Câu chuyện tháng Tư

Hôm nọ, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi chợt thắc mắc:

– Bạn con nói ba mẹ nó chẳng kể gì về chuyến vượt biên của họ, mà con cũng chẳng bao giờ nghe mẹ kể về chuyến vượt biên của mẹ?

Ừ nhỉ, có lẽ đến lúc tôi nên chuyển sang ghi chép những gì còn sót lại trong cái ký ức bắt đầu lão hóa của mình thay vì viết nhăng nhăng cuội cuội về những câu „Chuyện cõi tạm“, để sau này đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi còn có lý do ngồi đánh vần i tờ mà đọc „Hồi ký của mẹ“.

Vào một ngày tháng 4 năm 1980, bà ngoại tìm được „mối“ móc nối đưa người đi vượt biên bằng đường biển, khởi hành từ Sóc Trăng, giá 2 cây vàng một đầu người, mẹ và bác Hiệp, bác Đức thì họ lấy tổng cộng 5 cây, 3 cây giao trước, 2 cây còn lại đưa trước khi lên ghe.
Ba anh em, ngoài bộ đồ vá chằng vá đụp trên người giả dạng làm dân quê bản xứ, chỉ mang theo mỗi người một bộ quần áo và ít tiền dằn túi. Bây giờ nghĩ lại mẹ mới thấy đó là một việc làm hoàn toàn vô nghĩa vì người thành phố dù có ngụy trang kiểu gì đi chăng nữa vẫn lòi đuôi cáo do đi đứng, dáng dấp, cách ăn nói, âm hưởng, khuôn mặt v.v. không có vẻ gì là dân quê miền Tây Nam bộ cả.

Nhóm người đi vượt biên được đón ở bến xe đò rồi đưa tới tạm trú trong một căn nhà lá vách đất. Họ cho ăn uống qua loa, sau đó bắt ngồi chờ đến lúc trời chạng vạng tối thì chia ra nhiều tốp nhỏ và ra dấu đi theo họ đến bờ sông. Không ai dám nói với ai câu nào vì đã được dặn dò kỹ lưỡng không lòi đuôi cáo „dân Sài Gòn vượt biên“.

Mẹ mất hoàn toàn khái niệm về thời gian, một phần vì sợ, mắt dán chặt vào bác Hiệp để khỏi bị lạc, một phần chung quanh là cây cối, sông nước, chẳng biết đâu là đâu. Thật là vất vả mới leo lên được chiếc ghe mỏng manh, tròng trành ở ven sông, không nhẹ nhàng, an toàn như kỳ mình xuống thuyền trong chuyến du lịch ở Hội An đâu, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ à! Một thằng bé năn nỉ bác Hiệp cõng dùm người chị cậu ấy vì con bé có tật, không thể lội nước.
Ra gần cửa biển, một lần nữa nhóm vượt biên lại bị lùa lội lõm bõm để leo lên chiếc ghe lớn hơn. Phụ nữ, trẻ em họ dồn xuống khoang dưới, thanh niên, đàn ông chen nhau đứng ở trên boong. Mẹ ước chừng hơn năm mươi mạng bị ép cá mòi trên chiếc ghe, mà theo như tấm hình do nhân viên Cap Anamur chụp lại ở trên, mẹ đoán nó dài khoảng hơn 10 mét. Do không chịu được sự ngột ngạt ở khoang dưới, mẹ lần mò leo lên boong, gần chỗ bác Hiệp, ở phía đầu mũi ghe.

Mẹ rời quê hương, để lại sau lưng gia đình, người thân, bạn bè, kỷ niệm …, ra đi vô định, chỉ mang theo duy nhất một ước mơ có được tương lai tự do, tươi sáng. Mẹ không khóc, nhưng nghe lòng mình chùng xuống khi khoảng cách giữa chiếc ghe và đất liền ngày càng lớn dần, cho đến khi chung quanh chỉ còn là đại dương bao la, đen ngòm, không trăng, chỉ thấy sao trời lấp lánh trên cao.

Tháng 3 bà già đi biển.

Câu này ý nói tháng 3 âm lịch là mùa biển lặng, ít sợ sóng có thể đánh lật tàu. Mà quả là đúng như vậy. Biển êm ru, phẳng lì, ta có thể nhìn đến tận chân trời xa tít mù khơi. Lần đầu tiên trong đời mẹ hiểu thế nào là „sống chết nằm trên đường tơ kẽ tóc“: chỉ cần một cơn sóng nhẹ thì cái thuyền mong manh như chiếc lá trong đại dương này sẽ bị lật úp, dù mẹ là vô địch Yết Kiêu hay có hàng vạn huy chương vàng bơi sải, bướm, xấp, ngữa … gì đi chăng nữa, mẹ cũng sẽ là mồi ngon cho đám cá đang vô tư búng mình tanh tách trên mặt biển kia.

Lâu lâu, mỗi người được chia cho chút đồ ăn, mẹ không còn nhớ rõ là cơm ngưội hay bánh mì khô, đại khái chỉ ăn cầm chừng mà thôi. Uống thì mỗi lần là một ngụm nước từ cái nắp của can dầu rỗng 10 lít bằng nhựa trắng mà nhóm tổ chức hứng đầy nước sông đục lờ lợ sau khi họ trút hết dầu vào máy tàu trước khi khởi hành. Mẹ có cảm giác mẹ đang uống nước dầu hôi. Cái cảm giác này theo mẹ mãi đến bây giờ, nên cứ mỗi lần ngửi mùi lá mơ hăng hắc như dầu hôi mẹ lại nhớ đến những ngụm nước trên con tàu vượt biên dạo ấy.

