Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi

    Tháng 6 năm 1968, nữ ca sĩ Hy Lạp Nana Mouskouri lần đầu tiên hát bài ‘Chèvrefeuille que tu es loin’ trên radio đã làm xúc động hàng triệu thính giả Pháp khi bài hát gợi lại kỷ niệm thời niên thiếu và ký ức đau thương của họ qua hai cuộc đại thế chiến.

    (Xin mở ngoặc một chút ở đây: hầu hết dân Việt Nam ai cũng biết nữ ca sĩ Nana Mouskouri và trên 300 bài hát của cô, nổi tiếng và quen thuộc với dân Việt Nam là các bài ‘Sonata’, ‘Plaisir d’amour’, ‘The white rose of Athens’, ‘Ave Maria’, ‘Try to remember’, ‘Dans le soleil et dans le vent’…. và ‘Chèvrefeuille que tu es loin’).

CÂY KIM NGÂN VÀ DÂN CELTIC GAULOIS CỔ ĐẠI:

Cây kim ngân có tên khoa học là Lonicera Periclymenum, tên thông dụng tiếng Anh là honeysuckle, woodbine, tên tiếng Pháp là chèvrefeuille. Là cây leo dại, có 180 loại trên thế giới. Ở châu Âu, cây kim ngân mọc khắp nơi từ rừng núi cho đến thảo nguyên, từ phía nam Na Uy- Thụy Điển xuống các đảo ở Địa Trung Hải như Corsica, Sicily, Malta, Cyprus… và có khoảng 50 loại.

kim ngan

    Dân Pháp từ thời còn là dân tộc cổ đại Celtic Gaulois (mà chúng ta biết đến qua truyện tranh Asterix et Obelix), xứ Gaul cổ xưa cả ngàn năm trước Công nguyên đã biết dùng lá và hoa của cây kim ngân trong y khoa. Họ đun lá, hoa tươi hay khô trong nước nóng và uống như uống trà, để thanh nhiệt cơ thể, trị mụn, làm giảm đau đớn cho phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, trị cảm cúm, ho và tiêu đờm. Tiệm thuốc Đông Y hiện nay vẫn dùng hoa kim ngân phơi khô đun nước uống để thanh nhiệt cơ thể, cũng giống như công dụng của a-ti-sô, mía lau và trái kỷ tử. Hoa kim ngân còn được dùng làm thuốc trị bí đái, tiểu són, nhức đầu và phong thấp.

    Hoa kim ngân được dân quê dùng rộng rãi trong ẩm thực. Người Ý trước thời đế quốc La Mã (Roman Empire) đã sáng chế ra món rau cải chan dầu ô liu trộn với muối, gọi là herba salata (salted greens), lâu dần truyền bá món rau sống này sang khắp châu Âu. Người dân quê khắp nơi cải tiến món herba salata và thêm vào các bông hoa (edible flowers) như tô điểm cho đẹp và tăng hương vị, trong các thứ hoa ăn được đó có hoa kim ngân. Cũng vậy họ trộn hoa kim ngân tươi với các món cá trui hay thịt dê nặng mùi như là một loại gia vị giảm mùi. Dân Gaulois cổ đại thích ăn thịt heo rừng vừa thơm ngậy vừa dai, họ uống nước hoa hay trái kim ngân đun sôi với cà chua và nấm để nhuận trường mau tiêu. Hoa còn được dùng trong các sinh hoạt hằng ngày như kết hoa đeo trên tóc, tặng nhau để bày tỏ tình yêu hay lòng quý mến, làm hương liệu cho dầu thơm, dầu gội đầu.

    Trong phong tục và tín ngưỡng người Celtic Gaulois dùng hoa kim ngân để dâng cúng trên bàn thờ, xông mùi thơm trong nghi lễ an táng hay xây nhà mới và xông khói xua đuổi ma quỷ khi nhà có người bệnh nặng. Trẻ mới sinh được tắm bằng nước ngâm hoa kim ngân như một nghi thức gột rửa hơi thở của quỷ thần ám vào, đồng thời là chúc may mắn cho đứa bé. Nếu không có hoa tươi, họ cho vài giọt dầu hoa kim ngân vào trong nước tắm. Người ta cũng bện vòng hoa kim ngân treo trước cửa nhà, trên lò sưởi và trên đầu giường trẻ nhỏ và người bệnh, hay quấn dây leo chung quanh cái nôi của trẻ mới sinh, vì họ tin rằng cây leo ‘thần thoại’ này có vị thần bảo hộ ngăn chận ma quỷ vào nhà, giúp trẻ con ngủ ngon như bùa ‘tầm mộng’ (dreamcatcher) và giúp người bệnh không bị ma quỷ quấy nhiễu. Các phong tục về hoa kim ngân vẫn được lưu truyền đến nay ở các làng quê xa xôi, nhưng ở tỉnh thành hoa kim ngân chỉ còn mang biểu tượng của may mắn, gắn bó, lâu bền và thuần khiết.

    Người Celtic Gaulois cổ xưa ép hoa kim ngân để lấy tinh dầu làm nước hoa, làm thuốc sát trùng, trị ngộ độc, no hơi, dịu phỏng, ngứa, làm mát da dộp phồng do phơi nắng.

    Trong lễ hỏa táng người Celtic Gaulois thường rải hoa kim ngân phủ đầy xác chết trước khi mang lên giàn hỏa, với hy vọng vị thần hoa kim ngân bảo hộ linh hồn người chết không bị ma quỷ bắt đi.

asterix

HOA KIM NGÂN VÀ ĐỜI SỐNG DÂN MIỀN ĐỒNG QUÊ:

    Hoa kim ngân bắt đầu nở vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 cho đến cuối tháng 10, giống như hoa thiên lý ở Việt Nam. Hoa kim ngân có nhiều chủng loại, hoa có màu vàng và trắng, hay màu hồng-vàng, hồng-trắng, đỏ-cam, đỏ-trắng, xanh-trắng, xanh-vàng, tím-trắng, loa kèn màu đỏ, cam, tím, vàng (trumpet honeysuckle)… hoa có hương thơm hơi giống dạ lý hương nhưng nhẹ thoang thoảng và có mùi đồng quê chứ không có mùi vương giả như hoa hồng hay lãng mạn như hoa oải hương.

