Đầu năm 1981, từ Nazareth, thanh thiếu niên không có cha mẹ đi kèm được phân bổ đến các nhà hoặc trường nội trú thuộc tiểu bang Niedersachsen, tiểu bang nhận người tị nạn nhiều nhất trong số gần 40.000 thuyền nhân Việt Nam, mà vào thập niên 80, ông Ernst Albrecht (CDU), lúc đó là Prime Minister, lên tiếng kêu gọi dân Đức ra tay cứu giúp. Nhờ vậy, người Việt may mắn không phải trải qua quá trình xin tị nạn kéo dài như những người tị nạn chính trị từ Chile, Argentina hay Trung Đông, đã bị từ chối đối xử ưu đãi vào thời điểm đó, vì họ không phải là người chạy trốn chế độ cộng sản. Một luật tương ứng đã dành đặc quyền cho thuyền nhân Việt Nam: họ được học tiếng Đức, được giúp đỡ tìm chỗ ở, việc làm. Với những ưu đãi đó, cùng tinh thần ham học hỏi cao và mong muốn hòa nhập xã hội, nhiều người Việt đã thành công ở Đức, có cơ sở kinh tế vững chắc, nghề nghiệp ổn định. Ngày nay, họ là ví dụ điển hình cho sự hội nhập thành công của người tị nạn tại Đức.
Ba anh em được phân bổ đến nhà nội trú Jugenddorf Bad Nenndorf, tại một làng cách Hannover khoảng 35 km. Ở Đức, các thị trấn mang tên „Bad“ phải đẹp, có công viên, không khí trong lành, nhiều nơi còn có cả nguồn suối nước nóng ngầm để mọi người dễ dàng tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ dưỡng sức khỏe, vì nơi đây là một „Kurort“ (health resort). Nhà nội trú chia ra ba khu, con trai ở riêng (Jungenhaus), con gái ở riêng (Mädchenhaus), bác Hiệp vì đã quá „già“ nên ở khu „người lớn“ dành cho nhân viên làm việc trong nội trú. Ngoài thanh thiếu niên người Đức chính hiệu con nai vàng, bên khu con gái còn có người tị nạn Eritrea thuộc châu Phi. Lúc đầu, mẹ sợ chúng nó lắm, nước da đen lay láy, tóc xoăn tít thò lò, trông thật dữ tợn. Nhưng khi mẹ lân la làm quen mới khám phá ra là tụi nó rất hiền hòa, có phần „khờ dại“ nữa, không „láu cá“ như mẹ, biết „lỉnh“ sang khu con trai chơi mà không bị bắt quả tang, hoặc lỡ nếu vô tình chạm mặt giám thị thì giả lả nói „đem bài vở qua cho anh tao“ – bác Đức – vì bên con trai không có các cô người Eritrea khóc sụt sùi khi xem „Dallas“, một trong những bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ thành công nhất thế giới, lấy bối cảnh ở Dallas, miêu tả những điều phức tạp của gia đình Ewing. Bọn con trai xem phim hành động, lái xe, bắn súng ầm ầm, ít nói tiếng Đức nên dễ hiểu. Giờ thì con đã biết sở thích xem thể loại phim này của mẹ xuất phát từ đâu ra rồi nhé!
Trong thời gian chờ nhập học vào khoảng giữa tháng Tám, ban ngày mẹ vẫn chăm chỉ theo lớp học tiếng Đức của một cô giáo già gốc Áo, dạy cho tất cả đám tị nạn Việt Nam và Eritrea, mong nghe tiếng chuông báo hiệu đến giờ ăn trưa với những món nóng sốt, vì buổi chiều chỉ ăn lạnh, bánh mì và phô mai, xúc xích, rất là khó nuốt, buổi tối lén „đem bài vở qua cho anh tao“ để xem „action film“.
