Hoa của tuổi thơ, hoa của kỷ niệm

    Những năm đầu đặt chân lên quê hương thứ hai Canada (1983), tôi thường lái xe chở ba má tôi đi dạo phố phường, mùa xuân ngắm hoa uất kim hương (tulip), mùa hè đi thăm các vườn ươm cây, mùa thu ngắm lá vàng trong các công viên và mùa đông vào trung tâm thành phố xem thành phố trang trí hoa đèn cho lễ Giáng Sinh.

    Một lần vào cuối tháng 5 năm 1985, chúng tôi ba người đi dạo trong công viên bên bờ hồ Dows của thủ đô Ottawa.  Nơi đây hằng năm vào cuối tháng 5 có lễ hội hoa uất kim hương, bắt nguồn từ lòng tri ân của nữ hoàng Hòa Lan Juliana đối với Canada đã cưu mang gia đình hoàng gia suốt mấy năm Thế Chiến Thứ Hai và nhất là quân đội Canada hy sinh xương máu giải phóng Hòa Lan từ Đức Quốc Xã.

    Đi bộ được một lúc ba má tôi ngồi nghỉ chân trên một băng ghế đá.  Băng ghế gần đó có hai ông bà cụ người Pháp, tóc hạc da mồi vừa ngồi nghỉ mệt vừa nghe nhạc Pháp từ trong cái máy radio-cassette Walkman.  Cụ ông từ chiếc ghế bên cạnh nói vọng sang ba tôi, bằng tiếng Anh pha giọng Pháp, hỏi âm thanh có làm phiền ba má tôi không? Ba tôi vui vẻ đáp lời bằng tiếng Pháp, không phiền, trái lại ba tôi rất thích nghe nhạc Pháp.  Thấy ba tôi biết nói tiếng Pháp, hai ông bà cụ nhích lại gần cạnh ba má tôi, bắt tay và tự giới thiệu cụ ông là Pierre và cụ bà là Marie.  Cả hai cụ lúc đó đã 77 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, cử chỉ nhanh nhẹn, thái độ thân mật ngay từ lúc bắt đầu cuộc đàm thoại.     

tulip        Vốn liếng tiếng Pháp của tôi chẳng có bao nhiêu, nghe thì đì đùng nói thì lạch cạch cho nên im lặng nghe các cụ trò chuyện với nhau.  Được một lúc, hai cụ Pierre và Marie chợt im lặng khi nghe trong băng cassette ca sĩ Nana Mouskouri hát bài ‘Chèvrefeuille que tu es loin’.  Cụ bà lại hát theo nho nhỏ, rồi quay lại bài hát nghe lần nữa, tầm mắt mơ màng nhìn khoảng trời xa.  Nghe xong cụ Marie âu yếm nhìn chồng cười và nói: ‘C’est magnifique!’ (that’s magnificent, wonderful-tuyệt vời).  Cụ Pierre đáp lời cụ bà: ‘A oui, c’est toujours belle!’ (yes, always good-nghe lúc nào cũng hay) sau đó quay sang ba má tôi và bắt đầu giải thích vì sau cả hai vợ chồng đều thích bài hát này.  Đó là một câu chuyện tình tuyệt đẹp mà hai cụ Pierre và Martie bỏ ra suốt mấy giờ đồng hồ để kể cho ba má tôi nghe.  Và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết về hoa chèvrefeuille, hoa kim ngân, một thời là ‘hoa của tuổi thơ’ (fleur de l’enfance) và ‘hoa của kỷ niệm’ (fleur des mémoires).