    Xưa ở thôn quê người ta trồng nhiều loại hoa dùng cho các dịp lễ nhưng chỉ có vài loại hoa mọc suốt từ mùa xuân đến giữa thu, trong đó phải nói đến hoa kim ngân.

    Là loại hoa dại, dễ trồng, sức sống mãnh liệt, bất cứ ở đâu đều tìm được cây kim ngân hoa, trong rừng, ngoài đồng, dựa hàng rào, vách đá, vách tường thành, gầm cầu… dân quê đa số là dân nghèo cho nên họ nghiên cứu và tận dụng lợi ích của cây kim ngân, không tốn tiền mua và vô hình chung cây kim ngân đã gắn liền với phong tục tập quán của người dân thôn quê từ xưa.

    Các trẻ nhỏ vào mùa hè lang thang khắp đồng quê chơi đùa, chúng thường hái hoa kim ngân và nút lấy chất ngọt từ cuống hoa, thậm chí có đứa nhai luôn hoa để hưởng thụ hương thơm pha chút chua ngọt của đài hoa. Các cô học trò hái hoa kim ngân ép trong tập cho thơm nhất là các cuốn lưu bút chuyền tay trong mùa bãi trường, giống như ép hoa tương tư thảo (pensée).

    Người dân đồng quê ở Pháp và châu Âu không ai là không biết đến mật hoa kim ngân, chưng cất từ hoa kim ngân, có màu vàng chanh, đặc sệt giống như mật ong và tuy không ngọt như mật ong lại có mùi hương thật nồng nàn. Người ta dùng mật hoa ướp thịt hay cá nướng, pha vào thức uống như trà và nước đá chanh, pha vào rượu champagne hay rưới lên kem lạnh để tăng thêm hương vị.

    Cuối mùa hè, các cây kim ngân kết trái (honeysuckle berries, haskap) nhỏ tí thành từng chùm, có loại cho trái đỏ và tròn, có loại cho trái tím và dài, có loại cho trái đen hay cam… các trái có vị chua hay chát, nhai nhiều mới thấy có vị ngọt, các cô cậu nhỏ chơi đùa và hái các trái kim ngân nhấm nháp cho qua những ngày hè cuối cùng bên nhau trước khi tựu trường, giống như trẻ con ở Việt Nam vào mùa hè thường leo trèo tìm ăn các trái trứng cá, chùm ruột, trái mực, trái sim…

trai kim ngan

    Người dân miền đồng quê hái trái kim ngân tím nấu với đường làm mứt trét lên mặt trên của bánh pie, bánh sinh nhật, hay làm nhân bánh kẹp. Vào buổi sáng họ ăn điểm tâm bằng bánh mì với mứt trái kim ngân giống như ăn với các loại mứt trái cây khác. Họ xay nhuyễn trái kim ngân với đường và sữa tươi làm nước sinh tố có màu tím nhạt rồi ngâm trong tủ lạnh vài giờ trước khi uống. Cũng với cách này người ta cho thêm men sữa chua và làm ra ‘da-ua’ (yaourt, yogurt) trái kim ngân.

    Dù không có hàm lượng đường cao như nho và dâu đỏ, người ta vẫn dùng trái kim ngân (thường là trái có màu vàng hay cam) làm rượu trái cây và chưng cất để làm rượu gin và rượu ngọt liqueur có nồng độ cao (17% – 35%+). Họ uống rượu gin trong bữa ăn và liqueur lúc ăn tráng miệng. Rượu gin chưng cất từ trái kim ngân vẫn có mùi hương của hoa kim ngân cho nên một số dân quê dùng nó để pha chế các món ăn hải sản như cá, sò, hến… đặc biệt là dân miền biển phía Nam nước Pháp và vùng Địa Trung Hải. Món trui nai, cừu, dê và heo rừng thì được ướp với rượu ngọt liqueur làm bằng trái kim ngân để giảm bớt mùi hăng của thịt. Người dân quê uống rượu trái cây kim ngân có hàm lượng đường thấp khi ăn các món thịt dê, cừu… nấu theo kiểu Ý, Andalusian hay Ả Rập có vị cay và cũng uống ngâm lạnh giống như rượu vang hồng và trắng. Đây là rượu cây nhà lá vườn của dân miền đồng quê, dân thành phố ít người biết đến, cho dù có biết họ cũng sẽ chọn rượu vang vì rượu vang được sản xuất theo kỹ nghệ, đủ loại, đủ mùi vị, đủ màu sắc và ngon hơn rượu làm từ trái kim ngân.

    Trong các ngày lễ hội ở địa phương và toàn quốc, các lễ của Công giáo và lễ cưới ở thôn làng, trẻ em kết vòng hoa kim ngân trên đầu, quanh cổ và vòng tay đã trở thành một phong tục từ ngàn xưa, biểu tượng cho sự hồn nhiên thanh khiết. Tại các lễ cưới, các cô dâu kết vòng hoa kim ngân trên đầu, cườm tay, đeo trên cổ vì hoa tượng trưng cho tình yêu gắn bó (bonds of love) do các dây leo quấn lấy nhau thành một nùi. Bó hoa các cô dâu cầm tay thường được thêm thắt vào chục hoa kim ngân cho thơm. Mùi thơm của hoa kim ngân bay rất xa, vừa ngọt vừa rất dễ chịu. Giống như dạ lý hương, vào ban đêm hoa kim ngân tỏa hương thơm ngào ngạt hơn ban ngày. Những đêm hè oi ả dân miền đồng quê thường ngủ ngoài hiên sau khi uống vài ly rượu vang, mùi hoa kim ngân thoang thoảng trong không gian yên tĩnh khiến họ rất dễ đi vào mộng đẹp. Hoa kim ngân lâu tàn, cho nên thường được dân quê chưng bày trên bàn ăn, kết làm tràng hoa hay lẵng hoa dân cúng bàn thờ Đức Mẹ Maria, Đức Chúa Jesus và các thánh. Vào mùa hè người ta thường cho đầy hoa kim ngân vào bồn nước thánh đặt trước cửa nhà thờ vừa thơm vừa có ý nghĩa thanh tẩy (cleansing).

bouquet

    Người dân quê ở châu Âu dùng hoa kim ngân tươi ép lấy nước hoa pha với mật hay đường để làm syrup giảm ho. Một số dân quê ngâm thật nhiều hoa trong rượu Vodka để làm rượu Vodka có mùi hoa kim ngân. Giống dân quê Việt Nam hái hoa thiên lý ăn sống như một loại rau, dân quê ở châu Âu trộn hoa kim ngân với hành, cà, cải xanh và dầu ô-liu để làm ra món salad ăn hằng ngày.

