Chương II: Vượt cạn

Công việc vững chắc, kinh tế ổn định, mẹ bắt đầu nghĩ đến chuyện duy trì hệ thống bảo hiểm xã hội của Đức, tăng nhân lực thi hành nghĩa vụ công dân cao cả, đi làm đóng thuế, đóng hưu trí chứ!

Lúc mang bầu, mẹ luôn ước mong đứa bé sanh ra sẽ là „thánh Gióng“, ăn xong vươn vai đứng lên cưỡi ngựa, cầm roi đi đánh giặc – không quên đóng thuế đầy đủ trước khi lên đường hành quân – khác với Mỵ châu, thường bị chê bai là nhân vật nữ lộ thông tin quân sự cho chồng, làm hủy hoại cơ nghiệp nước Âu Lạc. Nhiều người than phiền:

– Thế kỷ hai mươi rồi mà còn trọng nam khinh nữ sao? Cổ lỗ sĩ quá, chị Hai ơi!

Thật ra, bên nội con đã dư thừa đít tôm, đít vịt hết rồi, mẹ không có áp lực phải kiếm thêm sò ốc nữa. Nhưng mẹ muốn có con trai vì chỉ mỗi việc đi „tiểu“ đã „tiện“ hơn con gái rồi, chưa kể đến những đặc ân ông trời ban cho như không phải „mang nặng đẻ đau“, hàng tháng không mất vài ngày „long thể bất an“.

Mỗi lần mẹ đi khám định kỳ, bác sĩ phụ khoa luôn nói xác suất sanh con gái rất lớn, lúc siêu âm ở vùng bào thai, bà ta không thấy có „cái gì lúc lắc“ cả. Cho đến phút chót, mẹ vẫn hi vọng nặn ra được một „thánh Gióng“ với truyền thuyết: Mẹ Gióng thổi cơm nhưng Gióng ăn không đủ. Cả làng cùng thổi cơm để Gióng ăn, cứ thổi hết bao nhiêu Gióng cũng ăn hết từng đó. Sau khi ăn xong bỗng Gióng đứng dậy vươn vai và biến thành một chàng thanh niên cao to vạm vỡ, khỏe mạnh. Gióng đội nón sắt, mặc áo giáp sắt, cầm gậy sắt, nhảy lên ngựa sắt phun ra lửa, phi ra trận. Gậy sắt quất xuống đầu bọn giặc, ngựa sắt phun lửa thiêu tàn quân xâm lăng. Dẹp giặc xong, Gióng cưỡi ngựa sắt ngang qua làng Phù Đổng, lên núi Sóc Sơn, rồi bay thẳng về trời.

Người Đức sẽ không tin việc chỉ ăn vài nồi cơm là đủ sức làm nghĩa vụ công dân cao cả, đóng thuế đầy đủ, nên „thánh Gióng“ ở phương Tây sẽ mang tên là Kevin Khoa, Kevin từ phim „Kevin – Allein zu Hause“, „thánh Gióng“ đuổi giặc, Kevin đuổi trộm, còn Khoa là tên một thằng bạn của mẹ, mang vần „Khờ“ cho đồng điệu bộ nữ trang gồm bông tai, dây chuyền, giống như … Cindy Chi.

Mẹ không hảo ngọt, nhưng khi mang bầu lại ăn bánh kẹo trừ cơm, có lẽ là „điềm“ sau này không phải thổi mấy nồi cơm cho „thánh Gióng“. Đường dễ làm lên ký. Tính từ lúc có bầu cho đến lúc sanh, mẹ tăng gần 20 kg. Những tuần cuối kỳ thai nghén mẹ phải đeo đai đỡ cái bụng, bởi nó quá to, trông mẹ như lực sĩ Sumo đô vật của Nhật Bản. Theo biểu đồ này thì vào ngày 18.06.1998 – tuần lễ bầu bì thứ 8 – mẹ cân nặng 41,7 kg, ngày 25.01.1999, tuần lễ thứ 38, tròn trĩnh … 59 kg.


Khi thai được 6 tháng, buổi sáng mẹ lái xe ra ga Aachen West, rồi đi xe lửa đến sở (LTU) ở Düsseldorf. Ngồi trên tàu hỏa, mẹ giết thời gian bằng cách tẩn mẩn đan những chiếc vớ, nón, găng tay sơ sinh, tất cả đều màu xanh dương, dành cho „thánh Gióng“, không có cái nào màu hồng cho Mỵ Châu để tránh việc rải … len vụn, dẫn đường cho chồng là Trọng Thủy dẫn quân xâm lược nước Âu Lạc. Buổi chiều, mẹ siêng năng ghi tên tham gia các khóa dành cho bà bầu như phương pháp ăn uống lành mạnh, nhiều chất bổ dưỡng cho thai nhi, cách hít thở lúc chuyển bụng, hướng dẫn tắm rửa, thay quần áo em bé. Mẹ mua đủ loại sách nghiên cứu tâm lý bà bầu, việc sanh đẻ, việc nuôi dạy con, các sách tử vi Đông phương, Tây phương v.v. Mẹ chỉ không thổi lửa nấu mấy nồi cơm to chuẩn bị sức lực cho „thánh Gióng“ để vươn vai đi đóng thuế, vì bên Đức họ ăn bánh mì là chính con ạ! Trưa ngày 25.01.1999, mẹ vào bệnh viện Marienhospital, với niềm „hi vọng chết cuối cùng“ – Hoffnung stirbt zuletzt – là sẽ có một „thánh Gióng“, dù có phải nấu bao nhiêu nồi cơm cũng không tiếc.

Sau hơn 17 tiếng đồng hồ theo dõi, thử đủ mọi kiểu để thúc thai nhi ra mà không được, bà bác sĩ lấy tấm drap trắng, cuộn lại như hình sợi dây thừng, cột vào thành giường rồi vắt cái thừng vải ấy ngang bụng mẹ và dùng hết sức để ép thai nhi tuột ra ngoài. Bà mụ đứng ở phía cuối giường động viên:

– Rờ thấy tóc rồi, cố lên!

Nhưng con vẫn an nhiên hưởng thụ cái ấm áp trong bụng mẹ, nhất định không chịu di dịch thêm tí nào nữa. Bà bác sĩ cuối cùng bỏ cuộc, chạy ra ngoài, rồi quay trở vào với một xấp giấy tờ trong tay:

– Phải mổ để lấy em bé ra không thôi nó chết ngạt mất! Thai nhi quá to mà xương chậu bà lại hẹp, bà làm ơn ký tên chỗ này, chỗ nọ, chỗ kia nữa …

Hình ảnh cuối cùng mẹ còn nhớ là cái thang máy có đèn sáng choang khi mấy cô y tá đẩy mẹ vào phòng mổ. Không biết đau đẻ, không được cắt rốn, mở mắt ra đã thấy bên cạnh mình là một đứa bé sơ sinh, được quấn gọn gàng trong chiếc khăn lông của nhà thương. Bà bác sĩ cùng bà mụ đứng ở cạnh giường, vui vẻ chúc mừng:

– Mẹ tròn con vuông rồi, con gái bà rất ngoan, ít khóc lắm!


Tuy mong „thánh Gióng“ nhưng mẹ vẫn dự phòng chọn tên cho Mỵ Châu, một tên thỏa mãn những điều kiện như không có dấu để người Đức có thể phát âm đúng, không bắt đầu bằng vần „L“ hoặc „N“, do có một số vùng người Việt mình hay nhầm lẫn giữa hai vần này.

Cha mẹ thường mất ngủ bao đêm dài để … tra tự điển, tham khảo ý nghĩa sâu sắc, chọn cho con mình một cái tên hoa mỹ mà đa số là khi bắt đầu biết đánh vần „i nặng … ị, tờ i ti sắc … bén“ chúng đều muốn đổi sang tên khác, hợp ý chúng nó hơn, nên mẹ rút kinh nghiệm, khỏi lật tự điển chi cho hoài công vô ích, và do con trai sẽ mang tên một người bạn của mẹ nên con gái thì mang tên … em gái nó: Y Chi. Người Đức hay người Tây phương thì đơn giản rồi, con trai Alex, con gái Alexa. Da trắng mũi lõ nghe danh Mỵ Châu thích rắc lông ngỗng mà chưa có cơ hội diện kiến để dụ dỗ mua gối lông ngỗng (Daunenkissen), chăn lông ngỗng (Daunendecke), áo khoác lông ngỗng (Daunenjacke) là ú ớ ngay, cần thêm thông tin để phân biệt nam, nữ, thành ra „Cindy“ – từ Cinderella – được chọn làm tên lót.

Mẹ rất ít khi nào gặp may mắn, mọi thành đạt trong cuộc đời mình, mẹ đều phải phấn đấu rất nhiều để có. „Vượt cạn“ cũng không ngoại lệ. Nhưng con thì may mắn hơn. Do sanh qua phẫu thuật, mẹ bị giữ lại bệnh viện khoảng gần hai tuần, sanh bình thường chỉ vài ngày là phải xuất viện rồi. Bị moi thẳng từ trong bụng ra nên đầu con tròn vo, được các cô y tá chăm sóc kỹ lưỡng, tắm rửa sạch sẽ nên tóc không bị bám „cứt trâu“, thay tã thường xuyên nên mông không bị „hăm“, ăn no ngủ kỹ, thành thử lúc về nhà, con theo đà đó rất bụ bẩm, dễ nuôi, chẳng ốm đau gì sất.

Xem quá nhiều sách dạy nuôi trẻ sơ sinh, để thực hành theo, mẹ không dùng Pampers mà bọc tã vải, dơ thì thảy vào máy giặt là xong. Mẹ đan vài cái quần với loại len thủy thủ không thấm nước cho con mặc giữ tã không bung ra. Sách cũng dạy nấu thức ăn em bé với rau củ, trái cây, đủ loại thịt, cá, nhiều dinh dưỡng, dặn dò không uống trà pha từ bột vì có chất đường, liệt kê các bài hát ru em (tuy con chưa nghe được hai câu đã ngủ khoèo), vân vân và vân vân, đại khái là Mỵ Châu cũng được chăm sóc như công chúa con vua An Dương Vương.


Thành ngữ Việt nam có câu „nước mắt chảy xuôi“, ý nói tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, để khuyên ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp nào từ „thánh Gióng“ hoặc Mỵ Châu. Điều này không hoàn toàn đúng lắm. Khi nhận một món quà sinh nhật, ta đã phải nhớ ngày khóc oe oe của người tặng để „hòn chì ném lại“ vào ngày sinh nhật họ, chứ không thể „tình cho không biếu không“ được. Trong đoạn hồi ký mang tựa đề Tôi nuôi con tôi, tôi đếm từng ngày, mẹ liệt kê đầy đủ quà tặng Mỵ Châu từ lúc giải phẫu sinh tử đến ngày con về nhà hớn hở khoe:

– Mẹ ơi, con có điểm Tú Tài rồi nè mẹ!

Con nhớ đọc đoạn hồi ký đấy nhé, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ!

Werbung

Chương II: Học lái xe

Sau khi thi xong Vordiplom, mẹ bắt đầu vạch chương trình cho chặng đường kế tiếp: viết luận án ra trường (Diplomarbeit) và chọn môn thi. Môn lý thuyết là Technical Computer Science, hai môn chuyên ngành là Database và Robotic. Nếu nói về môn học yêu thích thì mẹ chỉ thích Toán, mẹ học các cours Toán nhiều hơn về Informatik. Ngoài những cours toán thuần túy như Algebra, Analysis, Logik, Geometrie, Differentialgleichungen v.v. mẹ theo các cours có liên quan đến Artificial Intelligence như Stochastik, Wahrscheinlichkeitstheorie, Statistik. Mẹ rất thích môn này, nhưng vào thập niên 80, Artificial Intelligence còn phôi thai, theo ngành này tức là chọn hướng đi về nghiên cứu, tuy không phải dở. Bao giờ, ngay cả trong cuộc sống, mẹ cũng có một phương án phụ, để có thể đi con đường khác mà vẫn đến đích. Con đường phụ này là Database, một phần do giáo sư Ehrich nổi tiếng rất dễ dãi nên cũng dễ đậu điểm cao sau … 10 phút, ngắn hơn cả thời gian qui định là từ 15 đến tối đa 30 phút. Thời mẹ học, các môn chính phải thi vấn đáp, mỗi lần đi thi ngồi ngoài chờ tới phiên mình, thấy em nào 15 phút sau mở cửa ra là y như rằng miệng cười toe toét, còn em nào 30 phút là mặt héo như lá khô mùa thu sắp rụng vì xác suất đậu chỉ 1%.

Đề tài luận án tốt nghiệp của mẹ cũng liên quan đến Toán nốt: soạn một Algorithmus để giải phương trình. Tầm thường quá con nhỉ? Ngày nay, có những App chụp hình mà người chân ngắn xuất thân … chim cánh cụt cũng thành siêu sao, cổ hươu, chân đà điểu. Nhưng vào thời đó, những Algorithmus như vậy hoàn toàn là lý thuyết, Programm được hình thành trong đầu, óc của mình là ổ đĩa cứng (hard disk), mã chương trình (program code) là những dòng chữ với nội dung khó hiểu. Buổi bảo vệ luận án có thể xem như phiên bản trừu tượng “Acceptance Test“ của một Software.