    Hai cụ Pierre và Marie sinh năm 1908 ở một làng quê nằm về phía Bắc xứ Provence gần Côtes du Rhône, phía Đông Nam nước Pháp.  Khu vực Provence-Côtes du Rhône này có địa lý lịch sử và văn hóa pha trộn Pháp và Ý, trước Bordeaux trăm năm từng là nơi sản xuất những loại rượu vang đỏ và trắng ngon nhất nhì châu Âu như Grenache noir, Viognier, Muscardin, Terret noir, Roussanne… vùng này cũng là nơi trồng hoa oải hương (lavandre-lavender) lớn nhất nước Pháp.

   cotedurohne       Từ bé hai cụ ở cùng trên một con đường làng, đi học cùng trường lớp.  Năm các cụ 6 tuổi (1914), Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, xứ Provence tuy nằm xa vùng giao tranh Alsace nhưng các thành phố lớn như Avignon và Marseille vẫn bị máy bay hai tầng cánh của Đức ném bom thường xuyên.  Trong suốt bốn năm thế chiến, trai tráng trong làng của hai cụ cũng như xứ Provence tòng quân nhập ngũ, một số không bao giờ trở về, một số trở về mất mát tứ chi, một số bị hội chứng động kinh ‘Shell Shock’ do nghe pháo bom suốt ngày (PTSD-post traumatique stress disdorder) mà vào thời đó được gọi nôm na là ‘World War I Shellshock Symptoms’ và một số mang về quê hương vi khuẩn ‘cúm chiến hào’ (trench  flu, trench fever) để rồi phát tán toàn châu Âu thành đại dịch Cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu) và cướp đi 50 triệu sinh mạng toàn cầu.

    Chưa đầy 10 tuổi hai cụ đã nhìn thấy hậu quả do chiến tranh gây ra.  Một năm sau khi chiến tranh chấm dứt, vùng thung lũng sông Rhône và xứ Provence bắt đầu công cuộc tái thiết xứ sở, cố quên đi dĩ vãng đau buồn.  Người dân Pháp một lần nữa được hưởng cuộc sống thanh bình. Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt vào năm 1918, hai cụ được 10 tuổi và bắt đầu để ý nhau.  Cuộc sống bình dị ở vùng đồng quê khiến cho dân làng trở nên thân thiết và gắn bó với nhau hơn.  Suốt 5 năm tiểu học hai cụ đi bộ đến trường làng và trở về nhà trên cùng con đường đầy giàn hoa kim ngân bò lan trên các hàng rào gỗ và các bờ tường đá.  Sang trung học, hai cụ cùng học ở trường lớn xa hơn trường làng và ngày ngày đèo nhau trên xe đạp đến trường.  Từ trong lớp học nhìn ra ngoài cửa sổ là một mảng vườn hẹp chẳng có trồng hoa gì đặc biệt, một đám cỏ dại, vài lùm cây trắc bá diệp và giàn hoa kim ngân mọc chi chít trên hàng rào.  Khi ở Việt Nam hoa phượng nở đỏ rực vào cuối tháng 5 thì ở bên châu Âu cây kim ngân bắt đầu trổ bông.  Nhìn hoa kim ngân nở học sinh biết là sắp đến mùa bãi trường, hè đã tới rồi!

    Vào mùa hè các cô cậu thường tụ họp ở trường làng, bồn nước, nhà thờ hay đầu chợ rồi kéo nhau đi ra bờ sông câu cá, rong chơi trên các cánh đồng hoa oải hương hay vào rừng chơi trò trốn tìm.  Một số đông con nít phụ cha mẹ chúng những công việc lặt vặt trong các tiệm buôn hay nông trang.  Nông trang gồm những trại chăn nuôi gia súc và gia cầm để sản xuất lương thực như thịt, trứng, bơ, sữa, phô-mai (fromage, cheese), những trại trồng rau cải, hoa màu và nhiều nhất vẫn là các vườn trồng hoa oải hương để làm mỹ phẩm và vườn trồng nho để sản xuất rượu vang.

provence       Provence là vùng trồng hoa oải hương và nho nổi tiếng thế giới từ bao thế kỷ cho nên các cô cậu trong làng của hai cụ đa số làm việc hè ở các trang trại sản xuất rượu vang.  Hồi ức của hai cụ vẫn còn rõ ràng là những ngày hè êm ả ở vùng quê xứ Provence nơi hai cụ sinh trưởng, lớn lên, kết hôn và xây dựng gia đình.  Mỗi người ở đây đều ôm ấp các chuyện đời đẹp như chuyện cổ tích.