    Tinh dầu chiết xuất từ hoa kim ngân dùng để bào chế dầu gội đầu, dầu thơm, dầu sát trùng, thoa lên chỗ bị phỏng để mau kéo da non và làm dầu thánh trong nghi lễ xức dầu và lễ rửa tội của Công giáo. Nhiều hãng mỹ phẩm Pháp ngày nay cũng làm nước hoa chèvrefeuille, mùi dễ thương, ngọt ngào, kín đáo mà lại quý phái, điển hình là hai hãng Estée Lauder và Yves Rocher. Tuy nhiên bắt đầu từ cuối thập niên 80 kỹ nghệ bào chế và sản xuất nước hoa phát triển mạnh, các hãng mỹ phẩm làm ra cả ngàn mùi hương và ngày nay người ta không ai còn nhớ đến nước hoa mùi chèvrefeuille nữa, cũng như lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy ‘… tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi…’.

edt

HOA KIM NGÂN, NGƯỜI LÍNH PHÁP VÀ THẾ CHIẾN THỨ HAI:

    Từ đầu thế kỷ 20, nước Pháp hứng chịu hai đại thế chiến mà vết tang thương không bao giờ xóa được. Vào năm 1914, nước Pháp bị lôi cuốn vào Chiến Tranh Thế Giới Lần Thứ Nhất (World War I, 1914-1918) và là nước chủ lực của phe Đồng Minh (Allies) đối kháng với Đức là nước chủ lực của Liên minh Trung Tâm (Central Powers). Sau bốn năm thế chiến, nền kinh tế của Pháp rớt xuống tận cùng, 20 năm sau khi kinh tế tạm ổn định thì nước Pháp lại một lần nữa bị cuốn vào Chiến Tranh Thế Giới Lần Thứ Hai (World War II, 1939-1945).

    Những thanh niên trẻ lên đường tòng quân, nam cầm súng xông pha tuyến đầu, nữ ở hậu phương làm y tá chăm sóc thương bệnh binh. Đa số quân nhân và y tá nhập ngũ từ hơn 1000 thôn làng và thị trấn. Các quân nhân Pháp khi tái chiếm các vùng bị quân Đức chiếm đóng, nhìn cây kim ngân trổ hoa mà nhớ quê nhà, gia đình, người thân, người yêu, bạn bè và cả những người mình… không thích! Nhiều người ghi lại về kỷ niệm của họ với giàn hoa kim ngân ở quê nhà thành những mẩu tự truyện mà sau này khi đọc lại thân nhân của họ ai cũng ngậm ngùi rơi lệ. Một số cuốn sổ tay của các quân nhân tử trận nay vẫn được lưu trữ ở các thư khố và viện bảo tàng chiến tranh khắp nước Pháp.

    Pierre Delanoë hiểu được tâm tình của các quân nhân lúc nhìn thấy cây kim ngân, cho nên ông mở đầu bài hát ‘Chevrefeuille que tu es loin’ với hai câu:

    ‘Pauvre garçon qui pense au pays, (thằng bé đáng thương cứ nhớ nhà)

    Chevrefeuille que tu es loin…’ (giàn kim ngân ở quê nhà đã xa vời vợi…)

    Đa số thanh niên đi lính lúc còn rất trẻ vì nhà nghèo, muốn kiếm thêm sinh ý cho gia đình, hành trang lên đường chẳng có gì cả ngoài cuốn sổ tay và cây viết, Pierre Delanoë khéo léo gọi nhân vật trong bài hát là ‘pauvre garcon’, ‘đứa trẻ đáng thương, tội nghiệp’ (bất hạnh), vì nghèo phải xa gia đình khi còn ở tuổi ‘teen’ (dưới 20 tuổi) cho nên cứ nhớ nhung quê nhà nơi cậu sinh ra và trải qua cuộc đời niên thiếu. Nhiều gia đình quá nghèo đành phải khai tuổi giả cho con trai lớn để cậu ta nhập ngũ sớm và có thêm tiền lương để phụ giúp gia đình đông anh chị em.

    Nhạc sĩ Phạm Duy phiên dịch 2 câu đầu này dựa trên nốt nhạc, tưởng không có cách nào dịch hay hơn: ‘tội nghiệp thằng bé’ và nhất là hai tiếng ‘quê nhà’ (hometown) vừa hợp nốt nhạc vừa làm người nghe liên tưởng ngay đến nơi chàng trai trẻ sinh ra và lớn lên ở một thôn làng nào đó:

    ‘Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà, giàn thiên lý đã xa đã rời xa…’

Chỉ với hai câu đầu của bài hát đã làm xúc động hàng triệu quân nhân và y tá sống sót sau hai đại chiến thế giới. Gia đình thân nhân của những người quá cố cũng xúc động với hai câu mở đầu, vì con em của họ đã từng là ‘đứa trẻ đáng thương’ xa gia đình, xa giàn hoa kim ngân ở ngoài ngõ và không bao giờ trở lại, ‘giàn thiên lý đã xa mãi người ơi!…’

    Phong tục của người Pháp, cũng như nhiều nước trên thế giới, là thân nhân mặc quần áo mới cho người chết, trước khi liệm vào quan tài hay hạ huyệt. Nghèo không có tiền mua quần áo mới thì mặc vào cho người chết bộ quần áo cũ khi họ còn sống. Trong bốn câu thứ nhì của bài hát Pierre Delanoë mô tả cặp vơ chồng trẻ quá nghèo, không có tiền mua quần áo liệm, người chồng hỏi vợ có thể may cho anh chiếc áo được cắt ra từ chiếc chăn trải giường mà hai người đã từng nằm qua, (chăn trải giường mang ý nghĩa là ‘tình yêu lứa đôi’, cắt ra là ‘chia ly’):

    ‘Veux-tu ma belle tailler pour moi, (Em có thể may cho tôi không)

    Chèvrefeuille que tu es loin, (giàn kim ngân đã xa mãi người ơi)

    Une chemise dans les draps, (một chiếc áo cắt từ chăn trải giường)

    Où naguère nous dormions si bien’ (mà chúng ta từng yên giấc nồng)

    Bốn câu này nhắc nhở dân châu Âu vốn đã nghèo khó, trải qua Thế Chiến Thứ Nhất đã chỉ còn hai bàn tay trắng, chưa gượng dậy thì Thế Chiến Thứ Hai lại tràn đến, người thân ngã xuống trong chiến tranh mà họ, những người sống sót không có tiền mai táng người thân.