Song song việc chuẩn bị thi ra trường, mẹ còn phải trang bị cho mình những gì cần thiết để có thể đi bước kế tiếp – ra đời kiếm sống – nữa chứ: Học bằng lái xe. Ngoài việc đi làm sẽ phải chạy nơi này, nơi kia, giao thiệp, tiếp xúc với khách hàng, mẹ thích xe hơi, vẫn ước mơ xin vào hãng Volkswagen, chẳng những lương cao mà công việc ổn định, lâu dài, vì Đức là nước đứng đầu thế giới về công nghiệp xe hơi mà lị! Sinh viên, vay nợ BAföG, tiền mua sách còn không có, đào đâu ra để học bằng lái xe, mà thời đó khoảng 35 Đức mã một giờ. Vì vậy, mẹ xin làm Hiwi (Hilfswissenschaftler), sửa và chấm điểm bài tập, bài kiểm tra về môn Toán cho sinh viên thuộc khóa dưới mẹ, hoặc khóa trên mà họ chọn Toán là môn phụ, mẹ đủ kiến thức để chấm bài của họ. Làm Hiwi được nhận thù lao, không cao, nhưng có tiền thêm ra để học bằng lái xe. Ngược lại, sinh viên nghỉ hè, nghỉ giữa khóa v.v. thì Hiwi thất nghiệp, không có bài để chấm, không có bài để chấm thì không có lương, không có lương thì không lấy giờ thực tập lái xe được. Thành thử, thời đó trung bình tốn khoảng 1.000 Đức mã để học bằng lái, mẹ mất 1.500 DM, dù thi là đậu ngay, bởi hay bị gián đoạn ngoài ý muốn nên khi tập lái trở lại sẽ quên ít nhiều, tốn kém hơn.

Thi lý thuyết mẹ bị sai 2 câu nhưng vẫn đủ điểm đậu. Đậu lý thuyết mới được học phần thực hành. Giờ đầu tiên, do chỉ dạy điều khiển vô-lăng thôi, hai thầy trò chưa khám phá ra là chân mẹ quá ngắn, không nhấn lút cán bàn đạp sang số được. Xe Golf thời đó chưa khai thác thị trường châu Á nên mức để kéo ghế sát gần tay lái chỉ lấy người Đức chân đà điểu làm tiêu chuẩn. Giờ thứ hai, sau khi loay hoay chán chê với ghế tài xế, ông thầy – có lẽ không muốn mất học trò có tiềm năng … không lấy được bằng lái – an ủi:

– Thôi, tao không tính tiền học lái xe hôm nay, lần sau mày nhớ đem theo gối để lót cho cao lên và độn lưng đẩy ra phía trước thì chắc đạp cần sang số được.

Tiểu bang Niedersachsen là vùng đồng bằng, Braunschweig phẳng như mặt hồ, muốn học cách xử dụng thắng tay lúc dừng xe trên con đường dốc phải vào bãi đỗ xe ngầm mới có cơ hội thực tập một lần cho … đủ thủ tục, vì nó thuộc về những khả năng cơ bản phải học qua. Đó là lý do tại sao mẹ rất sợ những cái dốc ở Aachen, như ngã tư „An der Schanz“, khi lái lên dốc mà ở cuối dốc là đèn lưu thông, mẹ luôn „canh me“, điều chỉnh thích ứng vận tốc nhanh hay chậm để không bị dừng lại ở đèn đỏ, một tình huống mà khi đèn chuyển sang màu xanh chỉ được phép tiến, không được lùi, bởi tuột dốc là sẽ đụng xe đằng sau ngay, biết kết hợp đúng lúc chuyển chân đạp thắng sang đạp cần số, đồng thời nhả thắng tay, sang số, rồ máy vượt dốc, rất ư là khó đối với mẹ, vì mẹ chỉ thực hành động tác ấy độc nhất một lần trong quá trình học lấy bằng lái. Con còn nhớ kỳ mình đi San Francisco? Mẹ đã tự nguyện xuống xe, nhường Gerhard lái, khi thấy những con đường dốc dựng đứng ở thành phố này, dù ở Mỹ lái xe tự động, không cần sang số. Lái xe lên dốc là cái duy nhất làm giảm đam mê lái xe hơi của mẹ.


Tập đậu xe cũng là một khó khăn lớn vì phải đổi số tiến, số lùi liên tục để de vào chỗ trống giữa hai chiếc xe đang đậu ở lề đường. Chức năng này đã ngốn không biết bao nhiêu giờ học thực hành của mẹ, vì chắc chắn phải „biểu diễn“ nó lúc thi bằng lái. May thay, thánh nhân đãi kẻ … chân ngắn! Hôm thi thực hành, vừa rẽ ra xa lộ mẹ gặp ngay một đoàn xe vận tải. Nên nhớ là luôn luôn phải thuộc nằm lòng luật lệ lưu thông, giữ khoảng cách an toàn 40m khi chạy đằng sau xe vận tải và khoảng cách an toàn 30m khi chạy đằng trước xe vận tải. Nếu tăng vận tốc và chuyển sang làn bên trái để vượt „một“ xe, thì chẳng những phải theo đúng luật kể ở trên, mà còn phải tránh việc nhỡ tăng vận tốc không đủ nhanh thì xe đang chạy ở làn trái có thể không thắng kịp và tông vào đít xe mình, nát banh xe, banh xác … ông thầy ngồi bên cạnh. Giải pháp an toàn là … chạy rề rề sau đoàn xe vận tải – 80 km/h – khỏi lo canh cánh là thầy sẽ đạp thắng khi thí sinh đổi làn đường để khỏi banh xác, mà trong quá trình thi thực hành, thầy chỉ cần đạp thắng là trượt vỏ chuối rồi, ông thầy toàn thây thì mới trao bằng lái cho mẹ được chứ! Thương … thầy như thể thương thân, ở hiền gặp lành, ông trời thấy thế lại đãi kẻ chân ngắn lần nữa. Lối ra khỏi xa lộ kế tiếp (Exit) rất xa, hơn 15 cây số, nên với vận tốc „rề rề“ của đoàn xe vận tải, mẹ tiết kiệm hơn 10 phút giờ thi, thầy không còn thì giờ bắt đậu xe, de ngược, de lui, không bắt thi triển quay đầu trong đường cụt, những khả năng mà trong thời gian rất ngắn phải dùng chân đạp, nhả cần sang số liên tục để tiến tới, lùi lại, rất khó xoay sở cho người mẫu xuất thân … chim cánh cụt.

Thế là mẹ có bằng lái, đi làm một thời gian thì sắm xe chạy vù vù, điếc không sợ súng, đạp ga lút cán. Một lần đi ăn đám cưới anh cô Uyên, xa lộ trời mưa, mẹ cứ nhấn ga, vượt một xe vận tải và đâm xầm vào chiếc Porsche ở làn đường bên trái. Chiếc Porsche nát bè be đuôi sau, phải chờ xe đến cẩu. Chiếc Golf chỉ bị rơi miếng chắn bùn phía trước và đèn pha long ra, sau khi trao đổi tên tuổi, số bảo hiểm, tay bớt run, „hoàn hồn“ trở lại, mẹ vẫn có thể tiếp tục hành trình của mình. Từ tai nạn đó, mẹ bớt „ngông“, lái xe „đầm“ tĩnh hơn, tuy lâu lâu vẫn thích đạp ga lên vận tốc tối đa để có cảm giác của … „The Fast and the Furrios“.

Chương I: Kiều tâu

Bước tới „Kiều tâu“ thật hãi hùng
PHÂN vân nửa muốn, nửa còn run
Chiến trường sanh tử … vài ba bãi
Nhịn được thì thôi, ráng tới cùng!

Chắc có nỗi niềm „Lan huệ sầu ai, lan huệ héo“ gì đó mà thằng bạn mẹ thay vì kể chuyện tiếu lâm „xỉn xỉn ngủ xập báo“ nó buồn tình đăng lên Facebook mấy câu thơ trên, rất nặng mùi „Kiều“. Kiều ở đây là chơi chữ, vì theo tiếng Hán, một trong những nghĩa của „kiều“ (橋) là „cầu“, còn tiếng Việt thì „Kiều“ là ý nói truyện Kiều, một truyện thơ của đại thi hào Nguyễn Du, „nặng mùi Kiều“ ở đây vừa có nghĩa là mang tính chất văn thơ lai láng, lại cũng có thể hiểu là có mùi „nhà vệ sinh“ (cầu tiêu).

Thế là ùn ùn nào người này kể lể đi thăm cầu „Kiều“ ở trại tị nạn bên Phi Luật Tân phải khai báo quốc tịch để được xác định tiêu chuẩn là nhận được mấy miếng giấy … chùi (không thấy kể là để chùi tay hay chùi „Kiều“), nào phân tích chữ xí xổm, xí bệt của người miền Bắc (người Nam kêu là bồn cầu), xí là bệ xí, xổm là ngồi chồm hổm, bệt là ngồi đặt mông xuống. Tự dưng nó làm mẹ nhớ những ngày hơn mấy chục năm về trước, khi bà ngoại lo tìm đường cho mẹ đi vượt biên.

Mẹ vốn sinh ra dưới một vì sao … mờ mờ (vì lý do này nên các lá số tử vi ngoại đi xin cho mẹ đều đoán … trật lất về tương lai, vận mệnh của mẹ). Bởi thế, suốt gần hai năm trời, mẹ cứ mới tuần trước nói chia tay với bạn bè, gởi gấm lại lưu bút, hình ảnh, tuần sau, chúng nó lại thấy mẹ nhăn nhở đứng trước cổng trường chờ tan học để rủ nhau đi lang thang ở hồ con rùa, tỉ tê mơ về một tương lai cũng mờ mịt như tử vi của mẹ.

Trong những lần đi vượt biên „hụt“ đó, có lần mẹ phải ra Vũng Tàu, „nằm vùng“ ở nhà một gia đình chài lưới. Sau này, mẹ mới biết là bọn lo vượt biên lấy tiền của ngoại, nhưng chúng không có tổ chức, không có ghe tàu gì cả, mà đưa hai anh em – mẹ và bác Đức – đến tạm trú ở nhà một gia đình chài lưới, chờ đi kiểu „canh me“, tức là cứ đêm đến ra bãi, thấy có tàu nào rời bến ra khơi thì „lén“ nhảy lên. May mà trong thời gian tạm trú ở Vũng Tàu không có chuyến nào ra khơi, chứ bây giờ suy nghĩ lại, dân „Sề ghềnh“ (Sài Gòn) ù ù, cạc cạc như hai anh em, chưa kịp lấy đà để nhảy lên tàu là đã bị thiên hạ lấy mái chèo gạt xuống biển rồi.

Những ngày tạm trú tại đó thật là chẳng khác gì đi cải tạo. Dân chài ăn cơm thanh đạm. Mẹ chỉ ăn nổi cơm độn khoai mì chan với tí nước rau luộc cho dễ nuốt, vì tuy bữa cơm cũng có cá, nhưng dân chài họ không biết nấu canh chua cá bông lau, không biết cá thu kho giềng, cá lóc kho tiêu, cá rô kho khế như bà cố (mẹ bà ngoại) hay nấu. Cá của họ chẳng những còn nguyên đầu đuôi, xương xẩu, mà còn tanh rình mùi … cá, có lẽ do chẳng có bỏ thêm gia vị gì. Bà cố kho cá ngon như vậy mà mẹ còn không đụng đũa đến, vì mẹ vốn cầm tinh con mèo „hen“, chỉ ăn thịt chứ không ăn cá, sợ hóc xương, ho hen thì chết. Tối đến, hôm nào không phải ra bãi „canh me“, thì mẹ phải đi ngủ theo như mấy cô con gái của gia đình chài, vì họ sẽ đi kéo lưới rất sớm, từ lúc tờ mờ sáng. Nhà ở trên dốc núi theo kiểu nhà sàn, gió cứ thổi vi vút, vương mùi … cá tanh tanh của các cô con gái nhà chài lưới ấy, chạy vào mũi „mèo hen“, làm mẹ không thể nào ngủ được. Mẹ nhớ nhà, nhớ ngoại, nhớ bà cố, và tự hứa nếu đi không thoát phải trở về, mẹ sẽ ngoan ngoãn ăn cơm với cá, dù phải nhằn từng miếng xương cỏn con còn sót lại do bà cố mắt mờ, không thấy để lọc nó ra.

Và nỗi hãi hùng nhất của mẹ là cái „Kiều tâu“. Nhà mình hồi xưa thì cầu „Kiều“ cũng giống như ở đa số các nhà khác là có cái bệ để có thể ngồi chồm hổm, một tư thế rất khó mà đọc truyện chưởng vì „ngầu lôi tăng kể“ (ngồi lâu tê cẳng). Nhưng nhà bà cố thì cầu „Kiều“ giống y như bên này, tức là bằng men trắng sang trọng, do ông cố không may mắc bịnh Polio nên một chân teo liệt, không thể ngồi „Kiều“ chồm hổm được . „Luyện chưởng“ xong chỉ cần nhấn nút một cái là nước tự động phi tang ngay sản phẩm vừa mới ra lò ở „xí bệt“, không phải khệ nệ khiêng một chậu nước để phi tang tích, mà dung tích của chậu nước thì tỉ lệ thuận với những bộ công phu hay kiếm pháp mà mẹ tu được trên cái „Kiều tâu“ „xí xổm“.