    Vào sáng sớm bọn trẻ trong làng tập trung ở bồn nước đầu làng trước cửa tiệm bánh mì, hay bồn nước trước cửa nhà thờ làng, xe buýt của thị xã sẽ chở khách đi vào Avignon hay Aix-en-Provence và trở về, một ngày chỉ có hai chuyến.  Ngang qua nông trại, xe buýt thả công nhân làm việc ở đó rồi đi tiếp vào thành phố.  Các cô cậu muốn tiết kiệm tiền xe buýt thì đi xe đạp hay quá giang các xe tải camioncamionnette của các hãng xe Peugeot, RenaultBerliet.

pegeat     Các chuyến xe tải phân phó hàng hóa như sữa, rau cải, gà vịt, rượu vang, bột mì… giữa các làng lân cận, đến Avignon và Aix-en-Provence cũng như Nice và San Remo ngay sát biên giới Pháp-Ý.  Hai cụ Pierre và Marie còn nhớ rõ những ngày hè cùng các bạn đồng lứa ngồi ngất ngưởng trên thùng xe tải, ca hát reo hò vui vẻ cho đến khi xe dừng trước trang trại.  Buổi chiều các cô cậu lại quá giang trên các chuyến xe tải khác trở về làng của mình.

    autos      Ở xứ Côtes du Rhône người ta thường ngửi được mùi nho chín và mùi rượu vang phảng phất trong không gian khi đi ngang vườn nho và xưởng rượu.  Ở vùng Provence dân quê vừa trồng nho vừa trồng hoa oải hương cho nên người ta luôn ngửi được mùi thơm từ cả hai thứ hoa quả này quyện vào nhau và bay lan man trong gió.  Không, còn có một mùi hương mà dân quê Côté du Rhône, Provence cũng như ở khắp đồng quê nước Pháp ai cũng thích, đó là mùi hoa kim ngân.

    Hai cụ Pierre và Marie lúc đó chính thức cặp bồ (dating) với nhau, cùng làm hè ở một trang trại sản xuất rượu nho, kể lại vào buổi chiều sau khi trở về từ trại nho, hai cụ thường đèo nhau trên xe đạp hoặc nắm tay nhau đi bộ trên con đường làng, không gian yên tĩnh, trời trong xanh, nắng hanh vàng, hai bên đường là những giàn hoa kim ngân hai màu trắng vàng hay đỏ cam nở to trong nắng và tỏa hương thơm nhè nhẹ, xa xa là các cánh đồng hoa màu, tất cả tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp và một khoảnh khắc thơ mộng, lãng mạn mà người thời nay không bao giờ cảm nhận được. ‘… và những đôi nhân tình xưa thả hồn dưới mây chiều…’(Đồng Xanh-Lê Hựu Hà)

liebe      Vào ban ngày mùi hoa kim ngân chỉ bay thoang thoảng trong gió.  Mùi hoa trở nên đậm đà hơn từ sau hoàng hôn và về đêm tỏa ngát và lan rất xa.  Vào thời đó dân quê chẳng có phương tiện gì để giải trí ngoài đi xem lễ chiều, đi chợ đêm ở quảng trường, đạp xe loanh quanh trên các con đường làng, tụm năm tụm ba tán dóc trước tiệm tạp hóa hay bên hàng rào, các cô cậu nhỏ rủ nhau đi bắt ếch dưới gầm cầu, lang thang trong rừng, các cô cậu lớn hơn một chút thì ôm đàn guitar ca hát trong sân vườn trong khi các cặp bồ lớn tuổi hơn thì ‘toi et moi’ nắm tay nhau đi dạo hay đạp xe trên các con đường làng, vô hình chung người dân làng ai cũng ngửi được hương thơm của hoa kim ngân ngọt ngào trong không gian.  Hai cụ Pierre và Marie từng cùng chúng bạn đi soi ếch ban đêm và cũng từng tay trong tay đi xem thánh lễ tối, đi dạo trên các vỉa hè lát đá, đi chợ đêm… và dĩ nhiên luôn luôn ngửi được mùi hương quen thuộc của hoa kim ngân.

kinder     Nếu hương hoa hồng nồng nàn, hoa huệ (lily) thanh khiết, hoa linh lan (muguet-de-mai) e lệ, oải hương (lavandre) quyến rũ thì mùi hoa kim ngân đơn thuần như đời sống nơi thôn dã.