    Ở bốn câu của đoạn 3, khi chàng trai biết không thể trở về quê nhà được và hỏi người yêu tìm cho anh ta một mảnh đất xây mộ, gần nhà thờ ven biển, nơi tiếng chuông giáo đường và âm thanh của biển ru (hay nguyện) hồn anh ta ở nơi an nghỉ cuối cùng:

    ‘Veux-tu me trouver un arpent de terre, (tìm giúp tôi một mảnh đất)

    Chevrefeuille que tu es loin, (giàn kim ngân đã xa tít mù khơi)

    Tout près de l’église au bord de la mer, (cạnh giáo đường ven biển)

    Pour chanter mon dernier refrain…’ (chuông và âm thanh của trùng dương nguyện hồn tôi ở nơi an nghỉ cuối cùng)

    ‘Mon dernier refrain’ nên hiểu là ‘điểm dừng cuối cùng’, refrain là danh từ Pháp bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ (Old French) ‘refraindre’,có nghĩa là ‘ngừng lại’ cũng như trong tiếng Anh ‘refrain’=cease, stop=ngừng=quit=bỏ cuộc, vậy thì mon dernier refrain nên hiểu là my last stop=nơi an nghỉ cuối cùng của tôi. Còn chanter vừa có nghĩa là ru (ru hồn chàng trai ngủ yên) vừa có nghĩa là cầu nguyện (chuông nguyện hồn chàng trai vĩnh viễn an vui ở thiên đường).

eglise

    Có rất nhiều đôi uyên ương phục vụ cùng đơn vị, cùng chiến tuyến, một ngày chàng trai hy sinh, xác được mang về hậu cứ và cô bạn gái trong bộ đồng phục y tá vuốt mắt và hôn người yêu lần cuối trước khi chôn cất người bạn tình. Pierre Delanoë mô tả vĩnh biệt lần đó qua bốn câu của đoạn 4:

    ‘Maintenant je sais que c’est la fin du soleil, (Nay tôi biết nắng đã tắt, tức là ‘tôi từ giã cõi đời’, vì theo ngôn ngữ Anh-Pháp, mặt trời đã tắt là cách nói ví von tình yêu đã hết, người yêu đã chết-ma vie c’est fini).

    ‘Chevrefeuille que tu es loin, (giàn kim ngân đã vĩnh viễn xa rồi người ơi)

    ‘Et je voudrais que ce soit toi ma belle,’ (tôi ước ao, người yêu của tôi ơi)

    ‘Qui m’enterre de tes propres mains…’    (đắp mộ tôi bằng chính đôi tay của em… theo phong tục xưa của nhiều nước, người ta đắp mộ bằng tay để tỏ lòng thành kính và thương yêu người chết mà chúng ta thấy rất nhiều qua phim ảnh. Đây là nguyện vọng của chàng lính trẻ, sống ngắn ngủi với người mình yêu, nhưng lúc chết linh hồn được ở cạnh nàng, lại có vinh hạnh được người yêu của anh mai táng, chính tay đắp mộ anh theo phong tục cổ truyền của nước Pháp).

    Bốn câu này làm hằng triệu thân nhân gia đình ngậm ngùi khi hồi tưởng lại chính tay họ chôn cất chồng con, anh em, người yêu hay bạn bè, những người mà linh hồn vĩnh viễn ra đi, chỉ để lại thân xác phủ khăn trắng. Một số tử sĩ được thân nhân mang xác về quê hương an táng, một số được chôn về nghĩa địa gần chiến trường nơi họ gục ngã, trong đó phải kể đến những nghĩa địa ở miền Bắc Pháp nơi chôn cất chiến sĩ của liên quân Mỹ-Anh-Canada trong trận đổ bộ lịch sử D-Day, June 6-1944.

    Người ta tìm được khá nhiều quyển sổ tay của các quân nhân Pháp tử trận, ghi lại nguyện vọng của họ được chôn cạnh mộ của những anh hùng vượt đại dương giải phóng châu Âu. Ở nghĩa trang quân đội Canada Bény-sur-mer, Normandy có mộ của 3 người lính Pháp được chôn cùng với 940 lính Canada và một người lính Anh, nơi dưới đồi xa là bãi biển Juno (Juno Beach) mà vào ngày D-Day, June 6-1944 các quân nhân Canada vượt đại dương, đổ bộ lên bãi và gục ngã. Và đó là những ‘ngôi mộ cạnh giáo đường ven biển’ của Pierre Delanoë, cũng là ước mơ của hai cụ già người Pháp trong câu chuyện tình của hai cụ mà tôi đã gặp gỡ hằng mấy chục năm trước, sẽ kể lại trong một lần khác.

war2

    Số phận của những quân nhân Mỹ-Anh-Canada và 27 quốc gia khắp thế giới tham chiến cũng ví như thằng bé tội nghiệp trong bài hát, họ bị buộc phải xa gia đình đi chinh chiến ở xứ người và một số đã vĩnh viễn không thể trở về quê hương. Pierre Delanoë kín đáo nhắc nhở về những nghĩa trang của quân đội đồng minh Mỹ-Anh-Canada nằm trên miền đất cao của bờ biển Normandy. Từ các nghĩa trang nhìn ra đại dương là 5 bãi biển (Utah, Omaha, Gold, Juno và Sword) mà hơn 20 năm trước (bài hát ra đời năm 1968) các quân nhân của 3 nước đổ bộ và hy sinh, nơi đặt chân đầu tiên trớ trêu thay cũng chính là nơi an nghỉ cuối cùng của họ.

cemetary2

    Tìm một miếng đất cho người lính trẻ xa quê hương

    Giàn thiên lý đã xa mãi nghìn xanh

    Miếng đất quạnh hiu, miếng đất ngay bên giáo đường

    Hồn chàng yên nghỉ trong tiếng chuông giáo đường và lời ru của trùng dương

    Ở bốn câu của đoạn 5, cũng là bốn câu của đoạn 1 được lập lại nhưng ý tứ của 2 đoạn lại khác nhau. Bốn câu của đoạn 1, mô tả chàng trai trẻ rời xa quê nhà, mà giàn kim ngân gợi nhớ hình ảnh ở làng quê nơi anh ta sống một thời thơ ấu bình dị, êm đềm, khi anh xa quê nhà, người yêu của anh ta dần dần quên anh:

   ‘… Pauvre garçon que l’amour oublie un peu plus à chaque matin’ (thằng bé đáng thương mà tình yêu ngày qua ngày phai nhạt dần)

    Nhưng với bốn câu của đoạn 5, ý nghĩa lần này là chàng lính trẻ đã vĩnh viễn ra đi, mang theo mối tình đã chìm vào quên lãng nơi quê nhà. Đây là lối làm thơ khá phổ thông ở châu Âu, mình có thể gọi là ‘màn hai cảnh cũ’, cùng câu thơ như ý nghĩa khác.