Hôm đầu tiên vừa đến là mẹ được cô con gái út của gia đình dắt ra thăm „Kiều“ rồi. Mẹ xém chết vì bị „nghẹt đường thở ngoài ý muốn“, bởi „Kiều“ là một cái lỗ đen ngòm, có đường kính khoảng 30 cm. Nói đen nhưng thật ra nó màu vàng vàng, do vô số các con bọ lúc nhúc bơi hay bò trên và chung quanh cái lỗ ấy. Mẹ đã từng đi „chồ“ (tiếng lóng của miền Nam dùng chỉ việc đi … đại tiện) ngoài đồng, ngoài bụi chuối ở Cà Mau (cũng là một trong những bến ghé trên tình sử vượt biên của mẹ), nhưng thật sự là mẹ không thể nào dám đặt hai bàn chân lên hai bên của cái lỗ này để giải bầu tâm sự. Nhìn quanh quất không thấy bụi cây nào, mẹ ngữa cổ than trời, thì không hiểu ông trời nghe thấy hay sao mà mắt mẹ đập vào rừng đào lộn hột thật xum xuê, nằm trên sườn núi. Thế là mẹ hì hục leo lên đến đoạn nhìn xuống thấy mấy căn nhà bé như trong truyện „Bạch Tuyết và bảy chú lùn“. Mẹ lựa một cây tương đối dễ trèo, âm thầm leo lên … „luyện chưởng“.

Nhờ khám phá này mà mẹ đã sống sót được hơn hai tuần ở làng chài. Hai anh em sau đó tự tìm đường ra bến xe đò về Sài gòn vì không kham nổi cảnh „thả bom trong rừng đào lộn hột“, nhưng đúng ra là không kham nổi mùi cá tanh tanh cứ quyện vào mũi.

Sau này, mẹ còn biết nhiều „Kiều tâu“ khác ở trại tị nạn cũng chẳng mấy gì làm văn mênh cho lắm, nhưng mẹ đã luyện được pháp công „Phân Phi Mộc Sơn“, nên đối với mẹ chẳng khó khăn gì để thi triển công phu ấy cả, vì trại tị nạn Galang nằm trên một hòn đảo ở Nam Dương, đường đi ra biển là những rừng cây rậm gấp mấy lần rừng đào ngày ấy.

Đọc mấy vần tâm tình của thằng bạn, mẹ chợt nhớ lại võ công ngày nào, mà do hạ sơn quá lâu, mẹ đã quên béng nó:

Phân Phi Mộc Sơn, phân phi pháp
Phân ngự kiều tâu, phân bất tồn
Tạm diễn nôm là:
Phân phóng núi rừng, phân phóng bậy
Phân ngay cầu tiêu, phân chẳng còn

„Phân Phi Mộc Sơn, phân phi pháp“ cũng có thể hiểu là tên của môn võ học của giáo phái „Kiều Tâu“, tu luyện được tại Mộc Sơn – tên một trong 5 hòn núi của Ngũ Hành Sơn (Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn).

Nay con đã hiểu tại sao đi đâu, các nơi thanh lam thắng cảnh dành cho du khách, khách sạn, quán ăn, tiệm nước, mẹ hay đi thăm „Kiều tâu“, chụp hình bên trong, bên ngoài, một phần để „xả nước, cứu thân“, nhưng phần còn lại có lẽ do thói quen từ thuở xa xưa ấy là trước khi thăm nàng „Kiều“ phải kiểm tra trước sau, nhìn trên, ngó dưới!

Chương II: Đi học

Đầu năm 1981, từ Nazareth, thanh thiếu niên không có cha mẹ đi kèm được phân bổ đến các nhà hoặc trường nội trú thuộc tiểu bang Niedersachsen, tiểu bang nhận người tị nạn nhiều nhất trong số gần 40.000 thuyền nhân Việt Nam, mà vào thập niên 80, ông Ernst Albrecht (CDU), lúc đó là Prime Minister, lên tiếng kêu gọi dân Đức ra tay cứu giúp. Nhờ vậy, người Việt may mắn không phải trải qua quá trình xin tị nạn kéo dài như những người tị nạn chính trị từ Chile, Argentina hay Trung Đông, đã bị từ chối đối xử ưu đãi vào thời điểm đó, vì họ không phải là người chạy trốn chế độ cộng sản. Một luật tương ứng đã dành đặc quyền cho thuyền nhân Việt Nam: họ được học tiếng Đức, được giúp đỡ tìm chỗ ở, việc làm. Với những ưu đãi đó, cùng tinh thần ham học hỏi cao và mong muốn hòa nhập xã hội, nhiều người Việt đã thành công ở Đức, có cơ sở kinh tế vững chắc, nghề nghiệp ổn định. Ngày nay, họ là ví dụ điển hình cho sự hội nhập thành công của người tị nạn tại Đức.

Ba anh em được phân bổ đến nhà nội trú Jugenddorf Bad Nenndorf, tại một làng cách Hannover khoảng 35 km. Ở Đức, các thị trấn mang tên „Bad“ phải đẹp, có công viên, không khí trong lành, nhiều nơi còn có cả nguồn suối nước nóng ngầm để mọi người dễ dàng tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ dưỡng sức khỏe, vì nơi đây là một „Kurort“ (health resort). Nhà nội trú chia ra ba khu, con trai ở riêng (Jungenhaus), con gái ở riêng (Mädchenhaus), bác Hiệp vì đã quá „già“ nên ở khu „người lớn“ dành cho nhân viên làm việc trong nội trú. Ngoài thanh thiếu niên người Đức chính hiệu con nai vàng, bên khu con gái còn có người tị nạn Eritrea thuộc châu Phi. Lúc đầu, mẹ sợ chúng nó lắm, nước da đen lay láy, tóc xoăn tít thò lò, trông thật dữ tợn. Nhưng khi mẹ lân la làm quen mới khám phá ra là tụi nó rất hiền hòa, có phần „khờ dại“ nữa, không „láu cá“ như mẹ, biết „lỉnh“ sang khu con trai chơi mà không bị bắt quả tang, hoặc lỡ nếu vô tình chạm mặt giám thị thì giả lả nói „đem bài vở qua cho anh tao“ – bác Đức – vì bên con trai không có các cô người Eritrea khóc sụt sùi khi xem „Dallas“, một trong những bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ thành công nhất thế giới, lấy bối cảnh ở Dallas, miêu tả những điều phức tạp của gia đình Ewing. Bọn con trai xem phim hành động, lái xe, bắn súng ầm ầm, ít nói tiếng Đức nên dễ hiểu. Giờ thì con đã biết sở thích xem thể loại phim này của mẹ xuất phát từ đâu ra rồi nhé!

Hình bác Đức đứng trước Jungenhaus khi đi thăm lại Jugenddorf Bad Nenndorf, 2022


Trong thời gian chờ nhập học vào khoảng giữa tháng Tám, ban ngày mẹ vẫn chăm chỉ theo lớp học tiếng Đức của một cô giáo già gốc Áo, dạy cho tất cả đám tị nạn Việt Nam và Eritrea, mong nghe tiếng chuông báo hiệu đến giờ ăn trưa với những món nóng sốt, vì buổi chiều chỉ ăn lạnh, bánh mì và phô mai, xúc xích, rất là khó nuốt, buổi tối lén „đem bài vở qua cho anh tao“ để xem „action film“.

Rồi cũng đến ngày khai trường. Ở Việt Nam mẹ mới vào lớp 10 được mấy tháng thì bị đuổi học do đi vượt biên quá nhiều, mỗi lần như vậy lại nghỉ vài ngày, có khi cả tuần. Bà ngoại bị nhà trường kêu lên … kiểm điểm. Trong cơn nóng giận vì cãi nhau tay đôi với một bà cán bộ nào đó thuộc ban Giám hiệu, ngoại lôi mẹ xồng xộc ra khỏi phòng họp và tuyên bố „không cần đến trường nữa, mẹ cho đi học tư“. Thật là một … sai lầm lớn, vì học tư không có bạn để ganh đua nên … chán phèo. Trong hơn một năm học tư đó mẹ chả học hỏi được gì cả. Ngày ngày, mẹ đứng ở cổng trường, chờ đến giờ tan học để được đi lang thang với đám bạn cũ và nghe chúng nó kể những gì xảy ra trong lớp. Vì vậy, mẹ bị xếp học lớp 9, trường Realschule Rodenberg, cách nhà nội trú khoảng 3,5 km, phải đi xe buýt, mùa đông rất … lạnh khi đứng chờ ở trạm xe. Lớp 9R4 không có phòng học riêng (Wanderklasse), sau một giờ học lại phải đổi phòng. Bạn cùng lớp toàn mắt xanh mũi lõ, nhìn đứa nào cũng giống đứa nào, không phân biệt được, thầy cô phải kiếm mẹ để ngoắc kêu vào lớp. Nhưng mẹ nhanh chóng tìm ra phương pháp nhận dạng lớp của mình bằng cách chọn thằng cao nhất lớp, đẹp trai nhất lớp – sau này mẹ mới biết là nó cũng học … ngu nhất lớp luôn – tên Dieter, và ráng nhớ mặt nó để không bị lạc mỗi lần chuyển đổi phòng.

Dù đã học tiếng Đức hơn 6 tháng ròng rã, mẹ không thể nào hiểu được thầy cô giảng cái gì, học sinh rì rầm cái gì – ở Việt Nam hay ở Đức đều giống nhau, con trai thì nghịch ngầm, con gái nói chuyện trong lớp, thầy cô phải phạt này, phạt kia để bắt học trò chú tâm nghe giảng. Mẹ được xếp ngồi bàn chót, tuốt trong góc, chả bù hồi xưa, lúc nào cũng bị ngồi bàn đầu vì nhỏ con nhất lớp, muốn được ngồi cạnh Tata Ngọc Anh cao lêu nghêu phải độn cặp táp. Thầy chủ nhiệm lớp 9R4 là ông Müller, dạy môn Toán và Vật lý. Thầy cao ráo, tóc vàng, đeo kính, trông rất nghiêm nghị, khác những thầy cô dạy văn chương, sinh ngữ, lúc nào cũng tươi cười, thân thiện với học sinh. Giờ thầy Müller dạy, ông luôn chuẩn bị một xấp giấy toàn số là số, cộng, trừ, nhân, chia đủ cả, mẹ cứ thế là ngồi tính toán, trong khi thầy giảng đại số, hình học mà mẹ nghe như sấm, chả hiểu gì cả.

Học kỳ một, phiếu điểm của mẹ chỉ có môn Pháp văn và hội họa được điểm 1, các môn khác đều ở mức điểm 4, hoặc 3, hoặc ghi là „có tham dự“ (teilgenommen). Học kỳ hai, mẹ có thể lõm bõm hiểu được một phần. Buổi trưa, sau giờ ăn với những món nóng sốt, mẹ không leo lên giường ngủ khoèo mà lật sách, ráng đọc, tra tự điển để hiểu những gì còn ù ù cạc cạc. Buổi tối không „đem bài vở qua cho anh tao“ nữa, mà tiếp tục lật sách, „học trước“ bài kế tiếp với hi vọng sẽ bắt kịp các bạn khi thầy giảng đến đoạn đó. Thỉnh thoảng, mẹ cũng xuống xem ti-vi chung với đám con gái nước da đen lay láy, tóc xoăn tít thò lò, vì mẹ bắt đầu hiểu nhiều tiếng Đức hơn, tuy vẫn không khóc sụt sùi, có lẽ do mẹ không xem đều đặn, không biết hết các tình tiết éo le trước đó, nên không thấy thổn thức gì cả. Với một quyết tâm phải lấy được Tú Tài, mẹ đã tốt nghiệp lớp 10, môn điểm 3 là thấp nhất. Không có đường đi thẳng từ Realschule vào đại học, tốt nghiệp lớp 10 với điểm cao thì được quyền học tiếp lên lớp 11 tại một trường trung học phổ thông (Gymnasium) để thi lấy bằng Tú tài sau khi học hết lớp 13. Ngay cả thể thao – mà bao giờ mẹ cũng là người về chót ở môn điền kinh, ném tạ thì quả tạ rớt ở trước mũi chân độ … nửa mét, khỏi kể xa hơn đến những môn như nhảy xa, nhảy cao, phóng lao – mẹ cũng phải cố gắng để vượt qua điểm 4 nếu muốn được lên lớp 11. Năm lớp 10 có thêm bơi lội và nhảy dây, nên từ 4 mẹ leo lên được điểm 3, vì hai môn thể thao này không phụ thuộc nhiều vào chiều cao và cơ bắp.