Rồi cũng đến ngày khai trường. Ở Việt Nam mẹ mới vào lớp 10 được mấy tháng thì bị đuổi học do đi vượt biên quá nhiều, mỗi lần như vậy lại nghỉ vài ngày, có khi cả tuần. Bà ngoại bị nhà trường kêu lên … kiểm điểm. Trong cơn nóng giận vì cãi nhau tay đôi với một bà cán bộ nào đó thuộc ban Giám hiệu, ngoại lôi mẹ xồng xộc ra khỏi phòng họp và tuyên bố „không cần đến trường nữa, mẹ cho đi học tư“. Thật là một … sai lầm lớn, vì học tư không có bạn để ganh đua nên … chán phèo. Trong hơn một năm học tư đó mẹ chả học hỏi được gì cả. Ngày ngày, mẹ đứng ở cổng trường, chờ đến giờ tan học để được đi lang thang với đám bạn cũ và nghe chúng nó kể những gì xảy ra trong lớp. Vì vậy, mẹ bị xếp học lớp 9, trường Realschule Rodenberg, cách nhà nội trú khoảng 3,5 km, phải đi xe buýt, mùa đông rất … lạnh khi đứng chờ ở trạm xe. Lớp 9R4 không có phòng học riêng (Wanderklasse), sau một giờ học lại phải đổi phòng. Bạn cùng lớp toàn mắt xanh mũi lõ, nhìn đứa nào cũng giống đứa nào, không phân biệt được, thầy cô phải kiếm mẹ để ngoắc kêu vào lớp. Nhưng mẹ nhanh chóng tìm ra phương pháp nhận dạng lớp của mình bằng cách chọn thằng cao nhất lớp, đẹp trai nhất lớp – sau này mẹ mới biết là nó cũng học … ngu nhất lớp luôn – tên Dieter, và ráng nhớ mặt nó để không bị lạc mỗi lần chuyển đổi phòng.
Dù đã học tiếng Đức hơn 6 tháng ròng rã, mẹ không thể nào hiểu được thầy cô giảng cái gì, học sinh rì rầm cái gì – ở Việt Nam hay ở Đức đều giống nhau, con trai thì nghịch ngầm, con gái nói chuyện trong lớp, thầy cô phải phạt này, phạt kia để bắt học trò chú tâm nghe giảng. Mẹ được xếp ngồi bàn chót, tuốt trong góc, chả bù hồi xưa, lúc nào cũng bị ngồi bàn đầu vì nhỏ con nhất lớp, muốn được ngồi cạnh Tata Ngọc Anh cao lêu nghêu phải độn cặp táp. Thầy chủ nhiệm lớp 9R4 là ông Müller, dạy môn Toán và Vật lý. Thầy cao ráo, tóc vàng, đeo kính, trông rất nghiêm nghị, khác những thầy cô dạy văn chương, sinh ngữ, lúc nào cũng tươi cười, thân thiện với học sinh. Giờ thầy Müller dạy, ông luôn chuẩn bị một xấp giấy toàn số là số, cộng, trừ, nhân, chia đủ cả, mẹ cứ thế là ngồi tính toán, trong khi thầy giảng đại số, hình học mà mẹ nghe như sấm, chả hiểu gì cả.
Học kỳ một, phiếu điểm của mẹ chỉ có môn Pháp văn và hội họa được điểm 1, các môn khác đều ở mức điểm 4, hoặc 3, hoặc ghi là „có tham dự“ (teilgenommen). Học kỳ hai, mẹ có thể lõm bõm hiểu được một phần. Buổi trưa, sau giờ ăn với những món nóng sốt, mẹ không leo lên giường ngủ khoèo mà lật sách, ráng đọc, tra tự điển để hiểu những gì còn ù ù cạc cạc. Buổi tối không „đem bài vở qua cho anh tao“ nữa, mà tiếp tục lật sách, „học trước“ bài kế tiếp với hi vọng sẽ bắt kịp các bạn khi thầy giảng đến đoạn đó. Thỉnh thoảng, mẹ cũng xuống xem ti-vi chung với đám con gái nước da đen lay láy, tóc xoăn tít thò lò, vì mẹ bắt đầu hiểu nhiều tiếng Đức hơn, tuy vẫn không khóc sụt sùi, có lẽ do mẹ không xem đều đặn, không biết hết các tình tiết éo le trước đó, nên không thấy thổn thức gì cả. Với một quyết tâm phải lấy được Tú Tài, mẹ đã tốt nghiệp lớp 10, môn điểm 3 là thấp nhất. Không có đường đi thẳng từ Realschule vào đại học, tốt nghiệp lớp 10 với điểm cao thì được quyền học tiếp lên lớp 11 tại một trường trung học phổ thông (Gymnasium) để thi lấy bằng Tú tài sau khi học hết lớp 13. Ngay cả thể thao – mà bao giờ mẹ cũng là người về chót ở môn điền kinh, ném tạ thì quả tạ rớt ở trước mũi chân độ … nửa mét, khỏi kể xa hơn đến những môn như nhảy xa, nhảy cao, phóng lao – mẹ cũng phải cố gắng để vượt qua điểm 4 nếu muốn được lên lớp 11. Năm lớp 10 có thêm bơi lội và nhảy dây, nên từ 4 mẹ leo lên được điểm 3, vì hai môn thể thao này không phụ thuộc nhiều vào chiều cao và cơ bắp.