    Pauvre garçon qui pense au pays (thằng bé đáng thương cứ nhớ quê nhà-trong đoạn 5, lúc nhắm mắt lìa đời chàng trai trẻ vẫn nghĩ đến gia đình và người yêu)

   Chevrefeuille que tu es loin (giàn kim ngân vĩnh viễn xa rồi-có nghĩa là chàng vĩnh viễn ra đi)

    Pauvre garçon que l’amour oublie (tội nghiệp cho thằng bé chẳng còn ai thương nhớ)

    Un peu plus à chaque matin (tình yêu chôn vùi theo thời gian)

    Hai đoạn 1 và 5 giống hệt nhau từng chữ một, nhưng khác nhau ở bối cảnh, thời gian và định mệnh. Pierre Delanoë thật là tài tình khi ông viết lời bài ‘Chèvrefeuill que tu es loin’ thật bình thường, nhẹ nhàng, và thính giả mới nghe qua bài hát cũng chỉ nghĩ đến một chuyện tình đơn giản, cậu bé mới lớn xa quê nhà mang theo mối tình mà cậu sẽ không bao giờ được đáp trả. Trước khi nhắm mắt lìa đời cậu ước mơ được người yêu chôn cậu ở cạnh giáo đường ven biển, đắp mộ cậu bằng đôi tay của cô, nhưng ước mơ mãi sẽ chỉ là ước mơ vì người yêu nơi quê nhà đã quên cậu rồi. Toàn bài hát chẳng có câu nào nhắc về chiến tranh cả, chỉ mô tả nỗi niềm nhớ quê nhà của chàng trai trẻ và ước nguyện lúc lìa đời.

    Thế nhưng hàng triệu người Pháp cũng như dân châu Âu, những người đã sống sót sau hai kỳ đại thế chiến lại vô vàn xúc động khi tìm được hình ảnh cũ, ký ức, khung trời kỷ niệm của họ và người thân qua hình ảnh giàn hoa kim ngân ở vùng đồng quê và những mùa hè thanh bình.

    Người dân châu Âu của thế kỷ trước, những người mà cuộc đời đã từng gắn bó với hoa kim ngân từ thuở ấu thơ, đã từng vui từng buồn cùng với loài hoa dại, từng mê say yêu đương khi ngửi được mùi hương, từng nhớ nhung người thân khi nhìn thấy hình ảnh của chúng, nối tiếp nhau ra đi mang theo kỷ niệm cả đời của họ với loài hoa dân dã. Họ vĩnh viễn ra đi giống như định mệnh của chàng lính trẻ trong bài hát:

    … Pauvre garçon que l’amour oublie (tội nghiệp cho thằng bé chẳng còn ai thương nhớ)

    Un peu plus à chaque matin (tình yêu chôn vùi theo thời gian)

Người châu Âu ngày nay, các thế hệ con cháu và cả những người đến từ lục địa khác đã chẳng còn ai biết tới một loài hoa từng được gọi là…

‘Fleur de l’enfance, fleur des mémoires’… ‘Hoa của tuổi thơ, hoa của kỷ niệm’

fluer de lenface

Ottawa, June 6, 2021

Lê Anh Dũng

Werbung

Đặt tên

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.

Câu này có lẽ không đúng trong trường hợp của tôi vì cái tính „hay cãi“ của tôi vốn được đúc kết từ một gia đình mà tư tưởng dân chủ đôi khi làm lu mờ triết học Khổng-Nho. À, „cãi“ ở đây không có nghĩa nôm na là … „hỗn“ mà là sự biểu hiện ý tưởng đối lập bằng cách đưa ra lý luận, dẫn chứng khác những gì mà người có vai vế cao hơn cho là đúng.

Một thí dụ đơn giản: đặt tên. Đương nhiên chúng ta không thể tự chọn cho mình một cái tên gọi theo ý thích được vì khi chào đời ta chỉ biết khóc oe oe, trình độ văn hóa chưa đủ để nghĩ ra một cái tên hoa mỹ cho chính mình. Nhưng ngoài cha mẹ, chế độ dân chủ cho phép ta có thể đặt tên cho …  người khác.

Số là, khi mẹ tôi mang bầu đứa thứ sáu, một ngày đẹp trời, cả gia đình tôi tham gia cuộc họp bình chọn tên cho hài nhi chuẩn bị khóc oe oe quấy phá giấc ngủ mọi người. Chế độ dân chủ cho phép mọi thành viên trong gia đình đều có quyền giơ tay ý kiến, ý cò, chỉ một điều kiện là phải biện luận trả lời câu hỏi: Tại sao?

– Con muốn em tên Giao.

– Tại sao?

Đứa thứ năm trong gia đình tôi tên Quỳnh, như vậy Giao sẽ là cái tên duy nhất hợp tình, hợp cảnh như đã trình bày trong bài Con bé con tôi, tuổi Dần.

Ở Việt Nam, thời ấy chưa có siêu âm, khó lòng đoán trước giới tính của vị tiên sắp bị Ngọc Hoàng giáng xuống hạ giới làm người phàm trần nên đề nghị Quỳnh Giao nhanh chóng được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị bàn tròn và, cũng nhanh chóng không kém, có ngay cách giải quyết vấn đề:

– Nếu em là trai thì mình đặt tên Xuân Giao.

Chế độ dân chủ không chỉ kết thúc ở cây quỳnh, cành giao:

– Nếu em là gái, mang tên Quỳnh Giao, thì tên của con đâu?