Sau hai năm, chương trình hướng nghiệp chấm dứt, phải chuyển ra khỏi nội trú. Bác Đức đi học nghề, bác Hiệp lên Hannover, ghi danh học lại đại học vì bằng Kỹ sư điện của bác không được công nhận ở Đức. Mẹ lên lớp 11, chuyển đến trường nội trú Christophorusschule Braunschweig (con có tham dự khóa Deutsche Schülerakademie tại đây vào mùa hè 2012). Ngày 22 tháng 10 năm 1983, mẹ nhận được điện tín của ngoại báo tin sẽ đến Đức, do đơn xin bảo lãnh ngoại và cậu Giao theo dạng đoàn tụ gia đình đã được thông qua.

Điện tín báo tin được xuất cảnh


Thời gian đầu ở Bad Nenndorf, mẹ vẫn còn liên lạc thư từ với bác Toàn. Đó là lý do tuy số con gái người Việt chỉ đếm trên „một“ bàn tay mà con trai thì „đông lắm“ – mẹ không nhớ là bao nhiêu – mẹ vẫn „bình chân như vại“, dê chưa kịp đến gần đã bị chó sủa chạy mất dép. Nhưng „loin des yeux, loin du coeur“ – người Đức cũng có câu này „aus dem Auge, aus dem Sinn“ , tiếng Việt là „xa mặt, cách lòng“ – cuối cùng, mẹ bị một người – lại cũng bạn với bác Hiệp – cưa đổ. Mẹ có kể cho bác Toàn nghe, bác ấy nói mẹ được quyền quyết định, chuyện mà bác ấy lo sợ đã xảy ra, nhưng không ngờ sớm hơn dự tính. Thư từ thưa dần và đến khoảng đầu năm 1982 thì chấm dứt.

Khác với Jugenddorf Bad Nenndorf, Jugenddorf Braunschweig không chỉ là nội trú mà còn là trường trung học phổ thông mang tên Christophorusschule. Mẹ học lớp 11, chọn Toán, Vật lý, Anh văn và Pháp văn là 4 môn thi Tú tài, những môn rất ít dính dáng đến tiếng Đức để có thể đạt điểm cao. Nhưng vì Toán và Lý vẫn phải hiểu mới làm bài được, nên con thấy trên kệ sách nhà mình vẫn còn những quyển sách giáo khoa cũ này, trong khi sách học của các môn khác như Sử, Địa, Vạn vật, Anh văn, Pháp văn v.v. mẹ không lưu giữ lại vì không có kỷ niệm nhiều với nó. Mẹ trau giồi tiếng Đức của mình qua những môn khoa học. Mỗi lần thầy dạy Toán xướng tên học sinh để lên nhận bài viết kiểm tra thầy đã chấm xong, theo thứ tự từ điểm 6 đến điểm 1, mẹ khỏi cần chú ý ngóng tên mình, vì bao giờ bài của mẹ cũng nằm ở dưới chót, với số điểm cao nhất. Môn Vật lý nhiều tiếng Đức hơn, nên mẹ chỉ nằm trong „top five“. Anh văn thì ở mức điểm 2, à la „three refill“. Con còn nhớ lần đi chơi ở Knott’s Berry Farm với Briana chứ? Mẹ vào mua nước, loại ly thật to uống chung cho đỡ tốn tiền, và nghĩ rằng mình chỉ được „refill“ 3 lần. Do trời nóng, sau 3 lần „refill“ con kêu khát nước, mẹ cầm ly vô mua thêm, đưa tiền trả thì cô bán hàng lắc đầu ngầy nguậy từ chối:

– You don’t have to pay. It’s free! (Bà không phải trả tiền. Miễn phí.)

Thấy mẹ ngẩn ngơ có vẻ … ngớ ngẩn, cô ta lập lại chậm rãi hơn:

– Free refill!

Hóa ra „free refill“, vậy mà khi mua lần trước mẹ lại nghe thành „three refill“. Ý mẹ muốn nói là thầy cô đã xác định đúng trình độ tiếng Anh của mẹ rồi, không thể vượt qua cột mốc điểm 2. Còn Pháp văn thì lúc nào mẹ cũng là học trò cưng cả, vì đa số học sinh Đức không thích môn này, chỉ học vì đó là môn sinh ngữ bắt buộc sau Anh văn nếu không chọn sinh ngữ thứ hai là tiếng Latin. Mẹ vốn có căn bản Pháp văn, lại thêm siêng năng cần mẫn, giờ Pháp văn đôi lúc bị bắt quả tang đang ngồi „thả hồn qua cửa sổ“ mà vẫn trả lời trót lọt những câu hỏi của cô. Cô Gisela von Kienitz, dạy mẹ Pháp văn những năm lớp 9 và lớp 10, cuối tuần hay đến nội trú đón về nhà cô, chơi với con gái cô cũng trạc tuổi mẹ. Nhờ cô, mẹ học được nhiều phong tục, tập quán người Đức. Đó là lý do tại sao mỗi lần về Braunschweig thăm cậu Giao, mẹ luôn sắp xếp để ghé thăm cô, kể cô nghe về cuộc sống của mình, ngay cả khi cô vào viện dưỡng lão. Lúc tuổi già, cô mắc bịnh Parkinson, mẹ đang đút cô ăn thì tự dưng cô đột ngột ngưng cử động, như Robot đang đi thì hết pin, thức ăn trong miệng rơi vãi hết ra bàn. Lúc nhận thư báo cô từ trần, mẹ bùi ngùi thương nhớ cô. Còn cô Mainka dạy mẹ Pháp văn từ lớp 11 đến lớp 13. Cô chọn mẹ là học sinh duy nhất được sang Pháp trong kỳ nghỉ hè, ở nhà người Pháp bản xứ để tu luyện sinh ngữ, chi phí do nhà trường đài thọ hoàn toàn. Tuy vậy, cô chỉ cho mẹ 14 điểm khi thi vấn đáp môn Pháp văn, có lẽ nếu cho điểm tối đa thì hơi lộ liễu là thiên vị chăng?

Nói chung là các thầy cô đều rất thương mẹ, một phần có lẽ vì mẹ là người Việt, vốn đã được rèn phải biết kính trọng, vâng lời thầy cô – không „láo“ như học sinh Đức, cãi thầy như hát hay – nên được lòng thầy cô hơn. Nhưng phần lớn, có lẽ do mẹ là người ngoại quốc, mà tiếng Đức thì khó, nên thầy cô đã châm chước, khuyến khích, động viên, đặt nền tảng cho mẹ đủ sức vươn lên ở quê hương thứ hai này. Những thành đạt của mẹ phải nói rằng từ công lao dạy dỗ của các thầy cô ấy. Con cũng vậy, thầy Menne, thầy Lynch, thầy Azarvan, cô Speuser, cô Silex và những thầy cô khác của con mà mẹ không nhớ hết tên, là những người góp công không nhỏ cho tương lai, sự nghiệp của con, con phải luôn ghi nhớ điều này nhé, hỡi đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ!

Chương I: Cuộc sống tị nạn ở đảo

Nhóm người vượt biển do tàu Cap Anamur, chuyến thứ 7, vớt vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1980, được đưa đến tạm trú tại đảo Galang, Nam Dương, trong khi chờ hoàn tất thủ tục đi định cư ở Đức, hay một nước thứ ba nào đó như Mỹ, Úc, Canada v.v. nếu họ có người nhận bảo lãnh.

Ở đảo, hàng tuần ba anh em được Liên hiệp quốc phát gạo và đồ hộp đủ loại. Gạo thì khỏi nói rồi, đó là một loại gạo Mỹ trắng phau, thơm phưng phức. Từ lâu, mẹ đã quen với những bữa cơm pha lẫn khoai lang hay bắp, hoặc tệ hơn nữa là bo bo, vừa ăn vừa nắn lại hàm cho khỏi bị trẹo. Đồ hộp cũng đa dạng lắm, lúc thì thịt bò, thịt heo, lúc có cả cá, rau đóng hộp. Mẹ đảm nhiệm việc nấu cơm hai bữa, bác Hiệp thỉnh thoảng lên văn phòng Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc giúp thông dịch tiếng Anh khi có các phái đoàn phỏng vấn ghé trại, bác Đức đi lông bông tán gái, la cà chỗ này, chỗ kia, do bác Đức nói chuyện có duyên nên dễ làm quen.

Thời gian đầu ở đảo, ba anh em sống rất cực khổ vì „ma mới“, không biết xoay sở ra sao, không xu teng dính túi. Cao ủy tị nạn chỉ phát lương thực và nước uống, không có các nhu yếu phẩm khác như kem đánh răng, băng vệ sinh phụ nữ v.v. Mẹ không nhớ đánh răng kiểu gì, chắc là súc miệng bằng nước muối. Ở đảo, gia đình nào đông người sẽ dư lương thực vì khẩu phần được phát theo đầu người, em bé chưa mọc răng cũng lãnh số lượng gạo như bà già chỉ còn trơ lợi sún. Họ ăn không hết, đem ra bán cho thổ dân Nam Dương từ các đảo lân cận mỗi ngày chèo thuyền đến Galang họp chợ, lấy tiền Rupiah mua lại nhu yếu phẩm, quần áo, thuốc lá v.v. của các thổ dân này mang đến bán.

Các quầy bán hàng của người tị nạn ở đảo dựng lên để trao đổi, buôn bán


Ba anh em đang tuổi ăn, tuổi lớn, làm gì có gạo dư mà đem đổi chác? May sau đó gặp lại bác Cường, chồng của bạn bác Kim Anh – chị của hai bác Hiệp, Đức. Bác Cường là barrack trưởng, người đảm nhiệm việc phân phát lương thực, nước uống cho đồng hương. Cao ủy tị nạn chỉ lo vấn đề hành chánh, thủ tục phỏng vấn, đi định cư, các công việc thuộc về cơ sở hạ tầng, đời sống sinh hoạt do nhân viên người Nam Dương đảm đương, và vì họ không biết tiếng Việt nên cần những người trung gian như bác Cường để có thể giao tiếp bằng Anh ngữ. Lúc đó, ở barrack của bác Cường vừa có một đoàn người rời đảo đi định cư. Thông thường, nhân viên Nam Dương phụ trách việc phân phối lương thực phải báo lên Cao ủy tị nạn số khẩu phần của những người đó để ngưng, thôi không phát nữa, nhưng họ sẽ kéo dài việc này, báo cáo trễ nãi hơn một tí, và lấy số lương thực không người nhận đó chia cho barrack trưởng một ít, phần còn lại đem về đất liền bán cho dân bản xứ.

Bác Cường rủ ba anh em về ở chung barrack. Tiền Rupiah có được từ việc bán lương thực của „người ma“ giúp cuộc sống bác Cường và ba anh em phần nào đỡ bi thảm hơn. Nước ngọt được phát cứ đầy ắp mấy thùng phi. Bác Hiệp, bác Đức cũng tỏ ra rất là „ga-lăng“, „galant“ là tiếng tiếng Pháp, ám chỉ tính cách đàn ông, con trai biết lịch sự, ân cần, quan tâm và khéo chìu phụ nữ từ những thứ nhỏ nhất như … cho xài nước ngọt thả ga để tắm, vì ở đảo chỉ có tắm biển, đúng như nghĩa „tắm“ của nó, tức là để gột rửa các chất dơ bám trên người, còn muốn tắm nước ngọt thì … a-lê-hấp (cũng từ tiếng Pháp „allez“ là „đi“), ra suối. Các gia đình có đàn ông lực lưỡng thì mấy ông chồng còng lưng đi xách nước suối về trại đổ vào thùng phi to cho các cô, các bà tắm, vừa không sợ bị muỗi đốt – vì ở suối muỗi bâu đen kín, nếu tắm ngay tại suối phải tắm thật nhanh, một tay cầm cái ca để dội nước, tay kia thì … đuổi muỗi, chân tay khoa loạn xị trông cứ như là sơn đông múa võ vậy – vừa không bị „lộ thiên“ vì có phòng tắm là bốn miếng tôn quây lại, tránh được ánh mắt … dê xồm của những ông chỉ muốn „em đi về, cầu mưa ướt áo“. Vì vậy, mẹ đa số chỉ tắm biển, vừa khỏi bị muỗi cắn, vừa „trấn nước“ mấy con chí trên đầu, do hai bác Hiệp, Đức, hay đi ngủ bờ, ngủ bụi, rồi tha về lây cho em gái.

„Phòng tắm“, được quây lại cho kín đáo


Rồi bác Cường cũng đi định cư. Đào đâu ra tiền mua kem đánh răng, băng vệ sinh phụ nữ đây? Lười chảy thây, nhưng rất siêng thể hiện khả năng „quyền huynh thế phụ“, bác Hiệp bèn tìm cách xoay sở, lên Cao ủy tị nạn xin làm thông dịch, vì tiếng Anh của bác không đến nỗi tệ lắm. Hay không bằng hên. Làm không lâu thì tới phiên người đảm nhiệm việc phân phối lương thực cho „toàn trại“ – mẹ nhấn mạnh chữ „toàn trại“ vì có thể so sánh như làm bộ trưởng Kinh tế và Tài chánh của một quốc gia, ở đây là quốc gia nhỏ bé của người tị nạn trên đảo Galang – cũng đi định cư, bác Thiệu trưởng trại hỏi bác Hiệp có muốn làm „bộ trưởng“ không? Khỏi giải thích nhiều, con cũng hiểu là dưới chế độ nào, độc tài, cộng sản, dân chủ, quân chủ … guồng máy chính trị thường rập khuôn như nhau, luôn có việc lập phe phái để củng cố quyền lực. Và bác Hiệp dọn luôn lên ở khu ban Đại diện trại, nơi lúc nào cũng có điện, buổi tối không phải đốt đèn cầy như ở trong barrack.