    Ngửi mùi hoa kim ngân người thời đó sẽ liên tưởng ngay đến những ngôi làng đẹp như trong các truyện cổ tích, những con đường lát đá yên tĩnh, những bờ tường đá và hàng rào gỗ mọc đầy cây leo, những cây cầu đá rêu phong, khuôn cửa xanh của tiệm tạp hóa kiêm nhà bưu điện ở cuối dốc, hoa kim ngân bò lan trên mái hiên xiêu vẹo, ngôi giáo đường khum khum với mái ngói đỏ, tường vôi trắng, gạch nung loang lổ và tháp chuông bé tí trên đỉnh nóc, chợ làng (farmers’ market) với các xe rau cải quây quần trước quảng trường thị xã, giếng làng với tay bơm bằng đồng cũ kỹ, bồn nước hoen rỉ ở công trường nhà thờ, ga xe lửa xơ xác mốc meo …
dorf

dorf2      Người dân đồng quê xứ Provence cũng như khắp nước Pháp sống an phận với công việc nông gia ngày này qua ngày khác.  Cuộc sống thực sự cũng không buồn chán, vì cứ cách vài tuần lại có một lễ hội hay các hội chợ bày bán các sản phẩm địa phương, luôn luôn có những giàn ngựa quay, xích đu, các quầy ném banh và các chú hề làm trò để thu hút đám con nít.  Đó cũng là dịp các đoàn xiếc hay đoàn ca kịch ‘miệt vườn’ đến lưu diễn tại các làng.  Nhiều đoàn xiếc nhỏ đến độ chỉ có một ông bầu gánh, hai con chó và một con khỉ con nhưng vẫn thu hút khán giả mọi lứa tuổi.  Hai cụ Pierre và Marie và đám bạn bè cùng trang lứa trong làng thường rủ nhau đi xem hội chợ, xem hát ở khắp vùng Provence và cũng có rất nhiều lần bán rượu vang và nước giải khát trong hội chợ làm bằng hoa kim ngân tươi và chanh ngâm trong nước đá.

fest      Hai cụ và đám bạn bè thích nhất là xem phim ở các máy chiếu phim di động.  Vào những năm 1920’s lúc phim ảnh chiếu ở rạp hát chỉ là những ước mơ của người dân ở các làng mạc xa xôi thì người ta sáng chế ra rạp hát bỏ túi và rạp hát lưu động để mọi người nhất là dân nghèo ở làng quê đều có thể xem phim miễn phí hay chỉ tốn vài xu, gọi là máy Kaiserpanorama (Kaiser-Panorama).  Các máy chiếu phim được thiết kế cho 20 đến 28 người xem cùng một lúc và được đặt ở thư viện hay tòa hành chánh thị xã.  Các máy chiếu phim lưu động nhỏ hơn rất nhiều, thường chỉ có 2 tới 4 người xem, và luân phiên đặt trong các hội chợ để phục vụ nhu cầu ghiền xi-nê của mọi lứa tuổi.  Một số máy chiếu phim được lắp đặt ngay trên xe tải, có 4 đến 12 ống dòm, mãn phiên hội chợ chủ ‘rạp hát’ lại lái xe đi hội chợ khác, rất tiện lợi và nhanh chóng.         