Tuy uống ít nước nhưng cơ thể vẫn làm việc chăm chỉ: lọc và đào thải nước tiểu. Đàn ông thì đơn giản rồi, họ cứ thế là „phi“ nước tiểu xuống biển. Mẹ cũng như các phụ nữ khác chỉ có cách „xả nước cứu thân“ duy nhất là „ở đâu làm đó“, mà hình như lúc ấy mùi dầu hôi đã trở thành một loại EdT (Eau de Toilette) tự nhiên, lấn át hết các mùi amoniac. Cũng có thể cái khứu giác của mẹ đã bị tê liệt dần theo tỉ lệ nghịch của ánh nắng mặt trời ngày càng trở nên gay gắt.
Khi nào quá buồn ngủ mẹ dùng một tay khoèo vào một cái móc ở trên boong để ngộ nhỡ có ngủ gục không bị lăn xuống biển. Mà hình như con người có trực giác sống còn, cứ lúc mẹ sắp say ngủ, tay lỏng ra là tự nhiên giật thót mình tỉnh dậy hay có ai đó đụng vào người mẹ do ghe lắc qua lắc lại.

Lênh đênh trên biển như thế được 2 đêm thì đến khoảng trưa ngày thứ 3, ở mãi phía chân trời xa tắp, chợt hiện lên một đốm đen. Mọi người trên boong nhổm dậy dõi mắt nhìn theo cho đến khi đốm đen ấy to dần và hiện rõ là hình một chiếc trực thăng đang bay thẳng về hướng chiếc ghe của mẹ. Họ bắc loa nói một lô tiếng Anh xí xa xí xồ. Hồi đó vốn liếng Anh ngữ của mẹ chỉ „How are you? I’m fine, thank you“, nhưng mẹ cũng hiểu lờ mờ rằng họ nói sẽ cứu mình và hướng dẫn tài công cách điều khiển ghe tiến dần đến gần con tàu Cap Anamur thế nào để không bị sóng của con tàu vĩ đại này làm lật úp – mẹ phải nói là vĩ đại nếu so với chiếc ghe vượt biên mỏng manh, tròng trành của mẹ.
Khi chiếc thuyền con cặp sát được vào mạn tàu Cap Anamur thì thủy thủ – đa số là người Phi Luật Tân – thòng dây có có căng bạt xuống để kéo trẻ em hoặc phụ nữ quá yếu sức không thể tự leo thang dây lên tàu lớn được.

BOAT PEOPLE WERDEN 1980 VON DEM FLÜCHTLINGSSCHIFF CAP ANAMUR AUFGENOMMEN / ARCHIVBILD 80ER

Trong khi chờ cứu hộ phụ nữ trẻ em, đám chủ ghe lôi dừa ra chặt lấy nước uống, mẹ thấy trong khoang của họ nào dưa hấu, đồ ăn, thức uống chồng chất. Một chút gì đó nghe chua cay trong lòng khi mẹ nhớ đến những cái nắp lõng bõng nước sông, đục lờ lợ, toàn mùi dầu hôi. Nhưng nỗi tức giận đó chỉ thoáng qua trong chốc lát vì khi ấy mấy ông thủy thủ ra dấu tới phiên mẹ chuẩn bị bám thang dây để leo lên.

Lên tàu lớn mẹ được cho uống nước, húp chút súp nóng. Các vị bác sĩ, nhân viên làm việc thiện nguyện ân cần chăm sóc mọi người. Mẹ nhìn họ mà ngỡ đó là những thiên thần không có cánh, chỉ có hai bàn tay đầy thương yêu đang mở ra đón mẹ vào thiên đường hạ giới. Đúng như vậy đó, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ! Thời gian ở trên tàu Cap Anamur – sau khi vớt ghe của mẹ họ còn tiếp tục vớt nhiều chiếc khác nữa – là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của mẹ: không sợ đói khát, không chút lo âu, ban ngày chạy nhảy tung tăng trên boong, nhìn từng đàn cá chim bàng bạc dưới ánh nắng mặt trời, búng mình tanh tách trên biển, buổi tối ngồi ngắm ngàn vì sao rọi xuống đại dương đen ngòm, y hệt như phi hành gia đang du hành trong vũ trụ. Cả tương lai sáng ngời đang chờ mẹ ở phía trước!

Sau khi vớt một số ghe nữa và cũng không còn chỗ chứa thêm người vượt biển, tàu Cap Anamur gieo neo nơi bến cảng Singapore, chờ thủ tục đưa người đến tạm trú tại trại tị nạn Galang ở Nam Dương (Indonesia) trước khi hoàn tất hồ sơ đi định cư ở quốc gia thứ ba. Mẹ sẽ kể con nghe về những tháng ngày sống trên đảo Galang của mẹ trong một chương khác.

Câu chuyện vượt biên của mẹ là thế đấy, không có gì đặc sắc hay tình tiết éo le, ly kỳ như nhiều câu chuyện bi thương khác về số phận những „vietnamese boat people“ vào thập niên 80. Con có thể kể lại cho bạn bè, con cháu của con nghe khi họ thắc mắc về cội nguồn của con, một người da vàng mũi tẹt, sinh ra, lớn lên ở Đức và mang quốc tịch của dân da trắng mũi lõ. Hoặc sau này, trong một chuyến du thuyền nào đó trên biển Thái Bình Dương, vào ban đêm, khi ngồi trên boong tàu ngắm ngàn vì sao chiếu lấp lánh trên trời, con sẽ nhớ đến mẹ cũng đã từng làm như thế trên con đường đi tìm tự do, hỡi đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ!

Würselen, viết ngày 27.04.2022

Werbung

Kommentar verfassen

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s