Khu vực ban Đại diện Galang

Bằng tưởng thưởng Bộ trưởng bộ Kinh tế và Tài Chánh Galang


Không biết „thu nhập“ của bác Hiệp ra sao, chỉ biết tiền thù lao tượng trưng lãnh được nếu làm việc cho Cao ủy bác đưa hết cho mẹ „tùy nghi xử dụng“. Lâu lâu, bác Hiệp cũng về barrack ăn cơm chung, hoặc ngủ lại, „dằn mặt“ thanh niên ở quanh đấy là mẹ tuy ở một mình – bác Đức cũng dọn qua barrack cô Hạnh ở rồi – nhưng luôn có „cấp trên“ theo dõi bảo vệ an ninh, chớ có mà đem „dê“ thả lung tung, bộ trưởng Kinh tế và Tài chánh sẽ cắt lương thực là chết đói nhăn răng. Nghe kể thì tưởng là cuộc sống huy hoàng, nhưng chỉ là không bi thảm so với lúc còn làm „ma mới“ thôi, không thể xa hoa như những người lúc đi vượt biên đem theo được vàng hay đô-la và may mắn không gặp cướp biển Thái Lan. Ví dụ như mẹ, chỉ có hai cái quần lót để thay đổi, may mà Nam Dương thuộc vùng nhiệt đới, quần áo phơi một lúc sau là khô ran. Vì vậy, ba anh em vẫn siêng năng viết thư „ca cải lương“ xin tiền, gởi đến những địa chỉ họ hàng, bạn bè, người thân của gia đình hiện đang ở Mỹ, mà trước lúc đi vượt biên đã ghi chép cẩn thận hoặc học thuộc lòng.

Nhưng đợi mỏi mòn không thấy con bồ câu nào quay trở lại cả. Khi qua trại chuyển tiếp ở Jakarta, bác Hiệp nhận được một lá thư dài nhiều trang của bác Thu – em họ của bác Hiệp, đang định cư ở Mỹ – trần tình là cuộc sống bên đó không phải thiên đường như mọi người tưởng tượng, phải chật vật kiếm cơm từng ngày. Có máy giặt rồi thì phải để dành tiền mua máy sấy, vì đến mùa đông, quần áo không thể phơi bên ngoài, trong nhà thì chỉ bật sưởi nhẹ, chẳng dám mở ấm sợ hao điện, nên quần áo cũng ẩm, không khô nổi. Cuối thư, bác Thu chúc ba anh em thượng lộ bình an. Mẹ không quan tâm lắm chuyện máy giặt, máy sấy bên Mỹ, mắt hau háu nhìn tờ 50 đô màu xanh, gởi kèm theo trong thư.

Một ngày đẹp trời, sau khi đổi ra tiền Rupiah, ba anh em hớn hở đón xe đi tham quan trung tâm thủ đô Jakarta. Sau hơn nửa năm sống như Tarzan trên đảo, chỉ thấy đại dương, rừng, núi, suối, thác, khỉ, vượn và người … tị nạn đen đủi, lem luốc, Jakarta hiện ra rực rỡ như … mẹ không có từ nào để diễn tả nổi. Cái cảm giác ấy mẹ không tìm lại được, dù sau này, mẹ đi du lịch tham quan nhiều thành phố hoa lệ, kể cả Singapore, nếu muốn đem các thành phố nổi tiếng ở Đông Nam Á để so sánh với nhau. Bác Hiệp dẫn mấy anh em đi ăn mì tàu, đi chơi game điện tử. Mẹ xin bác Hiệp tiền mua kẹo chewing gum, nhai nhóp nhép, thổi thành bong bóng rồi để nó nổ bụp bụp trên môi, thật là … bảnh choẹ.

Chiều về, vừa bước chân đến cổng trại thì gặp tên cảnh sát „buddy, buddy“, chơi thân với bác Hiệp, chận ngay lại, hớt ha, hớt hải:

– Tụi bay đi đâu vậy? Bà con ra hết phi trường rồi!

Tên này có lần cãi nhau gì đấy với bác Hiệp, mẹ bênh „quyền huynh thế phụ“, cũng nhào vô ẳng ẳng sủa, bao nhiêu vốn liếng tiếng Anh học ở đảo đem ra hết, „du rông, hi rai“ (you’re wrong, he’s right), thằng con không biết đường nào đỡ, chạy lên cầu cứu Cao ủy giải quyết. Sau này, nó lại trở nên thân thiết với bác Hiệp, „buddy, buddy“ loạn xị xằng.

Rồi hắn hấp tấp lấy xe jeep, đẩy ba anh em lên xe, lái một mạch ra phi trường, vừa kịp đoàn người tị nạn đang chuẩn bị bước lên máy bay. Tất cả hành trang ba anh em mang theo trên đường đi định cư là bộ quần áo trên người, đôi dép lê dưới chân và trong túi rủng rỉnh những đồng Rupiah chưa có dịp được xử dụng đến.

Hồi đại học, mẹ có chơi rất thân với hai đứa bạn cùng khóa, người Nam Dương, Ester và Malion, hai đứa cặp bồ với nhau, sau này về nước cũng nên duyên vợ chồng. Malion làm chung Studienarbeit (study work) với mẹ, nó giỏi programming, mẹ giỏi … tiếng Đức hơn … nó, nên chia nhau, đứa viết Program, đứa viết bài tổng kết. Tốt nghiệp, quay về nước, Ester làm cho Mercedes nên có qua Đức và ghé trường đại học, nhưng lúc đó mẹ đi du lịch nên không hẹn gặp nhau được. Mẹ dự định một ngày nào đó sẽ đi thăm lại Galang, sẵn dịp thăm hai đứa bạn người Nam Dương dễ mến, nhưng khi viết hồi ký này, mẹ tìm hình ảnh trên mạng thì thấy Galang bây giờ là đảo du lịch, trại tị nạn ngày xưa chỉ còn là khu bảo tàng, biết có còn gì „để nhớ để thương“ hay không?

Hãy nâng niu kỷ niệm, vì ta không thể làm chúng hồi sinh.
Take care of all your memories. For you cannot relive them.
– Bob Dylan –

Chương II: Hi sinh vô giá

Mẹ tốt nghiệp Tú tài vào năm 1986, với điểm trung bình là 1,8, và ghi tên vào Đại học Kỹ thuật Braunschweig, chọn ngành Informatik, môn phụ là Toán. Mẹ vay tiền học của chính phủ (BaföG), không phải trả tiền lời, 5 năm sau khi ra trường mới phải hoàn lại với mức tối thiểu là 200 Đức mã mỗi tháng.

Mẹ tốt nghiệp kỹ sư sau 9 Semester, điểm trung bình là 2. Mẹ thi vấn đáp 3 môn Database, Technical Computer Science, Robotic, thi viết môn mẹ ưa thích nhất  môn Toán. Tổng cộng tiền vay nợ là 39.692 DM Do mẹ ra trường sớm hơn thời hạn cho vay trung bình là 10 Semester, nên được bớt 5.000 DM. Mẹ đã cố gắng rất nhiều để lọt vào số 30% sinh viên tốt nghiệp với số điểm cao nhất, nhưng bị vướng mắc ở môn Robotic. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn nghĩ rằng một phần do vị giáo sư môn này nổi tiếng có thành kiến với phái nữ học ngành kỹ thuật, mà mẹ thì ngang bướng, nhất định quả quyết nếu mẹ đủ khả năng thì ông ta không thể phủ nhận điều đó được. Ngoài ra, mẹ muốn sau khi ra trường xin vào làm việc cho hãng xe hơi Volkswagen ở gần nhà, nên Robotic là môn cần thiết. Sinh viên trẻ, não non, sừng cứng, đâu thể đương đầu với giáo sư khi ông chỉ cần hỏi một câu mà thí sinh không trả lời được là đủ tiêu chuẩn để đánh rớt hoặc cho điểm thấp, người viết biên bản buổi thi không có trách nhiệm phải ghi lại chi tiết nội dung mà chỉ cần tóm tắt … „không trả lời được“, quyền sinh sát hoàn toàn nằm trong tay vị giáo sư. May mà ông ấy không chấm rớt mẹ, chỉ không cho điểm cao thôi, nên mẹ không được bớt tiền vay nợ thêm 5.000 DM nữa. Lúc bắt đầu đi làm có lương, mỗi tháng mẹ trích ra 1.000 DM để dành, đến khi BAföG gởi thơ đòi tiền, mẹ chọn phương án trả hết một lần thay vì trả dần mỗi tháng, nên được bớt hẳn một nửa số nợ, chỉ phải hoàn lại 20.641.74 DM (xem Phụ – BAföG).

Việc làm đầu tiên của mẹ là tại hãng sản xuất sắt thép Thyssen Stahl AG ở Duisburg, một trong những hãng lớn hàng đầu của Đức trong kỹ nghệ công nghiệp nặng. Mẹ chọn hãng này, một phần do họ trả lương hậu hĩnh, nhưng lý do chính là mẹ muốn rời xa thành phố gắn liền với cuộc tình kéo dài 7 năm của mẹ. Nó giống như một chiếc bình gốm cổ Trung Hoa, có màu sắc, hoa văn lạ mắt, nhưng ta chỉ có thể ngắm nghía nó trong chiếc lồng kính ở viện bảo tàng, muốn sở hữu nó, ta phải trả một giá rất đắt mà vẫn không chạm tay vào được, vì nó sẽ vỡ tan, bởi theo thời gian, chiếc bình gốm cổ đã mang nhiều vết rạn.

Lương tháng của mẹ là 5.453 DM, trừ thuế xong còn lại khoảng hơn 3.800 DM, tháng nào hết sạch tháng đó, có khi đến cuối tháng, trương mục còn bị số âm. Vì dọn đến Duisburg quá xa nhà, không quen biết ai, tan sở là mẹ ra phố đi lang thang đến khi tiệm đóng cửa, thích gì là mua ngay, không mảy may suy nghĩ. Cuối tuần, mẹ lái xe VW Golf – mua ở Wolfburg, nơi có „chợ trời“ bán những chiếc xe Volkswagen gần như mới tinh, do nhân viên làm tại hãng VW được mua với giá đặc biệt đem ra đây bán lại – đạp ga không thèm coi đồng hồ chỉ vận tốc, đi khắp mọi nơi.

Năm 1993, mẹ lấy bố của con. Do chỉ mẹ có lương đều đặn, hai vợ chồng rất cần kiệm.

Duisburg sống nhờ vào hãng sắt thép Thyssen Stahl, công nhân chiếm số đông dân số ở đây, nên khi bố của con vùng vẫy muốn mở quán ở thành phố lớn – vì đó là cách bố của con có thể kiếm tiền nhanh nhất – mẹ cuối tuần vào thư viện, đọc báo kiếm việc ở Düsseldorf, rồi photocopy lại các chỗ có đăng tìm nhân viên. Một bản sao thời đó chỉ 5 hay 10 Pfennig, trong khi một tờ báo có giá khoảng 1,5 DM, mẹ kể để con biết mẹ có thể thắt lưng buộc bụng nếu thấy cần thiết.

Hợp đồng tuyển dụng nhân viên, Thyssen Stahl, 1992


Năm 1994, mẹ được tuyển vào làm Project Manager của hãng hàng không LTU, mức lương khởi điểm là 6.950 DM, cùng 38 ngày nghỉ phép thường niên, bay LTU chỉ trả thuế vé, bay các hãng „bạn“ như Lufthansa trả 10% giá vé thôi, cùng nhiều ưu đãi khác.

Một trong những Project mà cho đến bây giờ mẹ vẫn bị dư hương của nó vây bủa là thời kỳ LTU dự định mua software Crew Management System (CMS) của Sabre, lúc đó đang được American Airline xử dụng. Chắc có một lần nào đó, nhân viên hàng không quên không ghi ngày mẹ rời khỏi nước Mỹ vào các dữ liệu thuộc về an ninh quốc gia cần lưu trữ để kiểm soát, nên những lần sau, mẹ luôn bị giữ lại ở phi trường từ một tiếng đồng hồ trở lên rồi mới được cho nhập cảnh sau khi trả lời đầy đủ các thắc mắc của nhân viên quan thuế. Do mỗi lần như vậy, đồng nghiệp đi cùng phải chờ đợi theo, đâm ra bực mình, họ đề nghị xếp cho mẹ hưởng chế độ ưu đãi: được mướn xe riêng khi qua Mỹ làm việc, xong thủ tục hải quan thì tự động một mình lái xe về khách sạn, khỏi làm phiền người khác. Nhân viên quan thuế thì khuyên mẹ nên xin visa nếu ra vô Mỹ kiểu đi chợ như vậy, nhưng vì cô thư ký xin visa loại C – C như … Chiêu đãi viên hàng không – thành ra mẹ lại bị ngoắc ra phỏng vấn ở phi trường, bởi mẹ đâu thuộc phi hành đoàn? Lại xin visa loại B, Business. Cũng bị chặn lại hỏi thăm sức khỏe tại sao có hai visa khác nhau? Nước Mỹ thật là khó tính!