kaiser      Vài năm sau từng cặp từng cặp kết hôn.  Hôn lễ của hai cụ cũng như các hôn lễ trong làng không bao giờ thiếu hoa kim ngân.  Bó hoa cô dâu cầm trên tay, vòng hoa trên đầu của các phù dâu, bé gái thiên thần hoa (bouquetière, flower girls),  hoa rải trên lối đi, hoa trên bàn các thánh, hoa trang trí trong sảnh đường của tiệc cưới tất đều được kết nối hay tổ điểm bằng hoa kim ngân.

hochzeit     Cụ Marie kể lúc vợ chồng cụ thành hôn, gia tài của hai cụ chỉ có hai chiếc xe đạp cũ kỹ và một chú chó BergerAllemand (German Shepherd) dễ thương.  Ba năm sau vợ chồng son sắm được một căn nhà nhỏ ở cuối dốc đường làng, hai bên có hoa oải hương mọc chen lẫn với hoa kim ngân, chung quanh nhà luôn luôn thoảng hương thơm của hoa trong gió, nhất là vào ban đêm.  Vào mùa hè lũ trẻ con kéo nhau ra cánh đồng hoa oải hương hay vào cánh rừng thưa gần nhà hai cụ chơi trốn tìm.  Lúc trở về chúng thường mang hoa kim ngân cho cụ Marie cắm vào bình vì biết cụ thích hoa kim ngân.  Các bé gái hái thật nhiều hoa kim ngân cho cụ Marie nấu canh truyền thống và làm rau trộn.  Chúng mang thật nhiều bao bố đựng hoa kim ngân vàng cho cụ Marie làm mật kim ngân (honeysuckle jelly).  Mùa thu lũ trẻ con hái thật nhiều trái kim ngân tím (honeyberries)cho cụ Marie làm mứt, làm bánh pie và bánh crepe.  Các con của hai cụ cùng vui đùa với lũ trẻ trong làng, lập lại tất cả những gì ngày xưa hai cụ Pierre-Marie và chúng bạn từng làm thuở bé.

    Cuộc sống an bình của dân miền đồng quê xứ Provence kéo dài được 20 năm.

fieden      getränk      Chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy đến, mùa hè năm 1940 quân Đức dũng mãnh đánh chiếm một nửa miền Bắc của nước Pháp.  Một nửa miền Nam là Vichy France, một chính phủ thân Đức của thống chế Pétain.  Kháng chiến quân Pháp (La Résistance, French Resistance) lấy Toulouse làm thủ đô kháng chiến, thường tập trung và tung ra các nhóm quân du kích chặn đánh quân Đức.  Các trận giao tranh dữ dội ở phía tây Langedoc-Toulouse khiến quân Đức tức giận.  Không quân Đức dội bom khắp nơi với mục đích triệt hạ nền kinh tế của Vichy France.  Miền đồng quê Provence và các làng mạc thung lũng sông Rhône bị các trận oanh tạc thường xuyên khiến dân làng bỏ chạy tứ tán.  Vichy France rơi vào cảnh khan hiếm lương thực.  Quân kháng chiến Pháp và thường dân tử thương ngày càng nhiều, mãi cho đến tháng 6 năm 1944 quân đội đồng minh Mỹ-Anh-Canada đổ bộ Normandy, giải phóng nước Pháp và lật ngược thế cờ của Pháp và châu Âu.

  briefparis2paris     Hai cụ lúc đó đã thành vợ chồng (32 tuổi), có 5 đứa con, đang làm chủ một tiệm tạp hóa nhỏ phải bồng bế nhau rời làng đi lánh nạn ở xứ Langedoc-Toulouse, nơi bị thiệt hại nhẹ nhất tuy lương thực vẫn bị thiếu hụt.  Hai cụ vào làm việc ở một công xưởng sản xuất vũ khí ở ngoại ô Toulouse, công việc rất nặng nhưng hai cụ vẫn vui vẻ chấp nhận như là để bày tỏ lòng ái quốc.  Cụ Pierre thường xung phong lái xe tải chở quân dụng và vũ khí ra tiền tuyến trong khi cụ Marie đi học thêm một khóa trợ tá cấp tốc và phục vụ thiện nguyện ở các lâu đài cổ hay biệt thự được biến thành bệnh xá tạm thời.  Lâu đài cổ nơi cụ phục vụ cứu thương ở vùng đồng quê cách Toulouse khoảng 20 km, chung quanh lâu đài mọc đầy hoa kim ngân.  Cụ Marie làm việc cùng với một nhóm nữ y tá đến từ bên kia bờ đại Tây Dương, Canada.  Một số nữ y tá Canada xung phong ra chiến tuyến và tử nạn trong khi làm nhiệm vụ, và đó cũng là một trong các lý do khiến hai cụ chọn di dân sang Canada.  Các con của hai cụ tự chiếu cố lẫn nhau trong khi cha mẹ vắng nhà.  Ban đêm hai cụ ngồi bên nhau nghe tin chiến sự qua cái radio mang theo từ quê nhà.