Sau hai năm, chương trình hướng nghiệp chấm dứt, phải chuyển ra khỏi nội trú. Bác Đức đi học nghề, bác Hiệp lên Hannover, ghi danh học lại đại học vì bằng Kỹ sư điện của bác không được công nhận ở Đức. Mẹ lên lớp 11, chuyển đến trường nội trú Christophorusschule Braunschweig (con có tham dự khóa Deutsche Schülerakademie tại đây vào mùa hè 2012). Ngày 22 tháng 10 năm 1983, mẹ nhận được điện tín của ngoại báo tin sẽ đến Đức, do đơn xin bảo lãnh ngoại và cậu Giao theo dạng đoàn tụ gia đình đã được thông qua.
Thời gian đầu ở Bad Nenndorf, mẹ vẫn còn liên lạc thư từ với bác Toàn. Đó là lý do tuy số con gái người Việt chỉ đếm trên „một“ bàn tay mà con trai thì „đông lắm“ – mẹ không nhớ là bao nhiêu – mẹ vẫn „bình chân như vại“, dê chưa kịp đến gần đã bị chó sủa chạy mất dép. Nhưng „loin des yeux, loin du coeur“ – người Đức cũng có câu này „aus dem Auge, aus dem Sinn“ , tiếng Việt là „xa mặt, cách lòng“ – cuối cùng, mẹ bị một người – lại cũng bạn với bác Hiệp – cưa đổ. Mẹ có kể cho bác Toàn nghe, bác ấy nói mẹ được quyền quyết định, chuyện mà bác ấy lo sợ đã xảy ra, nhưng không ngờ sớm hơn dự tính. Thư từ thưa dần và đến khoảng đầu năm 1982 thì chấm dứt.
Khác với Jugenddorf Bad Nenndorf, Jugenddorf Braunschweig không chỉ là nội trú mà còn là trường trung học phổ thông mang tên Christophorusschule. Mẹ học lớp 11, chọn Toán, Vật lý, Anh văn và Pháp văn là 4 môn thi Tú tài, những môn rất ít dính dáng đến tiếng Đức để có thể đạt điểm cao. Nhưng vì Toán và Lý vẫn phải hiểu mới làm bài được, nên con thấy trên kệ sách nhà mình vẫn còn những quyển sách giáo khoa cũ này, trong khi sách học của các môn khác như Sử, Địa, Vạn vật, Anh văn, Pháp văn v.v. mẹ không lưu giữ lại vì không có kỷ niệm nhiều với nó. Mẹ trau giồi tiếng Đức của mình qua những môn khoa học. Mỗi lần thầy dạy Toán xướng tên học sinh để lên nhận bài viết kiểm tra thầy đã chấm xong, theo thứ tự từ điểm 6 đến điểm 1, mẹ khỏi cần chú ý ngóng tên mình, vì bao giờ bài của mẹ cũng nằm ở dưới chót, với số điểm cao nhất. Môn Vật lý nhiều tiếng Đức hơn, nên mẹ chỉ nằm trong „top five“. Anh văn thì ở mức điểm 2, à la „three refill“. Con còn nhớ lần đi chơi ở Knott’s Berry Farm với Briana chứ? Mẹ vào mua nước, loại ly thật to uống chung cho đỡ tốn tiền, và nghĩ rằng mình chỉ được „refill“ 3 lần. Do trời nóng, sau 3 lần „refill“ con kêu khát nước, mẹ cầm ly vô mua thêm, đưa tiền trả thì cô bán hàng lắc đầu ngầy nguậy từ chối:
– You don’t have to pay. It’s free! (Bà không phải trả tiền. Miễn phí.)