Visa loại C, B

Hợp đồng tuyển dụng nhân viên, LTU, 1994


Kể từ đó, mỗi lần đi Mỹ giống như chơi xổ số, có lúc được đi qua, không ai thắc mắc gì, nhưng các bạn mẹ – nhất là Tata Chi, người đã từng thành hươu cao cổ vất vưởng ở phi trường LAX – không có gì ngạc nhiên nếu máy bay hạ cánh đúng lịch trình, còn mẹ, vài ba tiếng sau mới hiện diện.

Chỉ việc nhập cảnh có hơi bị „mất cảm tình“, chứ lúc làm việc ở LTU là khoảng thời gian huy hoàng nhất trong quá trình thăng tiến công danh sự nghiệp của mẹ. Do LTU là khách hàng „tiềm năng“ của Sabre, thành ra mẹ được bay hãng hàng không American Airline, First Class, ở khách sạn 5 sao, đi nhà hàng sang trọng, ăn thịt … cá sấu, kangaroo v.v. Mức lương cuối cùng của mẹ vào tháng 7 năm 2000 là 8.240,30 DM.

Bảng lương cuối cùng, LTU, tháng 7 năm 2000


Năm 1999, con ra đời, được 10 tháng thì mẹ đi làm trở lại. Bà ngoại đến ở chung để trông cháu. Tuy lúc đó con dần dần dùng sữa bột nhiều hơn, nhưng vẫn uống sữa mẹ bơm ra hằng ngày, để trong tủ lạnh. Có lẽ vì vậy, con rất ít đau ốm, không bị dị ứng, ăn ngon, ngủ khỏe, rất dễ nuôi. Nhưng mẹ đi làm ở Düsseldorf, cách Aachen gần 80 km, nhỡ có chuyện gì thì nhanh lắm là 45 phút mẹ mới về đến nhà, làm sao chăm sóc con cho trọn vẹn đây? Mẹ lại đi tìm việc khác để được ở gần con. Mức lương cao nhất mẹ có thể nhận ở Aachen là 6.000 DM, làm cho debis. Mẹ suy nghĩ rất nhiều vì đó là một bước lùi trong sự nghiệp của mẹ.

Hợp đồng tuyển dụng nhân viên, debis, 2000


Có những hi sinh tưởng chừng như là tất nhiên, cho đến khi ta đối diện với nó, mới thấy không dễ dàng tí nào!

Khi mẹ đọc tờ khai lý lịch của con viết để nộp đơn xin học bổng đại học, trong đó con giải bày „Em chọn một ngành nghề có tương lai để sự hi sinh của mẹ em không vô nghĩa“ , mẹ mới thấy cái cây mẹ gieo 15 năm trước là … vô giá, hỡi đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ!

Phụ lục – BAföG

Chương II: Chùm táo ngọt

Chuyến bay từ Jakarta, trong đó có ba anh em – mẹ, bác Hiệp và bác Đức – đáp xuống phi trường Hannover cuối năm 1980, vào một chiều đông chí, lất phất tuyết rơi. Bông tuyết chỉ to hơn giọt mưa một tí nhưng cũng đủ làm mẹ ngẩn ngơ, vì mẹ chưa thấy tuyết bao giờ. Hồi còn bé, mỗi lần trong giờ Pháp văn mà phải vẽ cảnh một căn nhà của xứ Phú Lang Sa có ống khói, có tuyết rơi, thì để vẽ được tuyết, mẹ sẽ phủ lên nền trời một lớp màu xám tro bằng than viết chì, sau đó dùng đầu gôm của cây bút xóa nhẹ lớp than, tạo ra những vòng tròn nhỏ màu trắng. Thế là thành cảnh mùa đông „Tombe la neige“ của Adamo, ca sĩ nổi tiếng người Bỉ gốc Ý:

Tombe la neige
Tu ne viendras pas ce soir
Tombe la neige
Et mon coeur s’habille de noir

được nhạc sĩ Phạm Duy biến thành bài hát bất hủ „Tuyết rơi“:


Ngoài kia tuyết rơi đầy
Sao anh không đến bên em chiều nay
Ngoài kia tuyết rơi rơi
Trong băng giá tim em tả tơi

Đoàn người tị nạn, đa số là thanh thiếu niên không có cha mẹ đi kèm, được chuyển sang một chiếc xe buýt loại dành cho khách du lịch đường dài, thẳng tiến đến trại tiếp cư Friedland. Suốt chặng đường, ba anh em không ai nói với ai tiếng nào, mà chỉ dí sát mũi vào kính xe, lạ lẫm nhìn cảnh vật mờ mờ sau làn sương tuyết.

Ở đảo Galang, mẹ có ê a học tiếng Đức do một cô người Thụy sĩ làm việc thiện nguyện dạy vài ba tiếng trong tuần. Mẹ chỉ bập bẹ được mỗi câu „Guten Tag“ khi một bà sơ tươi cười xổ một tràng tiếng Đức xí xa, xí xồ đón đoàn người tị nạn lúc xuống xe. Mẹ còn có cái tên ở nhà là „tí Quắt“, nên bà sơ người Đức làm mẹ thấy sợ hãi với vóc dáng đồ sộ quá khổ trong chiếc áo đen nhà dòng cũng thùng thình không kém. Mẹ có cảm tưởng bà mang đôi hia bảy dặm vì mẹ phải bước như chạy mới theo kịp bà. Cái gì ở trại cũng to, cũng lạ, cũng đẹp đối với mẹ, nhất là chiếc giường với chăn gối căng phồng, còn thơm phưng phức mùi xà bông mới, bởi tám tháng qua, mẹ đã quen với tấm nệm mút trên con tàu Cap Anamur hay miếng phản gỗ cứng còng của trại tị nạn Galang. Lạ nhất là buổi ăn tối, có bánh mì đen, mẹ cũng chưa ăn qua bao giờ.

Đêm đầu tiên ở trại Friedland, ba anh em trùm đầu trong chăn để trốn cái lạnh. Mẹ nhớ nhà hết sức. Mẹ thèm cái nóng bức của Sài Gòn, cái tấp nập của bùng binh Nguyễn Huệ. Mẹ thèm vô cùng một tô phở Hiền Vương nghi ngút khói. Ánh lửa lập lòe từ cái lò sưởi dầu trong phòng làm đêm đó mẹ thao thức không ngủ được.

Trại tiếp cư Friedland


Ngoại trừ một hôm cả trại nhốn nháo do báo động cứu hỏa kêu inh ỏi vì mẹ phơi quần áo lên cái lò sưởi dầu, bị bén lửa phựt cháy, thì những ngày tạm trú ở Friedland đúng như tên gọi của nó: mảnh đất bình yên. Ba anh em cùng những người Việt tị nạn khác ngày ngày ăn điểm tâm xong thì đi học tiếng Đức. Sau bữa ăn trưa đa số – trong đó có hai ông „quyền huynh thế phụ“ – do thói quen, lại leo lên giường trùm chăn ngủ khò, một phần „căng da bụng, chùng da mắt“, nhưng có lẽ tại bên ngoài chẳng có gì lạ hơn là bầu trời mùa đông xám xịt, lạnh lẽo. Ăn tối xong, lại leo lên giường … đắp chăn tiếp, vì xem ti-vi thì toàn tiếng Đức, nghe cứ như tiếng xe lửa xập xình, xập xình. Mẹ chỉ ở Friedland một thời gian ngắn, sau đó được chuyển đến trại Nazareth, Norddeich-Norden, một thành phố nhỏ sát bờ Bắc Hải, gió vù vù rít cả tai. Dù đã được phát chiếc Parka, một loại áo khoác có lớp lót rất dày, mẹ vẫn rúm ró như con mèo hen mỗi khi ra đường. Mẹ chỉ ngao ngán cái lạnh. Mỗi ngày, mẹ phải chiến đấu với nó ít nhất ba lần, vì tuy Bungalow chỗ ba anh em ở cũng có bếp, nhưng mọi ăn uống, sinh hoạt, học tiếng Đức, thánh lễ sáng chủ nhật v.v. đều tập trung trong căn nhà chính nằm ở giữa trại.

Trại Nazareth với những Bungalow hình lục giác


Nazareth buồn hiu hắt. Sau này, con còn nhớ lần gia đình mình đi nghỉ hè ở miền biển Bắc, và nhân dịp đó, ghé thăm thành phố Norddeich không? Con đã than thở:

– Phố nghỉ mát mà chả có gì hết vậy mẹ?

Vậy đó, mà ngày xưa, mỗi lần trại tổ chức chở ra trung tâm dạo chơi, hay ba anh em trốn học tiếng Đức đi „xe ngoắc“, tức là lưng quay theo hướng xe chạy, vừa đi giật lùi, vừa đưa ngón tay cái ra dấu ngoắc ngoắc, may ra có ai mủi lòng, dừng xe cho quá giang thì đỡ phải lội bộ dưới cái lạnh cắt da, là mẹ vui như Tết, vì được thấy phố phường đèn xanh đèn đỏ, nhất là lúc đó vào mùa Giáng Sinh, tiệm nào trông cũng sáng choang, sang trọng, với hàng hóa, bánh kẹo, bày chật tủ kính.

Cô giáo dạy tiếng Đức cũng „vĩ đại“ không kém bà sơ ở trại tạm trú Friedland. Giọng cô nói oang oang, tiếng cô cười khanh khách. Có lẽ vì thế mẹ học tiếng Đức không lấy gì làm khó khăn lắm, bởi cô phát âm chữ nào chữ nấy rõ mồn một, nặng chình chịch.

Cô giáo:
– Die Frau kauft Saft. (Bà ta mua nước ngọt).
Bác Đức khôi hài, lập lại ngon ơ:
– Đi phao cầu xập.

Buồn cười nhất là con bé ngồi cạnh mẹ, phát âm chữ „en-nờ“ thành „en-lờ“.

Cô dạy chào hỏi:
– Gute Nacht
Nó choảng lại:
– Guốc lắc
Cô:
– Nein, nein, nicht „good luck“, GUTE NACHT!
Nó:
– lích lai, lắc (nicht Nein, Nacht)

Sau giờ học, mẹ dùng tiếng Anh giải thích cho cô giáo là người Việt có một số phát âm lẫn lộn hai chữ „n“ và „l“ này. Cô phá ra cười, lại giọng cười khanh khách, và cô kể mẹ nghe – đương nhiên là bằng tiếng Anh vì vốn liếng tiếng Đức của mẹ chỉ đủ để „cầu xập“ – cô cũng có dạy tiếng Đức cho người Tàu, họ phát âm „e-rờ“ thành „en-lờ, “ tức là „phờ-lu-linh-lô-lờ“ (Frühlingsrolle). Thế là tới phiên mẹ cười. Mẹ không chỉ học tiếng Đức với cô, mẹ còn rèn luyện thêm được Anh văn qua những mẩu chuyện bên lề à la „phờ-lu-linh-lô-lờ“.

Những ngày ở Nazareth là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời xa xứ của mẹ. Mẹ chỉ biết ăn, ngủ và học tiếng Đức. Mỗi bài học đem mẹ gần với quê hương thứ hai này hơn một chút. Mẹ biết cách hỏi “Cái này bán bao nhiêu hở cô?“, biết trả lời mẹ từ đâu đến, biết lịch sự nói câu cám ơn … như người Đức:

– Danke schön, wünsche ich Ihnen auch.

Mẹ rời Nazareth vào một ngày hè nắng rực rỡ rọi vào kính chiếc xe buýt loại dành cho khách du lịch đường dài. Ông Roman trưởng trại, anh Phúc thông dịch viên, cô giáo tiếng Đức và mấy bà nhân viên nhà bếp mập mạp phúc hậu giơ tay vẫy vẫy từ giã. Mẹ thấy lòng mình chợt chùng xuống như vừa bỏ lại sau lưng cái gì đó rất thân quen, dù những người đang vẫy tay kia không ai cùng họ với mẹ cả. Hành trang họ gói cho mẹ mang theo, ngoài số vốn Đức ngữ khiêm nhường, chỉ vỏn vẹn một tấm lòng mà cho đến nay, mẹ vẫn còn giữ mãi.

Nước Đức không có „chùm khế ngọt“. Mà mẹ cũng chưa bao giờ được ăn quả khế nào ngọt cả, toàn khế xanh, chua lè lè. Nhưng mẹ được ăn táo ngọt, lê ngọt, nho ngọt, anh đào ngọt.

Nếu mẹ nói:

Quê hương là chùm táo ngọt
Cho tôi trèo hái mỗi hè …

thì không biết nhà thơ Đỗ Trung Quân có hiểu cho nỗi lòng của kẻ xa xứ này không nhỉ?

Chương I: Mối tình cầu tàu

Trong đoạn hồi ký này mẹ sẽ kể con nghe về mối tình đầu của mẹ. Viết „love story“ phải dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất mới thích hợp, con ạ!