radio      Sinh hoạt thường nhật của gia đình hai cụ cứ diễn ra đều đặn như thế cho đến khi chiến tranh chấm dứt.  Hai cụ mang các con trở về xứ Provence, quê nhà vẫn còn đó, hàng xóm và dân trong thị xã người còn tồn tại người lưu lạc chưa về, các công thự đổ nát và chung quanh các nhà thờ có thêm rất nhiều ngôi mộ mới với thánh giá sơn trắng.  Chính phủ cho hai cụ một số tiền không nhỏ (tiền hồi hương) để giúp gia đình hai cụ tạo dựng cuộc sống mới.  Hai cụ Pierre và Marie lại mở cửa hàng tạp hóa, sắm thêm một chiếc camionnette cũ cho đứa con trai lớn đi lấy hàng và giao hàng đồng thời chở các em đến trường.  Vào những ngày hè cuối tuần, cụ Pierre đưa gia đình đi thăm các thành phố lớn ở miền nam như Marseille, Toulon, La Ciotat, Bandol và những làng chài cổ kính ven biển.  Nhìn thấy các nghĩa trang bên cạnh ngôi giáo đường trông ra biển, hai cụ Pierre và Marie từng ước mơ được chôn cất ở đây, để ngày ngày ngắm biển Địa Trung Hải tuyệt đẹp, lắng nghe tiếng sóng biển, tiếng chim hải âu và tiếng chuông giáo đường như là bài hát ru trẻ (berceuse, lullaby) không bao giờ dứt.

kirche      Tháng 6 năm 1968, nữ ca sĩ Hy Lạp Nana Mouskouri lần đầu tiên hát bài ‘Chèvrefeuille que tu es loin’ (Pierre Delanoë viết lời Pháp) trên radio thì hai cụ Pierre và Marie vừa tròn 60 tuổi.  Với giọng rất là đồng quê và buồn xa vắng Nana Mouskouri đã làm rung động thính giả qua chuyện tình buồn của một cặp uyên ương trẻ.  Thay vì dùng một dàn nhạc đại hợp xướng để đệm cho ca sĩ hát như các nhạc sĩ Việt Nam thường làm, Pierre Delanoë chỉ dùng một cây đàn guitar để đệm cho Nana Mouskouri.  Những người còn sống sau đại chiến khi nghe tiếng đàn guitar đệm ở phần nền khiến họ hồi tưởng lại chính mình và những chàng trai trẻ trong làng đàn và hát trong các lễ hội địa phương, đàn cho người yêu nghe hay đàn cho đồng đội ở ngoài chiến tuyến giải sầu.  Họ viết thơ gởi lên báo kể về chuyện tình của họ và của thân nhân của họ, về những nỗi niềm đau mà châu Âu bỏ lại sau lưng từ hơn hai mươi năm trước.