Đứa thứ tư giơ tay đòi hỏi quyền công dân trong một gia đình mà tư tưởng dân chủ đôi khi làm lu mờ triết học Khổng‑Nho và gây rối loạn trong các cuộc họp Nội các:

– Còn tên của con nữa!

Một cánh tay khác giơ lên, nhao nhao đòi hỏi quyền lợi dân chủ:

– Tên của con …

Lại thêm một cánh tay với ý kiến ngắn gọn, súc tích:

– Tên con …

Bộ trưởng bộ Tư pháp, ở nhà gọi nôm na là „bố tôi“, gật gù có vẻ đồng tình. Suy cho cùng, ông là người duy nhất chẳng phải tranh chấp, đòi hỏi quyền lợi gì vì họ của ông đã nghiễm nhiên chiếm chỗ đứng đầu tiên trong tên khai sinh của vị tiên sắp bị Ngọc Hoàng giáng xuống hạ giới làm người phàm trần.

MLCT

  Mai, Lan, Cúc, Trúc

Người Việt mình thường đặt tên cho con cái theo kiểu „một chùm“ cho dễ nhớ như „Tứ quân tử“ Mai, Lan, Cúc, Trúc nếu sanh bốn cô con gái, hoặc „Ngũ Thường“ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín nếu sanh năm thằng đực rựa, còn mà nhà đông con, lại cả nếp lẫn tẻ thì Trường, Giang, Sơn, Hải, Vạn, Lý, Sanh, Chi, Hoài, Thế … Bố mẹ tôi chắc bị „vỡ kế hoạch“ nên sau khi cho ra đời „Tứ Quí“ Hồng, Đức, Hạnh, Phúc lại thêm một Thị Mẹt, thành thử đứa thứ năm mang tên một loại hoa chỉ nở về đêm:

Ta mang cho em một đóa quỳnh

Quỳnh thơm hay môi em thơm

Em mang cho ta một chút tình

Miệng cười khúc khích trên lưng

Quỳnh Hương – Trịnh Công Sơn

Bộ trưởng bộ Nội vụ, ở nhà gọi nôm na là „mẹ tôi“, cũng không quên quyền lợi dân chủ của mình:

– Nhớ kèm họ ngoại vào nhé!

Đến đây thì cuộc cuộc họp Nội các chấm dứt vì các bộ trưởng phải đánh răng đi ngủ để sáng mai còn thức dậy nổi mà … đi học, với một cái tên được bỏ phiếu thuận Bảy‑Trên‑Bảy, tức là không có phiếu chống hoặc phiếu trắng: Bùi Vũ Hồng Đức Hạnh Phúc Quỳnh Giao nếu vị tiên sắp bị Ngọc Hoàng giáng xuống hạ giới làm người phàm trần là Quỳnh Hoa công chúa, còn mà là Thiên Bồng Nguyên Soái Trư Bát Giới sẽ thành Bùi Vũ Hồng Đức Hạnh Phúc Diễm Quỳnh Xuân Giao vì nếu thiếu chữ „Diễm“ thì nghe không xuôi tai cho lắm, hơn nữa, cho đúng luật bằng trắc trong ca dao:

Khi đi Trời dặn phân minh

Người phàm thì xướng Diễm Quỳnh, Xuân Giao

Hôm mẹ tôi sanh thằng Út, Sài Gòn ngập lụt trong một cơn mưa bão. Bác tôi là người đưa mẹ đến nhà bảo sanh vì bố  đã dẫn mấy đứa em tôi đi vượt biên bặt âm vô tín. Bác tôi không thuộc nghị sĩ của Nội các cho nên lúc làm giấy khai sinh ông ghi vắn tắt, vỏn vẹn:

– Giới tính: nam

– Họ tên: Bùi Vũ Hồng Thủy

vì có lẽ từ trước tới giờ, bác tôi chưa hề gặp trận mưa bão lũ lội nào như vậy ở Sài Gòn cả.

„Cựu“ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi „vượt cạn“ an toàn, đã xin làm lại giấy khai sinh cho Thiên Bồng Nguyên Soái Trư Bát Giới, thằng Út nhà tôi may mắn không phải mang tên Hồng Thủy đầy nữ tính, nhưng có lẽ vì chế độ dân chủ giờ đã xa tầm tay, cuộc bỏ phiếu hôm nao đã lùi vào dĩ vãng nên thằng Út nhà tôi cũng mất luôn cơ hội có một cái tên tổng cộng mười chữ, một cái tên dài nhất Việt Nam.

st-valentines-day-3149481

 

Triết lý về thời gian

Do dịch cúm Vũ-Hán, nhiều người bị „giam lỏng“ ngoài ý muốn. Tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Để không bị „hóa rồ“ vì vô công rỗi nghề, tôi nghe lời bạn bè dụ dỗ quay sang xem phim Hàn Quốc nhiều tập, bắt đầu bằng bộ phim „Crash landing on you“ (Hạ cánh nơi anh), xoay quanh chuyện tình yêu kẻ Nam người Bắc giữa Yoon Seri, một phụ nữ xinh đẹp, giàu có, sở hữu một công ty thời trang nổi tiếng ở Seoul, với sĩ quan đại úy đẹp trai Ri Jung Hyuk, con trai Tổng trưởng Cục chính trị Bắc Triều Tiên, khi cô lạc qua biên giới Bắc Hàn. Tưởng chấm dứt ở đây, ai dè Vũ-Hán vẫn ngự trị sau 16 tập … sụt sùi nước mắt. Tính sao bây giờ? Nhỏ bạn hỏi:

Coi phim „Memories of the Alhambra“ (Ký ức Alhambra) chưa?