Tôi ở Galang từ tháng 5 đến đầu tháng 11 năm 1980. Đó là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời tôi, vì ngoài một tương lai sáng ngời đang chờ tôi ở nước thứ ba, tại Galang, tôi bắt đầu học làm người lớn!

Như đã viết trong đoạn trước, hằng ngày, nhiệm vụ của tôi là của tôi là làm đầu bếp. Nói cho oai chứ thật ra chỉ việc nấu nồi cơm có hơi vất vả một tí, còn thức ăn thì cứ … đồ hộp khui ra, bỏ vào nồi, hâm nóng lên là xong, vì ở nhà, bà ngoại tôi nấu tất tần tật, mỗi chuyện rửa chén mà tôi khất lần khất lữa, cho đến khi ngoại giận lẫy đòi rửa vì sợ để qua đêm chuột sẽ mò ở dưới cống lên do đánh hơi ngửi thấy mùi đồ ăn, tôi mới đủng đỉnh đi làm phận sự. Xong việc cơm nước, tôi lên khu văn hóa và huấn nghệ học tiếng Anh. Sau này, có cô người Thụy Sĩ dạy tiếng Đức, tôi cũng ghi danh học lớp của cô ấy. Buổi tối, nếu không đi xem ti-vi ở khu công cộng thì tôi về barrack của mình ngủ khoèo, bởi trong barrack không có điện, phải đốt đèn cầy hay đèn dầu. Ban ngày, hôm nào hai ông anh tôi không bận đi thông dịch hay đi cua gái thì hai ổng lại la cà với nhóm bạn quen trên đảo, lúc đàn hát, lúc ra biển tắm, ông nào có bồ hay đang cua cô nào thì dẫn theo cô đó, đôi khi chỉ toàn đực rựa với nhau. Bạn hai ông ấy – anh Sơn, anh Ấn, anh Hùng, anh Cường, anh Tiến v.v. – ai cũng … già hơn tôi rất nhiều. Tôi là đứa bé con, làm tà lọt để mấy ổng sai vặt. Có lẽ vì vậy, không ai gọi tôi bằng tên cúng cơm mà kêu tôi là „bé con“.

Anh Ấn có người bạn cùng học Lasan Taberd là anh Toàn. Anh Toàn hay rủ rê mọi người, trong đó có anh Đức, anh họ tôi, đi ăn uống, ca hát, nhảy nhót. Anh cũng hay cho bạn bè mượn quần áo của mình để „ăng-tô-ny“ đi tán gái, vì so với người tị nạn đa số chỉ sở hữu một, hai bộ đồ thì anh Toàn thuộc loại „công tử“, quần là, áo lượt. Anh Toàn cho anh họ tôi mượn một cái áo sơ-mi vạt bầu, tôi giặt đem phơi, ướm vào thấy mình mặc chỉ bị dài một tí thôi nên lúc áo khô tôi lấy mặc luôn. Cũng nên nói thêm rằng ở đảo, ngoài lương thực được cấp không bị túng thiếu, cái gì cũng là vay mượn, hay được người đi định cư trước để lại cho người chưa đi, như quần áo, giầy dép, nồi niêu, soong chảo v.v. Không bị đòi tức là coi như đã sang nhượng quyền sở hữu.


Vào một buổi tối sáng trăng, tôi chưa ngủ khoèo vì … trăng sáng (ai ở đồng quê hay ở trại tị nạn Galang mới thấm thía câu „sáng trăng sáng cả vườn chè“), anh Toàn lù lù xuất hiện. Tôi chột dạ, vì giờ này là giờ „cảnh sát chìm hành sự“, hai ông anh tôi và đám bạn … già của hai ổng chắc chắn một là đang đi coi ca hát nhạc sống có nhảy đầm, hai là đang đi „thả dê“.

Tôi nghĩ anh đến đòi áo sơ-mi nên giả lả:

– Anh Đức đi với anh Hiệp qua barrack Disco rồi! (Disco là tên lóng gọi cô bồ nhí của ông anh tôi ở Galang)

Anh xua tay:

– Ồ, anh không kiếm hai người đó! Kẹo anh cho bé con đâu rồi?

Anh Toàn thỉnh thoảng hay cho tôi kẹo, chocolate, giống như kiểu người ta thưởng pourboire cho … tà lọt. Tôi không hảo ngọt lắm nên anh cho thì tôi nhận, rồi bỏ vào cái hộp ở đầu giường. Nghe anh hỏi, tôi mang hộp đưa anh. Mở hộp ra thì eo ơi, toàn kiến là kiến. Anh cười, tôi cười theo. Anh kéo tôi ngồi bệt xuống chỗ cái bệ cửa sổ, cả hai phùng mang thổi những con kiến vây quanh các viên kẹo. Rồi anh kể chuyện lung tung, hỏi tôi chuyện lung tung. Hồi đó, tôi có thói quen mút ngón tay cái, những lúc anh kể chuyện lung tung thì tôi ngồi mút tay. Anh nhẹ nhàng:

– Bé con ăn kẹo đi, mút tay giống con nít lắm!

Tôi chu mỏ bướng bỉnh cãi ngay:

– Ăn kẹo sâu răng!

Và càng mút chùn chụt để trêu tức anh.

Trong lúc tôi còn đang chơi cái trò trẻ con ấy không đề phòng thì anh giật tay tôi ra, mắt nhìn thẳng vào mắt tôi. Hôm đó, trăng sáng quá, sáng đến nỗi tôi nhận ra trong ánh mắt anh không phải là sự giận dữ mà một cái gì tôi chưa hề thấy bao giờ. Tim tôi tự nhiên đập loạn xạ, nhưng tôi cứ ngồi thừ ra đấy, không dám rút tay ra. Một hồi sau – có lẽ lúc đó tôi đã bị tê liệt dây thần kinh cảm nhận thời gian nên không còn nhớ „một hồi sau“ là một phút sau, năm phút sau, hay bao lâu sau đó – anh buông tay tôi ra:

– Thôi bé con đi ngủ đi, mai anh sẽ qua đánh thức bé.

Vì chả có phận sự, công việc gì, nên tôi ngủ rất kỹ, sáng „nướng“ rất lâu. Có lần, một thằng ở chung barrack lấy đèn cầy để ở gần gót bàn chân của tôi rồi đốt, hơi nóng của đèn cầy cũng không kéo được tôi ra khỏi giấc ngủ. Nếu không bị ai đánh thức, khi tôi vươn vai ngồi dậy thì mặt trời đã … me mé thái dương, gần sắp tới đỉnh đầu. Còn anh làm việc trên bệnh viện nên phải dậy sớm đúng giờ, làm gì thì tôi không rõ lắm. Đa số người Việt tị nạn ở đây, nếu có chút vốn liếng sinh ngữ – Anh, Pháp gì cũng được – có thể nhận các công việc như anh Thiệu trưởng trại, anh Tế trưởng ban Thông dịch, anh Cường trưởng barrack đảm nhiệm việc phân phát lương thực, nước uống cho đồng hương v.v. và được trả thù lao tượng trưng bằng tiền Rupiah, tương đương khoảng 2 đô-la một tuần. Nhờ anh đánh thức hàng ngày như vậy, tôi có nhiều thời gian „trống“ hơn, tôi chuyên cần học sinh ngữ hơn, có khi còn lên thư viện của trại mượn sách về nghiên cứu thêm văn phạm nữa. Tôi hết làm đứa con nít lêu lổng, lông bông, lang bang cho qua ngày trên đảo, mà nôn nóng chờ chiều xong việc anh về dẫn tôi ra biển. Đường ra biển là con đường mòn, cây cối rậm rạp, tôi dù gan có to như gan bò cũng chẳng dám đi một mình, ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra, biết kêu cứu ai đây? Anh bao giờ cũng đi đằng sau tôi, khác hai ông anh của tôi và đám bạn „già“ của hai ổng te te đi một mạch, chỉ kiểm điểm dân số khi ra đến bãi biển xem có mặt „tà lọt“ hay không. Do đi phía sau nên tôi lỡ trượt chân là anh nhanh tay đỡ được ngay, dép tôi sút ra, rơi xuống suối, anh xắn quần chạy theo vớt lên. Chiều ở biển, hôm nào gió trở lạnh, anh đi gom củi đốt sưởi ấm cho tôi. Hai ông „quyền huynh thế phụ“ của tôi chỉ đứng trên bờ, lâu lâu dõi mắt xem cái đầu của tôi còn nhấp nhô trên mặt nước không, chứ anh bơi rất cừ, tôi ra xa cỡ nào anh cũng theo sát, chỉ khi cảm thấy có thể bị kéo ra khơi do luồng sóng ngầm, anh mới ra dấu bắt tôi bơi ngược trở lại vào bờ. „Con nít hay mút ngón tay cái“ thích đi khám phá những chỗ có dựng bảng cấm „Attention, danger“, anh đi thám hiểm trước, nếu thấy không nguy hiểm lắm thì anh chìu ý hiếu kỳ của tôi. Nhờ anh, tôi biết được cả phía bên kia đảo, không thuộc vùng cư trú của người tị nạn, và vì Galang trước đó là hoang đảo nên những khu đó cũng không có thổ dân sinh sống. Nhờ anh, tôi được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên, đồi núi, hang động, suối thác của một trong những hòn đảo đẹp nhất Đông Nam Á.

Nếu chỉ bao nhiêu đó thì anh chỉ có thể giành giải „quyền huynh thế phụ“ của hai ông anh tôi thôi, chứ không thể nào đoạt giải quán quân „người yêu lý tưởng“ được. Nét chấm phá của những bức tranh sơn thủy ở Galang là những nụ hôn ngọt ngào, những cái ôm nồng cháy. Nhưng hễ tay anh luồn vào trong lưng áo của tôi thì tôi lại giật thót mình, người tự động gồng cứng ngắc như lúc đang nằm trên ghế để nha sĩ khoan chỗ răng sâu mà không chích thuốc tê trước đó. Có lẽ anh thấy tôi hoảng sợ quá độ đâm ra tội nghiệp nên thở dài tiếc nuối rút tay ra, trả lại tôi cái hồn nhiên của đứa con nít còn mút ngón tay cái.

Rồi cũng đến ngày loa phóng thanh xướng tên những người sẽ rời đảo đến Jakarta để chờ lên máy bay đi định cư ở nước thứ ba vào mùng 04.11.1980, trong đó có ba anh em tôi. Tối hôm trước, anh rủ tôi đi uống cà phê ở quán nước mà chưa bao giờ anh dẫn tôi đến đó, anh bảo tôi con nít còn mút ngón tay cái không nên la cà những chỗ dành cho người lớn. Anh kêu cho tôi ly nước ngọt. Tôi bắt đầu tập tễnh uống cà phê khi bị thất tình lần đầu tiên, chẳng qua do cơ thể tôi không tiếp thụ được chất cồn, chỉ cần nhấp một tí là mặt đỏ gay, sáng chói như mặt trời, nên không thể uống rượu để „say cho quên sầu“ được. Đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi cũng bị di truyền cái dị ứng này. Có lần, tại một buổi trình diễn dương cầm, nó uống ly nước cam có pha champagne để mời khách trong khi chờ đợi khai mạc chương trình. Sân khấu vừa mở màn, tôi thấy ở phía trước nhốn nháo cả lên, tưởng là khủng bố gài bom, ai dè con mình bị chất cồn làm xây xẩm, người ta phải khiêng ra ngoài cấp cứu. Từ đó, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi thấy rượu bia là tránh xa. Bị dị ứng chất cồn cũng có lý đấy chứ nhỉ? Trở lại chuyện quán cà phê Galang. Hôm đó, tôi chỉ còn nhớ là quán mở ca khúc „I have a dream“ của Abba:

I have a dream, a song to sing

To help me cope, with anything …

Anh ngồi đó, ly cà phê đen đắng, đen như nỗi buồn người ly hương, đắng như cuộc tình sắp bay xa.

Hôm sau, anh tiễn tôi ra cầu tàu. Sau này, tôi mới biết mình là người tình duy nhất mà anh có mặt lúc nói lời từ giã. Người tình đầu của anh, một cô gái lai Tây, phải đột ngột theo cha về Pháp khi biến cố 1975 xảy ra. Người thứ hai là „cô láng giềng“ – mà sau này cũng là vợ của anh – hai gia đình đi vượt biên cùng vào khoảng thời gian năm 1977, anh bị bắt, cô nàng đi thoát, qua Mỹ, hai người mới tìm lại được nhau.

Tôi tuy thực tập làm người lớn chưa thành, nhưng kể từ hôm đó, tôi đã hiểu tại sao ở Galang người ta hay dùng chữ „mối tình cầu tàu“.


Mười hai năm sau, mẹ vẫn còn „solo“, đang khóc người tình thứ tư lập gia đình, bỏ cuộc chơi, thì Tata Chi kêu mẹ qua Cali làm phù dâu, thay đổi không khí, quên „cuộc tình tàn“. Và mẹ tìm lại được „cố nhân“.