nana      Bài hát này như là quà sinh nhật 60 tuổi cho hai cụ, vừa lúc hoa kim ngân nở rộ khắp châu Âu.  Hai cụ bùi ngùi nhớ tới bạn bè của hai cụ và các trai làng xứ Provence lục tục đi lính mỗi năm khi mùa hè đến.  Những mùa hè sau chỉ có vài người trở về mất mát tứ chi, mặt mày biến dạng hay nói năng khật khùng do tác động của hội chứng động kinh ‘Shellshock Symptoms’.  Hai cụ may mắn được sống bên nhau cho đến bây giờ, trong khi những thanh niên kém may mắn vĩnh viễn ra đi giống như số mệnh của chàng trai trẻ trong bài hát và cũng kém may mắn không nghe được bài hát mà Pierre Delanoë chủ ý viết về họ, những anh hùng vô danh của tổ quốc.  Trong bài hát có đoạn cậu trai hỏi người yêu tìm cho cậu một mảnh đất gần bờ biển, cạnh ngôi giáo đường và táng cậu nơi đó, nơi an nghỉ cuối cùng để hằng ngày tiếng hải âu, tiếng sống biển và tiếng chuông giáo đường nguyện hồn cậu.  Hai cụ thích nhất đoạn hát này vì đó chính là ước mơ của hai cụ. …

Veux-tu me trouver un arpent de terre (Tìm một mảnh đất cho tôi, nàng ơi)

Chèvrefeuille que tu es loin                       (Giàn thiên lý đã xa mãi nghìn xanh)

Tout près de l’église au bord de la mer    (Miếng đất ngay bên giáo đường ven biển)

Pour chanter mon dernier refrain           (để tôi nghe lời ru của biển ở nơi tôi an giấc lần cuối cùng)

  (‘Chèvrefeuille que tu es loin’, lời Việt ‘Giàn thiên lý đã xa’, đoạn 3)

    Sau khi di dân sang Canada, hai cụ trở về xứ Provence đôi lần, đi thăm các ngôi làng cổ, các nông trang trồng nho và hoa oải hương mà hai cụ và chúng bạn từng làm việc hè, các nhà thờ làng, thành phố Aix en Provence, Avignon, Toulon, Marseille và các thành phố ven biển, đi tìm lại những giàn hoa kim ngân mọc trên hàng rào và các con đường làng cũ, và một lần đi thăm nghĩa trang của liên quân Mỹ-Anh-Canada ở Normandy, miền Bắc nước Pháp, nơi họ đổ bộ và hy sinh vào ngày 6 tháng 6 năm 1944.  Khi trở về Canada cụ Marie thường mang về từ quê nhà mứt tím làm từ trái kim ngân và vài chai nước hoa mùi chèvrefeuille, lâu lâu cụ thoa lên cổ tay để ngửi và tưởng nhớ lại tuổi thơ của hai vợ chồng.  Pauvre vieille Marie qui pense au pays, tội nghiệp cụ Marie, cứ nhớ thương mãi quê nhà…     

    Không riêng gì người Pháp, dân châu Âu đều nghĩ đến những người thân đã hy sinh trong hai cuộc thế chiến.  Mỗi người dân châu Âu có một loài hoa mà họ yêu thích, nhưng sau khi nghe bài hát ‘Chèvrefeuille que tu es loin’, họ bàng hoàng nhớ lại tuổi thơ của họ và chợt nhận ra kim ngân mới là loài hoa đã đi vào tâm hồn của họ từ lúc mới sinh ra.  Họ từng chơi đùa bên bạn bè, ngửi hoa, ăn trái, ép hoa kim ngân vào tập vở, kết vòng hoa trên đầu, cắm hoa lên bàn thờ các thánh… mà nay bạn bè của họ không còn nữa.  Hoa kim ngân không chỉ là hoa của người dân miền thôn dã, mà còn là ‘hoa của tuổi thơ’ (fleur de l’enfance) và ‘hoa của kỷ niệm’ (fleur des mémoires).