Nghe tựa phim hay hay nên tôi mở Netflix lên kiếm, may quá có chiếu. Tập 1, tập 2, tập 3 … Càng coi càng bị lôi cuốn vào những tình tiết rối rắm, chi tiết ngoắt ngoéo, mà lúc nào cũng „đứt ngang“ ngay khúc gay cấn nhất để người xem phải đón chờ coi tập tiếp theo. Dần dần, tôi đâm ra nghiện phim bộ Hàn Quốc. Mà dường như hiểu được tâm trạng „người bị giam lỏng“ nên ngày càng có nhiều bộ phim được Netflix cho „lên sóng“. Nếu trước kia chỉ lèo tèo vài bộ phim dạng „ướt khăn giấy Kleenex“ thì bây giờ tôi có thể chọn phim theo thể loại: trinh thám, tình cảm, hài hước, kinh dị, khoa học giả tưởng, cổ trang v.v.
Phim không chuyển ngữ nên tôi phải vận động tối đa khả năng vừa xem tài tử diễn xuất vừa đọc phụ đề. Và tôi khám phá ra rằng những mẩu đối thoại trong đó mang nhiều triết lý cuộc sống. Hèn chi phim được yêu chuộng, không chỉ ở Hàn Quốc hay khu vực châu Á mà là … trên toàn thế giới: châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, châu Úc. Chỉ ở Bắc cực là K-Drama (Korean Drama) chưa được biết đến, có lẽ vì người Eskimo không có thói quen xem ti-vi nên có khả năng tự miễn nhiễm ghiền phim bộ Hàn Quốc chăng?

Một vài triết lý khá hay trong các phim K-Drama mà tôi đã „luyện“ qua:
Crash landing on you: Sometimes, the wrong train takes you to the right station. Đôi khi leo lên nhầm chuyến xe lửa lại đưa ta đến đúng sân ga.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng theo đúng như ý ta mong đợi, quan trọng là mình đạt được điều dự tính.

My love from another star (Vì sao đưa anh tới): There is no one who lives for death.
Câu này tạm dịch thoát ý là „Người ta không sống để có một cái chết đẹp.“

W –  Two worlds apart (Hai thế giới):  Just because it’s not a lie doesn’t mean it’s true.
Nó không là lời nói dối không có nghĩa đó là sự thật.
Hãy sáng suốt để phân biệt được đâu là thật, đâu là ảo, đừng để bị lôi cuốn vào những điều mộng mị làm sai lạc lòng mình.

Start Up (Khởi nghiệp): If you know why, you will overcome any how.
Cách hiệu quả nhất để vượt qua trở ngại, khó khăn, chính là biết được nguyên nhân gây ra nó.

Hotel Del Luna (Khách sạn Ánh trăng) For a flower to blossom, she needs to feel the wind and face the rain too.
Phải trải qua mưa gió cây mới trổ hoa đẹp, muốn thành công phải có ý chí vượt khó.

Bộ phim tôi khá ưng ý là Alice.
Park Jin-gyeom sinh ra là người vô cảm vì mẹ anh mang thai khi du hành thời gian vào năm 1992 và bị nhiễm phóng xạ. Ở năm 2020, anh là thanh tra cảnh sát đang điều tra các vụ án bí ẩn và phát hiện sự có mặt của những người du hành thời gian đến từ tương lai của năm 2050 thông qua một tổ chức có tên „Alice“. Anh gặp Yoon Tae-yi, giáo sư đại học có thiên tài về vật lý, nắm giữ chìa khoá bí mật đi xuyên thời gian, có ngoại hình giống hệt mẹ anh bị bắn chết vào năm 2010. Mỗi tập của bộ phim bắt đầu bằng một câu triết lý nổi tiếng như của Einstein, Horace, Sartre, Nietzche, Longfellow … trong đó có nhiều câu nói về thời gian:

Time is the coin of your life. It is the only coin you have, and only you can determine how it will be spent. Be careful lest you let other people spend it for you.
– Carl Sandburg
Thời gian là tiền bạc. Đó là đồng xu duy nhất bạn có và chỉ bạn mới có thể xác định được nó sẽ được xử dụng như thế nào. Hãy cẩn thận khi mà bạn để người khác chi tiêu nó.
Câu này không có nghĩa nói ta đừng lãng phí thời gian của mình cho những việc … của người khác, mà hãy biết dùng thời gian cho những việc „ta“ muốn thực hiện.

Hoặc câu: Today only comes once.
„Ngày hôm nay“ chỉ đến duy nhất một lần.

Hay câu: Time passed is time lost, lazy and lethargic, and cannot be kept even if you have infinite chances. — Jean-Paul Sartre
Thời gian trôi qua là thời gian mất đi, lười biếng và uể oải, không thể giữ được dù bạn có cơ hội vô hạn.

Với tuổi đời ngày càng nhiều, tôi càng thấm thía câu triết lý này của Sartre. Thời gian qua đi ta không thể xài nó được nữa, hãy biết trân trọng và xử dụng thời gian còn lại để không phải nuối tiếc khi bắt đầu bước vào cái tuổi

Về vườn vui với cỏ hoa
Sáng trông mây lượn chiều tà ngóng trăng

Last but not least: Look not mournfully into the past. It comes not back again. Wisely improve the present. It is thine. Go forth to meet the shadowy future, without fear.
Đừng nuối tiếc quá khứ. Nó không quay trở lại nữa. Người khôn ngoan biết tận dụng và làm hiện tại được tốt đẹp hơn vì nó đang thuộc về chính mình. Hãy can đảm đối diện với tương lai dù nó có mờ mịt đi chăng nữa, đừng sợ hãi. – Henry Wadsworth Longfellow

Love K-Drama. Love its philosophy.

Con rùa biển xanh

Nghe lời thầy Menne, thầy dạy tiểu học của đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi, khuyên nên tập cho trẻ con có thói quen đọc sách, tôi đã mua cho nó quyển truyện đầu tiên „Momo“, tác giả là Michael Ende, kể về một cô bé lôi thôi, lếch thếch, sống ở ngoại ô một thành phố lớn, giữa những đống gạch đổ nát của một hí trường. Cô bé chả có gì cả ngoài những gì mình tìm thấy, nhặt được hoặc người ta bố thí cho, nhưng cô lại sở hữu mội tài năng phi thường: Cô lắng nghe mọi người và cho họ thời gian.

Một ngày nọ, trong thành phố dần dần xuất hiện bóng dáng những người đàn ông trông thật lịch lãm với gương mặt vô cảm trên làn da màu xám tro, đội mũ phớt màu xám tro, mặc áo vét màu xám tro, bước xuống từ những chiếc xe hơi đắt tiền cũng màu xám tro. Họ tự giới thiệu là đại lý của ngân hàng tiết kiệm có kỳ hạn. Họ tính toán cho mọi người biết có thể tiết kiệm được bao nhiêu thời gian nếu loại bỏ những hoạt động được cho là vô ích ra khỏi cuộc sống của mình. Tiết kiệm thời gian là sẽ kiếm được lãi suất cao.