Khi gặp nhau, tay bác ấy không đeo nhẫn cưới, vì vậy mẹ ngỡ anh ta chưa lập gia đình. Do mẹ không hỏi nên bác ấy cũng chẳng khai là „em ơi, ván đã đóng thuyền“ rồi. Về Đức, mẹ gọi điện thoại sang thì một người phụ nữ nhấc máy. Mẹ hỏi cô ta là chị hay em của bác Toàn thì cô ấy trả lời là vợ. Mẹ chưng hửng, chỉ biết tự giới thiệu mình là em của bác Hiệp bạn của bác Toàn ở bên đảo, nhờ cô ấy nhắn lại dùm là bác Hiệp sẽ liên lạc khi đi công tác về.

Ít lâu sau, mẹ nhận được thư bác Toàn, kèm một đĩa CD Album nhạc của ca sĩ Ngọc Lan, „Người tình trăm năm“. Mẹ vừa nghe nhạc, vừa đọc lá thư trần tình của bác Toàn, nước mắt cứ lã chã tuôn.

Trong chuyện tình cảm, đoạn tuyệt không có nghĩa là phủ nhận tất cả những khoảng thời gian tuyệt vời ta đã trải qua. Nếu ước mơ chỉ khiến ta khổ sở, thì có lẽ đã đến lúc ta nên buông bỏ nó. Trong vũ trụ bao la này, một cuộc đời chỉ là chớp mắt – quá ngắn để có thể hàn gắn những vết thương lòng. Nếu ta được cho biết ta chỉ còn một năm để sống, ta có còn theo đuổi một mối tình vô vọng hay không?

Và vì

It hurts to much to hold on to dreams that never come true

mẹ không gặp lại bác Toàn từ lần chia tay thứ hai tại phi trường LAX.


Còn đây là bài thơ „Tiễn em đi“ của mẹ, thay cho lời chia tay cuộc tình đầu. Bài này trong quyển thơ „Tình như cổ tích“ của mẹ, đa số gồm những bài thơ viết cho những cuộc tình đã mất. Còn cuốn „Tình không như cổ tích“ cũng là tập thơ tình, nhưng thuộc thể thơ khôi hài, là phiên bản „đối lập“ của „Tình như cổ tích“.


Tiễn em đi

Tiễn em đi mưa thu buồn ngơ ngác
Nắng thôi cười, mây tháng bảy thôi bay
Tình Ngưu Lang đành dang dở từ đây
Anh ở lại nghe tim ngầm tan vỡ

Tình chẳng trọn cho lòng mang thương nhớ
Duyên không tròn để nức nở hồn anh
Em vô tình hay hạnh phúc mong manh?
Khói thuốc cay đốt lời thề ân ái

Em đi rồi có nhớ người ở lại
Tương Giang đầu anh ngơ ngẩn trông theo
Chữ trăm năm em trả lại bọt bèo
Câu ước hẹn lỡ rồi em có tiếc?

Khóc đi em thay cho lời tiễn biệt
Chuyện chúng mình âu chỉ bấy nhiêu thôi
Giọt lệ sầu nhỏ xuống lúc chia phôi
Vỡ khối tình chàng Trương Chi phận bạc


Con có nhận ra tấm hình Acryl mẹ vẽ và treo trong phòng của con ngày xưa không? Bây giờ, chắc đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của mẹ đã hiểu tại sao mẹ chọn câu „Love means never having to say you’re sorry“ (Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói lời hối tiếc), có nghĩa là nếu hai người thật sự yêu nhau, thì dù có chuyện gì xảy ra, ngay cả phải đoạn tuyệt, chia tay, họ không phải nói với nhau lời xin lỗi, vì họ đã đến với nhau bằng tình yêu đích thực.

Chương I: Thời thơ ấu

Có lẽ, như các em bé sơ sinh khi bắt đầu bước vào „cõi tạm“, mẹ cũng khóc oe oé quấy rầy mấy cô y tá, nữ hộ sinh, tại nhà bảo sanh Đức Chính, nằm trên đường Cao Thắng, số 15 bis (hồi đó, số nhà được đánh dấu theo hệ thống đánh dấu số nhà của Pháp, tức là nếu trên một con đường có hai căn nhà cùng mang một số giống nhau thì nhà thứ 2 sẽ thòng thêm chữ „bis“), đối diện rạp chiếu phim Đại Đồng. Sau này, các em của mẹ – các cô, cậu của con, 2 trai, 3 gái – đều „giáng thế“ tại nhà bảo sanh này. Trong giấy khai sanh ghi mẹ chào đời vào ngày 13 tháng Tư năm 1963, nhằm ngày 20 tháng Ba năm Quý Mão, lúc 17 giờ 25 phút.


Vài hình ảnh của mẹ, chụp lúc mẹ được khoảng 3 tháng rưỡi. Hồi bé, trông con cũng giống mẹ đấy chứ nhỉ?


Không phải chỉ con đầu lòng (là mẹ) mà tất cả các cô, cậu của con, ai cũng được thương yêu đồng đều như nhau, đều có một cuốn sổ tay ghi chép quá trình chăm sóc sức khỏe. Không có những chi tiết này thì mẹ sẽ không thể nhớ là cánh tay phải của mình hơi bị cong do lần té nặng vào ngày 27.05.1973.


Bố của mẹ, ông ngoại của con, Bùi Hồng Hưng, sinh ngày 12.01.1934 tại Thanh Hóa. Ông cố ngoại, bố của ông ngoại, Bùi Khắc Dụng, là địa chủ ở Thanh Hóa, vượt ngục trại tù Lý Bá Sơ, một trại tù ở ngoài Bắc trước kia, chỉ có vào mà không có ra, có lẽ ông cố là người trốn trại thành công duy nhất. Hai cha con vào Nam năm 1955, nghĩa là đến Sài Gòn năm 1956 chứ không được di cư chính thức bằng tàu há mồm. Ông ngoại bắt đầu cuộc sống nơi xứ lạ quê người với hai bàn tay trắng. Ông ngoại tự học, vừa làm, vừa học. Đậu Tú Tài I, Tú Tài II. Lấy vợ, bà ngoại của con, là nhà giáo. Hai vợ chồng đều vừa đi làm, vừa học.

Không biết Ông noi gương Bà, hay Bà noi gương Ông, mà bà ngoại đi dạy 8 năm sau mới thi đậu Tú Tài I (trước năm 1966), hạng Bình Thứ, ban C, gồm các môn chính là văn chương, triết học, sinh ngữ. Và thật đáng nể là 6 năm sau, khi bà ngoại đã 4 con, vẫn đi dạy mà thi nốt Tú Tài II, ban C, kèm theo bằng Proficency của Hội-Việt-Mỹ. Bà ngoại học ban Bổ túc trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn, niên khóa 1955- 1958. Sau khi tốt nghiệp, ngoại dạy tại trường Trung Học Bùi Thị Xuân Đà Lạt hai năm. Nay các học sinh cũ đã lớn, khi đi thi Tú Tài II, ngoại phải nhìn trước nhìn sau, chỉ sợ lỡ gặp phải học sinh của mình, người thì chấm thi, người thì làm giám thị, hoặc cũng đi thi tú tài, thì quê quá!

Còn ông ngoại vẫn vừa học, vừa làm, có năm con mới tốt nghiệp Cử nhân Luật và tiếp tục thực tập Luật sư. Đến năm 1975, ông ngoại chính thức được hành nghề và chuẩn bị khai trương văn phòng Luật sư ở đường Gia Long, ngay trung tâm Sài Gòn, với phần phụ tá dịch thuật Anh ngữ của phu nhân Vũ Thị Đan Thanh, bà ngoại của con, thì biến cố 1975 xảy ra.


Hình ảnh cuối cùng của ông ngoại trong trí nhớ đứa con nít 12 tuổi ngày ấy là một người đàn ông với khuôn mặt đăm chiêu, khi nằm nghỉ thì tay vắt lên trán trông càng ưu tư hơn. Những ngày cận 30.04.1975 cả gia đình qua ở hết bên nhà ông bà cố (ba mẹ của bà ngoại). Năm chị em mỗi đứa giữ một cái cặp mà trong đó có ít lương khô, tiền đô-la (mẹ không nhớ rõ là bao nhiêu, chắc khoảng $20), một tờ giấy ghi tên tuổi, ngày sanh của tất cả các thành viên trong gia đình:

Cha: Bùi Hồng Hưng, 12.01.1934
Mẹ: Vũ Thị Đan Thanh, 16.10.1937
Các con:
– Bùi Thị Tố Hồng, nữ, 13.04.1963
– Bùi Hồng Đức, nam (tên ở nhà là Công), 04.11.1964
– Bùi Hồng Hạnh, nữ, 08.03.1966
– Bùi Hồng Phúc, nữ, (tên ở nhà là Cẩm Tú), 22.05.1968
– Bùi Thị Diễm Quỳnh, nữ, 22.05.1970
cùng với địa chỉ nhà là 372/64 đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn.

Chiều ngày 30.04.1975, ông ngoại dẫn Công (em trai kế mẹ, con gọi là cậu, giống như cậu Giao), Hạnh, Tú, Quỳnh (3 em gái mẹ, con gọi là „cô“ theo lối xưng hô của người Bắc chứ không gọi là „dì“ như người Nam) về nhà ở đường Phan Thanh Giản, mẹ và bà ngoại (lúc ấy đang mang bầu cậu Giao) ở lại bên nhà ông bà cố. Hôm sau, không thấy ông ngoại quay trở về, mẹ cùng bà ngoại về nhà ở đường Phan Thanh Giản thì chỉ thấy một mảnh giấy ông ngoại để lại trên bàn với vài dòng chữ nhắn nhủ đừng lo lắng, sẽ có tin tức sau. Từ đó đến nay, cái tin tức mà ông ngoại hứa hẹn không hề xuất hiện. Mỗi đêm, trước khi ngủ, mẹ luôn lâm râm cầu nguyện ông trời phù hộ cho bố và các em của mẹ. Mẹ không còn nhớ đến khi nào thì mẹ thôi không làm việc ấy nữa. Sau này, mẹ cũng viết thư gởi đi các cơ quan quốc tế như hội Hồng Thập Tự, Caritas v.v. Bất kỳ hội đoàn nào có chương trình tìm người thân mất tích, mẹ đều gởi thư nhắn hỏi.

Vào thập niên 90, kỹ nghệ thông tin (Informationstechnologie) dần dần phát triển, bắt đầu có Email, World Wide Web v.v. mẹ mở rộng „phạm vi tìm kiếm“ bằng cách truy lùng những người có họ Bùi và gởi Email hoặc thư qua đường bưu điện. Có lần, khi mẹ du lịch qua Mỹ, một người bạn ngao ngán nhìn mẹ gởi một đống thư trị giá tổng cộng khoảng 200 đô-la, khi mà cước phí thư nội địa ở Mỹ lúc ấy vỏn vẹn 29 cents. Cũng nên nói thêm rằng số người Việt sống ở Hoa kỳ chiếm trên một nửa dân số Việt kiều trên thế giới, tức là mẹ hi vọng xác suất thành công cũng sẽ cao hơn.

Cho đến một ngày, mẹ nhận được thư trả lời của một người cũng mang họ Bùi (rất tiếc là mẹ đã để lạc mất lá thư này sau nhiều lần dọn nhà). Mẹ còn nhớ mãi câu đầu trong thư của ông ấy: „Tôi thành thật thán phục sự kiên trì của cô đã đi tìm người thân hơn một phần tư thế kỷ …“ Câu này làm mẹ suy nghĩ rất nhiều và đi đến quyết định … „giã từ vũ khí“, thôi không tìm kiếm tin tức bố và các em nữa. Ngạn ngữ Đức có câu „Die Zeit heilt alle Wunden“, thời gian chữa lành mọi vết thương. Nhưng nếu ta tiếp tục chạm vào vết thương, nó không lành hẳn được. Ví dụ khi ta bị một vết dao cắt chảy máu, ta sẽ dùng miếng băng dán phủ lên vết thương. Bằng cách này, chúng ta chấp nhận nó, chăm sóc nó. Lớp băng giúp vết cắt được che chở không bị chạm vào và bị nhiễm bẩn. Dần dần cái đau giảm đi và chúng ta quên nó. Vùng mặt trên của da sau đó được chữa lành.

Tại sao chúng ta không thể làm điều đó một cách dễ dàng với những vết thương tình cảm?

Để vượt qua nỗi đau này ta cũng cần làm như khi bị vết thương dao cắt, tức là chúng ta phải biết chấp nhận, và biết tìm cách chữa lành nó. Liều thuốc chữa lành vết thương lòng chính là khả năng quyết định và ý niệm riêng của mỗi người về việc buông bỏ. Mẹ đã tháo được miếng băng dán phủ trên vết dao cắt, chỉ còn lại nơi đó là vết thẹo nhắc mẹ đã có một người bố hiếu thảo (ông cố ngoại bịnh nằm liệt giường, ông ngoại tắm rửa, đút cơm ăn, dù nhà mình có mướn người giúp việc), nhân hậu (ai khó khăn nhờ vả, ông ngoại đều giúp đỡ, thân chủ nghèo không trả nổi tiền thù lao luật sư, ông ngoại cãi miễn phí) và kiên trì nhất trên đời này, cũng như nhắc mẹ đã có 4 người em đáng nhớ nhất trên đời này.

Chụp ngày 16.02.1975