memoire      Qua sự bảo lãnh của một vị cựu y tá từng sang Pháp và làm việc với cụ Marie ở lâu đài cổ năm xưa, năm 1970 ở tuổi 62 vừa lúc về hưu hai cụ Pierre và Marie lại theo các con di dân sang Canada, ở thủ đô Ottawa và bắt đầu cuộc đời mới với số tiền dành dụm ở quê nhà.  Dù vĩnh viễn xa lìa cố hương nhưng hai cụ Pierre và Marie vẫn luôn hướng lòng về quê nhà xưa ở Provence và vẫn thường nghe đi nghe lại bài hát ‘chèvrefeuile que tu es loin’, bài hát luôn gợi nhớ về khung trời kỷ niệm của hai cụ… ‘Pauvre vieux couple qui pensent au pays, chèvrefeuille que tu es loin…’, tội nghiệp đôi vợ chồng già cứ nhớ thương mãi quê nhà, giàn kim ngân đã mãi xa rồi…

    Sau khi kể chuyện xong, cụ Pierre ngắm cánh đồng hoa uất kim hương rồi nói với ba tôi: ngày nay nước Canada và các cựu chiến binh may mắn vẫn còn được dân chúng Hòa Lan tri ân, trong khi quân đội đồng minh Mỹ-Anh gian khổ giải phóng châu Âu, Bắc Phi và châu Á thì chẳng còn ai muốn nhớ.  Di dân tràn ngập châu Âu, không ngớt thóa mạ nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam.  Họ không nhớ hay không muốn nhớ nếu không có nước Mỹ dẫn dắt quân đội đồng minh bao thầu 3 mặt trận chịu tổn thất lớn lao và vất vả chiến thắng phe trục, họ không hề có cơ hội đặt chân lên nước Pháp và châu Âu để hưởng cuộc sống sung sướng hơn nơi họ sinh ra.

    Hai cụ nói rằng hai cụ luôn luôn ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ liên quân Mỹ-Anh-Canada đã đổ máu, mồ hôi và nước mắt để giải phóng nước Pháp và châu Âu, và các bác sĩ y tá người Canadiens đã xả thân cứu sống rất nhiều lính và thường dân Pháp suốt mấy năm chiến tranh.

Cụ Marie không biết tiếng Anh nhiều, trước khi từ giã quay sang cầm tay má tôi và tôi, cụ nghiêm trang nói: Quand vous buvez de l’eau, pensez à sa source’ (when you drink water, think of its source-tục ngữ Việt Nam: uống nước nhớ nguồn).

Tháng 6 hoa kim ngân nở rộ ở khắp châu Âu và châu Mỹ, nhắc nhở mọi người trên hai châu lục sự kiện lịch sử June 6-1944 đã thay đổi vận mệnh thế giới với máu, mồ hôi và nước mắt của gần 160,000 chiến sĩ của quân đội đồng minh Mỹ-Anh-Canada.  Người dân Pháp ngày nay chẳng còn ai nhớ hay muốn nhớ đến ngày 6 tháng 6 và những nấm mồ trông ra biển của những anh hùng vượt đại dương giải phóng nước Pháp và châu Âu…

cementery3      Tôi may mắn được gặp hai cụ Pierre và Marie để được nghe hai cụ kể chuyện xưa, một mối tình đồng quê tuyệt đẹp, để được biết đến thiên tài văn chương và âm nhạc người Pháp Pierre Delanoë và để biết được ý nghĩa thật sự của bài hát ‘Chèvrefeuille que tu es loin’, một thiên tình ca thời chiến mà đã làm xúc động hàng chục triệu người dân châu Âu hơn 20 năm sau Thế Chiến Thứ Hai.  Thời gian xóa mờ tất cả, những người dân châu Âu của thế kỷ trước dần dần ra đi, bài hát vang bóng một thời cũng dần dần chìm vào quên lãng, chẳng còn ai biết đến hoa kim ngân và huyền thoại của nó, giống như số phận của chàng trai đáng thương trong bài hát:     

    … Pauvre garçon que l’amour oublie (tội nghiệp cho thằng bé chẳng còn ai thương nhớ)          

    Un peu plus à chaque matin (tình yêu dần quên lãng theo thời gian).

hang rao

Ottawa, 6 tháng 6, 2021

Lê Anh Dũng

altes paar

Hinterlasse einen Kommentar