Mọi người đua nhau tiết kiệm thời gian: Họ làm việc nhanh hơn, gấp gáp hơn và không cho phép mình nghỉ ngơi hay vui chơi. Ngay cả trong thời gian rảnh rỗi, họ cũng không tìm thấy sự bình yên. Nhưng mặc dù háo hức tiết kiệm thời gian, họ ngày càng có ít thì giờ hơn. Bởi vì trên thực tế, các ông mặc áo màu xám tro đang lừa đảo và đánh cắp thời gian quí giá của con người. Momo là kẻ duy nhất có thể ngăn chặn ý đồ đen tối của những tên ăn trộm thì giờ ấy.

Đương nhiên lúc bấy giờ đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi chưa đủ i-tờ để đọc quyển truyện dày khoảng 300 trang đó nên tối nào tôi cũng ráng nhướng mắt lên đọc cho nó nghe dù sức lực đã tàn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Hơn nữa, nó chỉ thích nghe tôi đọc thôi, lý do tại sao thì xin xem „Đại bàng“ (nhấn vào đây để xem), một truyện ngắn dạng âm thanh (audiobook), đăng trên YouTube Channel „Góc Nhỏ Hạnh Phúc“ (nhấn vào đây để xem).

Nay thì đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi đã có thể tự mua sách về đọc. Tôi chỉ còn đóng vai người dọn vệ sinh, tức là có nhiệm vụ đem những quyển nó đã đọc xong về tặng lại thư viện thành phố hay xếp vào tủ làm kiểng. Một trong những quyển để làm kiểng này là „Das Café am Rande der Welt“ (Original: The Why Café) của John Strelecky, một câu chuyện triết lý về ý nghĩa của cuộc sống, trong đó có đoạn cô bồi bàn Casey kể về việc cô đã gặp một con rùa biển với những đốm màu xanh lục khi đi lặn nổi trong kỳ nghỉ mát tại Hạ-Uy-Di.Tôi ngạc nhiên vô cùng khi nhận ra rằng mình không thể bơi nhanh như chú rùa ấy, mặc dù trông nó di chuyển khá chậm. Thỉnh thoảng nó dùng chân làm chèo quạt quạt vài cái rồi lại thả mình trôi theo dòng nước. Tôi được trang bị với hai chân vịt to để trợ lực đẩy mỗi khi tôi muốn tiến về phía trước. Tôi cũng không bị áo phao hay bất cứ thứ gì làm giảm vận tốc bơi của mình. Vậy mà con rùa biển cứ ngày càng cách xa tôi hơn, cho dù tôi có cố gắng đến thế nào đi nữa. Sau chừng mười phút nó chỉ còn là một đốm nhỏ. Kiệt sức, thất vọng và xấu hổ vì thua kém một chú rùa, tôi quay ngược trở vào bờ.
Ngày hôm sau tôi bơi ra chỗ cũ với hi vọng lại nhìn thấy những con rùa biển xanh đẹp mắt. Tôi kiên nhẫn đứng chờ dưới nước khoảng 30 phút thì thấy một đàn cá nhỏ màu vàng chấm đen ùa đến. Và một chú rùa. Tôi quan sát nó bơi quanh quẩn ở một cụm san hô gần bờ. Lúc nó rời khu vực ấy, quay ngược trở về biển khơi, tôi cũng sải theo nó. Tôi lại ngạc nhiên lần nữa khi thấy mình không thể theo kịp nó và ngừng thôi không đạp xoành xoạch hai cái chân vịt nữa. Tôi thả mình theo dòng nước cuốn, mắt không rời chú rùa. Ngay chính lúc đó, con rùa biển xanh đã cho tôi một bài học quan trọng trong đời.
Lúc tôi ngừng đạp chân vịt và thả mình trôi lững lờ, tôi chợt khám phá ra rằng con rùa đã điều chỉnh các động tác của nó sao cho phù hợp với chuyển động của dòng nước. Khi bị một cơn sóng vỗ vô bờ đập vào mặt nó, nó sẽ tự thả mình trôi theo và chỉ quạt chèo vừa đủ để giữ vị trí của mình. Và khi làn sóng chảy ngược ra biển, nó lấy hết sức chèo thật nhanh, tận dụng sự chuyển động của nước theo hướng có lợi cho mình. Con rùa không bao giờ chiến đấu với sóng biển, mà dùng sức đẩy của sóng để tiến xa hơn.
Tôi không thể theo kịp con rùa biển xanh vì tôi cứ cố gắng đập liên tục hai cái chân vịt xòe to, bất kể nguồn nước chảy theo hướng nào. Thoạt đầu thì điều ấy không gây trở ngại gì và tôi có thể bơi song song với chú rùa để ngắm những đốm xanh lục trên mình nó được sắp xếp ngoạn mục không theo một bản mẫu nào. Thỉnh thoảng tôi còn phải bơi chậm lại nữa. Nhưng dần dần tôi cảm thấy càng ngày càng vất vả hơn khi cố sức chống chọi với những con sóng kéo ngược tôi trở vào bờ. Và vì vậy tôi không còn đủ sức để tận dụng đợt sóng xuôi ra hướng biển khơi nữa. Những cơn sóng liên tục ào vào bờ rồi lại cuộn ra khơi cứ tiếp nối như thế không ngừng, và tôi càng ngày càng đuối sức, không thể bơi nhanh như trước nữa. Con rùa biển xanh thì khác, nó điều chỉnh chuyển động của mình để thích nghi với sóng biển một cách tối ưu và vì thế đã bỏ xa tôi.

Tôi ngẫm ra rằng con rùa, à quên, con rùa biển với những đốm xanh lục, đã dạy cho tôi một bài học: Nếu ta không tập trung vào những việc ta muốn, ta có thể lãng phí năng lượng của mình vào rất nhiều thứ khác. Khi có cơ hội để làm những gì ta muốn, ta không còn sức lực hoặc thời gian để làm điều đó nữa.

Tôi có một danh sách ghi những điều tôi dự định sẽ làm khi bước vào tuổi hưu trí.
Gấp sách lại, bỏ kính lão xuống, tôi lấy cái danh sách đó ra và gạch bỏ điều đầu tiên trên đó. Tôi sẽ bắt đầu thực hiện điều ấy vào … ngày mai.