Thấy mẹ ngẩn ngơ có vẻ … ngớ ngẩn, cô ta lập lại chậm rãi hơn:
– Free refill!
Hóa ra „free refill“, vậy mà khi mua lần trước mẹ lại nghe thành „three refill“. Ý mẹ muốn nói là thầy cô đã xác định đúng trình độ tiếng Anh của mẹ rồi, không thể vượt qua cột mốc điểm 2. Còn Pháp văn thì lúc nào mẹ cũng là học trò cưng cả, vì đa số học sinh Đức không thích môn này, chỉ học vì đó là môn sinh ngữ bắt buộc sau Anh văn nếu không chọn sinh ngữ thứ hai là tiếng Latin. Mẹ vốn có căn bản Pháp văn, lại thêm siêng năng cần mẫn, giờ Pháp văn đôi lúc bị bắt quả tang đang ngồi „thả hồn qua cửa sổ“ mà vẫn trả lời trót lọt những câu hỏi của cô. Cô Gisela von Kienitz, dạy mẹ Pháp văn những năm lớp 9 và lớp 10, cuối tuần hay đến nội trú đón về nhà cô, chơi với con gái cô cũng trạc tuổi mẹ. Nhờ cô, mẹ học được nhiều phong tục, tập quán người Đức. Đó là lý do tại sao mỗi lần về Braunschweig thăm cậu Giao, mẹ luôn sắp xếp để ghé thăm cô, kể cô nghe về cuộc sống của mình, ngay cả khi cô vào viện dưỡng lão. Lúc tuổi già, cô mắc bịnh Parkinson, mẹ đang đút cô ăn thì tự dưng cô đột ngột ngưng cử động, như Robot đang đi thì hết pin, thức ăn trong miệng rơi vãi hết ra bàn. Lúc nhận thư báo cô từ trần, mẹ bùi ngùi thương nhớ cô. Còn cô Mainka dạy mẹ Pháp văn từ lớp 11 đến lớp 13. Cô chọn mẹ là học sinh duy nhất được sang Pháp trong kỳ nghỉ hè, ở nhà người Pháp bản xứ để tu luyện sinh ngữ, chi phí do nhà trường đài thọ hoàn toàn. Tuy vậy, cô chỉ cho mẹ 14 điểm khi thi vấn đáp môn Pháp văn, có lẽ nếu cho điểm tối đa thì hơi lộ liễu là thiên vị chăng?
Nói chung là các thầy cô đều rất thương mẹ, một phần có lẽ vì mẹ là người Việt, vốn đã được rèn phải biết kính trọng, vâng lời thầy cô – không „láo“ như học sinh Đức, cãi thầy như hát hay – nên được lòng thầy cô hơn. Nhưng phần lớn, có lẽ do mẹ là người ngoại quốc, mà tiếng Đức thì khó, nên thầy cô đã châm chước, khuyến khích, động viên, đặt nền tảng cho mẹ đủ sức vươn lên ở quê hương thứ hai này. Những thành đạt của mẹ phải nói rằng từ công lao dạy dỗ của các thầy cô ấy. Con cũng vậy, thầy Menne, thầy Lynch, thầy Azarvan, cô Speuser, cô Silex và những thầy cô khác của con mà mẹ không nhớ hết tên, là những người góp công không nhỏ cho tương lai, sự nghiệp của con, con phải luôn ghi nhớ điều này nhé, hỡi đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ!